*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 21/10, thế giới ghi nhận tổng cộng 242.995.443 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.941.024 ca tử vong. Số người bình phục tính đến nay là 220.226.493 ca.
Tân Hoa Xã dẫn lời NHC cho biết trong số 43 ca mắc mới Covid-19 có 28 ca cộng đồng và 15 ca nhập cảnh. 28 ca cộng đồng đến từ Nội Mông, Cam Túc, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Bắc Kinh, Quý Châu và Thanh Hải. 15 ca nhập cảnh đến từ Vân Nam, Quảng Tây, Thượng Hải, Sơn Đông, Liêu Ninh, Hà Nam, Quảng Đông và Thiểm Tây.
NHC nói rằng họ không ghi nhận thêm ca tử vong Covid-19 nào trong ngày 21-10. Trước đó 1 ngày, Trung Quốc chỉ báo cáo 13 ca mắc mới Covid-19.
Tính đến ngày 22-10, Trung Quốc có tổng cộng 96.665 ca mắc Covid-19, 4.636 ca tử vong và 91.511 trường hợp phục hồi. Nước này đã ghi nhận 9.474 ca mắc Covid-19 nhập cảnh trên đất liền tính đến tối 21-10 (giờ địa phương).
Trong khi đó, tại Hồng Kông, số ca mắc Covid-19 đang là 12.311 và số ca tử vong là 213. Số liệu ở Macau là 77 ca mắc Covid-19, còn ở Đài Loan là 16.349 ca mắc và 846 ca tử vong.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh ngày 22-10 đã nâng mức kiểm soát và phòng ngừa dịch ở quận Xương Bình lên cấp độ "rủi ro trung bình" sau khi phát hiện 4 ca mắc Covid-19, bao gồm một cặp đôi trước đó tới Nội Mông, Ninh Hạ, Sơn Tây bằng xe hơi từ ngày 12 đến ngày 15-10. 194 người có liên hệ với các ca mắc mới đang được cách ly tập trung.
Khoảng 16.000/35.000 cư dân trong khu vực quận Xương Bình được xét nghiệm Covid-19 vào sáng 22-10.
Trung Quốc hiện duy trì chiến lược "Zero Covid" (không sống chung với Covid-19) bằng cách đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, cách ly dài ngày và phong toả chặt chẽ. Nhiều trường học trên cả nước bị đóng cửa, trong khi các chuyến bay bị huỷ vào ngày 22-10.
(Theo Người lao động)
Ngày càng có nhiều bác sỹ tại Anh cảnh báo, hệ thống y tế ở nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới do sự lây lan dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát, với số ca nhập viện và ca tử vong không ngừng gia tăng, theo VOV.
Cảnh báo từ một số cơ quan y tế lớn của Anh được đưa ra khi các quan chức chính phủ nước này khẳng định chưa cần thiết phải áp đặt thêm nhiều biện pháp hạn chế đối với cuộc sống của người dân. Theo Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, số ca mắc mới tại Anh có thể lên đến 100.000 ca mỗi ngày khi nước này bước vào mùa Đông. Các chuyên gia tại Anh hiện đang theo dõi một đột biến của biến thể Delta, có khả năng khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn.
Đột biến mới của biến thể Delta khiến dịch bệnh tại Anh ngày càng đáng lo ngại. Ảnh minh họa: Anadolu Agency
"Cực kỳ đáng lo ngại"
Hiệp hội Y tế Anh đã hạ thấp triển vọng lạc quan của chính phủ, cho rằng tình hình hiện tại "cực kỳ đáng lo ngại". "Dịch bệnh có thể tồi tệ hơn khi chúng ta bước vào mùa Đông. Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế lớn, trong khi đội ngũ nhân viên thì đang mệt mỏi và kiệt quệ".
Hiệp hội Y tế Anh đã ủng hộ lời kêu gọi chính phủ kích hoạt "Kế hoạch B" của NHS Confederation (đại diện dịch vụ y tế công ở England, xứ Wales và Bắc Ireland). "Phương án B" được hiểu là tình huống dự phòng, sẽ được đưa ra áp dụng nếu số ca mắc mới tăng vọt, vượt quá ngưỡng chịu đựng đối với NHS. Đánh giá của BMA cho biết: "Thực tế cho thấy, không một quốc gia châu Âu nào ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và tử vong cao như ở Anh. So với Pháp, chúng ta có số ca mắc cao gấp 10 lần và số ca tử vong cao gấp 4 lần tính trên 1 triệu người".
Anh đã ghi nhận từ 40.000 đến 50.000 ca mắc mới mỗi ngày vào tuần trước. Dù số ca tử vong và số ca bệnh nặng phải nhập viện mỗi ngày vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đó của đại dịch nhờ chiến dịch tiêm phòng vaccine, nhưng các dữ liệu cho thấy những con số này cũng đang tăng lên. Riêng trong ngày 21/10, nước này đã ghi nhận 52.009 ca mắc mới và 115 ca tử vong, 959 ca phải nhập viện điều trị.
Chính phủ Anh đã bác bỏ những lo ngại về sự quá tải đối với các dịch vụ y tế. Phát biểu với BBC, quan chức y tế Anh Edward Argar cho biết, NHS không phải chịu "áp lực quá lớn", lưu ý rằng đang có khoảng 95.000 giường bệnh trong các bệnh viện của NHS. Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, dữ liệu được công bố có thể không phản ánh đúng tình hình thực tế.
Ứng dụng ZOE COVID Study của Anh chuyên thu thập và phân tích dữ liệu về Covid-19 ngày 21/10 cho biết, số lượng xét nghiệm dương tính mỗi ngày tại quốc gia này cao hơn nhiều so với dữ liệu do chính phủ công bố. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm PCR và LFT, ứng dụng này cho biết, trong 5 ngày qua, trung bình mỗi ngày có 81.823 ca mắc mới, tăng 17% so với 1 tuần trước đó.
Tim Spector, giáo sư dịch tễ học tại Đại học King’s College London, nhận xét rằng "với hơn 80.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày, Anh thực sự đang rơi vào tình huống khó khăn".
Từ nay trở đi, Campuchia sẽ không đóng cửa trường học, nhà máy, chợ,… vì phát hiện một vài trường hợp bị COVID-19. Đây là khẳng định của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại cuộc họp Nội các, diễn ra ngày 22/10, VOV đưa tin
Ảnh minh họa: The Phnom Penh Post.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các, Thủ tướng Hun Sen cho biết: "Khi một nhà máy phát hiện 2-3 người bị COVID-19 thì chỉ cần đưa những người đó đi điều trị, không cần phải đóng cửa cả nhà máy. Trước đây, nếu phát hiện người bị COVID-19 ở chợ thì đóng cả chợ, nhưng bây giờ không làm như vậy nữa. Chúng ta chỉ đưa người bị dương tính đi điều trị, diệt khuẩn, rồi mở cửa buôn bán lại bình thường".
Theo Thủ tướng Hun Sen, trước đây, các bộ ngành và chính quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 bằng cách tìm kiếm, phát hiện và cách ly những người bị bệnh, cũng như phong tỏa các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao vì người dân chưa được tiêm vaccine COVID-19. Nhưng hiện nay, tỉ lệ người dân Campuchia đã được tiêm phòng COVID-19 là rất cao, nên không cần phải thực hiện các biện pháp phong tỏa như trước đây.
Cũng trong cuộc họp này, Thủ tướng Hun Sen cũng tuyên bố chuẩn bị mở lại các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và du lịch đã phải tạm dừng trong thời gian qua để phòng chống đại dịch COVID-19.
Báo Tin tức đưa tin, Nga và Ukraine, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp tại châu Âu, đều đang trải qua làn sóng dịch nghiêm trọng chưa từng thấy, với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng lên các mức cao mới trong những ngày qua.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Moskva, Nga, ngày 19/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Cụ thể, ngày 22/10 là ngày thứ 4 liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong một ngày tăng lên mức cao chưa từng thấy, với 1.064 ca. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới lập kỷ lục, với 37.141 ca. Hiện Nga ghi nhận tổng cộng trên 8,16 triệu ca, trong đó có trên 228.400 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi khi vẫn còn khoảng 1 tuần nữa biện pháp đóng cửa các cơ quan công sở trên cả nước theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin mới có hiệu lực. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định quyết định của Tổng thống Putin về việc áp dụng biện pháp mới từ ngày 30/10 - 7/11 sẽ tạo cơ hội để bẻ gãy chuỗi lây nhiễm virus hiện nay. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 đang "đặc biệt khó khăn".
Ông Peskov cũng cho biết hiện Chính phủ Nga chưa xem xét các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhưng với tình hình hiện nay, "không ai chắc chắn biểu đồ dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào". Ông cũng không loại trừ khả năng các biện pháp khác sẽ tiếp tục được triển khai sau ngày 7/11 nếu cần thiết đồng thời tái khẳng định tình hình diễn biến xấu do ý thức đi tiêm phòng của người dân chưa cao.
Theo người phát ngôn này, chương trình tiêm phòng tại Nga diễn ra chậm trễ hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu. Trên thực tế, trong khi ngày càng ít người đi tiêm phòng thì lại có ngày càng nhiều người nhiễm virus, đặc biệt là khi các biến thể mới nguy hiểm hơn của virus xuất hiện.
Tổng thống Putin cũng cho phép chính quyền các địa phương tự quyết các biện pháp hạn chế bổ sung tùy theo tình hình từng nơi. Thủ đô Moskva đã yêu cầu những người dân trên 60 tuổi ở nhà 4 tháng nếu chưa được tiêm phòng và áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ ngày 28/10, theo đó chỉ có các cửa hàng bán đồ thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc mới được hoạt động.
Tại Ukraine, sau thời gian lắng dịu trong mùa hè, tình hình dịch COVID-19 lại căng thẳng với số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày gần đây. Nhiều trường học tại các điểm nóng dịch bệnh đã phải đóng cửa từ ngày 22/10 và đây cũng là ngày Ukraine ghi nhận thêm một kỷ lục mới về số ca tử vong, với 614 ca trong 24 giờ qua. Cụ thể, các trường học ở thủ đô Kiev bắt đầu đóng cửa trong 2 tuần trong khi các trường học ở những vùng đỏ (có tỷ lệ lây nhiễm cao) cũng chỉ được phép mở cửa trở lại nếu tất cả các giáo viên trong trường đều được tiêm phòng đầy đủ.
Hiện nguồn cung vaccine và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tại Ukraine đang thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu. Đến nay, mới chỉ có 6,8 triệu trong tổng số 41 triệu người dân được tiêm phòng đầy đủ. Các quốc gia ở Đông Âu là những nơi ghi nhận tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất trên toàn châu lục.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Australia, hiện có khoảng 7 triệu liều vaccine của Moderna, Pfizer và AstraZeneca không dùng đến đang được trữ trong tủ bảo quản tại các địa điểm tiêm chủng trên khắp nước này.
Australia đã đặt mua hơn 280 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong đó có 125 triệu liều vaccine Pfizer, 50 triệu liều vaccine AstraZeneca và 25 triệu liều vaccine Moderna. Tuy nhiên đến nay, ngoài 2 vaccine chủ chốt được sử dụng là AstraZeneca và Pfizer, hơn một nửa số vaccine Moderna mà Australia đã mua vẫn chưa được nước này sử dụng.
Chính phủ Australia đã ký thỏa thuận mua 25 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna, trong đó 10 triệu liều sẽ được giao trong năm nay và 15 triệu liều còn lại sẽ được giao trong nửa đầu năm tới.
Theo truyền thông Australia, 2 triệu liều vaccine Moderna đã được chuyển đến Australia trong tháng 9 và dự kiến trong tháng 10, 3 triệu liều khác cũng sẽ được giao cho nước này. Nguồn cung dồi dào nhưng cho đến nay Australia mới sử dụng gần 430.000 liều vaccine Moderna.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vaccine Pfizer được phổ biến rộng rãi hơn tại Australia và được vận chuyển đến nước này sớm hơn nên khi vaccine Moderna có mặt tại Australia thì cũng là lúc nhiều người đã tiêm vaccine. Lý do thứ hai đó là có thể nhiều người không biết Moderna cũng là vaccine mRNA.
Vaccine Moderna chỉ có hạn sử dụng trong 9 tháng nhưng nếu đã đưa ra ngoài tủ lạnh thì chỉ có thể được dùng trong 4 tuần. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Australia, hiện có khoảng 7 triệu liều vaccine của Moderna, Pfizer và AstraZeneca không dùng đến đang được trữ trong tủ đông và tủ lạnh tại các địa điểm tiêm chủng trên khắp nước này./.
Theo: VOV
Zingnews.vn cho biết, trong 35 ngày kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em 6-12 tuổi, Campuchia đã tiêm phòng cho gần hết đối tượng ở nhóm tuổi này.
Tính từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng cho trẻ em ngày 17/9 đến ngày 21/10, tổng cộng 1.895.669 trẻ em ở độ tuổi 6-12 tuổi tại Campuchia đã được tiêm chủng.
Như vậy, chỉ còn 1.713 người trong số 1.897.382 trẻ em ở độ tuổi này chưa được tiêm vaccine Covid-19, tương đương khoảng 0,09%, theo Khmer Times.
Trong tổng số trẻ em đã được tiêm chủng, 1.698.420 người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, bao gồm 789.932 trẻ em gái.
Ngoài ra, 96 trẻ em trong độ tuổi này không thể tiêm vaccine do có bệnh nền.
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một chiến dịch bất thường của Trung Quốc nhằm tìm cách quy trách nhiệm cho tôm hùm xứ Maine của Mỹ là khởi nguồn của dịch Covid-19.
Cuộc điều tra do Đại học Oxford (Anh) kết hợp thực hiện với Đài NBC News cho thấy ý tưởng kỳ lạ trên đến từ một nhà ngoại giao Trung Quốc.
Vào giữa tháng 9, ông Marcel Schliebs, nhà nghiên cứu về tin vịt của Đại học Oxford, khi đang truy vết những thông điệp mà giới ngoại giao và truyền thông Trung Quốc truyền khắp Twitter trong 18 tháng thì bất ngờ phát hiện một giả thuyết đáng ngạc nhiên về nguồn gốc Covid-19.
Tổng lãnh sự Zha Liyou của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Kolkata (Ấn Độ) đã lên Twitter đề cập một giả thuyết chưa có cơ sở, theo đó cho rằng virus Corona chủng mới có thể do Mỹ "nhập khẩu" vào Trung Quốc thông qua lô tôm hùm đến từ tiểu bang Maine.
Lô tôm hùm trên đã được bán tại chợ hải sản đầu mối của thành phố Vũ Hán , ổ dịch Covid-19, hồi tháng 11.2019.
Theo: Thanh niên
Thông tấn Nga TASS ngày 21/10 dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia Nga, ông Kamil Khafizov, xác nhận nước này đã ghi nhận một số ca nhiễm biến chủng AY.4.2, còn được gọi là Delta Plus.
"Biến chủng Delta đã khiến tỉ lệ mắc bệnh gia tăng nghiêm trọng. Giờ đây biến chủng AY.4.2 có khả năng là động lực gia tăng thêm ca bệnh COVID-19", ông Khafizov cảnh báo.
Newsweek trích dẫn dữ liệu từ GISAID nói rằng AY.4.2 đã có mặt ở 27 quốc gia, từ Mỹ, Canada, Australia đến châu Âu. Tại Anh, nơi nó lần đầu được phát hiện, số ca nhiễm biến chủng này chiếm khoảng 6% số ca nhiễm mới và có thể đang tăng, theo DNA.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Virus Corona gây COVID-19 có thể vẫn xuất hiện nếu nó tiếp tục lây nhiễm cho mọi người. Nhưng điều đó không có nghĩa các biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện thường xuyên hoặc trở nên nguy hiểm hơn.
Theo ABC News, với hơn 1/2 dân số thế giới vẫn chưa được tiêm phòng, virus Corona có thể sẽ tiếp tục tìm thấy người để lây nhiễm và nhân lên trong vài tháng hoặc vài năm tới. Mỗi khi virus tạo ra một bản sao của chính nó, một đột biến nhỏ có thể xảy ra. Những thay đổi đó có thể giúp virus tồn tại và trở thành các biến thể mới.
Nhưng điều đó không có nghĩa là virus sẽ tiếp tục phát triển theo cùng một cách kể từ khi nó xuất hiện cuối năm 2019.
Theo: Lao Động
VnExpress đưa tin, Việt Nam đang công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời trao đổi với gần 80 đối tác khác về vấn đề này.
"Theo tinh thần Nghị quyết 128 của chính phủ, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, còn gọi là hộ chiếu vaccine, của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được đại diện các bên giới thiệu đến Bộ Ngoại giao", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay tại Bộ Ngoại giao.
Phát biểu được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi về những chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người từ nước ngoài đã tiêm đủ hai mũi vaccine trước khi đến Việt Nam.
Nhà chức trách Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa các trường học và tăng cường xét nghiệm đại trà trong ngày 21/10 nhằm tăng cường kiểm soát một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới liên quan một nhóm khách du lịch.
Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận "Zero COVID" với các biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa phạm vi hẹp. Nhờ đó, quốc gia này đã loại bỏ được phần lớn các đợt bùng phát dịch trong nước, song các ca mắc mới COVID-19 đã xuất hiện ngày thứ 5 liên tiếp ở nước này - chủ yếu ở các khu vực phía Bắc và Tây Bắc, nên nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp nhằm sớm kiểm soát dịch.
Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 21/10 nước này ghi nhận thêm 13 ca mắc mới COVID-19.
Đợt bùng phát dịch mới nhất liên quan đến một cặp vợ chồng cao tuổi trong một nhóm khách du lịch. Ban đầu họ ở Thượng Hải, sau đó bay đến 3 địa điểm gồm thành phố Tây An, tỉnh Cam Túc và Khu tự trị Nội Mông.
Hàng chục trường hợp được xác định có liên quan tới cặp vợ chồng này, với các tiếp xúc gần tại ít nhất 5 tỉnh và khu vực, trong đó có thủ đô Bắc Kinh.
Theo Vietnam Plus
Tuổi trẻ ghi nhận, ngày 21-10, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) công bố liều bổ sung của vắc xin COVID-19 do họ phát triển có hiệu quả kháng bệnh lên đến 95,6%, đối với cả biến thể Delta.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 21-10, Pfizer và BioNTech đã công bố kết quả nghiên cứu giai đoạn 3 của vắc xin COVID-19. Có 10.000 người từ 16 tuổi trở lên tham gia nghiên cứu trong giai đoạn biến thể Delta đang hoành hành.
Nghiên cứu cũng ghi nhận mũi thứ 3 của vắc xin Pfizer-BioNTech có độ an toàn cao.
Trước đó, Pfizer thừa nhận hiệu quả của hai mũi vắc xin Pfizer-BioNTech sẽ giảm theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy bốn tháng sau khi tiêm mũi thứ 2, hiệu quả của loại vắc xin này giảm từ 96% xuống chỉ còn 84%.
Theo Dân trí, Nga đã ghi nhận một số ca nhiễm biến thể AY.4.2 được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng Delta.
Khách du lịch đeo khẩu trang tại Moscow, Nga ngày 20/10 (Ảnh: AFP).
Hãng tin RIA hôm nay 21/10 dẫn lời nhà khoa học cấp cao của chính phủ Nga Kamil Khafizov cho biết, "biến thể AY.4.2 đã được phát hiện trong một số ca nhiễm tại Nga".
"Biến thể này có khả năng lây lan rộng rãi ở Nga và trên thế giới. Chúng tôi đang ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm biến thể này hơn", ông Khafizov cho biết thêm.
Nhà khoa học Nga cho biết AY.4.2 - hay còn có tên gọi Delta Plus, biến thể của chủng Delta - có nguy cơ lây lan cao hơn 10% so với Delta. Điều này có thể khiến số ca nhiễm mới, vốn đã ở mức cao kỷ lục ở Nga, thậm chí còn tăng hơn nữa.