*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.422 ca/ngày.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối nay cho biết, tính từ 17h ngày 22/10 đến 17h ngày 23/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 749 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Đây là số ca thấp kỷ lục được ghi nhận từ đầu tháng 7 đến nay.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, toàn TP đã có tổng cộng 420.738 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Hiện số ca bệnh mắc mới điều trị tại các tầng đang liên tiếp giảm sâu, nhiều bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức Covid-19 đang từng bước tái cơ cấu để tinh giản lực lượng trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Các lao động từ nhiều địa phương đang trở lại TP.HCM làm việc với số lượng ngày càng nhiều.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay ghi nhận 38 ca nhiễm Covid-19, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh trong cùng một gia đình.
Theo đó, trong 19 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng ở TX Phú Mỹ thì tại xã Tân Hòa có 7 ca nhiễm Covid-19 trong gia đình; phường Mỹ Xuân có 2 gia đình với 8 ca nhiễm; xã Châu Pha ghi nhận 2 trường hợp. Trong 10 ca cộng đồng ở TP Bà Rịa, có 5 ca là gia đình tại phường Phước Hưng, 3 ca tại phường Kim Dinh và 2 ca tại phường Long Tâm.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các ca mắc ngoài cộng đồng ghi nhận liên tục trong mấy ngày gần đây có nguồn lây từ ngoại tỉnh đang rất đáng lo ngại, nguy cơ cao tái bùng phát dịch.
Nhân viên y tế TP Bà Rịa lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho người dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn phường Long Toàn. Ảnh: Tuyết Mai/báo Bà Rịa-Vũng Tàu
Thông tin được dẫn theo Thanh niên
Theo Sức khỏe&Đời sống, báo cáo của ngành y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính từ sáng 4/10 đến tối nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 68 ca mắc Covid-19 liên quan đến các ổ dịch vừa phát sinh. Trong đó, TP Bắc Ninh 29 ca, huyện Quế Võ 20 ca, huyện Tiên Du 2 ca, thị xã Từ Sơn 5 ca, huyện Lương Tài 1 ca, huyện Yên Phong 1 ca, huyện Gia Bình 1 ca).
Ngoài ra còn có 9 ca F0 là người từ vùng dịch TP.HCM trở về địa phương.
Sau khi ổ dịch ở TP Bắc Ninh cơ bản được khống chế thì diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất hiện nay ở huyện Quế Võ. Đây là nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, độ nén công nhân cao, nhất là các trường hợp F0 có lịch trình di chuyển tại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, trong đó có liên quan đến học sinh tại các trường học trên địa bàn.
Về đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Bắc Ninh, huyện Quế Võ được xếp ở cấp độ 2, thị trấn Phố Mới xếp ở cấp độ 4.
Đơn vị y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu 3, thị trấn Phố Mới. Ảnh: báo Bắc Ninh
Theo VOV, từ 19h ngày 23/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang phối hợp với giới chức huyện Châu Thành phong tỏa toàn bộ địa bàn xã Bình Đức, huyện Châu Thành, liên quan ổ dịch Covid-19 xảy ra tại 2 doanh nghiệp trên địa bàn.
Có 2.048 hộ dân ở 3/3 ấp của xã Bình Đức bị phong tỏa trong thời gian 7 ngày.
Trong ngày, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định 1579 công bố bổ sung cấp độ dịch tại xã Bình Đức là cấp độ 4 (vùng đỏ).
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Bình Đức cho biết, qua truy vết từ ổ dịch Covid-19 xuất phát từ Công Ty TNHH TM & DV Tuyết Hương và công ty Hải sản Mê Kông, tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, đến nay đã phát hiện hơn 80 F0 và trên 100 F1.
Đơn vị chức năng đang tiến hành điều ra, làm rõ việc 2 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không đúng quy định làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Doanh nghiệp để xảy ra ổ dịch lớn tại xã Bình Đức. Ảnh: VOV
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin tới báo chí liên quan thông tin chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương nói: "Nếu tính tối đa 800.000 đồng/người cho cả hai chính sách hỗ trợ thì với 2.044 trường hợp đã chi trùng thì số tiền chưa tới 2 tỉ đồng và đã được thu hồi. Thông tin chi nhầm hàng trăm tỉ đồng tiền hỗ trợ phải thu hồi là không đúng".
Tại TX Tân Uyên có 23.039 trường hợp danh sách bị trùng, trong đó chỉ có 2.044 trường hợp đã chi tiền. Tại huyện Phú Giáo, có hơn 600 trường hợp danh sách bị trùng, nhưng đã chủ động phát hiện chưa chi tiền. Hiện tất cả 2.044 trường hợp chi trùng đã thu hồi xong.
Thông tin được dẫn từ Tuổi trẻ
Tính từ 17h ngày 22/10 đến 17h ngày 23/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.373 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 3.361 ca ghi nhận trong nước (giảm 616 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.332 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (749), Đồng Nai (605), Bình Dương (517), An Giang (224), Tiền Giang (156), Bạc Liêu (130), Kiên Giang (97), Tây Ninh (90), Bình Thuận (81), Phú Thọ (75), Long An (68), Trà Vinh (58), Gia Lai (53), Cần Thơ (43), Cà Mau (40), Khánh Hòa (39), Bà Rịa - Vũng Tàu (38), Thừa Thiên Huế (34), Đồng Tháp (32), Hậu Giang (25), Nghệ An (23), Bình Phước (22), Thanh Hóa (18), Vĩnh Long (15), Quảng Nam (13), Quảng Ngãi (12), Bình Định (12), Kon Tum (11), Bến Tre (10), Phú Yên (8 ), Quảng Trị (7), Hà Nội (7), Ninh Thuận (7), Thái Bình (6), Hà Giang (6), Hà Nam (5), Bắc Ninh (5), Lào Cai (5), Nam Định (3), Hải Phòng (2), Bắc Giang (2), Đà Nẵng (2), Ninh Bình (2), Đắk Nông (1), Hà Tĩnh (1), Quảng Ninh (1), Tuyên Quang (1).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.422 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 884.895 ca nhiễm.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 880.149 ca, trong đó có 801.847 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (424.155), Bình Dương (228.316), Đồng Nai (61.103), Long An (34.139), Tiền Giang (15.548).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 804.664. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.620 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 22/10 có 1.660.581 liều vắc xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 71.889.209 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 51.157.792 liều, tiêm mũi 2 là 20.731.417 liều.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong ngày 23/10 Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, 3 ca đã được cách ly và 1 cộng đồng.
Phân bố theo quận, huyện gồm: Thường Tín (3), Đống Đa (1). Phân bố theo các chùm gồm chùm ca bệnh liên quan đến các tỉnh có dịch (1), chùm ca bệnh thứ phát liên quan các tỉnh có dịch (2), chùm sàng lọc ho sốt (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 4.151 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.609 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.542 ca.
Cơ quan chức năng phong tỏa khu vực cửa hàng làm tóc ở Đống Đa.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, tính riêng từ ngày 1/10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 959 trường hợp mắc mới Covid-19, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có 598 ca mắc phát hiện trong cộng đồng. Đặc biệt, số ca mắc mới trong cộng đồng 14 ngày qua tăng cao với 474 ca mắc Covid-19.
Từ 16h ngày 22/10 đến 6h sáng 23/10, tỉnh ghi nhận thêm 110 ca mắc Covid-19, trong đó có 26 ca trong cộng đồng, 5 ca cách ly tại nhà, 21 ca trong khu cách ly tập trung, 55 ca trong khu phong tỏa và 3 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Đắk Lắk ghi nhận tổng cộng 3040 ca Covid-19, hiện tỉnh đang điều trị 1162 F0, đã có 1856 bệnh nhân khỏi bệnh, 22 trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: báo Đắk Lắk
Ông Lê Văn Phước (Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) hôm nay đã ký thông báo khẩn về việc tiếp tục thực hiện lệnh cấm ra đường ban đêm trong phạm vi toàn tỉnh, do địa phương này xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Cụ thể, quyết định tiếp tục thực hiện lệnh cấm đi lại trong phạm vi toàn tỉnh từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Quyết định này không áp dụng đối với các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoặc lực lượng chức năng được phân công thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và những trường hợp khẩn cấp khác.
Trước đó, hôm 20/10, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định về áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép người dân đi lại bình thường do tỉnh có cấp độ nguy cơ trung bình (cấp độ 2). Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang.
Thông tin được dẫn từ Người lao động
Ghi nhận của tờ Sức khỏe&Đời sống cho hay, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, vắc xin phòng Covid-19 Hayat-Vax được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, mỗi người được tiêm 2 mũi cách nhau 2-4 tuần. Mỗi liều 0,5 ml, tiêm bắp. Đặc biệt, có thể sử dụng vắc xin Hayat-Vax để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 là vắc xin Sinopharm.
Về tương tác của vắc xin này với loại khác, hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết hiện chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin Hayat-Vax tiêm cùng với các loại khác.
Những người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào (hoạt chất, tá dược) có trong thành phần của vắc xin hoặc người có phản ứng dị ứng mạnh với lần tiêm vắc xin này trước đó thuộc đối tượng chống chỉ định dùng Hayat-Vax.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng chỉ rõ vaccine này cần thận trọng sử dụng tiêm cho các đối tượng như: Những người có bệnh lý về máu như giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; Người bị chứng động kinh không kiểm soát và các rối loạn thần kinh tiến triển khác.
Trước đó, ngày 10/9, vắc xin Hayat-Vax đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Đây là vắc xin phòng Covid-19 thứ 7 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp.
Tiêm vắc xin ở Hà Nội. Ảnh: Người lao động
Ảnh minh họa: Tiền phong
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam tối qua công bố thêm 21 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 10 F0 phát hiện tại khu cách ly, còn lại ghi nhận tại nhà và thông qua lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế.
Tính trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 831 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã. Trong số đó, có 418 trường hợp phát hiện tại khu cách ly.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM hôm qua đã lấy mẫu test nhanh kháng nguyên tại 11 ấp thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM. Riêng trong buổi sáng, phát hiện 78 trường hợp dương tính trên 3.000 mẫu test nhanh tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Đến 16h cùng ngày, số ca dương tính với test nhanh kháng nguyên ghi nhận tổng cộng là 189 trường hợp.
Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, số ca nghi mắc của Bình Chánh trong ngày 22/10 là cao nhất trong số các quận huyện thuộc TP. Tính từ ngày 29/4 đến nay, Bình Chánh có tổng số ca mắc là 27.311.
Lực lượng chức năng tiến hành đánh giá sơ bộ các tiêu chí như: Có ít nhất 2 hộ gia đình có F0 trong cùng khu vực và có giao tiếp với nhau; Tính chất của địa bàn dân cư; Tình trạng tiêm chủng; Đã từng là ổ dịch trong 3 tháng trước đó.
Địa phương đã khoanh vùng, phong tỏa tạm thời ổ dịch trong vòng 24 giờ để điều tra và xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Thông tin được dẫn từ Vietnamnet
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội sáng nay thông báo khẩn tìm người đến Hair Salon Mẹ Ớt số 36A Trần Quang Diệu, quận Đống Đa từ ngày 8/10 đến 22/10.
Theo đó, những người đến địa điểm trên tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa, số điện thoại 0973044073; Trung tâm Y tế quận Đống Đa, số điện thoại 02435625581; CDC Hà Nội số điện thoại 0969082115/0949396115.
Trước đó, ngày 22/10, một nhân viên cắt tóc là T.V.H (19 tuổi) tại Hair Salon Mẹ Ớt xuất hiện triệu chứng và vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa làm test nhanh cho kết quả dương tính.
Sau đó, H được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR và khẳng định dương tính SARS-CoV-2 vào sáng 23/10.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM hôm qua đã ký kế hoạch "khẩn" tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Dự kiến sẽ có 780.000 trẻ được tiêm vắc xin Covid-19, trong đó ưu tiên nhóm từ 16 đến 17 tuổi tiêm trước.
Đối tượng được thụ hưởng là tất cả nhóm trẻ ở độ tuổi trên đang sinh sống, học tập trên địa bàn TP.HCM.
Dự kiến, mũi 1 sẽ tiêm trong 5 ngày, thời gian bắt đầu ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vét trong 2 ngày. Mũi 2 tiêm trong 7 ngày, sau khi đã đủ thời gian tiêm mũi 2. Chiến dịch tiêm chủng sẽ sử dụng loại vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 12-17 tuổi; tiêm 2 liều/người và tiêm cùng loại vắc xin.
Ảnh: Tiền phong
Một nam bệnh nhân được cứu sống thần kỳ sau thời gian dài nguy kịch do mắc Covid-19. Ảnh: Người lao động
Thông tind được dẫn từ Tiền phong
Theo báo Thanh niên, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho biết, các địa phương trong tỉnh đã chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho trên 22.900 người với số tiền hàng tỉ đồng, buộc phải thu hồi.
Riêng TX Tân Uyên lên đến 22.000 người được chi nhầm. Bà Hằng nói, đối với những trường hợp đã chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19, chi không đúng đối tượng sẽ phải thu hồi. Hiện UBND tỉnh Bình Dương đang chỉ đạo rà soát những người chưa được nhận các chính sách hỗ trợ theo chế độ để tiếp tục chi trả cho người dân.
> Mời xem thêm thông tin tại đây: Thực hư thông tin 'Bình Dương chi nhầm hàng trăm tỉ tiền hỗ trợ, buộc phải thu hồi'Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 881.522 ca mắc Covid-19.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 876.788 ca, trong đó có 800.509 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 01/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (423.406), Bình Dương (227.799), Đồng Nai (60.498), Long An (34.071), Tiền Giang (15.392).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 803.326. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.073 ca, trong đó, thở máy xâm lấn: 383, ECMO: 16.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.543 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 70.488.694 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 50.334.724 liều, tiêm mũi 2 là 20.153.970 liều.
Ảnh minh họa: Tiền phong
Huyện Bình Chánh hôm qua đã phát hiện 78 trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính trên hơn 3.000 mẫu xét nghiệm được lấy.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, giám sát dữ liệu mỗi ngày phát hiện số ca mắc tại Bình Chánh có dấu hiệu tăng. HCDC cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Bình Chánh triển khai quy trình mới xét nghiệm thần tốc, chăm sóc và cách ly ca F0 tại nhà.
Thông tin được dẫn từ Tuổi trẻ
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương trả lời trên Tuổi trẻ online, thông tin "Bình Dương chi sai hàng trăm tỉ tiền hỗ trợ, buộc phải thu hồi" là thông tin không chính xác.
Về số liệu "chi nhầm", bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương nói, thông tin "buộc phải thu hồi hàng trăm tỉ đồng chi nhầm" là thông tin bị hiểu sai. Theo bà, số trường hợp đã chi trùng "chỉ khoảng vài trăm" và được yêu cầu phải thu hồi.
"Nếu tính tổng mức hỗ trợ cho cả hai gói hỗ trợ là 800.000 đồng/người cho số liệu 22.900 trường hợp thì số tiền cũng chỉ khoảng 18 tỉ đồng. Nhưng thực tế số đã chi trùng là thấp hơn danh sách, chúng tôi sẽ yêu cầu các huyện, thị xã bóc tách ra và cung cấp số liệu cụ thể", bà Hằng chia sẻ với Tuổi trẻ.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương Phạm Văn Tuyên xác nhận trên tờ Tri thức trực tuyến, các địa phương trên địa bàn đã chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho người lao động nên buộc phải thu hồi.
Theo ông Tuyên, tình trạng trên xảy ra do một số người đã kê khai thêm danh sách nhận tiền hỗ trợ vào thời điểm tỉnh đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho người lao động.
"Quá trình lập danh sách chi hỗ trợ cho các nhà trọ và nhu yếu phẩm được giao cho các tổ, khu phố, lập danh sách xong là chi ngay. Có thể người lao động đã khai thêm bạn bè vào danh sách để nhận hỗ trợ", lãnh đạo Sở LĐTB&XH Bình Dương nói với nguồn trên và cho biết sẽ rà soát lại.
Cũng theo Tri thức trực tuyến, tỉnh còn chi 1,5 triệu đồng/người cho đối tượng lao động tự do, nhưng qua rà soát nhiều người trong diện này thực chất là lao động của các doanh nghiệp. Sau khi hưởng 1,5 triệu đồng thông qua gói hỗ trợ lao động, những người này tiếp tục hưởng gói tạm hoãn 3,7 triệu đồng thông qua bảo hiểm xã hội. Do đó, qua đối chiếu dữ liệu, Sở LĐTB&XH phát hiện danh sách người nhận tiền hỗ trợ bị trùng lặp.
Ảnh minh họa: Tiền phong
Theo Tuổi trẻ, UBND tỉnh Bình Dương tối qua (22/10) đã ban hành văn bản quy định về biện pháp tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19", tháo gỡ 'nút thắt' cho nhiều dịch vụ hoạt động trở lại. Theo đó, với việc tất cả các huyện, thị xã, thành phố có cấp độ dịch hiện đang ở cấp 3 trở xuống thì theo quy định "thích ứng an toàn, linh hoạt..." được UBND tỉnh Bình Dương ban hành, từ ngày 22/10, các nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống sẽ được hoạt động, cho phép bán tại chỗ. Các cơ sở này vẫn phải có phương án phòng chống dịch, thiết lập điểm kiểm dịch, quét mã QR, tuân thủ 5K.
Đối với các loại hình dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, quán bar, rạp chiếu phim, tập luyện thể thao trong nhà (phòng gym)... cũng được phép hoạt động trở lại nhưng có điều kiện và giới hạn số lượng (thông thường là khoảng 30% công suất nếu ở vùng có cấp độ dịch ở cấp 3).
Tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 2 cho người dân phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Ảnh: báo Bình Dương
Công an quận 8, TP.HCM hôm qua cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Bông (SN 1966) và Thái Kim Yến (SN 1994, con ruột của bà Bông, cùng ngụ quận Bình Thạnh) về hành vi "Chống người thi hành công vụ".
Trước đó, ngày 15/10, bà Bông và Yến đến trụ sở UBND phường 6, quận 8 yêu cầu được nhận tiền trợ cấp đợt 3 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính quyền phường đã giải thích bà Bông không thuộc đối tượng được nhận tiền trợ cấp theo quy định, song cả 2 la hét, gây mất trật tự ở khu vực phát tiền trợ cấp.
Khi đó, cán bộ Nguyễn Thanh Bình (công tác tại Công an phường 6) yêu cầu mẹ con bà Bông không được gây rối. Bà Bông không chấp hành, còn lao vào dùng tay kéo áo và nắm tóc cán bộ Bình.
Cán bộ công an Nguyễn Thanh Mộng (công tác tại Công an phường 6) đang làm nhiệm vụ gần đó liền đến can ngăn thì bị Yến dùng tay đánh vào ngực.
Chưa dừng lại ở đó, cán bộ Bình còn bị bà Bông dùng 2 tay kéo áo, nắm tóc, cào vào tay gây trầy xước da ở tay.
Tại trụ sở công an, hai mẹ con bà Bông tiếp tục la hét, không hợp tác làm việc với công an.
Hình ảnh mẹ con bà Bông gây rối tại trụ sở UBND phường 6, quận 8. Ảnh: Sỹ Hưng/Người lao động
Thông tin được dẫn từ Người lao động