*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên khắp thế giới.
Palau ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, đánh mất danh hiệu một trong số ít quốc gia sạch bóng Covid-19 sau gần hai năm đại dịch bùng phát.
Hai người tới từ đảo Guam của Mỹ ngày 21/8 nhận kết quả dương tính với nCoV tại Palau và được giới chức quốc đảo đưa đi cách ly cùng những người tiếp xúc gần. Bộ Y tế Palau kêu gọi dân chúng nước này bình tĩnh sau khi bác đề xuất áp lệnh phong tỏa.
Với 80% trong số 18.000 người Palau đã hoàn thành liệu trình tiêm vaccine, Tổng thống Surangel Whipps cho biết quốc đảo "từng là nơi không có Covid-19, giờ là nơi an toàn giữa Covid-19".
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Palau là một trong 14 quốc gia chưa ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào. Bộ Y tế Palau chưa cho biết bao nhiêu người tiếp xúc gần với hai ca nhiễm phải đi cách ly. Một phát ngôn viên Bộ Y tế Palau cho biết cơ quan này tin rằng chưa có ca cộng đồng nào tại quốc đảo.
Koror, thành phố lớn nhất của Palau nhìn từ trên cao. Ảnh: Guardian.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chỉ với chi phí khoảng 100-300 euro và một cú click chuột đơn giản hay mất 3 phút tại các trung tâm tiêm chủng, khách hàng đã có trong tay tấm giấy thông hành này, mà không cần phải tiêm vaccine.
"Trong bước cuối cùng của việc xin giấy chứng nhận vaccine, tôi đến gặp một người đàn ông để đăng ký thông tin lên hệ thống và ông ấy in cho tôi giấy chứng nhận. Tất cả chỉ mất tối đa khoảng 3-4 phút và tôi ở lại thêm khoảng 10 phút để xem có phản ứng với vaccine không cho đúng thủ tục dù tôi không tiêm mũi nào".
Đây là nội dung được phóng viên của Parisien chia sẻ khi hóa thân thành một khách hàng muốn mua giấy chứng nhận tiêm vaccine. Và chỉ với một cú điện thoại và 300 euro, phóng viên này đã có trong tay tấm giấy thông hành để có thể vào bất kỳ nơi nào mình muốn, từ quán bar, nhà hàng đến rạp chiếu phim hay sân vận động.
Để có tấm thẻ giả chứng nhận tiêm vaccine Covid-19, khách hàng trung bình cần phải chi từ 100-300 euro. Ảnh minh họa: KT
Kể từ ngày 12/7 khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo muốn tăng cường triển khai "hộ chiếu vaccine" tại nhiều nơi công cộng, những cuộc tranh luận xung quanh biện pháp, cũng như nghĩa vụ tiêm chủng đã trở thành tâm điểm quan tâm tại Pháp. Bởi trong số những người không tiêm chủng có cả những người thuộc đối tượng "được trì hoãn" theo khuyến cáo của các các cơ quan y tế.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, kể từ ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên được phát hiện tại Campuchia ngày 31/3 vừa qua, đến ngày 19/8, tổng số ca nhiễm biến thể nguy hiểm này tại Campuchia đã tăng mạnh lên 836 ca, trong đó có tới 121 ca ghi nhận chỉ trong hai ngày 18 và 19/8.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Campuchia cho biết biến thể Delta tiếp tục lây lan trong cộng đồng trên hầu khắp đất nước, đặc biệt tại các tỉnh Phnom Penh, Oddar Meanchey, Siem Reap, Preah Vihear, Kampong Cham, Kampong Thom, Kandal và Banteay Meanchey. Hiện chỉ còn hai tỉnh chưa bị biến thể này tấn công là Kep và Kratie.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh tiếp tục tăng, cùng với mối đe dọa từ biến thể Delta khi lao động di cư Campuchia ồ ạt trở về nước, nhưng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lại ở mức thấp hơn dự kiến.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Giới chức trách TP Kashiwa, tỉnh Chiba - Nhật Bản cho biết một sản phụ mắc Covid-19 đã mất con sau khi buộc phải sinh non tại nhà vì không tìm được bệnh viện.
Vụ việc đau lòng xảy ra vào ngày 17-8 và bệnh nhân là một người phụ nữ khoảng 30 tuổi đang mang thai 29 tuần, có các triệu chứng trung bình của Covid-19. Nó cho thấy các bệnh viện Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều áp lực do sự bùng phát lây nhiễm Covid-19.
Chỉ một số ít cơ sở y tế có thể tiếp nhận một sản phụ mắc Covid-19 ở Nhật Bản do lo ngại virus lây lan trong bệnh viện.
Theo lời giới chức trách TP Kashiwa, người phụ nữ than đau thắt nghiêm trọng khi trung tâm y tế thành phố gọi điện đến kiểm tra vào sáng 17-8 (giờ địa phương). Họ đã cố gắng sắp xếp để sản phụ này nhập viện nhưng không thành công. Đến 16 giờ 20 phút, người phụ nữ gọi cho trung tâm báo rằng cô cảm thấy mình đang lâm bồn.
Các quan chức của một trung tâm y tế ở TP Kashiwa, tỉnh Chiba nói chuyện với phóng viên hôm 19-8. Ảnh: Kyodo
Trung tâm một lần nữa tìm bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhưng vẫn thất bại. Người phụ nữ sinh 1 bé trai vào lúc 17 giờ 15 phút nhưng 45 phút sau, xe cấp cứu mới đến để đưa 2 mẹ con tới bệnh viện. Tại đây, bé trai được xác nhận đã qua đời.
Một quan chức tại trung tâm y tế TP Kashiwa cho biết: "Có nhiều trường hợp rất khó tìm được bệnh viện, không chỉ phụ nữ mang thai mà còn những người khác, do hệ thống y tế đang hoạt động căng thẳng".
Trong cuộc họp báo ngày 19-8, Thống đốc tỉnh Chiba Toshihito Kumagai nói ông đang nghiêm túc xem xét tình hình và "cân nhắc các hình thức hỗ trợ khi hợp tác với các bệnh viện phụ sản và bệnh viện khác".
Sau vụ việc, Bệnh viện Đại học Chiba ở TP Chiba đã quyết định cung cấp một số giường tại trung tâm y tế dành riêng cho phụ nữ mang thai bị nhiễm Covid-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Trung Quốc hiện đã tiêm 1 tỷ 910 triệu liều vaccine và có khả năng hoàn thành tiêm chủng cho 80% dân số vào cuối năm nay (Ảnh minh họa: AP)
Mặc dù không bắt buộc người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng nhiều địa phương tại Trung Quốc như Hồ Bắc, Quảng Tây, An Huy… đã quy định cấm người dân chưa tiêm vaccine không được đến nơi công cộng, chỗ đông người.
Một số tỉnh còn nâng mức truy cứu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật nếu chưa tiêm vaccine để lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Ngoài ra, cá nhân đó còn bị trừ điểm công dân - một hình thức đánh giá mức độ chấp hành pháp luật mà một số địa phương áp dụng. Khi bị điểm thấp, cá nhân sẽ mất nhiều quyền lợi về vay vốn, đi lại, con cái học hành...
Các cán bộ công chức tại Trung Quốc làm gương trong việc tiên phong tiêm vaccine. Đến nay, Trung Quốc đã tiêm 1 tỷ 910 triệu liều vaccine, trong đó có hơn 800 triệu người đã tiêm đủ mũi 2. Nhiều khả năng quốc gia này tiêm đầy đủ 2 liều vaccine cho 80% dân số vào cuối năm nay và đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Trung Quốc hiện tiêm gần 10 loại vaccine nội địa, chủ yếu là Sinopharm và Sinovac. Tùy theo được phân bổ loại nào mà người dân sẽ tiêm loại đó. Trong 24 giờ qua, theo số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, nước này có 4 ca dương tính nội địa, trong đó Thượng Hải chiếm 2 ca.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tối 20/8, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer, ông Albert Bourla đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức, tìm mọi phương án để đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam trong tháng 8 - 9 và quý IV năm 2021.
Chủ tịch, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla khẳng định Pfizer cũng như cá nhân ông ghi nhận và đánh giá rất cao những nỗ lực và các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Ông Albert Bourla chia sẻ, sự xuất hiện của chủng virus Delta đã và đang làm tăng mạnh số ca lây nhiễm trên toàn cầu, gây nhiều khó khăn cho công ty trong việc đáp ứng nhu cầu rất lớn của thế giới về vaccine hiện nay.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 20/8, cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã chính thức "bật đèn xanh" cho vắc-xin COVID-19 của nhà sản xuất Zydus Cadila, hay còn gọi là vắc-xin ZyCoV-D.
Đây là vắc-xin thứ sáu, và là vắc-xin ngừa COVID-19 nội địa thứ hai được phê duyệt ở Ấn Độ. ZyCoV-D đã nhận giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) để sử dụng cho đối tượng người trưởng thành, trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên.
Trước đó, công ty sản xuất ZyCoV-D đã nộp đơn xin cấp phép cho loại vắc-xin ba liều mới hồi tháng Bảy sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm trên 28.000 người.
Dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vắc-xin hiệu quả 66,6% trong việc ngăn chặn COVID-19 có triệu chứng.
ZyCoV-D là vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DNA Plasmid, đưa vào cơ thể người plasmid được sửa đổi gien có chứa trình tự DNA của mầm bệnh.
Thay vì dùng ống tiêm truyền thống, vắc-xin sẽ được đưa vào cơ thể bằng dụng cụ không có kim tiêm. Dụng cụ này sẽ giúp đưa thuốc xuống dưới da mà không cần kim. Đây là lợi thế cyar ZyCoV-D trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh về kim và ống tiêm.
Dụng cụ bơm thuốc có kim tiêm (ảnh trái) và dụng cụ bơm thuốc không kim tiêm (ảnh phải).
Zydus Cadila bắt đầu dự trữ vắc-xin của mình và hy vọng sẽ sản xuất 100 triệu đến 120 triệu liều mỗi năm, đủ dùng cho 40 triệu người, giám đốc điều hành của công ty nói với Reuters vào tháng Tư.
Mặc dù là một trong những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ đã thất bại trong bối cảnh thiếu thuốc tiêm. New Delhi đã và đang thúc đẩy "Atmanirbhar Bharat", một cụm từ tiếng Hindi tạm dịch là "Ấn Độ tự cường", trong một số lĩnh vực, bao gồm công nghệ quốc phòng và sản phẩm y tế.
Khi biến thể Delta làm gia tăng số ca bệnh vào đầu năm 2021, Ấn Độ đã chuyển sang ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin, chuyển hướng các lô hàng cho nhu cầu sử dụng nội địa.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chỉ vài ngày sau khai giảng năm học mới, trên 20.000 học sinh tại 800 trường học ở bang Mississippi (Mỹ) đã phải cách ly do tiếp xúc với người mắc COVID-19.
Một lớp học ở Mississippi năm 2020. Ảnh: AFP
Theo hãng BBC, khoảng 4.500 trẻ em tại Mississippi đã mắc COVID-19 trong tuần đầu năm học.
Trên khắp nước Mỹ, các bang giống như Mississippi – với tỷ lệ tiêm chủng thấp và nới lỏng quy định đeo khẩu trang – đã đề nghị hàng chục nghìn học sinh và nhân viên giáo dục cách ly.
Biến thể Delta, hiện là chủng virus thống trị nước Mỹ, đang ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi ở tỷ lệ cao hơn.
Mỹ đã ghi nhận 4,4 triệu trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2, trên tổng số 37 triệu trẻ em, kể từ khi đại dịch xảy ra. Theo Viện Nhi khoa Mỹ, chưa đầy 2% trẻ mắc COVID-19 cần phải nhập viện điều trị và tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 0,03%.
Trẻ em dưới 12 tuổi hiện chưa được phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ, khiến nhóm đối tượng này có nguy cơ cao hơn bị lây nhiễm biến thể Delta.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Một nhà khoa học cho biết những cuộc tranh cãi gay gắt về nguồn gốc của Covid-19 đang khiến công chúng và các nhà nghiên cứu phân tâm khỏi những công việc khẩn cấp hơn.
Tại một cuộc hội thảo trực tuyến do Viện nghiên cứu Quản trị Toàn cầu, Wu Chung-I, một nhà sinh học tiến hóa dành phần lớn thời gian nghiên cứu tại Đại học Chicago, cho rằng giả thuyết về việc các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán đã sản xuất ra Sars-CoV-2 là điều rất khó xảy ra.
Trong nhiều tháng, Trung Quốc và Mỹ đã tranh cãi gay gắt về vấn đề này, cáo buộc lẫn nhau vì chính trị hóa cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 và đưa ra giả thuyết rằng virus có thể đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm ở nước còn lại.
Mọi người xếp hàng để xét nghiệm tại một khu dân cư sau khi các trường hợp mới mắc bệnh do COVID-19 ở một thành phố biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar. Ảnh: REUTERS
"Dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho vấn đề này, chúng ta trông giống như một đám học sinh đang ẩu đả với nhau trong sân chơi mà chẳng giải quyết được bất cứ điều gì… Thật lãng phí thời gian," ông Wu nói.
Ông Wu khẳng định rằng biến thể Delta - đang lây lan trên toàn cầu và đã trải qua nhiều lần đột biến trên cơ sở của dòng Covid-19 hoang dã - cho thấy rất khó có khả năng các nhà nghiên cứu có thể cấy ghép vi rút để gây ra thêm một vài đột biến khiến nó có khả năng "siêu lây lan" trong cộng đồng người.
Ông nói: "Virus phải trải qua một quá trình rất dài để có thể thích nghi cực kỳ tốt với các điều kiện của cơ thể con người".
"Sự phát triển của virus không thể thông qua tổng hợp trong phòng thí nghiệm hoặc thông qua việc lấy một loại virus từ tự nhiên - từ bất kỳ loài động vật nào - rồi thả nó vào quần thể người và mong đợi nó lây lan khắp nơi. Tôi cho rằng điều đó là cực kỳ khó xảy ra."
"Các chính trị gia có thể tỏ ra rất chắc chắn về nguồn gốc Covid-19 nhưng các nhà khoa học nên thận trọng hơn về điều này", Wu mỉa mai.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngày 20/8 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng cảm ơn Trung Quốc đã hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống Covid-19, sau khi một lô vaccine Sinopharm đã đến thủ đô Manila.
Trong bài phát biểu đón nhận lô vaccine Sinopharm, Tổng thống Philippines thể hiện lòng biết ơn sâu sắc nhất vì sự giúp đỡ của Trung Quốc, bao gồm vật tư và thiết bị y tế quan trọng cũng như hỗ trợ kỹ thuật xét nghiệm Covid-19.
Tính đến ngày 20/8, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất và cũng là nước đầu tiên cung cấp vaccine Covid-19 cho Philippines. Lô vaccine Sinopharm đầu tiên tới Philippines vào ngày 28/2, cho phép nước này bắt đầu đợt tiêm chủng vào ngày 1/3.
Tổng thống Duterte cho biết, lô vaccine Sinopharm mới bổ sung sẽ thúc đẩy nỗ lực của Philippines trong việc tăng cường triển khai tiêm chủng. Hiện Philippines đã tiêm hơn 29 triệu liều vaccine, với gần 13 triệu người đã được tiêm đầy đủ. Manila đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong năm nay./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Giới chuyên gia y tế nhiều nước đang cân nhắc khả năng tiêm liều tăng cường trong bối cảnh Israel, một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, chứng kiến các ca mắc Covid-19 tăng vọt.
Israel hôm 20-8 ghi nhận hơn 2.200 ca mắc mới, nâng tổng ca mắc nước này lên hơn 975.000 trong khi số ca tử vong do dịch Covid-19 lên đến 6.759. Theo hãng tin Reuters, khoảng 1/2 trong số 600 ca bệnh nặng nhập viện đều đã được tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer.
Phần lớn những bệnh nhân này đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin trong ít nhất 5 tháng, trên 60 tuổi và mắc các bệnh mãn tính được cho là khiến tình trạng bệnh diễn biến xấu, như bệnh tiểu đường, tim, phổi, ung thư và các bệnh nhiễm trùng.
Đây là những căn bệnh đòi hỏi phải được điều trị bằng thuốc ức chế hệ miễn dịch. Bác sĩ Noa Eliakim-Raz, Trưởng khoa về Covid-19 tại Trung tâm Y tế Rabin (Israel), cho rằng những bệnh nhân đã tiêm phòng là người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu trước khi mắc Covid-19 trong khi những bệnh nhân nhập viện chưa tiêm vắc-xin là những đối tượng trẻ, khỏe mạnh nhưng sức khỏe suy giảm nhanh chóng khi nhiễm bệnh và cần phải hỗ trợ thở ôxy.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett tiêm liều vắc-xin thứ 3 ở TP Kfar Saba - Israel hôm 20-8 Ảnh: Reuters
Đáng chú ý, Bộ Y tế Israel đang điều tra 10 ca mắc Covid-19 nhiễm chủng AY.3 của biến thể Delta, hay còn gọi là Delta Plus. Trong số 10 ca nhiễm chủng AY.3 của Israel được xác định hôm 19-8 có 8 ca nhập cảnh và 2 ca địa phương.
Nghiên cứu cho thấy biến thể Delta Plus có khả năng kháng vắc-xin và "tránh né" hệ thống miễn dịch tốt hơn các biến thể cũ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu và cao hơn 60% so với chủng Alpha. Chủng AY.3 chiếm khoảng 15% ca nhiễm ở Mỹ và đã được phát hiện ở ít nhất 61 quốc gia.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ảnh minh họa: Axios
Sri Lanka ngày 20/8 đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 10 ngày trước áp lực dữ dội từ các chuyên gia y tế khi các bệnh viện bắt đầu quá tải vì các ca nhiễm COVID-19.
AFP đưa tin, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã phản đối những lời kêu gọi phong tỏa trong nhiều tuần, mới đây đã phải nhượng bộ sau những lời cảnh báo về tình trạng bệnh viện quá tải.
Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Keheliya Rambukwella cho biết: "Lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ có hiệu lực từ 10h tối 20/8 đến ngày 30/8. Tất cả các dịch vụ thiết yếu sẽ hoạt động như bình thường."
Sau khi lệnh phong tỏa được ban hành, rất đông người dân đã đổ xô đến các siêu thị, tạp hóa và trạm xăng để tích trữ nhu yếu phẩm và nhiên liệu. Bộ trưởng Năng lượng Udaya Gammanpila đã phải kêu gọi người tiêu dùng không gây ra tình trạng thiếu hụt vì mua sắm hoảng loạn.
Theo AFP, trong ngày 20/8, Sri Lanka ghi nhận con số kỷ lục 186 ca tử vong và 3.800 ca nhiễm COVID-19 mới, và không còn giường bệnh cấp cứu dành cho các bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế Iran ngày 20/8 cho biết, gần 29.000 ca mắc Covid-19 mới ở nước này trong 24 giờ qua khi làn sóng thứ 5 đang bùng phát.
Theo Bộ Y tế Iran số mắc Covid-19 ở nước này từ đầu dịch tới này đã tăng lên hơn 4,6 triệu ca. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 555 ca và tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 ở Iran đã tăng lên 100.810 người. Iran đã công bố báo động đỏ ở 359 thành phố.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Iran đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với làn sóng thứ năm của dịch Covid-19. Nước này đã tăng cường cán bộ nhân lực từ Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ, lực lượng vũ trang, toàn dân cùng các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tích cực phối hợp với Bộ Y tế để phòng dịch.
Chính phủ Iran đang đẩy nhanh việc mua 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và nhấn mạnh việc kiểm soát sự lây lan của dịch đòi hỏi sự quyết tâm và đồng thuận của quốc gia. Iran thắt chặt kiểm soát các cửa khẩu và yêu cầu người dân tuân thủ các khuyến nghị về phòng dịch, thực hiện giãn cách xã hội, bãi bỏ các cuộc tụ tập để ngăn chặn dịch lây lan./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 20/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Mỹ, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Reports số ra ngày 19/8, các nhà khoa học thuộc Hệ thống y tế Northwestern (Mỹ) đang phát triển một phiên bản mới, cải tiến và đầy triển vọng của vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, các nhà khoa học đã tiêm vào chuột một trong những loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay được bào chế từ protein gai (protein S) của virus SARS-CoV-2 và bổ sung vào vaccine này một kháng nguyên khác là protein nucleocapsid (protein N) của virus. Vài tuần sau đó, các nhà khoa học cho chuột đã tiêm chủng này, phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua đường mũi. Ba ngày sau, các nhà khoa học đo lượng virus trong hệ hô hấp hay hệ thần kinh của chuột để phát hiện trường hợp mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ vaccine (ca nhiễm đột phá).
Các nhà khoa học phát hiện rằng protein N – một protein của virus SARS-CoV-2 có liên quan tới bộ gen RNA bên trong sẽ giúp kích hoạt hệ miễn dịch mạnh và nhanh hơn so với khả năng kích hoạt của protein S vốn nằm trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo thông báo tải trên mạng xã hội Twitter, viện Vaccine Finlay (IFV) của Cuba cho biết hai vaccine Soberana 02 và Soberana Plus do viện này bào chế đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau quá trình đánh giá hồ sơ và kiểm tra quy trình sản xuất nghiêm ngặt của Trung tâm Quản lý Thuốc, Máy móc và Thiết bị Y tế Cuba (CECMED).
Đây là hai loại vaccine được sử dụng kết hợp để ngăn ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2 và đã được chứng minh đạt hiệu quả 91,2% trong các thử nghiệm lâm sàng. Hai loại vaccine này cũng đang được thử nghiệm cho đối tượng trẻ em từ 3 - 18 tuổi tại Cuba, với sự tham gia của 350 tình nguyện viên.
Cơ quan kiểm định y tế của Cuba xác nhận hai loại vaccine trên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng và những minh chứng về hiệu quả đạt được.
Ngày 20/8, tại sân bay Warsaw Chopin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cùng cán bộ Đại sứ quán đã tham dự buổi lễ bàn giao hơn 500.000 liều vaccine Astra Zeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Ba Lan viện trợ cho Việt Nam.
Lô vaccine này sẽ về tới thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 21/8. Dự lễ bàn giao về phía Ba Lan có đại diện cơ quan Ngoại giao, Bộ Y tế và Cục Dự trữ Chiến lược Quốc gia của Ba Lan.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện cơ quan chức năng Ba Lan đánh giá cao và trân trọng mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam. Ba Lan luôn biết ơn và ghi nhớ những tình cảm và sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam ở những thời điểm bùng phát dịch tại Ba Lan và khẳng định Ba Lan có được kết quả chống dịch khả quan như hiện nay một phần không nhỏ nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam đang căng thẳng, Chính phủ Ba Lan hy vọng với sự sẻ chia và giúp đỡ này, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch để ổn định phát triển kinh tế.
Với hơn 70 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam- Ba Lan, đại diện Cục Dự trữ Chiến lược Quốc gia Ba Lan khẳng định cơ quan này sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước để có thể sớm chuyển lô 3 triệu liều vaccine cho Việt Nam.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Mối quan hệ này ngày càng bền chặt hơn nhất là ở lĩnh vực y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam và Cộng hòa Czech. Dự kiến, 250.000 liều vaccine ngừa Covid-19 của CH Czech sẽ tới Việt Nam.
Trao đổi với Bộ trưởng Y tế Czech, Đại sứ Thái Xuân Dũng chúc mừng Cộng hòa Czech đã triển khai hiệu quả hoạt động tiêm chủng ngừa Covid-19 và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây. Đại sứ cũng gửi lời cảm ơn tới Bộ Y tế Czech và các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại CH Czech đối phó với đại dịch và được tham gia tiêm chủng đầy đủ. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Đại sứ Thái Xuân Dũng đã thông tin tình hình dịch bệnh của Việt Nam cho Bộ trưởng Y tế Czech. Theo thống kê, Việt Nam đã có hơn 300.000 ca nhiễm, trong đó có gần 6800 ca tử vong.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Thái Xuân Dũng đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới chính phủ Czech đã có sự hỗ trợ kịp thời, quý báu khi trao tặng 250 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19 và nhượng lại 500.000 liều cùng một số bộ xét nghiệm nhanh cho Việt Nam để chống dịch. Đại sứ đề nghị phía Czech tiếp tục xem xét nhượng lại cho Việt Nam số vaccine mà Czech chưa sử dụng, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine từ các nước EU; cũng như tạo điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam. Đại sứ Thái Xuân Dũng mong muốn hai bên tiếp tục duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp, kỳ vọng sớm được đón Thủ tướng Andrej Babis sang thăm chính thức Việt Nam.
Đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp mối quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Cộng hòa Czech và Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Czech Adam Vojtěch cho biết 250.000 liều vaccine trao tặng đã được công ty UPS của Czech đảm nhiệm vận chuyển và dự kiến sẽ về đến Việt Nam trong tuần tới.
Bộ trưởng Y tế Czech sẽ báo cáo chính phủ Czech và thông tin sớm cho Việt Nam về việc chuyển nhượng 500.000 liều vaccine ngừa Covid-19 và những đề xuất hỗ trợ các trang thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19. Việc phần mình, Bộ trưởng Y tế Czech mong muốn thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
Chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc dự đoán, nước này có thể hoàn thành tiêm vaccine cho 80% dân số vào cuối năm nay, đồng thời cho biết, vaccine nội địa của Trung Quốc có tác dụng bảo vệ 100% với các ca bệnh nặng nhiễm biến thể Delta ở nước này.
Ngày 20/8, phát biểu trực tuyến tại một hội nghị về y tế trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Trung Quốc và các nước Arab lần thứ 5, ông Chung Nam Sơn, Viện sĩ Viện Công trình, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc tái khẳng định, với tỷ lệ bảo vệ của vaccine nội địa như hiện nay, Trung Quốc cần hơn 80% dân số tiêm chủng mới có thể thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng hiệu quả. Ông dự đoán, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở nước này có thể đạt trên 80% vào cuối năm nay.
Ông Chung Nam Sơn phát biểu tại hội nghị ngày 20/8. Ảnh: Nhật báo Bắc Kinh.
Ông cũng chia sẻ, mặc dù vaccine của Trung Quốc bị giảm hiệu quả trước biến thể Delta, nhưng vẫn "rất hữu hiệu".
Ông Chung trích dẫn dữ liệu về 153 ca mắc Covid-19 ở Quảng Châu do biến thể Delta hồi cuối tháng 5 vừa đăng trên tạp chí quốc tế "Emerging Microbes & Infections". Dữ liệu được đưa ra sau khi so sánh giữa bệnh nhân tiêm vaccine và không tiêm vaccine bất hoạt nội địa của Trung Quốc khi nhiễm biến thể Delta .
Mời độc giả đọc toàn bộ bài viết tại đây:
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 211.067.932 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.421.880 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, 188.979.330 bệnh nhân đã bình phục, 17.666.722 người vẫn đang được điều trị, trong đó 108.874 ca bệnh nặng.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 38.231.972 ca, trong đó có 643.113 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 572.733 ca trong tổng số 20.494.212 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 32.358.829 ca, trong đó có 433.622 ca tử vong.
Xét về khu vực, châu Á đứng đầu với 67.212.317 ca, còn châu Âu đứng thứ hai đang có 53.871.340 ca. Con số này của Bắc Mỹ là 45.807.942 ca và Nam Mỹ là 36.489.111 ca.
Tại Đông Nam Á, sau 3 tuần, Chính phủ Campuchia đã quyết định dừng chiến dịch toàn quốc về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh cũng kết thúc từ ngày 20/8. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca mới nhiều ngày qua dao động trong khoảng 500-600 ca/ngày.
Theo quyết định của chính phủ, chính quyền thủ đô Phnom Penh tối 19/8 cũng chấm dứt lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, Phnom Penh vẫn tiếp tục cấm các hoạt động kinh doanh có rủi ro lây nhiễm dịch cao như kinh doanh đồ uống có cồn, cơ sở mát xa và tụ tập từ 15 người trở lên.
Trong khi đó, rủi ro lây nhiễm vẫn ở mức cao tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan như Battambang, Banteay Meanchey, Pailin, Poipet và Oddar Meanchey khi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động Campuchia từ Thái Lan đổ về nước mỗi ngày kể từ lúc cửa khẩu Campuchia - Thái Lan mở cửa trở lại hôm 13/8.
Mời độc giả đọc toàn bộ bài viết tại đây: