Việc đi lại của người dân ở những nơi còn ngập đều phải bằng ghe
Khó khăn chồng chất khó khăn là những gì người dân nơi đây đang phải hứng chịu sau khi lũ dữ đi qua
Người dân vùng trũng Bình Định đang phải gồng mình chống chọi với đợt lũ lịch sử, cao nhất trong vòng 30 năm qua. Bà Phan Thị Thạnh (71 tuổi, ngụ thôn Nhơn An, xã Phước Thuận, Tuy Phước) bị nước lũ cô lập nhiều ngày nay. Bà phải ở nhà giữ cháu để các con bơi ghe lên bờ mua tạm mì gói về ăn qua bữa.
Người dân phải đợi những chuyến xe để qua đường vì nước xiết.
Đến ngày 18-12, mặc dù mưa lớn không còn nhưng nước rút khá chậm, hàng nghìn người vẫn đang sống chung với lũ. Ông Nguyễn Văn Chung (61 tuổi, xã Tuy Phước) cho biết nhà không còn chăn gối nào để nằm, đêm về rất lạnh.
Người dân phải lội nước ra tận thị xã để mua gạo. Nhiều gia đình do bị cô lập trong nước thậm chí không còn gạo để ăn.
Gia đình bà Dung, 68 tuổi bị nước ngập hỏng hết đường điện và máy làm bánh tráng, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế.
Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua cộng với xả lũ khiến cho hàng chục nghìn nhà dân, ruộng đồng, hoa màu chìm trong biển nước.
Trường Tiểu học Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước sau lũ đã sập mất cổng, hiện nay còn ngập gần một mét.
Hai cha con anh Tuấn đang chơi trước cửa nhà. Do ngập nước nên anh không thể đi làm còn con gái cũng không thể tới lớp.
Trường mẫu giáo Huỳnh Mai thuộc xã Tuy Phước ngổn ngang sau trận lũ. Cô giáo Hoàng Anh cho biết, còn khá lâu nước mới rút hết để các em đi học trở lại.
Cụ bà Trần Thị Dung do chạy lũ đã bị ngã gãy chân.
Gia đình anh Phan Nhật Trường đang tích cóp từng giọt nước mưa để uống do nhà anh bị cô lập và rất xa thị xã.
Gia đình ông Lê Thuận, 50 tuổi bị chết 170 con gà đợt lũ này. Ông cho biết chỉ còn lại 15 con và Tết sẽ không còn tiền sắm sửa.
Tại huyện Phù Cát, Tuy Phước..., các cánh đồng của bà con hầu như bị ngập hoàn toàn. Theo người dân, nước hiện tại đã rút bớt, xuống thấp hơn mặt đường nhưng vùng nước ngập vẫn còn khá sâu, có nơi trên 1,5m.