*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa có chiều hướng cải thiện trong ngày cuối tháng 7. Các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine để phòng sự lây lan của Covid.
Các ca nhiễm mới được xác định từ 2.584 mẫu xét nghiệm trong ngày hôm qua (30/7), trong đó nhiều nhất là tỉnh Salavan với 154 ca, tỉnh Savannakhet 116 ca. Ngoài ra, 4 ca lây nhiễm cộng đồng được xác nhận có tiếp xúc với trường hợp mắc Covid trước đó hay dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi hết thời gian cách ly tập trung.
Tại cuộc họp báo, ông Sisavath Southanilaxay, Phó Cục trưởng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Lào cho biết, từ tháng 1/2020 đến nay, Lào phát hiện 6.299 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 7 trường hợp tử vong, còn 2.804 trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện; chỉ tính riêng trong tháng 7/2021, số ca nhiễm Covid-19 phát hiện mới tại Lào đã lên tới hơn 4.000 trường hợp, chủ yếu là lao động Lào nhập cảnh từ nước ngoài.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 31/7, báo Khmer Times dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia cho rằng quốc gia Đông Nam Á này đang ở thời điểm then chốt để chống dịch bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong báo cáo có tựa đề " Chúng ta đang chống lại các biến thể mới: Hành động ngay bây giờ để ngày mai không phải hối tiếc", đại diện của WHO tại Campuchia, bà Lý Ái Lan, đánh giá cáo quyết định của Chính phủ Campuchia về phong tỏa 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan và áp lệnh giới nghiêm tại các địa phương trên cả nước, coi đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta.
Với số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày tiếp tục ở mức cao, Campuchia hiện ở giai đoạn hai lây nhiễm cộng đồng và biến thể Delta đang lây lan với tốc độ nhanh chóng. Bà Lý Ái Lan cho rằng không một biện pháp đơn lẻ nào có thể kiềm chế dịch bệnh lây lan, mà cần áp dụng kết hợp các biện pháp về y tế công và xã hội.
Tại lễ đón nhận 1 triệu liều vaccine Sinovac và 300.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 được chuyển đến từ Trung Quốc, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Yuok Sambath cho biết, Campuchia dự kiến sẽ nhận được tổng cộng khoảng 26 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vào giữa tháng 8 tới, đủ để phục vụ mục tiêu tiêm chủng cho 13 triệu người, tương đương 80% dân số.
Đến nay, Campuchia đã nhận được gần 19 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, gồm 6,2 triệu liều Sinopharm, 11,5 triệu liều Sinovac từ Trung Quốc, 656.000 liều AstraZeneca từ Nhật và cơ chế COVAX, 455.000 liều Johnson & Johnson từ Mỹ. Dự kiến trong tuần tới, Campuchia sẽ nhận được 415.000 liều AstraZeneca do Vương quốc Anh tặng. Ngoài ra, Chính phủ Campuchia cũng đã đặt mua thêm 5 triệu liều vaccine Sinovac để tiêm cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Đến hết ngày 30/7, Campuchia đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 7.233.247 người, tương đương 72,33% kế hoạch tiêm chủng cho 10 triệu người trưởng thành, trong số có 4.729.605 người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hàng trăm nghìn liều vaccine phòng COVID-19 đã được "cứu" sau khi các cơ quan quản lý tại Mỹ gia hạn hạn sử dụng của sản phẩm này.
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 tại New York (Mỹ). Ảnh: AP
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), động thái này là nỗ lực nhằm cứu vãn những mũi vaccine sắp hết hạn và đề phòng khả năng xảy ra làn sóng dịch COVID-19 mới tại Mỹ. Ở thời điểm này, các quan chức Mỹ đang khuyến khích người dân đi tiêm chủng.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 28/7 đã gửi một lá thư tới Johnson & Johnson tuyên bố rằng các liều vaccine của hãng vẫn an toàn và hiệu quả trong tối thiểu sáu tháng nếu được bảo quản đúng cách.
Động thái của FDA tạo thêm "tuổi thọ" cho vaccine của Johnson & Johnson. Trước đó, vào tháng 2, FDA cho biết vaccine của Johnson & Johnson có thể được bảo quản trong ba tháng ở nhiệt độ lạnh bình thường. Tiến sĩ Clarence Lam tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã ủng hộ việc kéo dài hạn sử dụng của vaccine Johnson & Johnson. AP cho biết vaccine Johnson & Johnson vốn chỉ cần tiêm 1 liều và không cần bảo quản lạnh quá mức.
Nhiều tiểu bang của Mỹ cũng có động thái tương tự để đảm bảo rằng những vaccine sắp đến hạn sử dụng vẫn có thể tiêm cho người dân.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang chịu áp lực căng thẳng sau khi chùm ca bệnh ở Nam Kinh lan ra tới 15 thành phố cả nước chỉ trong hơn 1 tuần.
Theo tờ SCMP, ổ dịch ở thành phố Nam Kinh đã khiến trên 200 người mắc bệnh, trong đó có ít nhất 30 người ở 15 thành phố khác mà Bắc Kinh và thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên cũng nằm trong số đó.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chùm ca bệnh ở Nam Kinh bùng phát từ tuần trước ở nhóm nhân viên vệ sinh tại Sân bay Quốc tế Nam Kinh Lộc Khẩu.
Giới chức y tế Trung Quốc cho rằng ổ dịch mới nhất này vẫn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ổ dịch đã lớn hơn đợt bùng phát hồi tháng 5 ở Quảng Đông - ổ dịch lây lan trong cộng đồng đầu tiên liên quan biến thể Delta ở Trung Quốc với 167 ca mắc.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Dữ liệu mới do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 30/07, cho thấy có khoảng 3/4 số người mắc bệnh trong đợt bùng phát Covid-19 ở bang Massachusetts, phía Đông Bắc nước Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ và 4 người trong số đó phải nhập viện chữa trị.
Dữ liệu được công bố trên Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC cũng cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm bệnh vẫn mang trong mũi nhiều virus SARS-CoV-2 như những người chưa được tiêm chủng và có thể lây lan sang người khác.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày 30/07, Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết phát hiện này đáng quan tâm và là một khám phá quan trọng dẫn đến khuyến nghị mới của CDC về việc sử dụng khẩu trang. Khuyến cáo đeo khẩu trang đã được CDC cập nhật để đảm bảo công chúng được tiêm chủng sẽ không vô tình truyền virrus cho người khác, bao gồm cả những người thân chưa được tiêm chủng, hoặc bị suy giảm miễn dịch./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học cho biết, trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng 8% và số ca tử vong tăng 21%. Nguy hiểm hơn, số ca mắc Covid-19 với biến thể Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu. Sự gia tăng này xảy ra trong các điều kiện tương tự như tại đỉnh dịch vào năm 2020, thời điểm xuất hiện 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao.
WHO cũng cho biết virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn. Cho đến này, theo phân loại của WHO, những biến thể đáng lo ngại được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp là Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để lây lan rộng hơn. Danh sách những biến thể cần quan tâm tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vaccine cao hơn gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda…
Một nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Áo công bố hôm qua (30/7) cũng cho thấy, ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vaccine có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Nghiên cứu cho biết việc hình thành một biến thể kháng vaccine vào thời điểm đó có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng đó./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo rằng, một nửa trong tổng số 54 triệu dân của Myanmar có thể mắc COVID-19 trong 2 tuần tới.
Myanmar rơi vào hỗn loạn kể từ khi quân đội đảo chính hồi tháng 2, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình và xung đột giữa quân đội với các lực lượng dân quân mới thành lập. Mỹ, Anh và các quốc gia khác đều đang có biện pháp trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar vì cuộc đảo chính và trấn áp mạnh tay đối với người biểu tình.
"Cuộc đảo chính đã khiến hệ thống y tế gần như sụp đổ hoàn toàn, và các nhân viên y tế đang bị tấn công hoặc bắt bớ", Đại sứ Anh Barbara Woodward nói ngày 30/7 tại phiên thảo luận không chính thức của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Myanmar. "Virus đang lây lan trong dân số, thực sự rất nhanh. Ước tính chỉ trong 2 tuần tới, một nửa dân số Myanmar có thể mắc COVID-19", bà nói.
Dịch bệnh bùng phát mạnh ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ tháng 6, với gần 5.000 ca mắc và 365 trường hợp tử vong được báo cáo ngày 28/7, theo số liệu từ Bộ Y tế được báo chí trích dẫn. Các bác sĩ và dịch vụ mai táng cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều.
"Để triển khai việc tiêm phòng COVID-19 suôn sẻ và cung cấp viện trợ nhân đạo hiệu quả, cộng đồng quốc tế cần phải giám sát chặt chẽ", Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun nói tại phiên thảo luận.
Ông Moe Tun là đại diện của chính phủ dân cử, không phải người của quân đội Myanmar. "Để làm được điều đó, chúng tôi muốn đề nghị LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, khẩn cấp lập ra một cơ chế giám sát do LHQ dẫn dắt để triển khai tiêm phòng vắc-xin một cách hiệu quả và cung cấp viện trợ nhân đạo", ông Moe Tun nói.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây https://tienphong.vn/50-dan-so...
Ảnh minh họa: Reuters
Theo Straits Times, trong ngày 31/7, Thái Lan đã ghi nhận 18.912 ca nhiễm COVID-19 mới - một kỷ lục buồn về số ca mắc mới mỗi ngày tại nước này, nâng tổng số ca bệnh của cả nước lên 597.287 trường hợp.
Quốc gia Đông Nam Á này cũng xác nhận thêm 178 ca hợp tử vong mới - đây cũng là một con số kỷ lục, nâng tổng số ca tử vong lên 4.857 người.
Bộ Y tế Thái Lan hôm 30/7 thông báo nước này sẽ đặt hàng thêm 10 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech trong bối cảnh toàn quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất cho đến nay do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Lan mới chỉ tiêm đủ 2 liều vaccine cho 5,6% trong tổng số 66 triệu dân.
Dự kiến Thái Lan sẽ nhận 20 triệu liều vaccine Pfizer vào cuối năm nay nhưng sẽ đặt hàng thêm 10 triệu liều vaccine nữa từ hãng dược này.
Mặc dù Thái Lan được cấp phép sản xuất vaccine AstraZeneca, nhưng sản lượng ít hơn nhiều so với dự kiến của chính phủ, khiến việc triển khai chương trình tiêm chủng bị chậm trễ./.
Nhà dịch tễ học hàng đầu của Iceland, ông Thorolfur Gudnason, tuyên bố các biện pháp hạn chế Covid-19 áp đặt gần đây có thể duy trì trong 15 năm.
Trả lời phỏng vấn báo Morgunbladid, ông Gudnason nói rằng không ai biết trước tương lai sẽ xảy ra điều gì. Vì vậy, không loại trừ khả năng các biện pháp hạn chế Covid-19 được Iceland áp đặt gần đây có thể kéo dài tới 15 năm.
Ngoài việc nhấn mạnh đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc ở Iceland cho đến khi nó kết thúc trên toàn thế giới, ông Gudnason cũng thừa nhận tỉ lệ bảo vệ của vắc-xin Covid-19 ước tính là 90%.
Nhà dịch tễ học hàng đầu của Iceland, ông Thorolfur Gudnason. Ảnh: Bộ Quản lý khẩn cấp và Bảo vệ dân sự Iceland
Trước đó, vào ngày 26-6, chính quyền Iceland loại bỏ tất cả hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 trong nước. Truyền thông quốc tế ca ngợi Iceland đã "chiến thắng dịch Covid-19". Thời điểm đó, Iceland không ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào trong vài tuần và không có ca tử vong nào kể từ tháng 12 năm ngoái.
Đồng thời, phần lớn dân số trưởng thành của Iceland đều được tiêm vắc-xin Covid-19. Đối với những người trên 50 tuổi, tỉ lệ tiêm phòng đạt gần 100%.
Tuy nhiên, Iceland chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19 nhanh chóng do biến thể Delta gần đây. Nhiều ca mắc từng được tiêm phòng đầy đủ. Tuần này, số ca mắc Covid-19 ở Iceland lên mức cao nhất cho đến nay: 131 ca/ngày.
Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong báo cáo tình huống dịch tễ học Covid-19 toàn cầu rằng tình hình ở Iceland đang ở mức màu cam. Báo Morgunbladid tuần này đưa tin Iceland có thể được phân loại màu đỏ do sự gia tăng số ca mắc Covid-19 vừa qua.
Tính đến nay, Iceland, quốc gia với 330.000 dân, đã ghi nhận tổng cộng 7.676 ca mắc và 30 ca tử vong do Covid-19.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây https://nld.com.vn/thoi-su-quo...
Theo báo cáo, Ba Lan đang thiếu từ 20.000-50.000 bác sĩ. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại sau khi chịu tác động lớn bởi đại dịch. Nhiều bệnh viện phải chuyển đổi không gian thành các trung tâm Covid-19 và thay thế các phương pháp điều trị hiện tại để ưu tiên cho hoạt động khám chữa, chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Kinh tế Kraków, năm 2020, gần 30% số lượng bác sĩ muốn giảm thời gian làm việc hoặc thay đổi công việc của họ sau cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua.
Ảnh minh họa
Ông Bartosz Fiałek, người đứng đầu của hiệp hội bác sĩ ở thành phố Bydgoszcz cho biết: "Hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên cực kỳ nghiêm trọng, nhiều bác sĩ hiện nay đã chuyển sang làm việc trong khu vực tư nhân ở các quốc gia trong Liên minh châu Âu".
Việc chảy máu nguồn lực y tế ở Ba Lan là hệ quả của việc thiếu hụt ngân sách dành cho y tế. Nguồn chi tiêu của chính phủ cho y tế công cộng chỉ chiếm 5,3 % GDP, xếp hạng gần cuối trong nhóm các quốc gia EU chi ngân sách cho hệ thống y tế. Trong thời gian gần đây, Ba Lan cũng ghi nhận thực trạng ngày càng ít bác sĩ tốt nghiệp từ các trường y khoa.
Trong một cuộc họp báo hôm 30/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta là một lời cảnh báo, nhắc nhở thế giới cần kiểm soát đại dịch trước khi những biến thể nguy hiểm hơn Delta xuất hiện.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đã lây lan ra 132 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Michael Ryan, giám đốc đặc trách các chiến dịch khẩn cấp của WHO, phát biểu: "Delta là một lời cảnh báo: đó là một cảnh báo rằng virus đang tiến hóa nhưng đó cũng là lời kêu gọi chúng ta cần hành động ngay trước khi xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm hơn".
Ông Michael Ryan
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm: "Cho đến nay, bốn biến thể đáng lo ngại đã xuất hiện - và sẽ còn nhiều biến thể khác nữa nếu virus còn tiếp tục lây lan," theo AFP.
Giám đốc y tế cộng đồng của Canada mới đây đã cảnh báo rằng nước này có thể đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 thứ tư nếu các hạn chế được dỡ bỏ quá nhanh.
Theo đó,c cho biết mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đã giúp giảm số ca bệnh nhập viện và tử vong, nhưng tỷ lệ này cần tăng cao hơn nữa để tránh gây ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Biến thể Delta hiện là mối lo ngại trên toàn cầu nói chung và Canada nói riêng.
Tiến sĩ Theresa Tam
Bà Tam đã kêu gọi kêu gọi những người trẻ tuổi nên tiêm chủng đầy đủ càng sớm càng tốt, vì họ là nhóm người có tỉ lệ lây truyền bệnh cao nhất.
Hiện tại, tỷ lệ người tiêm đủ 2 liều vaccine tại Canada là 58.2%. Tiến sĩ Tam nhấn mạnh rằng hiện tại là thời điểm rất quan trọng để xây dựng "lá chắn" trước khi học sinh, sinh viên tựu trường vào mùa thu năm nay.
Ảnh minh họa
VnExpress trích dẫn thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, mới đây trong cuộc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu, thử nghiệm dược phẩm và vaccine ClinSync Clinical (bang Telangana, phía Nam Ấn Độ) đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam thử nghiệm, sản xuất dược phẩm, đặc biệt là vaccine Covid-19.
Ông Suresh Attili, Giám đốc Trung tâm ClinSync Clinical cho hay việc hợp tác bao gồm thử nghiệm 3 giai đoạn - hoặc tập trung vào giai đoạn 3 với số lượng mẫu lớn nếu đối tác chia sẻ kết quả của 2 giai đoạn thử nghiệm trước và được Chính phủ Ấn Độ đồng ý.
Được thành lập từ tháng 3/2011, ClinSync đã hợp tác nghiên cứu và trao đổi với 45 công ty dược phẩm trên thế giới tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và phối hợp với một số công ty triển khai thử nghiệm cả 3 giai đoạn cho vaccine Covid 19.
Bài viết được tham khảo từ https://vnexpress.net/an-do-sa...
Cách đây không lâu, các quan chức ở nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã coi việc họ có số ca mắc Covid-19 thấp là một thành công. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã hoàn toàn đảo ngược.
Biến thể Delta đã khiến nhiều quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng, rơi vào cảnh thiếu hụt vaccine và các biện pháp phòng dịch từng có hiệu quả dường như không đủ để chống lại biến thể có khả năng lây truyền cao này.
Hàn Quốc thừa nhận rằng giãn cách xã hội là chưa đủ để chống lại biến thể Delta. Australia tự hỏi liệu các đợt phong tỏa có thể ngăn chặn các đợt bùng phát dịch tiếp theo hay không. Singapore đã và đang thực hiện từng bước để chuẩn bị cho việc Covid-19 trở thành căn bệnh đặc hữu, giống như bệnh cúm mùa.
Tỷ lệ mắc Covid-19 ở nhiều quốc gia vẫn ở mức thấp, so với Mỹ và châu Âu, nhưng phần lớn khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khả năng miễn dịch.
Theo Oxford Economics, số người mắc bệnh của khu vực này ít hơn rất nhiều so với phương Tây, nghĩa là khả năng miễn dịch tự nhiên sẽ kém hơn. Ngoài ra, chưa đến 20% dân số ở hầu hết các nước châu Á đã được tiêm chủng đầy đủ.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến giới chức của nhiều quốc gia tự hỏi liệu các biện pháp phòng dịch từng có hiệu quả còn có thể áp dụng hay không.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây: Những quốc gia từng kiên cường trước Covid-19 nay đã gục ngã trước biến thể Delta
Phát biểu sau cuộc họp Nội các liên bang mở rộng diễn ra vào chiều 30/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, hiện Australia đang ở giai đoạn một, giai đoạn ngăn chặn sự lây lan của virus trong kế hoạch gồm 4 giai đoạn đưa nước này thoát ra khỏi đại dịch được công bố vào hồi đầu tháng. Trong giai đoạn này, tính đến hôm nay đã có hơn 12 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân, tương đương với 40% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Thủ tướng Australia Scott Morrison
Để bước sang giai đoạn hai mà ở đó các biện pháp phong tỏa sẽ được hạn chế, biên giới quốc tế sẽ dần được mở cửa thì cần 70% người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Và giai đoạn 3, tức là khi người dân được phép đi ra nước ngoài và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được hạn chế tối đa sẽ diễn ra khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 80% dân số. Thủ tướng Australia Morrison tin tưởng đến cuối năm nay, nước này sẽ có đủ 70% người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine và bước sang giai đoạn 2.
Mặc dù các mục tiêu đặt ra cụ thể, song chính quyền Australia lại không đưa ra khung thời gian cụ thể cho từng giai đoạn này. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, người dân chính là đối tượng quyết định thời điểm Australia chuyển sang các giai đoạn này.
"Các mục tiêu này được đưa ra để cho toàn bộ người dân Australia cùng phấn đấu. Các bang và vùng lãnh thổ sẽ cùng với các cộng đồng, từng người dân, các bác sỹ và các hiệu thuốc…, chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau để đạt được mục tiêu này. Các mục tiêu này được đặt ra để tất cả mọi người cùng nhau nỗ lực đạt được", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây https://vov.vn/the-gioi/austra...
Là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới nhưng Malaysia vẫn đang phải chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 với số ca mắc và số ca tử vong tăng cao kỷ lục.
Kể từ khi Malaysia tiếp nhận lô vaccine đầu tiên vào cuối tháng 2/2021, Chương trình Tiêm chủng Covid-19 quốc gia (NCIP) của nước này đã đạt được nhiều thành công. NCIP được chia thành nhiều giai đoạn, bắt đầu bằng việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhân viên an ninh tuyến đầu. Nhờ có nguồn cung ổn định, việc tiêm chủng tại Malaysia đã được đẩy mạnh trên khắp đất nước, liên tiếp phá kỷ lục về số liều được tiêm trong ngày.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại bang Selangor (Malaysia), ngày 25/7/2021. Ảnh: Tân Hoa xã.
Tuy vậy, Malaysia vẫn ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tiêm chủng có phải “viên đạn bạc” để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Malaysia? Các chuyên gia cho rằng, dù vaccine vẫn được coi là công cụ chính nhưng nước này phải thực hiện thêm các biện pháp kiểm soát khác.
Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng với lý do những người đã tiêm chủng có ít nguy cơ lây nhiễm hơn và bệnh khó diễn tiến nặng. Ông Noor Hisham chỉ ra rằng mặc dù 2.779 nhân viên y tế đã bị mắc bệnh sau khi được tiêm phòng đầy đủ, hầu hết đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cho rằng vaccine không phải là "viên đạn bạc".
Lý giải nhận định này, nhà nghiên cứu Lim Chee Han cho biết: "Nhìn từ góc độ khoa học đời sống và sức khỏe cộng đồng, các loại vaccine hiện tại của chúng ta không phải là viên đạn bạc. Chúng không thể loại bỏ khả năng lây truyền bệnh, mặc dù được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể số ca mắc và ca nhập viện".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tính đến hết ngày 30/7, thế giới có hơn 197 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 4,2 triệu ca tử vong và hơn 178 triệu người đã khỏi bệnh. Hiện tại, Mỹ vẫn đang dẫn đầu về số người đang cần chữa trị Covid với hơn 5 triệu người, theo sau là Anh với 1,2 triệu người.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 30/7, cơ quan y tế thành phố Nam Kinh – thủ phủ tỉnh Giang Tô cho biết một chuyến bay từ Nga đã được xác định là nguồn gốc dẫn đến đợt lây nhiễm đại dịch COVID-19 mới nhất ở thành phố này. Các nhân viên sân bay bị nhiễm bệnh khi làm vệ sinh khoang máy bay.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính quyền địa phương cho biết, thành phố đã phát hiện trình tự gen của các bệnh nhân là nhân viên vệ sinh tại Sân bay Quốc tế Nam Kinh Lộc Khẩu phù hợp với các ca bệnh nhập cảnh trên chuyến bay mang số hiệu CA910, từ Nga đến Nam Kinh vào ngày 10/7.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, kể từ tháng 6 năm ngoái, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp "ngắt mạch" đối với các chuyến bay đến bị phát hiện có ca nhiễm COVID-19, chuyến bay CA910 đã bị đình chỉ 10 lần vì chở các hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Riêng trong tháng 7, chuyến bay này đã bị đình chỉ ba lần. Trong 10 chuyến bay bị áp dụng biện pháp "ngắt mạch", CA910 đã vận chuyển tổng cộng 69 bệnh nhân COVID-19 từ Moskva đến các thành phố của Trung Quốc bao gồm Nam Kinh, Thiên Tân và Trịnh Châu.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Bộ Y tế Lào ngày 30/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 244 ca mới mắc Covid-19, trong đó đa số là các trường hợp nhập cảnh và được cách ly ngay.
Các ca mắc mới được xác định từ 2.379 mẫu xét nghiệm trong ngày 29/7, trong đó nhiều nhất là tỉnh Savannakhet với 118 ca. Ngoài ra, một ca lây nhiễm cộng đồng cũng được xác định ở tỉnh này, có tiếp xúc với trường hợp mắc Covid-19 trước đó.
Bà Bouathep Phoumin, Cục phó Cục Điều trị và Phục hồi chức năng, Bộ Y tế Lào.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/7, bà Bouathep Phoumin, Cục phó Cục Điều trị và Phục hồi chức năng, Bộ Y tế Lào cho biết: "Số ca mắc Covid-19 là phụ nữ mang thai và trẻ em đang ở mức cao. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc rà soát các cơ sở y tế trên cả nước để hỗ trợ cho việc ứng phó với số lượng bệnh nhân có thể gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là các bệnh viện ở Trung và Nam Lào".
Ngoài ra, Bộ Y tế Lào cũng đã thành lập một đội ngũ nhân viên dịch tễ 3.000 người để sẵn sàng hỗ trợ khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến.