Mới đây, John Tyson– chủ tịch của Tyson Foods, công ty sản xuất thịt lớn nhất nước Mỹ, cho biết: "Chuỗi cung ứng thực phẩm đang đứt gãy."
Dịch bệnh đang khiến một số cơ sở giết mổ lớn nhất Mỹ - nơi có hàng chục nghìn con được chế biến hàng ngày, phải đóng cửa. Khi các nhà máy ngừng hoạt động, các nhà sản xuất không còn nơi nào để bán các loại gia súc, gia cầm, khiến họ buộc phải tiêu huỷ. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ Mỹ đang thiết lập một trung tâm nhỏ, hỗ trợ nông dân thực hiện các phương pháp xử lý và giúp họ tìm kiếm thị trường khác.
Tyson chia sẻ trong bài đăng trên trang web của công ty: "Hàng triệu kg thịt sẽ biến mất khi các nhà máy đóng cửa. Ngoài tình trạng thiếu thịt, đây sẽ là vấn đề lãng phí thực phẩm cực kỳ nghiêm trọng. Nông dân trên toàn quốc không còn nơi nào để bán ra các loại gia súc, gia cầm để được chế biến, trong khi số lượng đó đủ để cung cấp cho cả nước. Hàng triệu con gà, lợn và gia súc sẽ bị tiêu huỷ."
Những bình luận của ông đã nhắc lại lời cảnh báo của Smithfield Foods– nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, và JBS rằng người tiêu dùng sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt. Công suất sản xuất thịt lợn ở Mỹ đã giảm hơn 1/3, JBS cũng cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất thịt bò ở Wisconsin. Trong khi đó, Brazil – quốc gia xuất khẩu thịt lợn và thịt bò lớn nhất thế giới, cũng chứng khiến nhà máy chế biến gia cầm đầu tiên đóng cửa. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Canada.
Giá thịt lợn và thịt bò tại Mỹ khi một loạt nhà máy đóng cửa.
Dù hàng trăm nhà máy ở châu Mỹ vẫn đang hoạt động, thì tình trạng gián đoạn nguồn cung đang xảy ra là điều đáng báo động. Mỹ, Brazil và Canada chiếm khoảng 65% lượng xuất khẩu thịt trên thế giới.
Do nguồn cung bị gián đoạn, giá thịt ở Mỹ đang tăng mạnh, giá bán buôn thịt bò tăng lên mức kỷ lục, trong khi giá thịt lợn bán buôn tăng 30% vào tuần trước. Jersey Mike’s Franchise Systems– vận hành 1.750 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, đang hợp tác với công ty sản xuất jambon Clemens Food Group để đảm bảo nguồn cung thịt lợn. CEO của công ty cho biết: "Chúng tôi đang đưa ra kế hoạch dự phòng bởi nhận thấy nguồn cung sẽ sụt giảm."
Tình trạng nhà máy ở Mỹ đóng cửa một loạt diễn ra vào đúng thời điểm nguồn cung toàn cầu đã ở ở trạng thái thiếu hụt. Trung Quốc – nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, đã gặp khó khăn với dịch tả lợn khiến hàng triệu con bị tiêu huỷ. Hơn nữa, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến một số công ty sản xuất, khiến họ buộc phảm cắt giảm sản lượng vì nhiều nhà hàng trên khắp thế giới đóng cửa.
Trong khi đó, các nhà máy cũng phải đối mặt với rủi ro nếu nhân viên bị ốm, thậm chí là nhiễm Covid-19. Trước đó, đã có thông tin rằng một nhà máy chế biến thịt gà lớn ở Mỹ đã phải tiêu huỷ 2 triệu con hồi đầu tháng do thiếu nhân sự làm việc. Một số nhà máy sản xuất thịt lợn ở Bắc Mỹ, Canada cũng phải tiêu huỷ hàng nghìn con lợn trong tuần này.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sẽ thành lập một "trung tâm điều phối" nhằm hỗ trợ các nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm chịu ảnh hưởng do các nhà máy chế biến đóng cửa, giúp họ tìm kiếm thị trường có tiềm năng thay thế khác.