Giữa tháng 5 vừa qua, đồng Bitcoin đột nhiên tăng giá trở lại một cách mãnh liệt. Chỉ trong vài ngày bắt đầu từ 10/5, giá Bitcoin nhanh chóng tăng lên 6.900 USD, 7.500 USD rồi 8.000 USD. Giá trị một đồng tiền ảo này đã tăng gấp đôi so với mức giá thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây. Nhiều người tin rằng đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đang trải qua quá trình phục hồi. Không ít tin đồn lan truyền nói rằng thị trường tiền điện tử đang có dấu hiệu trẻ hóa trở lại.
Cùng với Bitcoin, một loạt các loại tiền điện tử khác như EOS, ETH, Litecoin và Ripple cũng tăng với biên độ đáng kể, trong khoảng 10%.
Không ít người đã háo hức quay lại đầu tư mà quên đi tình trạng bi thảm khi giá Bitcoin giảm vào năm ngoái. Vậy đâu là lý do thực sự đằng sau đợt tăng giá đột biến này?
1. Khủng hoảng USDT, BTC trở thành nơi trú ẩn an toàn
Nếu nhìn vào biểu đồ tăng giá, không khó để tìm ra rằng thời điểm giá Bitcoin có sự thay đổi lớn có liên quan tới cuộc khủng hoảng USDT.
USDT là một dạng tiền ảo của Tether. Tether hứa hẹn sẽ có 1 USD trong ngân hàng cho mỗi USDT được phát hành. Người dùng có thể chuyển đổi tiền thật sang USDT trên sàn giao dịch. Từ khi ra mắt, USDT trở thành một loại tiền tiêu chuẩn, thậm chí tốt hơn so với Bitcoin với mức giá ổn định. Công ty mẹ của Tether được gọi là iFinex Inc. và ngoại trừ Tether, công ty này cũng điều hành một sàn giao dịch gọi là Bitfinex. Có thể nói, toàn bộ thế giới tiền mã hóa có sự liên kết chặt với Finex Inc.
Tuy nhiên, vào 4h15 chiều ngày 25/4, Tổng chưởng lý Hoa Kỳ tại New York đã đưa Tether và công ty mẹ iFinex Inc. cùng Bitfinex ra tòa. Bản cáo trạng nêu rõ Bitfinex đã chiếm đoạt 850 triệu USD của Tether để lấp vào lỗ hổng tài chính của công ty. Đây được xem là một trong những vụ bê bối tiền điện tử lớn nhất tình từ đầu năm 2019 đến nay,
Đó cũng là lý do khiến nhiều người chuyển tiền đầu tư từ USDT sang Bitcoin, khiến giá của đồng tiền ảo này tăng mạnh. Nhưng đây chỉ là khúc dạo đầu.
2. Khủng hoảng chính trị, thị trường chứng khoán lao dốc
Các yếu tố chính trị từ lâu đã cho thấy nó có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào tới thị trường tiền kỹ thuật số. Theo các chuyên gia, từ góc độ kỹ thuật thì do ảnh hưởng của sự cố USDT, giá Bitcoin sẽ tăng lên tới mốc 6.200 USD sau đó sẽ xuất hiện một đợt bán tháo quy mô lớn.
Tuy nhiên đúng thời điểm này, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra một cách gay gắt. Điều này đã trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Vào ngày 14/5, Nasdaq đạt mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2019. Chỉ số S&P 500 giảm còn 69,53 điểm khi đóng cửa. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm xuống 617,38 điểm, tương đương mất 2,38%.
Do đó ở thời điểm này, Bitcoin bỗng trở thành lựa chọn tốt nhất. Bởi nó có một số thang giá trị tương tự như vàng, thậm chí có thanh khoản tốt hơn vàng. Trên thực tế, tại một số quốc gia và thậm chí các sự kiện chính trị lớn trên thế giới, Bitcoin không cho thấy các thuộc tính của tài sản trú ẩn an toàn.
Trong quá khứ, các sự kiện chính trị lớn trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá Bitcoin. Vào tháng 4/2013, khủng hoảng nợ công của Cộng hòa Síp đã nổ ra khiến Bitcoin tăng vọt từ hơn 30 USD lên 265 USD chỉ trong vài ngày. Tháng 6/2016, Vương quốc Anh tiến hành tách khỏi liên minh châu Âu, giá Bitcoin ngay lập tức tăng từ khoảng 550 USD lên 650 USD.
"Dường như có một mối tương quan giữa tình hình kinh tế chính trị thế giới và sự gia tăng của giá Bitcoin. Rõ ràng, khi một số nhà đầu tư lo lắng, họ đã mua Bitcoin", Lars Seier Christensen, cựu CEO của Saxo Bank, người sáng lập nền tảng blockchain Concordium nói.
3. Thị trường chính thống đã nhận ra tiền ảo có nhiều thuận lợi
Theo quan điểm của một số chuyên gia, kể từ đầu năm nay, thị trường tiền kỹ thuật số đã bước vào giai đoạn phục hồi.
Cuối tháng 1, Boerse Stuttgart, sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai của Đức, tuyên bố rằng họ đã chính thức ra mắt Bison, một ứng dụng giao dịch tiền điện tử. Nó sẽ có sẵn các loại tiền kỹ thuật số như BTC, XRP, ETH và LTC.
Vào tháng 3, theo Bloomberg và New York Times, Facebook đang phát triển một loại tiền điện tử mới có thể được sử dụng cho thanh toán toàn cầu. Đồng thời, nhiều tổ chức Internet và tổ chức tài chính như JP Morgan và Fidelity Investment cũng đang đẩy nhanh việc bố trí các giao dịch lưu ký cho các loại tiền kỹ thuật số ảo.
Tiếp đó vào tháng 5, Kelly Loeffler, Giám đốc điều hành của Bakkt (nền tảng giao dịch tiền điện tử được phát triển bởi công ty mẹ của Intercontinental Exchange), cho biết trên blog cá nhân rằng Bakkt đang "hợp tác chặt chẽ" với Ủy ban hàng hóa và giao dịch tương lai Mỹ (CFTC) để ra mắt hợp đồng tương lai Bitcoin vào mùa hè này.
Tất cả các thông tin trên cho thấy các tổ chức chính thống đang hoàn thiện bố cục của thị trường. Rõ ràng, do sự trưởng thành của công nghệ blockchain, giá trị của các tài sản kỹ thuật số phi tập trung được đại diện bởi Bitcoin ngày càng được công nhận.
Sự thay đổi này đã phần nào xoa dịu mối lo lắng của các nhà đầu tư. Theo một khảo sát gần đây của Fidelity Investments, hơn 50% các nhà đầu tư tại Mỹ hiện tin rằng tài sản kỹ thuật số có thể đóng vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư của họ và 22% trong số này đã đầu tư vào tiền kỹ thuật số.
4. Bốn đợt thăng trầm của Bitcoin
Nhìn lại lịch sử của Bitcoin, đồng tiền ảo này đã chứng kiến bốn đợt tăng giá và bốn lần lao dốc.
Lần thứ nhất vào giữa năm 2011, Bitcoin tăng từ 0,95 USD lên 32 USD chỉ trong 2 tháng. Lần đầu tiên, Bitcoin trở thành một huyền thoại về sự giàu có. Tuy nhiên, một vài ngày sau đó, Bitcoin bắt đầu giảm giá xuống còn dưới 10 USD một tháng sau đó. Tháng 2/2012, Bitcoin đã giảm xuống khoảng 2 USD, tương đương mức giảm 94%.
Một số nhà phân tích nói rằng lý do cho sự sụt giảm là vì không có nhiều người chơi Bitcoin vào thời điểm đó và lượng giao dịch thấp. Một đợt bán tháo lớn có thể dẫn đến sự biến động mạnh về giá của đồng tiền.
Tới năm 2013, Bitcoin lần thứ hai mở ra một hành trình điên rồ. Vào cuối tháng 4, giá Bitcoin đã tăng từ khoảng 20 USD lên 260 USD. So với cuối năm 2011, giá Bitcoin đã tăng thêm 1.000 lần. Lý do của nó là sự khủng hoảng niềm tin vào các tổ chức tài chính truyền thống, gây ra bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở Síp. Sau đó, vào nửa cuối năm 2013, một số quốc gia ở châu Âu đã đưa ra các chính sách thân thiện với Bitcoin. Dòng người đầu tư bắt đầu đổ về.
Ngay sau đó, Bitcoin đã bắt đầu lao dốc lần thứ hai. Chỉ trong vài ngày, nó đã giảm xuống dưới 50 USD và mức thấp nhất là hơn 40 USD. GIảm khoảng 80%. Một số nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm là do phần mềm khai thác Bitcoin đã tạo ra một lỗi nhỏ trong bản cập nhật, khiến Mt.Gox, sàn giao dịch lớn nhất vào thời điểm đó, đình chỉ việc rút Bitcoin và khiến các nhà đầu tư hoảng loạn và bán hết. .
7 tháng sau, vào tháng 12/2013, giá Bitcoin đã lên tới 1.200 USD. Lúc này, những người chơi Bitcoin gần như ngủ cạnh máy tính để có thể nhanh chóng thực hiện các giao dịch mua bán. Ngay lập tức, chính quyền Trung Quốc đã ban hành các chính sách thắt chặt việc giao dịch tiền ảo. Ngay lập tức, giá Bitcoin giảm một nửa, xuổng còn 600 USD chỉ trong một ngày. Kể từ đó, giá Bitcoin liên tục giảm, đến tháng 1/2015, nó ngừng ở mức 150 USD. Đây cũng là lần giảm giá dài nhất, với mức giảm tối đa 87%.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, Bitcoin lại mở ra thời kỳ đỉnh cao của riêng mình. Năm 2016, Bitcoin tạo ra mức tăng đáng kinh ngạc 160%. Vào ngày 5/1/2017, Bitcoin đạt mức giá cao nhất trong lịch sử, tăng lên 1.249 USD một đồng. Trong suốt năm đó, đồng tiền ảo này không ngừng tăng giá. Vào ngày 7/12, Bitcoin phá vỡ mốc 19.000 USD. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của nó. Một số nhà phân tích cho rằng đằng sau vòng xoay lạm phát của Bitcoin này là dòng vốn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Và như mọi lần, Bitcoin lại vấp ngã giống như rơi từ trên vách đá xuống. Bắt đầu từ nửa cuối năm 2018, Bitcoin đã giảm từ mức cao nhất xuống còn 3.200 USD, giá trị thị trường giảm 81% và các đồng tiền khác giảm khoảng 90%.
5. Đừng theo đuổi Bitcoin!
Nhìn lại lịch sử, không khó để thấy rằng sự tăng vọt rồi rớt mạnh đã gần như trở thành chuẩn mực của đồng tiền ảo này. Nhưng điều đó vẫn không ngăn được các quỹ có quy mô lớn xâm nhập thị trường. Theo dữ liệu của CMC, tính đến 11h45 phút ngày 15/5, tổng khối lượng tiền kỹ thuật số toàn cầu giao dịch trong 24 giờ là 107,763 tỷ USD.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn chưa thực sự nóng lên. Các chuyên gia đều cho rằng tâm lý thị trường đã hồi phục tốt, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu chúng có đảo ngược hay không. Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số mới ra đời chỉ mười năm. Nhiều công cụ đánh giá và phân tích chiến lược vẫn chưa thể được thực hiện do thiếu dữ liệu và các thông tin quá mơ hồ.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn tin tưởng nó có khả năng sẽ tăng lên 10.000 USD vào cuối năm nay và dù có giảm sẽ không thấp hơn 6.000 USD. Nhưng ngay cả như vậy, việc đuổi theo con sóng này vẫn cần phải thận trọng.
Bởi tất cả đều liên quan tới công nghệ blockchain đằng sau Bitcoin. Bởi dù có thuộc tính tiền tệ, Bitcoin không được tạo ra để trở thành một công cụ thanh toán. Cụ thể, tốc độ xử lý của mạng Bitcoin sử dụng công nghệ blockchain là khoảng 7 giao dịch mỗi giây. Trong khi đó nếu so sánh, giá trị cao nhất của Alipay đạt 90.000 giao dịch mỗi giây và tốc độ chuyển đổi liên ngân hàng là gần 70.000 giao dịch mỗi giây. Tốc độ chậm của Bitcoin có thể dễ dàng gây ra tình trạng tắc nghẽn mạng nghiêm trọng, khiến cho một số lượng lớn hàng đợi giao dịch nếu sử dụng nó trong các ứng dụng thực tế.
Vấn đề lớn thứ hai là nhiều dự án blockchain nổi tiếng vẫn chỉ dừng ở giai đoạn chứng minh khái niệm. Cái gọi là bằng chứng về khái niệm thực ra là việc các doanh nghiệp phối hợp với nhau để thêm công nghệ blockchain vào một ngữ cảnh nhất định, sau đó chứng minh liệu công nghệ blockchain có thể đạt được hiệu quả ứng dụng hay không. Blockchain là một hệ thống phân tán, được điều khiển bởi nhiều bên. Và rõ ràng, so với mô hình lợi ích hiện khó, các doanh nghiệp khó có thể sớm thay đổi và thúc đẩy công nghệ này phát triển nhanh chóng.
Còn về Bitcoin, các chuyên gia vẫn cho rằng với tầm quan trọng của mình, nó có thể biến thành một mỏ neo cho kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số trong tương lai, là thước đo để xác định các giá trị khác nhau, tương đương với "vàng kỹ thuật số". Nhưng hiện tại, nó hiện giờ vẫn giống như một công cụ để các nhà đầu tư đầu cơ.
Do đó, hãy cẩn thận nếu muốn theo đuổi Bitcoin ở thời điểm này.
Tham khảo Sina