*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tính đến hiện tại, thế giới đã vượt mốc 4 triệu ca tử vong do Covid-19. Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đại dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt. Trong bối cảnh ấy, các nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine.
Ngày 16/7, Mỹ thông báo nước này sẽ vận chuyển 25 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho châu Phi với những lô đầu tiên đến 3 nước là Burkina Faso, Djibouti và Ethiopi
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo giới chức Mỹ, những lô vaccine đầu tiên dành cho ba nước nêu trên sẽ tới nơi trong vài ngày tới. Burkina Faso và Djibouti sẽ nhận 151.200 liều vaccine của hãng Johnson & Johnson (J&J), trong khi Ethiopia sẽ nhận 453.600 liều. Trong những tuần tiếp theo, tổng cộng sẽ có 49 quốc gia châu Phi được nhận vaccine của các hãng J&J, Moderna hoặc Pfizer/BioNTech.
Việc chuyển giao vaccine ngừa COVID-19 đến "Lục địa Đen" có sự phối hợp của nhiều tổ chức đa phương, trong đó có Liên minh châu Phi (AU) và chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc.
Mặc dù đối mặt với làn sóng mới bùng phát dịch COVID-19, nhưng hiện chưa đến 3% dân số châu Phi được tiêm mũi vacccine phòng bệnh đầu tiên. Cho đến nay, chỉ có 18 triệu người ở lục địa có 1,3 tỷ người này đã được tiêm phòng đầy đủ. Thực tế này làm tăng thêm lo ngại về suy thoái kinh tế kéo dài khi phần lớn thế giới mở cửa trở lại.
Cùng ngày, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ chuyển cho Argentina 3,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna trong khuôn khổ thỏa thuận viện trợ đã được hai nước ký kết.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, phía Argentina đã xác nhận thông tin trên và thông báo hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas đã điều hai máy bay tới thành phố Memphis của Mỹ để vận chuyển lô hàng trên về nước.
Argentina đang phải đối phó với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 trong những tháng vừa qua với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng cao. Theo thống kê chính thức, đến nay nước này đã ghi nhận trên 4,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 101.000 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm đã có chiều hướng giảm do chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh trong những tuần qua. Theo nhà chức trách Argentina, trên 20,6 triệu người dân, tương đương 60% người trưởng thành, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong số này 5,1 triệu người đã tiêm đủ liều.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Số người dân Bắc Kinh trên 18 tuổi tiêm xong mũi vaccine thứ nhất là 19,5 triệu người, tương đương tỷ lệ 95,18%, trong khi đó số người trên 18 tuổi hoàn thành cả hai mũi tiêm là 17,5 triệu người, đạt tỷ lệ 90,04%.
Bắc Kinh cũng là thành phố dẫn đầu Trung Quốc về tỷ lệ tiêm chủng đối với người trên 18 tuổi, xếp sau Bắc Kinh là một loạt các thành phố khác như Thượng Hải, Tế Nam, Thiên Tân... với tỷ lệ tiêm chủng trên 80%.
Mặc dù Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng khi tính đến ngày 16/7 đã tiêm được hơn 1,4 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho người dân nước này tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch tương đối lớn tại một số khu vực.
Tỉnh Giang Tây, miền Đông Nam Trung Quốc mới đạt tỷ lệ tiêm chủng 35%, trong khi đó tại Đặc khu hành chính Hong Kong, tính đến ngày 14/7 mới có khoảng 2,7 triệu người tiêm xong mũi thứ nhất với tỷ lệ là 39,7%, còn số người hoàn thành cả hai mũi chỉ đạt 27,6%.
Trong một diễn biến khác, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc cho biết, tính đến tháng 7, sản lượng vaccine của Trung Quốc đã đạt 5 tỷ liều, hoàn toàn đảm bảo nhu cầu của người dân trong nước cũng như nhu cầu của nước ngoài. Hiện Trung Quốc đã cung ứng 570 triệu liều vaccine cho nước ngoài dưới hình thức viện trợ và xuất khẩu./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Nhằm khống chế số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng, Singapore thông báo từ tuần tới sẽ siết chặt lại một số hạn chế về việc tụ tập, theo đó chỉ cho phép hai người được dùng bữa tại nhà hàng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trên tàu điện ngầm tại Singapore. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, trong thông báo ngày 16/7, Bộ Y tế Singapore cho biết sẽ cho phép những người đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine được ăn theo nhóm 5 người tại nhà hàng. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng yêu cầu khoảng 400 cơ sở vui chơi giải trí ban đêm đóng cửa trong 14 ngày để kiểm tra, sau khi một số cơ sở vi phạm quy định, khiến dịch bùng phát gần đây.
Theo kế hoạch, các biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 19/7 tới và có thể kéo dài đến ngày 8/8 - thời điểm Singapore dự kiến hơn 66% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Thống kê cho thấy hiện 2.480 người đang được cách ly tại Singapore sau khi được xác định đã tiếp xúc với những trường hợp mắc bệnh.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, cũng trong ngày 16/7, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đã kêu gọi chính quyền các địa phương bên ngoài khu vực thủ đô xem xét việc áp dụng lệnh cấm tụ tập riêng tư từ 5 người (giống như quy định đối với khu vực đô thị) trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở khu vực này đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nêu rõ trong trường hợp không phải khu vực đô thị, số người được phép tổ chức tụ tập riêng tư đang có sự khác nhau giữa các khu vực và có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người dân. Do đó, các địa phương cần xem xét lại quy định này. Dự kiến, quyết định liên quan sẽ được cơ quan chức năng Hàn Quốc đưa ra vào ngày 18/7 tới.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hơn 1 tuần nay, bệnh viện khu vực Hidayah và Prayer, thành phố Bengkulu của Indonesia đã phải thực hiện khám nghiệm tử thi bệnh nhân Covid-19 bên ngoài phòng bệnh. Tổng cộng có 30 phòng cách ly của bệnh viện đã chật kín bệnh nhân. Hàng chục bệnh nhân khác đang nằm ở những chiếc lều dựng tạm ngoài trời. Các nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ hoạt động hết công suất để xử lý các ca bệnh ngày một tăng. Đây là một trong những hình ảnh phổ biến của các bệnh viện ở Indonesia vào thời điểm này.
Bộ Y tế Indonesia cho biết, 90.000 trong tổng số 120.000 giường bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện trên toàn Indonesia đã không còn chỗ trống. Riêng các bệnh viện ở khu vực đỏ như thủ đô Jakarta hay thành phố Yogyakarta tỷ lệ lấp đầy giường bệnh đã đạt trên 90%. Nhiều bệnh viện không còn có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và nhiều bệnh nhân đã tử vong bên ngoài phòng cấp cứu.
Không chỉ gây áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế khi phải lựa chọn cứu sống cho các bệnh nhân có tiên lượng tốt hơn, đại dịch cũng đã tấn công, lấy đi sinh mạng của hơn 1.100 y bác sĩ nước này. Nhân viên các nhà tang lễ đã kiệt sức vì phải làm việc gần 24 giờ.
Trên đường phố, những chiếc xe cứu thương liên tục hú còi, hối hả đưa người bệnh đi cấp cứu, và rồi lại hối hả đưa họ đến nghĩa trang. Những người đã mất cũng không được hưởng những nghi lễ trọn vẹn. Không mở thiết bị bảo hộ cá nhân, người chết chỉ được tắm lần cuối bên ngoài lớp ni lông bảo vệ và nghi lễ khâm liệm diễn ra nhanh chóng. Chiếc quan tài cũng được bọc thêm một lớp ni lông và phải được chôn cất nhanh trong vòng 4 giờ đồng hồ để đảm bảo giao thức y tế. Không có tiếng khóc than của những người thân bởi đa số họ đang ở trong tình trạng tự cách ly. Chỉ có lực lượng y tế cần mẫn làm nhiệm vụ, liên tục xịt khử trùng. Toàn thân đẫm mồ hôi và mệt mỏi.
Tại nghĩa trang Rorotan, phía Bắc thủ đô Jakarta, hàng chục xe cứu thương cả của bệnh viện và tư nhân chở thi thể nạn nhân Covid-19 đang xếp hàng chờ đến lượt an táng. Lái xe trong bộ đồ bảo hộ và người nhà kiên nhẫn chờ đến lượt trong cái nắng chói chang của đất vạn đảo. Ở một vài nơi, người ta cung cấp dịch vụ cho người thân theo dõi các hình ảnh an táng thông qua truyền hình trực tuyến.
Tại thủ đô Jakarta, hàng ngàn khu mộ đã được lấp đầy. Một số gia đình chấp nhận chôn thi thể nạn nhân Covid-19 chồng lên các thi thể của người thân do không còn chỗ. Sau hơn 1 năm chống chọi với đại dịch, hơn 2,7 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 70.000 người đã tử vong chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng khi các chuyên gia dự báo, đỉnh điểm có thể có hàng trăm ngàn người Indonesia mắc Covid-19.
Ngày 11/7, Tổng thống Joko Widodo cùng toàn dân đã tổ chức một lễ "cầu nguyện tâp thể tại nhà" cho những người đã thiệt mạng và những người đang điều trị do Covid-19. "Từ những ngôi nhà, chúng tôi cúi đầu trong im lặng, cầu nguyện với Chúa để đại dịch này có thể sớm qua đi"./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chỉ tính riêng trong ngày 15/7, Campuchia đã ghi nhận thêm 39 ca tử vong mới do COVID-19.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ thị chính quyền đặt mua hơn 3.000 chiếc quan tài từ Thái Lan để phân phối cho các tỉnh thành trên toàn quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và số ca tử vong do dịch bệnh tiếp tục tăng.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Kol Vireak, hơn 1.000 quan tài đã được chính phủ phân phối về cho 12 tỉnh.
Ông Vireak cũng cho biết thêm rằng số quan tài còn lại có thể sẽ giao muộn hơn dự kiến vì Thái Lan cũng đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng.
Trong khi đó, một số tỉnh đã phối hợp với Bộ Môi trường Campuchia và sản xuất quan tài từ số gỗ khai thác trái phép do lực lượng chức năng thu giữ trong các đợt truy quét tội phạm lâm nghiệp.
"Chúng tôi sẽ viện trợ quan tài cho các tỉnh miền Tây Campuchia trước tiên, vì họ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn về sự gia tăng số ca tử vong do dịch bệnh. Miền Tây Campuchia là nơi có nhiều lao động nhập cư trở về nước. Chúng tôi sẽ ưu tiên các tỉnh miền Tây Campuchia trước, sau đó mới đến những nơi khác", Bộ trưởng Vireak cho hay.
Bộ trưởng Vireak cho biết ông đã làm việc với Bộ Môi trường để chọn loại gỗ thích hợp để làm quan tài, theo chỉ thị ngày 1/7 của Thủ tướng Hun Sen về việc sử dụng số gỗ bị tịch thu cho mục đích này.
"Ít nhất là chúng ta có đủ quan tài để phục vụ nhu cầu hỏa táng hoặc chôn cất, chứ chưa đến mức phải chôn cất người chết mà không có cỗ quan tài. Chúng ta phải có quan tài, vì chúng ta phải tôn trọng linh hồn của những công dân đã rời khỏi thế giới này do dịch COVID-19", ông nói.
Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra hôm 15/7 chia sẻ với Phnom Penh Post rằng Bộ này sẽ sử dụng 1.347 mét khối gỗ bị thu giữ từ những kẻ khai thác gỗ bất hợp pháp vào năm 2020 và 2021 để làm quan tài.
Ông Pheaktra cho biết: "Theo ước tính ban đầu của chúng tôi, số gỗ này có thể làm ra hơn 1.200 chiếc quan tài trong đợt đầu tiên".
Tính đến ngày 15/7, các sở môi trường ở 12 tỉnh thành của Campuchia đã sản xuất được 700 quan tài và giao cho các tiểu ban quản lý thi thể của các bệnh nhân COVID-19 đã qua đời.
"Chúng tôi vinh dự được làm điều này cho đồng bào và thể hiện giá trị của chính quyền đối với người dân. Theo truyền thống, người Khmer luôn thể hiện sự tôn trọng đối với người đã khuất và chúng tôi phải tiếp tục làm như vậy đối với những người không may qua đời vì COVID-19", ông Pheaktra nói.
Ảnh minh họa: Reuters
Tính đến ngày 15/7, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 64.611 ca mắc COVID-19, trong đó bao gồm 1.025 ca tử vong. Chỉ tính riêng trong ngày 15/7, nước này đã ghi nhận thêm 39 ca tử vong mới.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine đã một lần nữa kêu gọi người dân cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bà Vandine nhân mạnh rằng đó là cách duy nhất để tránh thảm kịch sức khỏe cộng đồng và gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế, mặc dù hơn hiện Campuchia đã tiêm chủng cho hơn 5 triệu người. Bà kêu gọi mọi cá nhân và doanh nghiệp tuân thủ thực hiện các biện pháp chống dịch.
Bà Vandine cũng kêu gọi tất cả các chủ doanh nghiệp hãy cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích chung và thay đổi cách hoạt động theo hướng phòng chống dịch, hoặc đóng cửa cho đến khi đủ an toàn để mở cửa trở lại.
"Chúng ta phải đoàn kết và hành động ngay bây giờ - và phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của virus để chúng ta không bước qua 'lằn ranh đỏ'", bà nói./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Một liên hoan âm nhạc ở Hà Lan đã khiến các quan chức sốc khi có tới 1.000 ca mắc COVID-19 liên quan tới sự kiện này, mặc dù người tham gia đều có xét nghiệm âm tính.
Ảnh minh họa: Getty Images
Theo kênh CNBC, lễ hội ngoài trời Verknipt diễn ra ở Utrecht đầu tháng 7 có 20.000 người tham gia trong hai ngày. Người tham gia đều phải trình mã QR chứng minh đã tiêm vaccine COVID-19, vừa khỏi COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ban tổ chức khẳng định sự kiện được lên kế hoạch và kiểm soát kỹ lưỡng, nhưng 1.050 người tham gia lễ hội từ đó đã có xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Ông Lennart van Trigt, phát ngôn viên Ban Y tế khu vực Utrecht, nói: "Chúng tôi không thể nói mọi người đều nhiễm bệnh tại lễ hội. Có thể họ nhiễm bệnh khi di chuyển tới lễ hội, vào tối trước khi tới lễ hội hoặc tại bữa tiệc sau lễ hội. Dù họ đều liên quan tới lễ hội nhưng chúng tôi không thể khẳng định họ đều nhiễm bệnh tại lễ hội".
Dù vậy, ông Trigt cho biết số lượng ca mắc tương đối cao và có thể tăng trong những ngày tới. Ông Trigt cho biết liên hoan âm nhạc cho thấy các vấn đề của quy trình vào cửa dựa trên kết quả xét nghiệm khi mà mọi người được làm xét nghiệm COVID-19 trước sự kiện tới 40 tiếng, khiến họ có khả năng mắc COVID-19 trong thời gian đó.
Ông nói: "Chúng tôi phát hiện ra giai đoạn này là quá lâu. Chúng ta lẽ ra chỉ cho phép 24 giờ và khoảng thời gian này tốt hơn rất nhiều, vì trong 40 giờ, mọi người có thể làm rất nhiều thứ như gặp bạn bè, tới quán bar, tới câu lạc bộ. Trong 24 giờ, mọi người làm ít việc hơn và an toàn hơn".
Một vấn đề nữa là mọi người ở Hà Lan có thể được vào lễ hội âm nhạc ngay sau khi vừa tiêm vaccine. Trong khi đó, thực tế là phải mất vài tuần thì họ mới có miễn dịch sau tiêm. Ông Trigt cho biết họ đã lạc quan quá và cần phải rút kinh nghiệm.
Thị trưởng Utrcht, bà Sharon Dijksma đã bị chỉ trích vì tham gia lễ hội.
Trong vài tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Lan tăng mạnh, đặc biệt là sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế với quán bar và câu lạc bộ từ cuối tháng 6 và hậu quả là người trẻ mắc COVID-19 ngày càng nhiều.
Ngày 12/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge đã xin lỗi, nói rằng chính phủ đã đánh giá sai lầm khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch quá sớm.
Ông De Jonge còn xin lỗi vì chiến dịch khuyến khích thanh niên tiêm một liều vaccine là có thể ra ngoài tiệc tùng.
Chính phủ Hà Lan thông báo ngày 9/7: "Tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Hà Lan đã tăng nhanh hơn dự kiến từ khi mở cửa lại xã hội gần như hoàn toàn ngày 26/6. Do đó, các câu lạc bộ đêm và buổi biểu diễn nhạc sống sẽ một lần nữa đóng cửa tới ít nhất 13/8".
Tỷ lệ lây nhiễm ở Hà Lan hiện là 2,17, nghĩa là cứ một người mắc COVID-19 thì có thể lây cho ít nhất 2 người nữa.
Trong ngày 15/7, Hà Lan ghi nhận 10.976 ca mắc mới, cao hơn số ca trung bình hàng ngày trong 7 ngày qua. Đa số ca mắc mới là người trẻ từ 20-29 tuổi.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Đông Nam Á đang trở thành một trong những tâm dịch Covid-19 do ảnh hưởng của biến thể Delta trong bối cảnh thiếu hụt về nguồn cung vắc-xin.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Trường ĐH Johns Hopkins hôm 15-7 cho biết trong vòng một tuần qua, số ca mắc mới ở Đông Nam Á đã tăng 41% so với tuần trước đó lên hơn nửa triệu ca. Số ca tử vong do dịch Covid-19 trong khu vực cũng tăng 39% trong cùng kỳ tính đến hôm 14-7, đây được xem là tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới.
Trong khi đó, tỉ lệ tiêm chủng chung của Đông Nam Á là 9%, chậm hơn các khu vực phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi có hơn một nửa dân số đã được tiêm phòng và chỉ vượt xa châu Phi và Trung Á.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân ở thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 15-7. Ảnh: Reuters
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt qua Ấn Độ về số ca mắc mới mỗi ngày trong tuần này, trở thành tâm dịch mới của châu Á trong khi một số nước láng giềng cũng đang chứng kiến số ca mắc cao kỷ lục.
Số ca mắc mới ở Indonesia trong tuần này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày. Hôm 15-7, Indonesia có thêm gần 56.800 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 2,7 triệu, trong đó hơn 70.000 người đã tử vong. Số ca mắc mới tăng nhanh khiến hệ thống y tế Indonesia trên bờ vực sụp đổ vì quá tải.
Vợ và con của nạn nhân Covid-19 đau buồn tại nghĩa trang ở ngoại ô Jakarta - Indonesia. Ảnh: Reuters
Theo tờ Bangkok Post, Thái Lan hôm 15-7 ghi nhận thêm 98 người chết vì dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 2.938. Bộ Y tế Thái Lan cũng ghi nhận thêm 9.186 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên 372.215, trong đó có đến 343.352 ca xuất hiện kể từ ngày 1-4 khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 bắt đầu bùng phát ở nước này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở thủ đô Bangkok-Thái Lan hôm 15-7. Ảnh: Reuters
Malaysia ghi nhận 13.215 ca mắc Covid-19 mới hôm 15-7, số ca cao kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp. Tính đến hôm 15-7, Malaysia có tổng cộng 880.782 trường hợp nhiễm. Trong khi đó, nước này ghi nhận khoảng 6.613 ca tử vong do dịch Covid-19.
Thi thể nạn nhân Covid-19 được đưa đến nghĩa trang ở Shah Alam, Malaysia hôm 14-7. Ảnh: Reuters
Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn ở Myanmar khi nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt oxy do số ca mắc mới tăng đột biến. Do nhiều nhân viên y tế vẫn từ chối quay trở lại công việc của họ để phản đối cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2 năm ngoái, nên số ca nhiễm thực tế được cho là còn cao hơn số liệu chính thức. Myanmar hiện ghi nhận hơn 212.000 ca nhiễm và hơn 4.300 trường hợp tử vong do dịch Covid-19.
Chuyên gia Sian Fenner, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Công ty Oxford Economics, cho biết: "Do tốc độ tiêm chủng đang chậm lại, ngoại trừ Singapore, chúng tôi cho rằng sự phục hồi sẽ khó khăn và nguy cơ tiếp tục áp đặt các hạn chế gia tăng. Sự bất ổn gia tăng cũng có khả năng dẫn đến tổn hại kinh tế hơn nữa".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận "còn quá sớm" để loại trừ hoàn toàn liên hệ giữa đại dịch Covid-19 với giả thuyết virus SARS-Cov-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Ông cũng yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn khi các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về nguồn gốc virus.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AP)
Trong động thái được cho là hiếm thấy, ông Tedros tiết lộ rằng việc tiếp cận với các dữ liệu thô là một thách thức đối với đội ngũ quốc tế đến Trung Quốc hồi đầu năm nay để điều tra nguồn gốc Covid-19.
WHO "yêu cầu Trung Quốc thực sự minh bạch, cởi mở và hợp tác, đặc biệt về thông tin và dữ liệu thô và chúng tôi đề nghị trong những ngày đầu của đại dịch".
Theo đài NPR (Mỹ), thông điệp của Tổng giám đốc WHO đã làm suy yếu chính báo cáo của tổ chức này hồi tháng 3, trong đó kết luận giả thuyết virus corona rò rỉ là "hầu như không có khả năng".
"Bản thân tôi là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, tôi là một nhà miễn dịch học, và tôi đã làm việc trong phòng thí nghiệm. Và những sự cố trong phòng thí nghiệm vẫn xảy ra", Tedros nói. "Đó là điều bình thường."
Vào giữa tháng 6, lãnh đạo nhóm G7 nhóm họp tại Anh đã ra tuyên bố chung "kêu gọi tiến hành kịp thời, minh bạch một cuộc điều tra Giai đoạn 2 về Nguồn gốc dịch Covid-19 trên cơ sở khoa học của WHO, do các chuyên gia dẫn dắt, bao gồm - theo đề xuất trong báo cáo của các chuyên gia - ở cả Trung Quốc".
Trước đó, vào cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu cộng đồng tình báo nước này điều tra triệt để về nguồn gốc Covid-19, bao gồm giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm, và báo cáo trong vòng 90 ngày.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
AFP ngày 15/7 đưa tin, cảnh sát Singapore đang điều tra một số quán karaoke vi phạm quy định phòng chống COVID-19 và bắt giữ 20 phụ nữ nước ngoài liên quan "các hoạt động tệ nạn".
Singapore ghi nhận thêm 56 ca lây nhiễm trong nước vào ngày 14/7, con số cao nhất trong ngày kể từ tháng 9/2020, trong đó có 42 ca liên quan các quán karaoke.
Singapore chưa cho phép mở lại các quán karaoke và hộp đêm. Giới chức cho biết những quán karaoke để xảy ra tình trạng lây lan COVID-19 đã hoạt động như các cửa hàng ăn uống.
Theo cảnh sát, các phụ nữ nước ngoài tuổi từ 20-34 đã bị bắt do "tình nghi liên quan các hoạt động tệ nạn" tại các quán karaoke trên.
Trong tuần này, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 54 ca mắc COVID-19 liên quan cụm lây nhiễm từ các quán karaoke. Trong số đó có một hành khách trên tàu du lịch buộc phải trở về Singapore hôm 14/7, sớm hơn dự kiến do có ca dương tính trên tàu.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo về nguy cơ cụm lây nhiễm rất lớn xuất phát từ các quán karaoke.
"Chúng tôi biết các trường hợp này giống với thực trạng đang xảy ra ở Hàn Quốc, Hong Kong. Các hoạt động giải trí ban đêm nơi mọi người thường tiếp xúc rất gần nhau, một số kèm cả tiếp viên phục vụ, đang dẫn đến những ổ lây nhiễm lớn. Vì thế chúng tôi đã cấm tổ chức các hoạt động này trong hơn 1 năm qua. Việc sự việc trên xảy ra rất đáng thất vọng", phát biểu về vấn đề trên, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói.
Singapore đặt mục tiêu tới ngày 9/8 tiêm chủng xong cho ít nhất 2/3 dân số.
Mời độc giả theo dõi tin gốc tại đây
Bộ Ngoại giao cho biết, trong cuộc điện đàm vào chiều 15/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trao đổi về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: TTXVN)
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó đại dịch COVID-19 và tiếp cận nguồn vaccine hiệu quả.
Chủ tịch nước cảm ơn Indonesia đã hợp tác tốt với Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; đề nghị Indonesia tiếp tục tạo điều kiện cho công dân Việt Nam tại Indonesia được khám chữa bệnh, cách ly và điều trị trong trường hợp cần thiết.
Mời độc giả theo dõi đầy đủ nội dung thông tin tại đây
Nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát dịch nhanh chóng ở Malaysia được cho là sự xuất hiện của biến thể Delta. Quan chức cấp cao bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah hôm 15/7 cho biết, biển thể Delta "chỉ cần vài giây" là có thể lây chéo từ người này qua người khác.
"Lúc trước, chúng tôi nghiên cứu ra rằng một người có thể bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ một người khác nếu 2 bên tiếp xúc gần hơn 1 mét trong khoảng thời gian 15 phút. Giờ đây, chúng tôi được thông báo rằng, biến thể Delta có thể lây chéo từ người này qua người kia chỉ trong 5 giây và virus có thể lây qua đường không khí. Mức độ lây lan của virus cao hơn rất nhiều", ông Abdullah cho hay.
Quan chức này nói rằng, các biến chủng bình thường có mức độ lây lan vào khoảng 2,5-3, trong khi Delta có tỷ lệ là 5-8.
"Điều đó có nghĩa là nếu 100 người mắc chủng Delta, virus có thể loang rộng ra 500-800 người khác", ông cảnh báo.
Số ca bệnh ở Malaysia bắt đầu tăng lên mốc 5 chữ số từ ngày 13/7. Số người mắc bệnh tăng vọt đẩy các bệnh viện tại quốc gia này vào tình trạng báo động. Hiện nước này đã ghi nhận gần 881.000 ca nhiễm và hơn 6.600 người tử vong do COVID-19.
Mời độc giả theo dõi tin gốc tại đây
Tòa án nhân dân trung cấp ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 15/7 tuyên án tử hình đối với hung thủ sát hại một tình nguyện viên phòng chống dịch Covid-19.
Nam bị cáo Chen Chenglong bị buộc tội cố ý giết người. Vụ sát nhân xảy ra hồi đầu tháng 2, Chen đã dùng dao đâm vào ngực, bụng và tay của tình nguyện viên 42 tuổi họ Zhang khi ông này ngăn cản Chen rời khỏi nơi cư trú, làm ông Zhang tử vong do mất máu quá nhiều. Chen bị bắt giữ ngay tại nhà.
Tòa án Trung Quốc lên án tội ác mà Chen gây ra là hết sức nghiêm trọng và là hành vi chống đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh, do đó cần bị phát luật trừng trị nghiêm khắc.
Vụ án của Chen Chenglong đã gây phẫn nộ lớn trong xã hội Trung Quốc và nhiều người đòi xử tử Chen.
Sau khoảng nửa năm cuộc sống hàng ngày diễn ra bình thường, Sydney, thành phố lớn nhất của Australia hiện đang ở trong tuần thứ ba của đợt phong tỏa nghiêm ngặt đã được gia hạn cho đến ít nhất là ngày 30/7.
Các khu trung tâm thương mại nhộn nhịp của Sydney trở nên vắng vẻ, các trường học đã đóng cửa và các hộ gia đình bị cấm gặp nhau để giảm thiểu lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Ngay cả khi Mỹ và Anh có kế hoạch mở cửa trở lại, Australia dường như vẫn đang mắc kẹt trong đại dịch.
Người dân xếp hàng đăng ký tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng ở Melbourne, Australia. Ảnh: Bloomberg
Là quốc gia theo đuổi đến cùng "zero Covid" (không có Covid-19), chiến lược được một số nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thực hiện, Australia đã ngăn chặn đại dịch bằng những biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như áp lệnh phong tỏa, kiểm soát biên giới và thậm chí là cấm công dân xuất cảnh.
Tuy nhiên, việc triển khai vaccine Covid-19 chậm đã khiến Australia đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới khi các biến thể mới có độc lực mạnh hơn xuất hiện.
Mời quý độc giả bấm vào link dưới để đọc bài chi tiết:
Ngày 15/7, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho hay, Malaysia sẽ ngừng tiêm vắc xin Covid-19 của Sinovac (Trung Quốc) sau khi hết số vaccine được cung cấp vì đã có đủ lượng vaccine cần thiết cho chương trình tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm chủng của Malaysia sẽ phụ thuộc chủ yếu vào vaccine mRNA Pfizer-BioNTech, ông Baba tuyên bố trong một cuộc họp báo.
Hiện nay, quốc gia Đông Nam Á này đã đảm bảo được khoảng 45 triệu liều Pfizer BioNTech, đủ để tiêm cho 70% dân số, cùng 16 triệu liều vaccine Sinovac.
Phân nửa trong số 16 triệu liều vaccine Sinovac đã được phân phối để tiêm chủng cho người dân nên nửa còn lại sẽ được dùng cho mũi tiêm thứ hai.
Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ lan rộng các biến thể Covid-19 mới, nguy hiểm hơn, khiến nỗ lực khống chế đại dịch gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch ủy ban Didier Houssin. Ảnh: Reuters
"Đại dịch vẫn chưa kết thúc", ủy ban nhấn mạnh trong một thông cáo ngày 15/7. Chủ tịch ủy ban Didier Houssin thừa nhận với các phóng viên rằng "các xu hướng gần đây rất đáng lo ngại".
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đang chống chọi với làn sóng lây nhiễm do các biến thể mới. Ông Houssin cho rằng, giờ đây, dù đã 1 năm rưỡi sau khi WHO lần đầu tuyên bố mức báo động cao nhất “Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Gây lo ngại Quốc tế” (PHEIC) - "chúng ta vẫn đang theo sau con virus này và virus vẫn đuổi theo chúng ta".
Hiện nay có 4 biến thể Covid-19 phổ biển trong bức tranh đại dịch: Alpha, Beta, Gamma và chủng lây lan nhanh Delta. Tuy nhiên, Ủy ban Khẩn cấp của WHO cảnh báo rằng điều tồi tệ hơn có thể đang ở phía trước và chỉ ra khả năng xuất hiện, lan rộng của những biến chủng mới, nguy hiểm hơn.
Trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 thời gian gần đây, ngày 15/7, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết ngày càng nhiều địa phương cân nhắc khôi phục các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người chưa được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong chương trình Good Morning America của hãng ABC, bà Walensky đã để ngỏ khả năng nhiều bang và thành phố sẽ ban hành các biện pháp hạn chế tương tự như thành phố Chicago của bang Illinois, áp dụng đối với những du khách chưa được tiêm phòng.
Lãnh đạo CDC cũng nhấn mạnh hiện là thời điểm Mỹ cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng và các biện pháp can thiệp phòng ngừa khác, cho rằng việc đưa ra "những thông điệp giống năm ngoái" là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo bà Walensky, các biện pháp phòng ngừa trên bao gồm xét nghiệm cho những người có các triệu chứng về đường hô hấp trên hoặc các triệu chứng của COVID-19, đồng thời yêu cầu những người này tự cách ly tại nhà và đeo khẩu trang.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 538.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay là trên 189,6 triệu ca, trong đó trên 4,08 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (56.757 ca), Brazil (52.789 ca) và Anh (48.553 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.444 ca), Indonesia (982 ca) và Nga (791 ca).
Như vậy, Indonesia liên tục đứng đầu thế giới về ca mắc mới trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh các ca bệnh tăng nhanh ở nhiều nước, ngày 15/7, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo những biến thể mới gây lo ngại của virus SARS-CoV-2 có thể lây lan toàn cầu, gây khó khăn hơn cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Trong một tuyên bố, ủy ban trên cho biết đại dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, đồng thời nhấn mạnh khả năng cao các biến thể mới và có thể nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, lây lan toàn cầu và khó kiểm soát.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây