*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thời sự thế giới ngày 20/1 có nhiều điểm đáng chú ý.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên đã họp vào đầu tuần này và quyết định rằng, "chính sách thù địch và mối đe dọa quân sự của Mỹ đã đến một ranh giới nguy hiểm không thể coi thường được nữa".
Chủ tịch Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên hôm 19/1/2022. Ảnh: KCNA cung cấp cho Yonhap
Cuộc họp cấp cao được triệu tập sau khi Triều Tiên tiến hành bốn đợt thử tên lửa đạn đạo trong tháng này, trong đó có hai vụ mà nước này tuyên bố là tên lửa siêu thanh.
Trong phiên họp của Bộ Chính trị diễn ra hôm thứ Tư, ông Kim và những người tham gia khác tuyên bố chuẩn bị cho một "cuộc đối đầu lâu dài" với Mỹ, nói rằng "chính sách thù địch và mối đe dọa quân sự của Mỹ đã đến một ranh giới nguy hiểm không thể coi thường được nữa", theo Hãng thông tấn trung ương chính thức của Triều Tiên (KCNA).
KCNA cho biết: "Bộ Chính trị đưa ra chỉ thị cho một ngành liên quan xem xét lại trên quy mô tổng thể các biện pháp xây dựng lòng tin mà chúng tôi đã tự mình thực hiện trên cơ sở ưu tiên và kiểm tra kịp thời vấn đề khởi động lại tất cả các hoạt động tạm ngừng".
Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO do Nga dẫn đầu bảo vệ sân bay Quốc tế Almaty của Kazakhstan. Ảnh: Reuters
Sự kiện bạo loạn ở Kazakhstan cho thấy: Chỉ sự hiện diện về kinh tế là không đủ với Trung Quốc trong việc bảo đảm quyền lợi của nước này ở khu vực Trung Á.
Nga, Trung phân chia lợi ích rõ ràng ở Kazakhstan
Bất chấp ảnh hưởng kinh tế ở Kazakhstan, đòn bẩy chính trị của Bắc Kinh ở nước này và cả khu vực Trung Á kém quá xa so với Nga.
Lâu nay, như một quy luật bất thành văn, Nga và Trung Quốc có sự "phân công lao động" ở Trung Á. Trong đó, Nga chịu trách nhiệm về an ninh và Trung Quốc chịu trách nhiệm về kinh tế.
Và theo các chuyên gia, có thể khẳng định rằng không có quyền lực nào bị tổn hại sau làn sóng biểu tình bạo loạn trong tháng này ở Kazakhstan.
Bất chấp việc chuyển đổi từ chế độ tập quyền (với cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev là trung tâm quyền lực riêng biệt) sang một hệ thống chính trị thống nhất xung quanh Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, Kazakhstan vẫn giữ vị thế quan trọng trong chính sách của Nga và Trung Quốc, nhất là trong việc nhận hàng hóa và đầu tư của Bắc Kinh.
Một chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc đến Kazakhstan/ Ảnh: Tân Hoa Xã
Lực lượng gồm 2.030 người do Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cử đến Kazakhstan dẹp loạn đã rút đi nhanh chóng sau khi ổn định tình hình, đập tan những luận điệu cáo buộc vô lý của phương Tây về nguy cơ Nga sẽ lợi dụng tình hình này để yểm quân tại đây.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Báo Financial Times đưa tin năm 2022, các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ phải tăng mạnh khoản thanh toán cho chủ nợ, với khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang cần tái cơ cấu nợ. Đây là kết luận từ các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB).
Sri Lanka được coi là “ứng cử viên chính” cho tình trạng vỡ nợ nhà nước. Ngày 18-1, quốc đảo này phải hoàn trả 500 triệu USD trái phiếu quốc tế, đợt đầu tiên trong tổng số 4,5 tỷ USD mà họ cần trả trong năm 2022 để tránh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Nguy cơ kế tiếp là Ghana, El Salvador và Honduras.
Người dân mua thực phẩm tại khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Người dân đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại quận Haidian, Bắc Kinh, ngày 17/1. Ảnh: China Daily
Lịch sử đi lại của một người đàn ông vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Bắc Kinh đã nhận sự đồng cảm mạnh mẽ của cộng đồng mạng.
Thông tin về một cuộc điều tra dịch tễ học, được công bố hôm 19/1 tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc , cho thấy người đàn ông họ Yue gần như không có thời gian nghỉ ngơi trong những tuần gần đây. Ông được phát hiện mắc COVID-19 không triệu chứng thông qua chiến dịch xét nghiệm diện rộng ở địa phương.
Khi mọi người được nghỉ Tết Dương lịch, ông ấy vẫn làm việc từ khuya cho đến tận sáng sớm. Từ ngày 1/1 cho đến ngày 18/1, ông đã đi đến 28 địa điểm thuộc nhiều quận, huyện, trải dài hàng trăm km để làm thuê.
Trường hợp của ông Yue nhanh chóng tạo ra một cuộc thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội. "Lịch sử đi lại của ông ấy thực sự rất đau lòng. Cuộc sống của ông ấy thật khó khăn", một người bình luận.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tại buổi họp báo ngày 20/1, phóng viên đã đặt câu hỏi về vụ máy bay Vietnam Airlines (VNA) tại Nhật Bản bị đe dọa bắn hạ.
Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp và hỗ trợ văn phòng Vietnam Airlines tại Nhật Bản liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, nắm bắt tình hình, đồng thời gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản đề nghị khẩn trương điều tra an ninh khi máy bay hạ cánh tại Fukuoka, điều tra vụ việc, xác minh danh tính đối tượng đã đe dọa an toàn chuyến bay.
Với sự hỗ trợ hợp tác từ chính quyền Nhật Bản, chuyến bay đã tiếp tục được tiến hành và hạ cánh an toàn tại Việt Nam. Hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Các cơ quan chức năng liên quan của hai nước đang phối hợp trong quá trình này để làm rõ nguyên nhân và xác định danh tính của các đối tượng.
Vào đầu tháng 1, chuyến bay VN5311 từ Narita (Nhật Bản) về Hà Nội của VNA bị đe dọa an ninh.
Chuyến bay này khởi hành lúc 10 giờ 30 (giờ địa phương), gồm 15 thành viên tổ bay (12 tiếp viên và 3 phi công), trong đó có 2 cơ trưởng, cùng 47 hành khách. Vào khoảng 11 giờ 30 (giờ địa phương), chi nhánh VNA tại Nhật Bản nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung trao đổi: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua vịnh Tokyo". Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi: "Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không" thì người đàn ông trả lời: "Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại".
Tờ China Daily gần đây có bài viết cho rằng Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân biển có vũ trang và thể hiện quan ngại rằng điều này có thể dẫn đến xung đột.
Trả lời về phản ứng của Việt Nam trước thông tin này, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, những thông tin mà China Daily đưa ra là không đúng sự thật, vì vậy Việt Nam hoàn toàn bác bỏ.
Người phát ngôn khẳng định, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hoà bình và tự vệ. Hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Cùng với đó, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hoà bình, an ninh, an toàn, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết, một trong những vệ tinh khoa học của Trung Quốc đã tránh được một va chạm với một mảnh vụn quỹ đạo của Nga khi một trong những vệ tinh cũ của họ nổ tung.
"Cuộc chạm trán cực kỳ nguy hiểm" diễn ra vào hôm 18/1 khi Vệ tinh Khoa học Thanh Hoa chỉ còn cách một mảnh vỡ khoảng 14.5m, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tối hôm 19/1. Các mảnh vỡ được cho là xuất phát từ vụ thử tên lửa chống vệ tinh do Nga thực hiện vào tháng 11 và nguy cơ va chạm sẽ vẫn cao trong tương lai gần, trung tâm này cho hay.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, Moscow đã bắn thứ được cho là tên lửa S-500 Prometey vào ngày 15/11, làm nổ tung vệ tinh tình báo của Liên Xô đã được phóng từ lâu (vào năm 1982) và để lại khoảng 1.500 mảnh vỡ trên quỹ đạo.
Cuộc thử nghiệm đã nhận được sự chỉ trích từ Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng thử nghiệm đã được "tiến hành một cách thiếu thận trọng".
Trung Quốc cho biết, nước này đã theo dõi các mảnh vỡ của Nga kể từ tháng 11.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ "sốc" trước kế hoạch của Slovenia cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại nước này, đồng thời cho rằng điều này sẽ làm tổn hại đến quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.
Người phát ngôn Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng nói rằng, những bình luận của Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, người đã chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh là rất nguy hiểm.
"Nguyên tắc một Trung Quốc là một chuẩn mực, được công nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế và là sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế. Đó cũng là nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc - Slovenia và Trung Quốc - châu Âu.
Chúng tôi nhận rất thấy rằng các nhà lãnh đạo Slovenia đã ngang nhiên đưa ra những nhận xét nguy hiểm, thách thức nguyên tắc 1 Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi vô cùng sốc vì điều này và hoàn toàn không đồng ý."
Trung Quốc từng hạ quan hệ ngoại giao với Litva và kêu gọi nước này sửa chữa sai lầm vì cho Đài Loan mở văn phòng ở Vilnius với tên gọi "Văn phòng đại diện Đài Loan".
Phương Tây đang đối mặt với "khoảnh khắc sự thật" giữa bối cảnh Nga đang đếm ngược chờ Mỹ và NATO chấp nhập đề xuất đảm bảo an ninh, Konstantin Gavrilov - người đứng đầu phái đoàn Nga trong Đàm phán Vienna về An ninh Quân sự và Kiểm soát Vũ trang nhận định ngày 19/1.
"Khoảnh khắc của sự thật đã tới khi phương Tây hoặc chấp nhận các đề xuất của chúng tôi hoặc sẽ có những cách thức khác được thực hiện để đảm bảo an ninh của Nga. Tôi cho rằng với thiện chí và tâm thế sẵn sàng thỏa hiệp trong bất kỳ tình huống nào, việc tìm ra những giải pháp mà các bên chấp nhận được là điều khả thi. Chúng ta đang cạn dần thời gian. Khoảnh khắc đếm ngược bắt đầu".
Những người nước ngoài làm nghề daigou - tức mua hàng thuê cho người đang ở Trung Quốc - đang gặp khó khăn vì khâu vận chuyển hàng hóa và các quy định mới của chính quyền Trung Quốc - Ảnh: AFP
Đầu tuần này, nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi người dân hạn chế đặt hàng ở nước ngoài và yêu cầu các đơn vị vận chuyển, bưu điện khử khuẩn hàng hóa.
Động thái diễn ra sau khi Bắc Kinh ghi nhận ca Omicron đầu tiên trong cộng đồng là một người nhận được lá thư từ Canada trước đó 1 tháng.
Người này không có lịch sử ra nước ngoài nên theo chính quyền, không loại trừ bệnh nhân đã bị lây bệnh qua thư. Tuy nhiên các quan chức và chuyên gia Canada cảm thấy hoài nghi về nguồn lây này.
Mặc dù vậy, thông báo của chính quyền đã đủ để nhiều người không dám click chuột để đặt hàng qua mạng, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
"Tôi vừa phát hiện mã của mình đã chuyển sang màu vàng và tôi nhận được một cuộc gọi nói rằng tôi cần phải xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày để chuyển mã trở lại màu xanh vì tôi đã nhận được một gói hàng ở nước ngoài. Đó là điếu xì gà tôi đặt mua vào tháng trước và nó vẫn chưa được giao", một người dùng Weibo than thở.
Wang Wei, 41 tuổi, một người thường xuyên mua hàng nước ngoài qua mạng, chia sẻ bản thân không dám đặt hàng nữa vì vẫn còn muốn ăn Tết Nguyên đán.
"Gói hàng này có thể khiến mã của tôi chuyển sang màu vàng và tôi sẽ không thể về nhà trong kỳ nghỉ Tết nếu được giao ngay lúc này", Wang nói về chiếc nón đặt mua từ châu Âu và chưa được giao.
Với tín đồ mua hàng qua mạng như Wang, việc mã sức khỏe đổi màu là điều duy nhất khiến họ chùn tay vào lúc này.
Trung Quốc áp dụng hệ thống mã QR cá nhân để xác định tình trạng sức khỏe, phơi nhiễm của công dân.
Trên Facebook chính thức của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đưa tin, Vương quốc Anh cảm ơn Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ công An Việt Nam đã hỗ trợ bắt giữ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em bị truy nã quốc tế.
"Vừa qua, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công An Việt Nam, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh, đã bắt giữ thành công một tội phạm 77 tuổi liên quan đến tội danh xâm hại tình dục trẻ em.
Việc bắt giữ này được thực hiện vào ngày hôm qua (18/1/2022) tại Việt Nam dựa trên yêu cầu của Cảnh sát Scotland, Vương quốc Anh và theo Lệnh Truy nã của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL HQ). Các cơ quan chức năng đang tiến hành để đưa tội phạm trở lại Scotland.
Cảnh sát trưởng, Alan Henderson chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan chức năng của Việt Nam và các đồng nghiệp của chúng tôi tại Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh đã hỗ trợ việc bắt giữ tội phạm nguy hiểm này"."
Viện nghiên cứu Trung Quốc cho hay các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông với hải trình phức tạp và khó dự đoán hơn trước đây.
"Quân đội Mỹ tăng đáng kể triển khai quân sự ở Biển Đông kể từ năm 2021 cả về quy mô huấn luyện, tần suất và kịch bản diễn tập", Hồ Ba, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, nói trên truyền hình nhà nước Trung Quốc cuối tuần trước. "Hình thức hoạt động của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ngày càng phức tạp và khó lường".
Tuyên bố được Hồ Ba đưa ra sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và nhóm đổ bộ tấn công USS Essex cùng tiến vào Biển Đông hôm 11/1. Hai nhóm "siêu chiến hạm" Mỹ sau đó tiến hành hoạt động diễn tập chung kéo dài gần một tuần trên Biển Đông.
Nhật Bản ngày 19-1 ghi nhận 41.485 ca mắc Covid-19, lập kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 hằng ngày.
Thủ tướng Fumio Kishida đã áp đặt các biện pháp bán khẩn cấp đối với 13 tỉnh, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21-1 và kéo dài tới ngày 13-2.
"Chúng tôi đang chiến đấu chống lại một ẩn số nhưng với sự chuẩn bị đầy đủ và không quá sợ hãi, chúng tôi sẽ vượt qua tình huống này" - ông Kishida bày tỏ hy vọng.
Ngày 19-1, Nhật Bản ghi nhận 41.485 ca mắc Covid-19, tăng từ con số kỷ lục trước đó là 32.197 ca/ngày. Số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng là 281, trong khi số ca tử vong là 15.
Con số kỷ lục này cao gấp gần 78 lần số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản vào ngày đầu năm 2022 (534 ca), gây áp lực cho hệ thống y tế.
Triều Tiên sẽ tăng cường phòng thủ trước Mỹ và cân nhắc khởi động lại "tất cả hoạt động bị dừng tạm thời", hãng thông tấn KCNA hôm nay đưa tin, với hàm ý nhắc đến việc tạm dừng thử bom hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tăng nhiệt trở lại sau hàng loạt vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên ngay đầu năm nay. Việc Mỹ áp lệnh trừng phạt mới dẫn đến hàng loạt phản ứng quyết liệt từ Bình Nhưỡng, gây ra nguy cơ quay trở lại giai đoạn của "lửa và cuồng nộ" như hồi năm 2017.
Nhà lãnh đạo Kin Jong Un đã triệu tập một cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 19/1 để thảo luận về "các vấn đề chính sách quan trọng", bao gồm biện pháp đáp trả chính sách "thù địch" của Mỹ, KCNA cho biết.
Bộ Chính trị yêu cầu xem lại các biện pháp xây dựng lòng tin và "nhanh chóng xem xét vấn đề khởi động lại các hoạt động bị tạm hoãn", đồng thời kêu gọi "ngay lập tức thúc đẩy các phương tiện mạnh hơn".
"Chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc đối đầu lâu dài với đế quốc Mỹ", Bộ Chính trị tuyên bố.
Trong cuộc điện đàm, các bên đã thảo luận về các động thái tăng cường quân đội của Nga ở khu vực gần biên giới với Ukraine, cũng như các cam kết ngoại giao song phương và quốc tế đang diễn ra liên quan đến nỗ lực của Nga nhằm xác định lại các thỏa thuận an ninh ở châu Âu.
EU, NATO, Mỹ và OSCE cũng nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục tham vấn chặt chẽ để giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao song phương và đa phương, cũng như bằng cách thể hiện một mặt trận xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ, rõ ràng và thống nhất.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này không cần lệnh cấm mở rộng NATO, song cần sự đảm bảo rõ ràng rằng Ukraine và Gruzia sẽ không tham gia vào liên minh quân sự này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán Nga "sẽ tiến thẳng vào" Ukraine, đồng thời cho hay, Nga sẽ phải trả giá đắt cho một cuộc xâm lược toàn diện, với việc các doanh nghiệp của nước này có thể mất quyền tiếp cận với đồng đô la Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 19-1. Ảnh: Reuters
"Tôi dự đoán là ông ấy [Putin] sẽ tiến vào," ông Biden nói trong cuộc họp báo, "Ông ấy sẽ làm một điều gì đó."
Điện Kremlin đã điều khoảng 100.000 quân đến gần biên giới của Ukraine - hoạt động mà phương Tây cho rằng Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc chiến nhằm ngăn chặn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Nga phủ nhận việc lên kế hoạch tiến vào Ukraine.
Ông Biden lo ngại rằng, một cuộc xung đột Ukraine có thể có những tác động lớn hơn và hậu quả "vượt khỏi tầm tay".
"Nga sẽ phải chịu trách nhiệm và điều đó phụ thuộc vào những gì họ làm... Sẽ là một thảm họa cho Nga nếu xâm lược Ukraine," ông Biden cho hay.
Ông Biden và nhóm của ông đã chuẩn bị một loạt các biện pháp trừng phạt và các hình phạt về kinh tế để áp đặt lên Nga trong trường hợp cuộc chiến ở Ukraine xảy ra.
Phóng viên TTXVN dẫn phát biểu của Bộ trưởng Budi tại phiên điều trần hôm 18/1 trước Hạ viện Indonesia cho hay, nước này chỉ sử dụng một nửa liều vaccine khác loại để tiêm tăng cường ngừa COVID-19. Bộ trưởng Y tế Indonesia giải thích: "Vaccine Moderna có tỷ lệ tác dụng phụ cao. Do đó, chúng tôi cho rằng việc tiêm tăng cường bằng một nửa liều vaccine này sẽ an toàn hơn nhiều".
Ông Budi cho biết thêm rằng quyết định tiêm tăng cường bằng nửa liều vaccine khác loại cũng đã được đưa ra dựa trên các khuyến nghị của Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng Indonesia (ITAGI) và một nhóm giáo sư thuộc Đại học Padjadjaran và Đại học Indonesia. Các khuyến nghị này đã được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (BPOM) chấp thuận.
Theo VOV, chiều 19/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp xã giao Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi, ông Nitin Kapoor.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Tập đoàn AstraZeneca trong cuộc chiến chống COVID-19 trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, trong đó có việc công ty này đã hoàn thành trước thời hạn cung ứng đủ 30 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong năm 2021. Việc này đã giúp Việt Nam triển khai thành công chiến lược vaccine, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả COVID-19.
Ông Nitin Kapoor đánh giá cao nỗ lực quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong ngoại giao vaccine và phòng chống dịch bệnh.
Ông khẳng định Việt Nam là hình mẫu điển hình trên thế giới trong kiểm soát dịch bệnh và quyết định mở cửa của Chính phủ là vô cùng kịp thời, tạo cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Ông Nitin Kapoor cho biết, Tập đoàn AstraZeneca hiện đang đẩy nhanh dự án chuyển giao công nghệ sản xuất gia công thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam trị giá 90 triệu USD và đang lựa chọn đối tác để chuyển giao công nghệ vaccine cho Việt Nam, đồng thời xem xét giảm giá vaccine cho Việt Nam, giúp người dân Việt Nam tiếp cận tốt hơn với dược phẩm chất lượng cao được sản xuất ngay trong nước.