Yu Pang-Lin, một tỉ phú Hong Kong vừa qua đời ở tuổi 93. Điều quan trọng nhất khiến cái chết của ông được quan tâm một cách rất đặc biệt, là vì ông đã để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện.
"Nếu các con giỏi hơn tôi thì việc gì phải để lại nhiều tiền cho chúng. Còn nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chính chúng mà thôi" - Yu Pang-Lin khẳng định.
Chẳng biết Hong Kong có mua bản quyền "60 phút mở" hay không, mà họ lại không chịu hỏi: Yu Pang-Lin hiến tài sản vì mục đích gì?
Cả chín người con của tỉ phú Mỹ Stephen Covey – một trong 25 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bầu chọn – đã từ chối nhận khoản thừa kế khổng lồ của cha.
Lý do của họ rất đơn giản: Họ là những người bình thường, có thể tự kiếm sống được, không cần phải hỗ trợ.
Người Mỹ, nơi đẻ ra "60 phút mở" từ năm 1968, chắc chắn cũng không đặt câu hỏi: "Không nhận thừa kế để làm gì? Để làm gì? Để làm gì?" để "truy đuổi" 9 người con đầy lòng tự trọng ấy.
Bill Gates, người hiến tặng đến 99,95% tài sản khổng lồ của mình cho quỹ từ thiện, sẽ trả lời ra sao nếu bị một MC Việt Nam truy đuổi:"Gates, khai thật đi, ông hiến tài sản để làm gì?"
Ai dám chất vấn nước mắt?
Chuyện xứ người thế là đủ, hãy quay về với những giọt nước mắt xứ mình.
Tôi cũng có năm bảy chục lần tổ chức và tham gia các đoàn từ thiện. Trong đoàn của chúng tôi, có những người lớn tuổi và những người rất trẻ.
Họ đến với trẻ em, người nghèo vùng cao một cách hồn nhiên như hơi thở, không toan tính, như thể đó là công việc được lập trình từ kiếp trước trên đường đời của họ.
Họ làm từ thiện vì họ vẫn còn biết khóc trước những cảnh đời hẩm hiu, số phận nghiệt ngã của người khác.
Tôi đã thấy nhiều người trong số họ khóc.
Đó là một nữ giảng viên ĐH đã nghỉ hưu gần 70 tuổi, tên là Anh Thơ. Hôm ấy, trong Lễ kỷ niệm thành lập của một tờ báo, thay vì vui mừng, cô đã khóc.
Cô nói với những người dự lễ trong nước mắt: "Mới hôm qua thôi, một thành viên 7 tuổi trong lớp học Hy vọng, vừa qua đời".
Cô chính là một giáo viên tình nguyện ở lớp học dành cho những bệnh nhân nhi mắc bệnh hiểm nghèo và tờ báo đang kỷ niệm, đã có công tổ chức nên lớp học.
Nếu lúc đó, một người nào đi hỏi rằng: Cô khóc để làm gì?, chắc chắn người ấy sẽ nhận được những cái nhìn căm giận.
Một cô phóng viên trẻ tên Ngân, đã bật khóc ngay trong quán karaoke, khi nhận được tin nhắn một bệnh nhân nhỏ tuổi ở Viện huyết học (nơi cô vẫn lui tới làm tình nguyện viên) đã đầu hàng số phận. Mới hôm kia, cô còn đọc truyện cho bé nghe.
Tất cả mọi người trong phòng hát ấy đều dừng lại, lặng đi. Nếu có ai dám hỏi cô: Khóc để làm gì?, thì chắc chắn người ấy sẽ không có cả khe nứt mà chui xuống.
Trong chuyến công tác lên xã đặc biệt khó khăn Kim Bon, Phù Yên, Sơn La cách đây 5-6 năm, nhiều người đoàn công tác chúng tôi, đã quay đi, lén chùi nước mắt khi thấy học sinh tiểu học phải đi bẫy chuột, để bữa cơm có thịt.
Không có chuột, thì thực đơn hàng ngày của các em bán trú lúc đó chỉ là cơm trắng, canh rau và muối.
Liệu lúc ấy có ai dám buột miệng hỏi: Bẫy chuột để làm gì?
Học sinh Kim Bon bẫy chuột. Ảnh: Giàng A Cối
Sau khi chặt, học sinh Kim Bon cho vào xoong Ảnh: Giàng A Cối.
Trong đám tang của một người làm từ thiện thầm lặng, một cụ bà tên Chi ở Hoàng Cầu, Hà Nội, rất nhiều người làm từ thiện đã khóc.
Bà Chi, bị ung thư vú 21 năm trước, bệnh viện trả về. Bà quyết định không vùi những ngày cuối cùng của cuộc đời mình trong sầu muộn.
Bà lên đường đi từ thiện.Tuần nào bà cũng lên đường. Trích khoản lương hưu còm cõi và miệt mài quyên góp, được ít hay nhiều bà Chi cũng đến những nơi cần cứu giúp.
Căn bệnh ung thư vú biến mất từ lúc nào. Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã sống thêm 21 năm, và qua đời khi đã ngoài 80 tuổi.
Trước khi ra đi 1 năm, bà nói với tôi: "Trời phật phù hộ đấy, cứ cho đi rồi sẽ được nhận về".
Bao nhiêu người thân, bạn bè bà, trong suốt 21 năm ấy, không ai hỏi: Bà làm từ thiện để làm gì?
Ngay cả khi bà Chi có nói với ai đó rằng, bà làm từ thiện để trời phật phù hộ cho bà sống tiếp, thì cũng không ai có quyền ném đá. Còn điều gì tuyệt vời và chính đáng hơn khát vọng sống?!
Mở hay đóng?
Trong cuộc sống, luôn xuất hiện hàng ngàn hàng vạn câu hỏi cần được giải đáp nhiều chiều.
Khi chúng ta đến với mạng xã hội, là chúng ta đã đón nhận (và chấp nhận) sự đa chiều của nó. Ai cũng có quyền được nói và ai cũng có quyền chọn nghe, xem.
Nhưng tại sao, khi người này hỏi thì lại được người khác trả lời bằng một cái ôm, một nụ hôn, một cái nắm tay thật chặt. Còn người khác hỏi xong thì nhận được một cái tát?
Vì sao dư luận giận dữ với một chương trình có cái tên và hướng đi "mở" đến như vậy?
Xem kỹ, mới thấy, thực ra đây là một chương trình hoàn toàn đóng, chứ không phải mở.
Đóng ở chỗ ê kíp làm chương trình đã mặc định trong đầu là những người đang lên tiếng vì cái chung, đang làm việc thiện ấy, là những người đang có vấn đề về động cơ, thái độ và lợi ích.
Đóng ở chỗ, lẽ ra chương trình chỉ làm việc gợi "mở" cho khách mời có ý kiến đa chiều, thì lại "đóng" từ việc chọn nhân vật chính, chọn kịch bản và chọn thái độ của người dẫn.
Cảm giác như tất cả việc lựa chọn này, đều nhằm đến việc dồn đuổi bằng được những người tốt vào những góc không sáng sủa.
Cái đóng cuối cùng của chương trình, là sau bao nhiêu sóng gió dư luận, họ chọn cách im lặng.
Bao nhiêu khách mời "tiên phong" còn muốn quay trở lại ghế nóng sau khi nằm lấm lưng trắng bụng trên chiếc thớt khổng lồ của dư luận? Bao nhiêu khách mời tương lai dám đi lại vết xe của người trước?
Việt Nam, đất nước có đến 52 triệu người dùng Internet (54% dân số), đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương, thì ngày nào thiếu thông tin thẳng thắn, đa chiều, ngày đó đã thấy đói khát.
Và như vậy, tất nhiên người dân vẫn muốn được xem những chương trình cởi mở, khác lạ.
Chỉ có điều, không thể có một chương trình mở thành công, nếu cái đầu và tư duy người làm, vẫn còn đóng chặt trong những mặc định thiếu tích cực.