*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Brazil và châu Á hiện vẫn là những điểm nóng nhất, trong khi tình hình COVID-19 tại một số nước châu Âu cũng đang leo thang trở lại do biến chủng Delta và Delta Plus.
Vaccine COVID-19 đang được chuyển tới châu Á ngày càng nhiều khi châu lục này phải chiến đấu với làn sóng dịch COVID-19 mới.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết khoảng 1,5 triệu liều vaccine Moderna đã đến Indonesia vào chiều 15/7. Indonesia đang trở thành điểm nóng COVID-19 mới tại châu Á với số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt. Mỹ đã chuyển 3 triệu liều vaccine đến Indonesia vào 11/7.
Ngoài ra, từ tháng 3 đã có 11,7 triệu liều vaccine AstraZeneca được gửi đến Indonesia qua chương trình COVAX. Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) đã phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng lập COVAX để đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 công bằng trên toàn cầu.
Ông Sowmya Kadandale phụ trách y tế của UNICEF tại Indonesia nhận định: "Điều này đáng khuyến khích. Dường như đang diễn ra cuộc đua giữa vaccine và biến thể virus, không chỉ tại Indonesia, và tôi hy vọng chúng ta sẽ chiến thắng cuộc đua này".
Ông Kadandale cho biết Indonesia dự kiến đến cuối năm tiêm vaccine cho 208,2 triệu người dân và đang thực hiện tiêm 1 triệu mũi mỗi ngày. Ông đánh giá: "Mỗi một liều vaccine đều đem lại khác biệt lớn".
Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc đều đã áp đặt các lệnh giãn cách xã hội mới trong tháng 7 để xử lý dịch COVID-19.
Tình trạng thiếu vaccine khiến 70% dân số Hàn Quốc vẫn chờ đợi mũi tiêm đầu tiên. Trong khi đó, Thái Lan đã khởi động chương trình tiêm chủng diện rộng vào đầu tháng 6 và chỉ có 15% dân số nước này được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Indonesia đã khởi động chương trình tiêm vaccine sớm hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực, nhưng mới chỉ có 14% dân số nước này được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan có năng lực tự sản xuất vaccine nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của dân số khổng lồ tại khu vực.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Tờ People's Daily hôm 14/7 trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, Trung Quốc đã tiêm hơn 1,4 tỷ liều vắc xin Covid-19, tương đương với một nửa dân số nước này.
Truyền thông địa phương cho biết, Trung Quốc đã duy trì tốc độ tiêm chủng khoảng 100 triệu liều mỗi tuần kể từ tháng 5 sau khi xuất hiện một số ổ dịch lẻ tẻ trong nước.
Ví dụ, Trung Quốc mất 9 ngày - từ 4/7 đến 13/7 - để tăng từ 1,3 tỷ liều lên 1,4 tỷ và mất 6 ngày - từ 28/6 đến 4/7 - để tăng từ 1,2 tỷ liều tới 1,3 tỷ.
Thậm chí, có thời điểm, Trung Quốc đạt mức kỷ lục tiêm 100 triệu liều trong 5 ngày. Đó là từ ngày 14/6 đến 19/6 và từ ngày 19/6 đến 24/6.
Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc, ước tính, tốc độ tiêm chủng sẽ còn nhanh hơn trong nửa cuối năm nay.
Theo ông Zhong, nếu hiệu quả của vắc xin Covid-19 là 70%, Trung Quốc cần có tỷ lệ tiêm chủng chiếm 83,3% dân số để đạt tới miễn dịch cộng đồng. Con số này của thế giới, châu Á và châu Âu, lần lượt là 89,2%, 80,2% và 96,2%.
Với mức độ hiệu quả của vắc xin là 80%, tỷ lệ tiêm chủng cần có để đạt miễn dịch cộng đồng ở Trung Quốc, thế giới, châu Á và châu Âu lần lượt là 72,9%, 78%, 70,2% và 84,2%, theo thống kê mà ông Zhong đưa ra.
Feng Duojia, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp vắc xin Trung Quốc, hôm 14/7 chia sẻ với Hoàn cầu rằng, ngoài việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Trung Quốc cần chú ý tới chất lượng tiêm chủng.
"Chúng ta nên cố gắng hoàn thành việc tiêm chủng cho toàn bộ các nhóm cần tiêm vắc xin trước thời điểm đầu năm 2022 và đảm bảo rằng 70% dân số, khoảng 1 tỷ người, có đủ khả năng miễn dịch để tạo ra miễn dịch cộng đồng", ông Feng nói.
Bài viết được tham khảo từ https://danviet.vn. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ngày 15/7, Campuchia ghi nhận tổng số người chết vì Covid-19 vượt 1.000 người và cũng là ngày có số bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong cao nhất từ trước tới nay.
Hôm nay (15/7), Bộ Y tế Campuchia ra thông báo trong 24 giờ qua phát hiện thêm 996 người mắc Covid-19 và 39 người tử vong. Đến nay, Campuchia đã có tổng cộng 64.611 trường hợp dương tính và 1.025 người tử vong vì dịch bệnh này.
Trong nhiều ngày qua, mỗi ngày nước này liên tục có khoảng trên dưới 30 người chết vì Covid-19. Nguy cơ về sự lây lan biến chủng Delta ngày càng cao do người lao động Campuchia từ Thái Lan trở về nước ồ ạt trong thời gian gần đây khiến tổng số ca dương tính nhập cảnh của Campuchia lên tới 5.514 trường hợp.
Tính đến hết ngày hôm qua (14/7), CPC đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 5.240.159 người, tương đương 52,4% mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người. Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandin cho biết, nước này đang đi đúng hướng trong chiến dịch tiêm chủng nhờ sự nỗ lực của chính phủ đã lo đủ nguồn cung vaccine cho toàn dân. Bà Or Vandin cũng cho rằng việc Bộ Y tế Campuchia khuyến nghị tăng khoảng thời gian tiêm giữa 2 liều vaccine từ 14 lên 21 ngày sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, khoảng cách hai tuần mà Campuchia thực hiện từ trước đến nay cũng không sai về mặt kỹ thuật/
Kênh truyền hình RT dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/7 cho hay số bệnh nhân mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên suốt 4 tuần liên tiếp vừa qua, với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang hiện diện tại 111 quốc gia, và số ca tử vong tiếp tục tăng lên sau 10 tuần liên tiếp suy giảm.
Phát biểu trước Ủy ban Khẩn cấp của WHO về đại dịch COVID-19, ông Tedros cho biết biến thể Delta đang được "châm ngòi nổ" bởi sự nới lỏng xã hội cũng như việc triển khai không nhất quán các biện pháp y tế công cộng.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người trên thế giới, và người đứng đầu WHO nhận thấy biến thể Delta đang trở thành chủng virus thống trị toàn cầu.
"Khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng ở châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu phát huy hiệu quả, chúng tôi đã nhận thấy sự sụt giảm liên tục về số ca mắc và tử vong. Thật không may, những xu hướng đó hiện đã bị đảo ngược và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba", ông Tedros nói.
Ông cho rằng việc không được tiếp cận với vaccine đã khiến phần lớn dân số thế giới dễ bị nhiễm virus. Trong khi một số quốc gia có nguồn cung cấp vaccine dồi dào đã dỡ bỏ các hạn chế về giãn cách xã hội và mở cửa trở lại, thì nhiều quốc gia vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vaccine COVID-19 nào và đa số các nước hiện không có đủ vaccine để dùng.
Ít nhất 100 ca nhiễm đã được phát hiện trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tính đến ngày 14-7. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới một số tàu chiến khác sau khi hạm đội ghé thăm một cảng ở Cyprus, nơi đang bị biến thể Delta hoành hành.
Tàu sân bay Queen Elizabeth dẫn đầu hạm đội băng qua kênh đào Suez ngày 6-7 - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
HMS Queen Elizabeth đang dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay 21 và đã đi được 1/4 hải trình dài 28 tuần từ châu Âu sang châu Á nhằm thể hiện sức mạnh hải quân, tầm nhìn "Nước Anh toàn cầu".
Hãng thông tấn AFP nhận định nhiều khả năng các thủy thủ đã bị nhiễm bệnh khi tàu sân bay ghé thăm cảng Limassol ở Cyprus từ ngày 30-6 đến 5-7. Cộng hòa Cyprus đang hứng chịu đợt bùng phát thứ 4 vì biến thể Delta với hơn 87.000 ca nhiễm, trong đó có gần 400 ca tử vong.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Nhà virus học hàng đầu Thái Lan - Giáo sư Yong Poovorawan cho biết, chính sách tiêm chủng kết hợp mới của Thái Lan được dựa trên các số liệu nghiên cứu ghi nhận trên người.
Ảnh minh họa: Reuters
Uỷ ban các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan thông báo nước này sẽ sử dụng vaccine Astra Zeneca cho liều thứ hai đối với những người đã được tiêm liều Sinovac đầu tiên. Các mũi sẽ được sử dụng cách nhau từ 3 tới 4 tuần để tăng khả năng tạo kháng thể chống lại biến thể Delta. Chính sách mới của Thái Lan sẽ được áp dụng cho các nhân viên y tế sau khi ghi nhận 618 người mắc bệnh dù đã được tiêm hai liều Sinovac.
Chiến lược tiêm vaccine hỗn hợp của Thái Lan đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, khi tổ chức này gọi đây là “một xu hướng nguy hiểm”.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 14/7, Giáo sư Eyal Leshem, Giám đốc Viện nghiên cứu Dược phẩm du lịch và Bệnh nhiệt đới, thuộc Trung tâm Y tế Sheba – bệnh viện lớn nhất của Israel, cho rằng Việt Nam nên đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine ở trong nước.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, giáo sư Leshem nhận định, Việt Nam là một đất nước rộng lớn với dân số đông; vì vậy, tại thời điểm hiện nay nên ưu tiên tiêm vaccine sớm cho người lớn tuổi và những người có tình trạng bệnh nền dễ bị tổn thương, chẳng hạn các bệnh nhân ung thư đang được điều trị.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong những nước có năng lực sản xuất vaccine và nếu có thể tự sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 ở trong nước thì rất nên làm sớm, để có thể vừa nhanh chóng phủ sóng vaccine cho người dân, đồng thời hỗ trợ năng lực nghiên cứu khoa học và sản xuất tại Việt Nam.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chính phủ Malaysia hiện đang xem xét để nới lỏng một số hạn chế đối với những người đã được tiêm đủ số liều vaccine Covid-19, bao gồm cả quyết định cho phép di chuyển hoặc ăn tại nhà hàng, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết.
Theo ông Muhyiddin, đây là một phần trong kế hoạch phục hồi quốc gia khi Malaysia dần điều chỉnh về cuộc sống bình thường.
"Tôi đã đề nghị cân nhắc một số trường hợp nới lỏng cho những người đã tiêm 2 liều vaccine. Việc nới lỏng có thể được áp dụng cho vấn đề di chuyển hoặc ăn uống tại nhà hàng. Điều này sẽ cho thấy rằng mặc dù chiến đấu với Covid-19, chúng tôi có thể dần quay lại cuộc sống bình thường", ông Muhyiddin nói.
Ảnh: AP
Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh, chương trình tiêm chủng quốc gia là "ánh sáng cuối đường hầm" trong cuộc chiến chống Covid-19 của đất nước và hiện Kuala Lumpur đang nỗ lực chủng ngừa cho hơn 420.000 người/ngày.
Thông tin được ông Muhyiddin công bố trong bối cảnh Malaysia vừa ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục hơn 11.000 người trong một ngày.
Malaysia hiện đã tiêm chủng được cho 12,3% dân số tính đến hôm qua, 14/7 và là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới.
Theo Reuters, Singapore đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cao nhất trong vòng 10 tháng vào 14/7, sau khi phát hiện một ổ dịch liên quan tới nhiều tiếp viên và khách hàng của các quán karaoke.
Trong số 56 ca nhiễm mới, 42 trường hợp liên quan tới ổ dịch quán karaoke, Bộ Y tế Singapore công bố. Cơ quan này hiện đang điều tra các ca nhiễm trong số các tiếp viên người Việt thường tới các quán karaoke và câu lạc bộ, đồng thời đề nghị xét nghiệm miễn phí cho những người có liên quan.
Ca nhiễm đầu tiên được xác định trong chùm ca bệnh này là một phụ nữ người Việt sau khi người này tìm tới một cơ sở y tế của Singapore vào cuối tuần qua.
Việc đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên thế giới vẫn đang bắt đầu bước vào làn sóng thứ ba của đại dịch.
Điều này được Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định tại cuộc họp khẩn cấp của WHO về đánh giá tình hình Covid-19 trên thế giới vào hôm qua (14/7).
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuần qua là tuần thứ tư liên tiếp tỷ lệ mắc Covid-19 trên thế giới gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cũng tăng lên. Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc Covid-19 là do biến thể Delta, có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, sự gia tăng di chuyển của người dân và sự thiếu nhất quán của các nước trong kiểm soát Covid-19 cũng là nguyên nhân dẫn đến bùng phát làn sóng đại dịch thứ ba.
Indonesia đã vượt Ấn Độ về số ca mắc Covid-19 mới vào ngày 13-7, sau khi ghi nhận mức tăng kỷ lục gần 50.000 ca.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin khẳng định số ca mắc hằng ngày tại quốc gia của ông sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, phần vì tăng cường xét nghiệm và truy vết.
Tương tự nhiều quốc gia khác, Indonesia đang đối mặt làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Biến thể này được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ và được cho là có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia, kể cả những nơi có tỉ lệ tiêm phòng cao như Mỹ. Nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chứng kiến xu hướng tăng trở lại sau 3 tháng giảm, với số ca mắc trung bình mỗi ngày trong 7 ngày chạm mốc khoảng 23.600 ca vào ngày 12-7, tăng mạnh so với 11.300 ca vào ngày 23-6, theo Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Đường phố thủ đô Seoul - Hàn Quốc vắng vẻ vì lệnh thắt chặt giãn cách hôm 12-7 Ảnh: REUTERS
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum thông báo quyết định nâng lệnh giãn cách lên mức 2 (trên thang 4 cao nhất) ở hầu hết cả nước kể từ ngày 15-7, ngoại trừ một số khu vực phía Nam.
Trong khuôn khổ của lệnh giãn cách mức 2, mọi hoạt động tụ tập trên 8 người sẽ bị cấm, còn quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trước nửa đêm. Quyết định trên được đưa ra sau khi Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo thêm 1.615 ca mắc sau 24 giờ vào ngày 14-7, mức tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch khởi phát tại quốc gia này.
Cùng ngày, giới chức Úc tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa Sydney thêm ít nhất 14 ngày, đến ngày 30-7, sau khi 3 tuần giãn cách ban đầu không thể dập tắt đợt bùng dịch tồi tệ nhất trong năm nay tại thành phố này.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Những ngày gần đây, hàng loạt các địa phương ở Trung Quốc ra thông báo về việc không cho người chưa tiêm vaccine Covid-19 đến những nơi công cộng, cơ sở y tế, trường học hay các địa điểm vui chơi.
Mặc dù tốc độ tiêm vaccine Covid-19 ở Trung Quốc đang được đẩy nhanh, song do độ phủ không đồng đều, nhiều nơi vẫn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng như mong muốn. Những ngày qua, gần như đồng loạt nhiều địa phương ở Trung Quốc đã ra thông báo hạn chế đi lại đối với người chưa tiêm vaccine dù nước này từng nhiều lần khẳng định việc tiêm vaccine là không bắt buộc.
Đa số các thông báo đưa ra thời gian thực thi quy định mới từ sau ngày 10/7, chậm nhất là đầu tháng 8. Một số nơi không cấm đoán, song yêu cầu kiểm tra kỹ mã sức khỏe và thông tin tiêm chủng của người đến các địa điểm công cộng hay cơ quan công quyền, ghi lại thông tin và động viên nếu chưa đi tiêm.
Tuy nhiên, không ít địa phương quy định rõ, trừ các trường hợp chống chỉ định, những người chưa tiêm vaccine trên nguyên tắc sẽ không được vào các cơ sở y tế, viện dưỡng lão, trường học, thư viện, ngân hàng, viện bảo tàng, trại giam và những địa điểm trọng yếu khác. Nhiều nơi cũng yêu cầu người chưa tiêm vaccine không đến các quán bar, karaoke, rạp chiếu phim, các điểm du lịch, siêu thị, bến xe, tiệm cắt tóc hay hiệu thuốc....
Huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc còn yêu cầu tất cả người sinh sống cùng những người nhập cảnh đang trong quá trình giám sát sức khỏe tại nơi cư trú đều phải tiêm phòng, nếu không sẽ không được thông qua các cuộc kiểm tra tại nhà. Chủ hàng tại các khu chợ vùng nông thôn không được bán hàng khi chưa tiêm phòng.
Hay như một quận ở thành phố Tri Bác, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, đưa những người làm việc trong các cơ quan đảng, chính quyền, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp... chưa tiêm chủng vào diện giám sát trọng điểm về công tác phòng chống dịch.
Huyện Đường Hà, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc thậm chí còn yêu cầu tất cả công chức trong các cơ quan đảng, chính quyền, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp đều phải tiêm phòng nếu đáp ứng yêu cầu (kể cả người đã nghỉ hưu, nhân viên tạm thời...). Những người không thể cung cấp chứng nhận chống chỉ định và không tiêm chủng, sẽ bị dừng phát lương và không được đi làm. Mục tiêu của huyện này là phải hoàn thành tiêm cho 70% người trên 18 tuổi trước 20/7 và 80% trước cuối tháng 9.
Nhiều nơi cũng đưa cán bộ đã nghỉ hưu trong diện tiêm chủng vào đối tượng chịu sự kiểm tra và nhắc nhở của cơ quan chủ quản. Thành phố Thụy Kim, tỉnh Giang Tây, miền Đông Nam Trung Quốc còn đưa nhân viên đang làm việc và cả người thân ba đời của họ vào diện bị yêu cầu tiêm vaccine.
Lệnh hạn chế không chỉ dừng lại ở người lớn, sau khi ra thông báo tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 12 - 17 tuổi, huyện Bình Hương, tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc đã yêu cầu tất cả học sinh trong lứa tuổi này phải hoàn thành tiêm chủng trong dịp hè, nếu không sẽ không được đến trường.
Tính đến hết ngày 13/7, Trung Quốc đã tiêm được hơn 1,4 tỷ liều vaccine Covid-19, tuy nhiên tỷ lệ tiêm giữa các địa phương không đồng đều. Nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, có tới gần 80%, thậm chí 90% người trên 18 tuổi đã hoàn thành đủ 2 mũi tiêm. Trong khi tỉnh Giang Tây, miền Đông Nam nước này mới đạt 35%.
Mặc dù cơ quan y tế Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương kiên quyết chấn chỉnh tình trạng áp đặt, cứng nhắc trong việc bắt buộc người dân tiêm chủng, song để sớm đạt miễn dịch cộng đồng không ít nơi đang tìm mọi cách để nhanh chóng nâng cao tỷ lệ tiêm.
Theo mục tiêu Trung Quốc đề ra, ít nhất 70% số người trong lứa tuổi quy định ở nước này sẽ hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 vào cuối năm nay./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết, trong ngày 14/7 vừa qua, hơn 5.000 người chống vaccine đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Athens của Hy Lạp, mang theo quốc kỳ và thánh giá gỗ để phản đối chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19.
Những người này đã tụ tập phía ngoài tòa nhà Quốc hội và kêu gọi Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis từ chức. Đây là động thái phản đối lớn nhất từ trước tới nay tại Hy Lạp đối với việc tiêm chủng.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò gần đây của Skai TV cho thấy hầu hết người Hy Lạp nói rằng họ sẽ tiêm vaccine và đa số ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc cho một số bộ phận dân cư.
Hiện tại, khoảng 41% người Hy Lạp đã được tiêm phòng đầy đủ. Hôm 12/7, chính phủ nước này đã ra lệnh tiêm phòng bắt buộc cho nhân viên y tế và nhân viên viện dưỡng lão sau khi số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh vào giữa mùa du lịch quan trọng.
Thủ đô Moscow của nước Nga đang hứng chịu đợt nóng kỷ lục mới, với nhiệt độ không khí ghi nhận lên đến 37 độ C. Nắng nóng làm tăng các biến chứng gây tử vong với những người nhiễm COVID-19, đặc biệt là người cao tuổi.
Sức nóng ở Moscow trong ngày 13/7 đã phá kỷ lục của năm 1936. Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, đây là kỷ lục nắng nóng đầu tiên trong tháng 7 nhưng đã là kỷ lục thứ 5 của mùa hè năm nay.
Sở Y tế Moscow cho biết, thành phố đã có hơn 16 nghìn người tử vong trong tháng 6 vừa qua, cao hơn 3 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. 1/3 trong số này là các ca tử vong vì COVID-19 hoặc có liên quan đến COVID-19.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện số 40 - Kommunarka, nơi chuyên điều trị các bệnh nhân COVID-19 ở Moscow, hiện nhiều bệnh nhân lớn tuổi nhập viện với triệu chứng ban đầu bệnh không quá nặng, nhưng nắng nóng khiến tình trạng mất nước tăng, nguy cơ huyết khối cũng tăng lên.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây https://vtv.vn/the-gioi/nhieu-...
Theo số liệu của Đại học John Hopkins, trong vòng 3 tuần qua, số ca COVID-19 mới tại Mỹ đã trên đà tăng trở lại so với cuối tháng 6. Nguyên nhân được cho là do biến thể Delta, tốc độ tiêm chủng chậm lại và dịp lễ quốc khánh.
Việc số ca bệnh tăng trở lại sau ngày quốc khánh 4-7 đã được bác sĩ Bill Powderly từ Trường Y của ĐH Washington tại St. Louis dự đoán từ trước đó.
Hiện tại, mới chỉ có 55,6% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, thấp hơn nhiều so với kế hoạch của Tổng thống Joe Biden trước ngày quốc khánh.
Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng trở lại, giới chức và giới chuyên gia đang kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân đi tiêm chủng.
AP News đưa tin, số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Lan đã tăng tới hơn 500% trong tuần qua - theo số liệu từ Bộ Y tế Hà Lan đưa ra hôm 14/7. Số ca nhiễm gia tăng đột biến này là hệ quả sau khi toàn bộ các lệnh hạn chế tại đây được dỡ bỏ, cùng với việc cho phép mở cửa các hộp đêm vào cuối tháng 6 vừa qua.
Số liệu cập nhật cho thấy gần 52.000 người tại Hà Lan dương tính với Covid-19 trong 1 tuần. Số liệu được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Mark Rutte đứng ra xin lỗi vì đã dỡ phong tỏa vào ngày 26/6, gọi đó là "một đánh giá sai lầm".
Ông Rutte cũng đã tái thiết lập một số lệnh hạn chế, nhằm chặn đứng sự lây lan quá nhanh của virus. Các quán bar lại một lần nữa phải đóng cửa lúc nửa đêm, trong khi hộp đêm và sàn nhảy phải dừng hoạt động cho đến ít nhất là ngày 13/8.
Trên thực tế, Hà Lan cùng nhiều quốc gia khác tại châu Âu đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta chiếm ưu thế. Cùng với việc các chính phủ hy vọng sẽ giảm bớt hoặc loại bỏ các lệnh hạn chế trong mùa hè để đón mùa nghỉ dưỡng, cả hai đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan mạnh hơn.
Trở lại với Hà Lan. Bộ Y tế cho biết trong số những ca có thể truy vết, 37% xuất hiện trong các cơ sở nghỉ dưỡng và giải trí - như quán bar hoặc hộp đêm. Số ca nhiễm trong độ tuổi 18 - 24 tăng 262%, trong khi nhóm 25 - 29 tuổi tăng 191%.
Nhưng bất chấp sự gia tăng ca nhiễm, số ca phải nhập viện chỉ tăng khá khiêm tốn - lên 11%, tương đương với 60 bệnh nhân trong tuần qua. 12 trong số đó phải vào khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).
Hiện tại, 46% người trưởng thành tại Hà Lan đã được tiêm chủng toàn bộ, và hơn 77% đã được tiêm 1 mũi. Chuyên gia y tế cho biết hơn 1,3 triệu người sẽ được tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 trong tuần này.
Đọc bài viết nguồn tại đây
Trên thế giới hiện nay đã có gần 1 tỉ người được tiêm chủng vaccine COVID-19 đầy đủ, và một số quốc gia đang muốn sử dụng nguồn cung vaccine của họ để điều trị "vết thương" do COVID-19 gây ra cho ngành du lịch toàn cầu.
Sau đây là một số quóc gia đang triển khai hoặc có kế hoạch tiêm vaccine cho du khách:
1. Mỹ
Quảng trường Thời Đại hiện là nơi đặt các điểm tiêm chủng lưu động, phục vụ cả khách du lịch
Một số thành phố của Mỹ đang cung cấp cho du khách cơ hội tiêm vaccine COVID-19 bằng cách sử dụng vaccine đơn liều của hãng Johnson & Johnson mà không cần hẹn trước.
Thành phố New York đã thực hiện điều này thông qua các điểm tiêm chủng lưu động tại các địa điểm nổi tiếng như Quảng trường Thời đại kể từ tháng 5 năm nay.
Bang Alaska và một số bang khác như Arizona, Florida, Louisiana và Texas cũng đã triển khai kế hoạch này, sử dụng vaccine Pfizer hoặc Moderna.
2. Maldives
Giới chức Maldives đã xác nhận rằng một khi người dân của hòn đảo này được tiêm phòng đầy đủ, họ sẽ triển khai chương trình "Du lịch. Tiêm chủng. Nghỉ dưỡng" - tiêm vaccine COVID-19 cho những du khách chưa được tiêm. Kế hoạch này dự định sẽ được triển khai vào tháng 3-4 năm 2022.
3. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Khách du lịch có thể được tiêm vaccine Pfizer hoặc Sinopharm ở thủ đô Abu Dhabi của UAE kể từ tháng 6. Việc đặt lịch được thực hiện qua 1 ứng dụng và cần thông tin hộ chiếu, visa của du khách.
2. Bali, Indonesia
Du khách đến Bali sẽ được tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Sinopharm với giá trong gói combo nghỉ dưỡng tại đây.
5. Nga
Du khách đến Nga tiêm vaccine sẽ trả phí từ 1.200 Euro đến 2.200 Euro cho một liều Sputnik V.
Tuy nhiên, hiện tại Nga vẫn chưa cấp thị thực du lịch trở lại. Theo ông Andrei Ignatyev, Chủ tịch Liên minh Công nghiệp Du lịch Nga cho biết: "Gói tiêm vaccine cho du khách đã sẵn sàng, nhưng các vấn đề về thị thực vẫn chưa được giải quyết".
Trong 24h qua, trừ Brunei, các quốc gia khác tại Đông Nam Á đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới.
Bên cạnh "tâm dịch" Indonesia, tình hình dịch bệnh tại Philippines vẫn khá nghiêm trọng khi nước này chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh trở lại trong ngày 14/7.
Điểm nóng thứ hai của Đông Nam Á sau Indonesia là Malaysia. Làn sóng dịch mới tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trong ngày 14/7, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao thứ hai Đông Nam Á, và số ca tử vong cao thứ 4 trong toàn khối.
Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 7.085 ca COVID-19 mới và 145 trường hợp tử vong mới. Tình hình dịch bệnh tại nước này đặc biệt đáng quan ngại khi cả số ca nhiễm và tử vong đều tăng vọt trong vài ngày gần đây.
Trong khi đó, sau khi các địa điểm du lịch như Phuket, Samui mở cửa trở lại, Thái Lan đã ghi nhận thêm hơn 9.000 ca nhiễm mới và 87 ca tử vong mới trong ngày 14/7, trên đà tăng trở lại so với tuần trước. Thủ đô Bangkok hiện đang bị áp lệnh giới nghiêm.
Tình hình tại Campuchia tiếp tục diễn biến nghiêm trọng khi nước này có 915 bệnh nhân mới và 33 ca tử vong mới trong vòng 24h qua, và nhiều khu vực, tỉnh thành của nước này đang bị phong tỏa.
Indonesia trong ngày 14/7 đã ghi nhận thêm 54.517 ca mắc Covid-19, cao nhất kể từ đầu mùa dịch và cũng là số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất khu vực châu Á. Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 do biến thể Delta khiến nhiều quốc gia đưa Indonesia vào "danh sách đỏ" có nguy cơ cao về đại dịch.
Hiện nay có 9 quốc gia đã ra lệnh đình chỉ các chuyến bay và cấm du khách từ Indonesia nhập cảnh bao gồm Bahrain, Oman, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Saudi Arabia và mới đây nhất là Philippines. Trong đó, Singapore không cấm hoàn toàn du khách từ Indonesia như các nước khác, nhưng cũng hạn chế lượng khách đến từ Indonesia bằng cách thắt chặt giấy phép nhập cảnh.
Ngoài ra, các nước châu Âu, đặc biệt là các nước có thị thực Schengen đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh không chỉ với công dân Indonesia, mà với tất cả du khách có lịch sử đi qua Indonesia. Tuy nhiên, những du khách đến từ Indonesia có giấy phép cư trú tại một quốc gia Schengen được phép nhập cảnh với yêu cầu cách ly trong 14 ngày kể từ khi đến.
Nội dung bài viết được dẫn lại từ nguồn sau đây https://vov.vn/the-gioi/covid-...
Theo thông tin của Nikkei Asian Review, giới chức Thái Lan đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu các liều vaccine AstraZeneca được sản xuất tại nước này trong bối cảnh tình hình dịch bệnh leo thang trở lại do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Hiện tại, mới chỉ có khoảng 5% dân số Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ. Thái Lan trước đó dự kiến sẽ xuất khẩu vaccine sang đảo Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Đông Nam Á - bao gồm Philippines và Malaysia.
>>> Đọc thêm: Tiêm kết hợp nhiều loại vắc xin COVID-19: Nhiều nước thực hiện, bà Merkel còn "đi tiên phong"
Theo dữ liệu của trang thống kê worldometers.info được cập nhật tới 6h30' sáng ngày hôm nay (15/7 - giờ Việt Nam), trong vòng 24h qua, trên thế giới đã ghi nhận thêm 538.417 ca mắc COVID-19 mới và 8.391 ca tử vong mới do dịch bệnh.
Như vậy, thế giới hiện đã ghi nhận 189.123.429 ca nhiễm COVID-19, trong đó bao gồm 4.073.749 ca tử vong.
Hiện tại, Brazil và châu Á là những điểm nóng nhất, trong khi tình hình dịch bệnh tại một số nước châu Âu cũng đang leo thang trở lại do biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2.