*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Cập nhật diễn biến dịch Covid-19 trên cả nước ngày 18/11.
Đối với tình hình hiện nay, với số ca F0 tăng nhanh trong cộng đồng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội thực hiện việc điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở, đảm bảo người dân được cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phố Phú Đô, một trong 6 khu vực đang bị phong tỏa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Hà Nội sẽ thành lập các trạm y tế lưu động; trạm y tế tại xã, phường, thị trấn điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.
Hiện nay, thành phố đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên. Những đối tượng này nếu mắc bệnh cũng sẽ nhẹ hơn, nên thành phố phân ra 3 tầng chữa bệnh.
Trong đó, những người triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị tại tầng 1 là tuyến cơ sở. Bệnh nhân nặng hơn được điều trị tại các tầng 2, 3 là từ tuyến huyện, tuyến thành phố, thậm chí là ở các bệnh viện Trung ương và bệnh viên tư nhân.
Đặt giả thiết cảnh báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến xấu và phức tạp, lượng ca F0 tăng nhanh trong cộng đồng, bà Trần Thị Nhị Hà đưa ra giải pháp là Hà Nội sẽ có thể điều trị F0 tại nhà và tăng cường khám chữa bệnh từ xa. Hệ thống y, bác sỹ sẽ đồng hành để chăm sóc người dân như hình thức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến, cung cấp đầy đủ thuốc, máy móc, trang thiết bị cho y tế cơ sở.
Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở để nắm vững chuyên môn có thể tham gia điều trị, chăm sóc người dân, thông tin dẫn từ TTXVN.
Tại hội nghị tiếp xúc trực tuyến giữa tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 6 với cử tri quận Bình Tân sau kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV chiều 18/11, cử tri Nguyễn Văn Miên (phường An Lạc A) đặt câu hỏi: Vì sao đến nay vaccine Nano Covax không được nhắc đến nữa?
Ông Nguyễn Thiện Nhân trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: Zing.vn
Về vấn đề vaccine Nano Covax, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhắc lại đây là vaccine Việt Nam nghiên cứu từ đầu và đang thử nghiệm ở giữa kỳ của giai đoạn 3 với trên 13.000 người. Hội đồng Đạo đức Y khoa đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp.
Lý giải nguyên nhân quy trình cấp phép chậm, ông Nhân cho biết trước ngày 11/11, Bộ Y tế chưa hướng dẫn đánh giá tính an toàn, hiệu quả bảo vệ của vaccine ở giữa giai đoạn 3. Do đó, các đơn vị đã báo cáo số liệu nhưng chưa có hướng dẫn đánh giá nên phải chờ.
"Đến 11/11, Bộ Y tế đã ban hành văn bản đánh giá hiệu quả an toàn của vaccine trong giai đoạn 3. Mong Bộ Y tế sớm xem xét vì điều kiện đã đủ. Sớm ngày nào tốt ngày đó vì có vaccine này mới phủ nhanh cả nước được. Kinh nghiệm thế giới là sau 6 tháng phải tiêm liều 3", báo Zing dẫn lời ông Nhân.
Chiều 18/11, huyện Quốc Oai, Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc Covid-19. Trong đó, có 1 trường hợp tại Sơn Trung, xã Yên Sơn; 18 trường hợp còn lại tại Yên Nội, xã Đồng Quang.
Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai thông tin, trong 19 ca mắc mới có 17 ca trong khu cách ly tập trung, 2 ca cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch xã Đồng Quang, Quốc Oai lên 78 ca.
Trong 10.223 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 18/11 có 10.209 ca ở 60 tỉnh thành, tăng 370 ca so với hôm qua và cao nhất trong 53 ngày qua; 139 ca tử vong; 6.723 người khỏi.
Như vậy, hôm nay cũng là ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong 44 ngày qua. Đã nhiều ngày liền số ca tử vong dưới 100 mỗi ngày, thông tin trên báo VnExpress.
Chủ tịch Hà Nội đã có công điện yêu cầu dừng thực hiện việc 'buộc' cách ly tại nhà đối với người về từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người về từng vùng cấp độ 3, 4.
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/nong-ha-noi-du...
Chiều 18/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức họp báp cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP.HCM không có chủ trương sống chung với F0 mà là thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19.
Ảnh minh họa. Nguồn: HCDC
Ông Tâm thừa nhận xảy ra tình huống một số địa phương vì thiếu nhân lực, không linh động nên dẫn đến tình trạng F0 tự di chuyển đến điểm nhận thuốc.
"Sau khi có thông tin này, HCDC đã yêu cầu ngưng ngay, báo cáo về Sở Y tế và cảnh báo hành vi vi phạm quy định cách ly F0. Tình huống này xảy ra vào tuần trước và HCDC đã xử lý xong", ông Tâm nói.
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/tp-hcm-dung-ng...
Tính từ 16h ngày 17/11 đến 16h ngày 18/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.223 ca nhiễm mới tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 5.454 ca cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.609), Bình Dương (686), Tây Ninh (632), Tiền Giang (622), Đồng Nai (563), Đồng Tháp (515), An Giang (510), Bà Rịa - Vũng Tàu (423), Sóc Trăng (343), Bình Thuận (333), Bạc Liêu (314), Vĩnh Long (314), Kiên Giang (304), Hà Giang (235), Hà Nội (202), Trà Vinh (194), Bình Phước (189), Bến Tre (184), Cà Mau (158), Khánh Hòa (135), Cần Thơ (130), Hậu Giang (122), Đắk Lắk (118), Lâm Đồng (95), Thừa Thiên Huế (91), Thái Bình (85), Long An (82), Bình Định (82), Bắc Ninh (78), Quảng Nam (73), Gia Lai (68), Nghệ An (61), Điện Biên (59), Vĩnh Phúc (56), Quảng Ngãi (51), Bắc Giang (49), Nam Định (47), Thanh Hóa (46), Ninh Thuận (45), Đắk Nông (41), Hà Tĩnh (31), Quảng Ninh (31), Đà Nẵng (26), Phú Yên (25), Tuyên Quang (25), Quảng Bình (20), Cao Bằng (19), Hải Dương (16), Phú Thọ (15), Hà Nam (12), Hưng Yên (10), Sơn La (8 ), Lạng Sơn (6), Quảng Trị (5), Lào Cai (5), Hải Phòng (5), Kon Tum (2), Hòa Bình (2), Thái Nguyên (1), Yên Bái (1).
Ngày 18/11, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong ngày, thành phố ghi nhận 277 ca mắc Covid-19, trong đó, 114 ca cộng đồng, 137 ca ở khu cách ly và 26 ca ở khu phong tỏa.
Đây được xem là ngày có số lượng ca phát hiện trong ngày cao thứ 2 kể từ khi dịch xuất hiện ở Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là ngày có số lượng ca cộng đồng phát hiện cao nhất từ đầu dịch.
Trước đó, ngày có số ca mắc cao nhất ở Hà Nội là ngày 15/11 với 289 ca mắc và 105 ca cộng đồng.
Như vậy, Hà Nội đã có 4 ngày có số ca vượt 200 ca là ngày 9/11 (220 ca), ngày 15/11 (289 ca), ngày 17/11 (258 ca) và hôm nay 18/11 (272 ca).
Tại họp báo chiều 18-11, ông Phạm Đức Hải - Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, đã nói về lý do phải tạm ngưng hoạt động karaoke, massage, spa, bar, vũ trường sau 2 ngày cho phép hoạt động có điều kiện.
Theo ông Hải, quan điểm của TP là luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Mọi chính sách mà TP đưa ra nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên do dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường, TP luôn đặt nguyên tắc "an toàn đến đâu thì mở cửa đến đó", chỉ mở cửa khi đã an toàn.
Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch cho biết Nghị quyết 3900 của UBND TP đã tạo điều kiện rất tốt cho người dân và doanh nghiệp được được hoạt động. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhiều nguy cơ. UBND TP quyết định tạm ngừng các hoạt động này, thông tin trên báo Tuổi trẻ.
Ảnh: HCDC
Ngày 18-11, UBND TP.HCM đã có văn bản số 3844, trong đó nêu rõ xét tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo đề nghị của Sở Y tế tại tờ trình số 8622/TTr-SYT ngày 18-11-2021, UBND TP.HCM chỉ đạo hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar... tạm thời ngừng kinh doanh đến khi có thông báo mới.
Quán karaoke ở Q.Phú Nhuận chuẩn bị đón khách trở lại. Ảnh: Báo Thanh niên
Văn bản do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nêu rõ giao Sở Y tế khẩn trương hoàn thiện, tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP xem xét, ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với loại hình kinh doanh dịch vụ massage, spa, quán bar, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các hoạt động này ngay sau khi TP ban hành bộ tiêu chí.
TP giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đoàn kiểm tra liên ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân và tổ chức, cá nhân kinh doanh nắm rõ và thực hiện.
Văn bản này cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của TP.
Sáng 18-11, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Điện Biên cho biết từ tối 17-11 đến sáng nay, toàn tỉnh ghi nhận thêm 38 ca mắc COVID-19 mới.
Đáng chú ý, có chùm ca mắc là các trường hợp là cán bộ, giáo viên cùng tham gia học lớp bồi dưỡng quốc phòng - an ninh đối tượng 4, được tổ chức tại Ban chỉ huy Quân sự thành phố Điện Biên Phủ từ ngày 9 đến 12-11.
Trong đó có 25 giáo viên thuộc các trường của thành phố Điện Biên Phủ, gồm: Mầm non 7-5, Mầm non 20-10, Mầm non Him Lam, Mầm non Hoa Ban, Mầm non Hoa Mai, Mầm non Họa Mi, Tiểu học Tà Cáng, Tiểu học số 1 Nà Nhạn; THCS Him Lam, THCS Trần Can, THCS xã Nà Tấu, Tiểu học - THCS Thanh Minh; THPT Lương Thế Vinh, THPT Phan Đình Giót...
Có 1 người là giảng viên Trung tâm Chính trị thành phố Điện Biên Phủ, 1 người công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Điện Biên Phủ.
Ngoài ra, có 6 bệnh nhân công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, Văn phòng Thành ủy, UBND phường Him Lam và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên và 1 học sinh Trường tiểu học Bế Văn Đàn.
Được biết, lớp bồi dưỡng quốc phòng - an ninh đối tượng 4 có hơn 60 học viên, phần lớn là giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, thông tin trên báo Tuổi trẻ.
Sáng nay, 18/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Sơn La thông báo về 8 trường hợp mắc Covid-19 mới trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình xét nghiệm giám sát dịch Covid-19, CDC Sơn La đã phát hiện 4 trường hợp là trẻ 1 tuổi, 3 tuổi, 6 tuổi và 7 tuổi và 1 sản phụ mới sinh con.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến 18h tối 17/11, ổ dịch phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) từ ngày 9/11 đã tăng lên 233 ca Covid-19, phân bố tại các quận/huyện: quận Nam Từ Liêm (203), Thanh Xuân (1), Hoàng Mai (8), Đống Đa (1), Hà Đông (3), Hai Bà Trưng (3), Gia Lâm (1), Ba Đình (2), Long Biên (1), Bắc Từ Liêm (3), Hoài Đức (2), Cầu Giấy (3) và Tây Hồ (2).
Phường Phú Đô là khu vực duy nhất tại Hà Nội tính đến ngày 12/11 nâng lên cấp độ dịch 4, tức màu đỏ, nguy cơ rất cao.
Lực lượng chức năng dựng nhiều hàng rào barie, phân thành 2 luồng để kiểm soát người ra, vào.
Trong những tuần gần đây, các hãng dược phẩm lớn đã công bố kết quả đầy hứa hẹn đối với 2 loại thuốc uống, mở đường cho việc sử dụng rộng rãi thời gian tới. Hồi đầu tháng 11, một loại thuốc của công ty dược phẩm Merck (Mỹ) đã trở thành thuốc uống đầu tiên được cấp phép sử dụng để điều trị Covid-19 sau khi Anh khuyến nghị dùng cho những người mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình hoặc có yếu tố khiến bệnh trở nặng.
Việc bật đèn xanh cho loại thuốc có tên Molnupiravir (nhãn hiệu Lagevrio) mà Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics cho biết làm giảm 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với bệnh nhân mắc Covid-19, diễn ra vài ngày trước khi hãng dược Pfizer Inc tuyên bố điều chế thành công thuốc điều trị Covid-19 có tên Paxlovid.
Theo Pfizer, loại thuốc này làm giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với người trưởng thành mắc Covid-19. Tuy vậy kết quả thử nghiệm lâm sàng hoặc đánh giá chi tiết về hai loại thuốc nói trên vẫn chưa được công bố. Hiện Merck và Pfizer đang xin cấp phép tại Mỹ, với kế hoạch sớm đưa vào sử dụng rộng rãi các loại thuốc này trên toàn cầu, VOV đưa tin.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.
Lễ tưởng niệm tại đầu cầu Hà Nội sẽ diễn ra tại công viên Thống nhất, vào lúc 20 giờ tối ngày 19-11 và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
UBND TP Hà Nội cho biết buổi lễ nhằm tưởng niệm đồng bào đã mất do đại dịch và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh COVID-19.
Gần hai năm kể từ khi xuất hiện, Covid đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người Việt.
Bàn thờ dân do quân đội lập ở nơi lưu tạm tro cốt đồng bào TP.HCM mất trong đại dịch. Ảnh: Bộ Tư lệnh TP.HCM
Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vắc-xin Covid-19 năm 2021-2022, trong đó đề nghị vẫn thực hiện tiêm chủng miễn phí vắc-xin Covid-19 cho người dân đến hết năm 2022. Bộ sẽ triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Sáng 18/11, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hiến, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn thông tin, địa phương vừa ghi nhận 31 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó 23 ca là học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu và 8 trường hợp có liên quan.
"Ổ dịch" này được phát hiện từ chiều 17/11, khi một học sinh có triệu chứng ho, sốt đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam thăm khám, xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngành y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh trường THPT Nguyễn Duy Hiệu.
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/23-hoc-sinh-du...
Sáng 18/11, UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trong tối 17/11, địa phương đã nhận được thông tin về 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới được phát hiện là nữ sinh năm 1992, có địa chỉ ở tầng 5, tòa nhà HH2A chung cư Linh Đàm.
Mẫu bệnh phẩm được BV đa khoa Hà Đông xét nghiệm khẳng định. Đây được xác định là ca mắc trong cộng đồng và người này đi làm nên hiện chưa xác định được nguồn lây.
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/ha-noi-phat-hi...
Ngày 17/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thái Hiệp (SN 1990; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".
Nguyễn Thái Hiệp là bác sĩ Khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên. Lợi dụng vị trí công tác của mình, tháng 8/2021, Hiệp móc nối với Lê Văn Thắng (SN 1997, quê Đồng Tháp), giữ xe của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên tiêm ngừa vaccine thu tiền của nhiều người dân với giá ít nhất 600.000 đồng/người.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam bác sĩ Nguyễn Thái Hiệp.
Ngày 24/8/2021, Thắng mở cổng sau của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên cho 10 người dân vào trong để Hiệp tiêm vaccine và nhận hơn 10 triệu đồng thì bị Công an thị xã Tân Uyên bắt quả tang.
Thắng khai nhận đã cùng bác sĩ Hiệp nhận tiêm ngừa vaccine cho tổng cộng 42 người, thu lợi bất chính 17,5 triệu đồng, chia nhau tiêu xài. Thắng cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố về hành vi "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", thông tin được đăng tải trên báo CAND.
Tính đến ngày 17-11, trong số trên 136 triệu liều vắc xin tiếp nhận, Bộ Y tế đã cấp cho các tỉnh trên 126 triệu liều. Theo ông Đỗ Xuân Tuyên - thứ trưởng Bộ Y tế - "vắc xin về tới đâu là Bộ Y tế phân bổ ngay tới đó", các tỉnh thành phải "vắc xin về tới đâu tiêm ngay tới đó".
Sở dĩ có nhắc nhở này, theo Bộ Y tế, là đang có tình trạng tiêm chậm ở nhiều tỉnh thành, số đã tiêm mới đạt trên 102 triệu. Tính riêng số vắc xin đã phân bổ thì còn khoảng 24 triệu liều "trong kho". Tính chung thì còn khoảng 34 triệu liều trong kho.
Một số tỉnh thành tuy chưa đạt về độ bao phủ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em, hoặc được phân bổ vắc xin nhưng tiêm chậm, nhận thông báo phân bổ vắc xin nhưng cứ để vắc xin tồn kho khu vực, hoặc chậm cập nhật dữ liệu tiêm chủng.
4 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm thấp, như Nam Định đã được phân bổ hơn 1,88 triệu liều, đến nay mới tiêm được hơn 1,02 triệu liều; Thanh Hóa được phân bổ 3,45 triệu liều, mới tiêm được hơn 1,88 triệu liều; Nghệ An được phân bổ 3,78 triệu liều, hiện mới tiêm được 2,83 triệu liều; Sơn La được phân bổ 634.000 liều, đã tiêm được 583.000 liều, thông tin trên báo Tuổi trẻ.
Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong ngày 17/11 thành phố ghi nhận đến 712 ca COVID-19, đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay được phát hiện trong một ngày tại Cần Thơ. Tổng số F0 của TP Cần Thơ đến nay đã vượt 14.000 ca.
Trong 712 ca này, có 194 ca phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng và cơ sở y tế; 257 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà; số còn lại nằm trong khu phong tỏa và cách ly.
Hiện TP Cần Thơ đang điều trị cho 3.025 bệnh nhân, trong đó có 98 bệnh nhân nằm ở tầng 3.
Tiền Giang phát hiện 526 ca COVID-19, trong đó 131 ca cộng đồng, 373 trong khu cách ly và 22 ca khu phong tỏa. Hiện tỉnh đã ghi nhận 22.477 ca COVID-19, đã điều trị khỏi 16.801 ca, tử vong 452 ca.
An Giang ghi nhận 511 ca COVID-19, trong đó có 171 ca cộng đồng, khu cách ly tập trung 198 ca, khu phong tỏa 112 và 28 ca người về từ các tỉnh khác và 2 ca nhập cảnh.
Tỉnh đã tiêm hơn 2,2 triệu liều vaccine; trong đó mũi 1 đạt hơn 95%; mũi 2 hơn 67%. Đồng thời, An Giang cũng đã tiêm hơn 20.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Đồng Tháp ghi nhận 489 ca mắc COVID-19 mới, trong đó, 148 ca trong cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 14.689 ca. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 3.903 ca. Đồng Tháp đã tiêm hơn 1,8 triệu liều vaccine; trong đó mũi 1 là hơn 1,1 liều, đạt 81,37% dân số; tiêm mũi 2 là 718.723 liều, đạt 52,95% dân số.
Tỉnh cũng đã tiêm vaccine cho học sinh các trường THPT đạt hơn 94%...
Sóc Trăng có 399 ca mắc COVID-19, trong đó số ca nhiễm qua truy vết, sàng lọc trong cộng đồng là 244 ca. Tính từ ngày 27/4 đến nay, toàn tỉnh đã có 10.685 ca mắc COVID-19, đã chữa khỏi 7.206 ca. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của Sóc Trăng đạt hơn 91%; mũi 2 đạt hơn 65%.
Bạc Liêu có 323 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đó có 188 ca cộng đồng. Đáng chú ý, trong số 323 ca trên, có 78 ca dưới 18 tuổi.
Chủ nhà hàng buffet trên đường Lương Văn Can, Hà Nội đã chính thức lên tiếng về những lùm xùm với một nhóm khách trên mạng xã hội.
Trước đó, hôm 12/11, nhà hàng này bị lực lượng chức năng phạt hành chính vì mở cửa quá 21h - trái với quy định của thành phố.
Tối 17-11, một lãnh đạo ngành y tế thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) xác nhận trên địa bàn thị xã vừa phát hiện 1 ca nhiễm SARS-CoV-2 từng đi xem bóng đá tại Sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đó là trường hợp này là anh N.N.G. (trú tại Tân An, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây).
Khán giả theo dõi trận Việt Nam - Nhật Bản ngày 11/11.
Một ca nhiễm SARS-CoV-2 từng đi xem trận trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam gặp Nhật Bản
Ngày 11-11, anh G. có đi xem trận Việt Nam gặp Nhật Bản tại Sân vận động Mỹ Đình. Trước đó, bệnh nhân này đã làm test nhanh theo quy định và cho kết quả âm tính SARS-CoV-2.
Tối 15-11, anh G. có biểu hiện mệt mỏi, ho được làm test nhanh cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Sau đó, làm xét nghiệm khẳng định PCR cho kết quả dương tính.
Xem chi tiết tại đây: https://soha.vn/ha-noi-thong-t...
Theo báo Công an nhân dân, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh hôm nay đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bà Đặng Thị Minh Hằng (49 tuổi, ngụ phường 3, TP Tây Ninh) về hành vi vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người dẫn đến lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Bà Hằng là chủ quán cơm Lộc ở số 20 đường Hoàng Lê Kha, khu phố 3, phường 3, TP Tây Ninh. Vào ngày 17/7, khi UBND tỉnh có công văn yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid -19 theo Chỉ thị 16, trong đó yêu cầu mọi người dân ở tại nhà và tạm dừng các hoạt động kinh doanh ăn uống, thì bà này vẫn mở quán. Bà cùng 5 nhân viên ở quán để bán.
Cảnh sát kiểm tra quán cơm Lộc. Ảnh: Tiền phong
Theo thuật lại của Thanh niên online, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tây Ninh cho hay, đã có 96 ca dương tính và 61 trường hợp F1 ở cộng đồng ở ổ dịch quán cơm Lộc của bà Hằng. Ổ dịch này gây thiệt hại cho Nhà nước với chi phí điều trị, cách ly lên tới hơn 1,2 tỷ đồng.
Thông tin tại họp báo ngày 17-11 về lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đến ngày 16-11 cả nước có 23.270 ca tử vong, trong đó tại TP.HCM có 17.263 người, chiếm 74%.
Theo phân tích số liệu về giới tại TP.HCM, số tử vong ở nam thấp hơn nữ: nam chiếm 41,5% và nữ chiếm 58,5%.
Về độ tuổi, 86,5% người tử vong là người trên 50 tuổi. Trong đó, người 50-54 tuổi chiếm 7,8%; từ 55-59 tuổi chiếm 11,6%; 60-64% chiếm 14,8% và trên 65 tuổi chiếm 52,3%.
Trong số các trường hợp tử vong có 38 trẻ em và 62 thai phụ, ghi nhận trên báo Tuổi trẻ.
UBND TP.HCM vừa chấp thuận thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đến 22h mỗi ngày và được bán rượu bia nếu cấp độ dịch ở cấp 1 và 2.
UBND TP quy định thời gian thực hiện thí điểm kể từ ngày 16/11 đến hết ngày 30/11. Quán ăn uống hoạt động phải đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.
Quán ăn uống được phép hoạt động đến 22h. Ảnh: Vietnamnet
Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 và 2, chính quyền cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới, được bán thức uống có cồn (rượu bia).UBND TP cũng quy định thời gian hoạt động phải kết thúc trước 22h hàng ngày, công suất hoạt động của quán sẽ phụ thuộc vào từng cấp độ dịch.
Tối 17/11, theo cập nhật nhanh của Sở Y tế Cần Thơ cho thấy, trong ngày địa phương này ghi nhận 712 ca nhiễm Covid-19.
Lũy kế từ đầu đợt dịch thứ 4 (ngày 8/7) đến nay, Cần Thơ ghi nhận hơn 14.152 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 8.354 người đã được điều trị khỏi.
Sở Y tế Hà Nội thông báo từ 18h ngày 16/11 đến 18h ngày 17/11, thành phố ghi nhận 258 ca mắc COVID-19; trong đó có 82 ca cộng đồng, 109 ca tại khu cách ly, 67 ca tại khu phong tỏa.
258 ca mắc COVID-19 phân bố tại 25/30 quận, huyện: Ba Đình (44), Nam Từ Liêm (39), Hoàng Mai (30), Bắc Từ Liêm (17), Quốc Oai (17), Hà Đông (17), Gia Lâm (14), mê Linh (11), Hoài Đức (10), Đống Đa (9), Hai Bà Trưng (9), Long Biên (8), Cầu Giấy (7), Thanh Xuân (5), Thường Tín (4), Ba Vì (3), Đông Anh (3), Chương Mỹ (2), Tây Hồ (2), Thanh Oai (2), Mỹ Đức (1), Phúc Thọ (1), Sơn Tây (1), Sóc Sơn (1), Thanh Trì (1).
Số ca mắc COVID-19 tính từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (từ 24/7) đến nay là 6.006 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 6.739 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.428 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 4.311 ca.