Tính từ đầu dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương có 53 đoàn chi viện với hàng nghìn nhân viên y tế, tình nguyện viên. Tuy nhiên, hiện các đoàn chi viện đã rút về gần hết chỉ còn lại 17 đoàn với số lượng nhân sự khiêm tốn.
Trong khi đó, các cơ quan, đơn vị hành chính công và sự nghiệp ở Bình Dương đã bắt đầu hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường nên khoảng 2.000 tình nguyện viên là cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên quay trở về công sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, cho biết để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, địa phương đang triển khai tập huấn thần tốc cho lực lượng nhân sự tại chỗ để thay thế khi các đoàn chi viện quay trở về nơi làm việc.
Bình Dương lập trạm y tế lưu động trong nhà xưởng doanh nghiệp
“Sinh viên ngành y được đào tạo tại Bình Dương, sau khi tốt nghiệp sẽ được tuyển vào làm việc để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, tập huấn cho tình nguyện viên tại các địa phương, trong đó có F0 khỏi bệnh đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nói.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết thêm, Bình Dương đang sắp xếp, củng cố lại các khu điều trị dã chiến, trả lại nhà xưởng, trường học trước đó trưng dụng để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Theo ông Thao, địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình trạm y tế lưu động. Các nhân sự, dụng cụ y tế ở các khu cách ly, điều trị, bệnh viện dã chiến sẽ được bố trí phục vụ trạm y tế lưu động. Đối với trạm y tế theo mô hình này, nhân viên y tế và dụng cụ chuyên ngành được trang bị đầy đủ như một bệnh viện.
Trạm y tế lưu động được trang bị xe ô tô, thuốc điều trị, bình oxy và các dụng cụ chuyên môn khác
Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà, sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp khi người dân cần, trong đó bao gồm bệnh thông thường. Trạm y tế lưu động được duy trì xuyên suốt, trở thành “tường thép” phòng, chống dịch và giúp người dân, người lao động dễ dàng tiếp cận nhất khi cần.
Được biết, hiện Bình Dương đã đưa vào hoạt động 169 trạm y tế lưu động , trong đó có 21 trạm đặt trong cụm, khu công nghiệp. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, địa phương chưa dừng lại với số lượng trạm y tế này mà đang triển khai thành lập thêm trên tinh thần càng nhiều càng tốt trong bối cảnh đang hướng đến “sống chung với dịch”.