Ngày 5-5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 (gọi tắt là dự án luật). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) khóa XIII Nguyễn Đình Quyền tiếc nuối khi nói về quá trình sửa đổi BLHS 1999: “Nếu còn những vấn đề quá khác biệt thì nên giữ nguyên quy định BLHS 1999”.
Hình phạt không phải là cứu cánh
Là người trực tiếp tham gia xây dựng BLHS 2015 nên ông Quyền tâm sự nhiều vấn đề tâm huyết: “Khi còn ở Ủy ban Tư pháp, tôi từng nói rằng BLHS 1999 sai đến đâu sửa đến đấy. Nhưng cuối cùng bộ luật lại bị dỡ tung ra để sửa và chúng ta đã phải trả giá”. Ông Quyền tiếp: “Vừa rồi có kỳ kiểm điểm về những sai sót trong BLHS 2015, tuy phải làm nhưng tôi không kiểm điểm gì. Vì với tư cách là đại biểu QH, tôi đã bấm nút không thông qua; với tư cách là phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tôi đã phản đối từ đầu đến cuối…”.
Với dự án BLHS 2015, ông Quyền cho rằng vấn đề khó nhất là định lượng. Ông nói: “Rất nhiều vấn đề các bộ, ngành vẫn cãi nhau. Tôi cho rằng cứ giữ lại quy định cũ, vì nó đang vận hành không có vấn đề gì”.
Bởi lẽ theo ông Quyền, việc sửa quá nhiều điều luật thực chất là sửa chính sách hình sự và đôi khi lại phát sinh mâu thuẫn giữa các điều luật với nhau. “Khi làm BLHS 1999 thì nạn ma túy đang nhức nhối. Chúng ta đẩy khung hình phạt lên mức cao nhất và thực tế xét xử đã có những vụ tòa tuyên 9-10 án tử hình nhưng ma túy không giảm. Cho nên hình phạt không phải là cứu cánh. BLHS lần này sửa phải tuân theo nguyên tắc đó” - ông Quyền nhận định.
Đồng tình, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa XIII, cho rằng tính nghiêm khắc trong luật không phải lúc nào cũng hiệu quả. Không phải cứ trừng phạt nghiêm khắc mà cái chính là hành vi phạm tội phải được phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh.
Dự án luật lần này bổ sung thêm một số tội như kinh doanh đa cấp trái phép, tài trợ khủng bố, rửa tiền. “Chính sách hình sự không phải hành vi nào ta thấy chướng mắt là đưa vào BLHS. Nếu làm luật chạy theo cái này, không thẩm định, cứ theo ý chí chủ quan thì không thống nhất được pháp luật và hiệu lực pháp luật không cao” - ông Lý nói.
Theo GS Trần Ngọc Đường, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), tội kinh doanh đa cấp trái phép mới được bổ sung vào dự án luật chứ không có trong BLHS 2015. Mặc dù thời gian qua việc kinh doanh đa cấp trái phép gây ra thiệt hại cho nhiều người nhưng vẫn có thể xử lý được bằng hình sự về tội lừa đảo, cho nên không nên bổ sung tội này. Mặt khác, về lý thuyết xây dựng luật, muốn đưa một tội danh nào vào BLHS thì cần phải tổng kết thực tiễn, phải đánh giá tác động của chính sách hình sự này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tính kỹ nhóm tội xâm hại tình dục
GS Trần Ngọc Đường nhất trí xử lý hình sự với trẻ em 14-16 tuổi khi phạm tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. BLHS 2015 đã quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản. Nhưng đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với trẻ em phải sử dụng nhiều biện pháp khác như giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự. “Tôi nghĩ nếu sớm bôi đen lý lịch tư pháp của lứa tuổi 14-16 các em khó có điều kiện để phát triển” - GS Đường nói.
Đại biểu QH Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng dự án luật cần phải cụ thể hóa, điều chỉnh một số quan hệ phát sinh để đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đối với nhóm các tội về xâm hại tình dục hiện BLHS 2015 đang mở rộng hành vi phạm tội nhưng chế tài vẫn giữ nguyên khung hình phạt là không phù hợp.
Luật sư Chiến nói: “Tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi thực tế hiện nay đang xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan hệ. Tuy vậy, bộ luật không thể quy định chi tiết sẽ dẫn đến bỏ sót hành vi xâm hại cần trừng trị. Cạnh đó, hiện nay tội phạm ấu dâm, tội dâm ô đồng tính chưa được quy định trong luật, cần bổ sung cho kịp thực tiễn xã hội”.
Bà Nguyễn Thanh Cầm (Trưởng ban Chính sách pháp luật Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phản ánh thực tế các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gái đang có xu hướng gia tăng và đáng báo động. Xâm hại tình dục trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân và gia đình họ. Nhưng vì nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng hòa giải rút đơn. Kết quả là kẻ phạm tội được miễn truy cứu hình sự.
“Nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tôi đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội” - bà Cầm đề xuất.
Đừng ép luật sư phản thân chủ
Điều 19 dự án luật sửa đổi (tội không tố giác tội phạm) quy định luật sư và như người thân thích của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Chiến cho rằng quy định trên sẽ buộc luật sư phải đi tố giác thân chủ. Điều này trái với Luật Luật sư, quy tắc đạo đức của luật sư, xung đột với BLTTHS cũng như ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nghề luật sư. "Nếu luật sư đi tố giác thân chủ chỉ một vụ thôi thì dư luận sẽ thế nào? Luật sư của thân chủ nếu đi tố giác thì sẽ là luật sư phản chủ, trong khi luật sư phải tuân thủ nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của thân chủ" - luật sư Chiến nhấn mạnh.