*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều vùng trên thế giới, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Nước Anh mua thêm hàng chục triệu liều vắc xin Hãng Pfizer nhằm đảm bảo "vẫn đi trước virus (gây bệnh COVID-19) trong nhiều năm tới và phục vụ bất kỳ chương trình tiêm tăng cường nào trong tương lai".
Người dân được tiêm vắc xin COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở London, Anh - Ảnh: AFP
Ngày 23-8, Chính phủ Anh cho biết nước này vừa ký hợp đồng mua thêm 35 triệu liều vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer-BioNTech, theo trang Politico.
Như vậy tổng số vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer-BioNTech mà Anh đặt mua tới nay là 135 triệu liều. Số vắc xin này sẽ được giao từ nửa cuối năm 2022 trở đi.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước tạm hoãn tiêm liều vắc-xin tăng cường trong vòng hai tháng để chấm dứt tình trạng phân phối vắc-xin thiếu bình đẳng, từ đó giúp ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể virus mới.
Phát biểu tại thủ đô Budapest của Hungary, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông cảm thấy "thực sự thất vọng" với việc phân phối vắc-xin trên toàn cầu, khi nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tiêm mũi đầu tiên - mũi thứ hai cho người dân còn một số quốc gia giàu có hơn lại tăng cường tích trữ vắc-xin để tiêm nhắc lại.
Ông Tedros kêu gọi các quốc gia có kế hoạch tiêm liều thứ ba "chia sẻ kho vắc-xin với các quốc gia khác", vì 75% trong số 4,8 tỉ liều vắc-xin được tiêm trên toàn cầu chỉ tập trung ở 10 quốc gia, trong khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin ở châu Phi là dưới 2%.
"Sự bất công và chủ nghĩa dân tộc trong phân phối vắc-xin" có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể dễ lây lan hơn, lãnh đạo WHO cảnh báo. "Virus sẽ lây lan ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Biến thể Delta có thể sẽ biến đổi để trở nên nguy hiểm hơn, đồng thời có thể xuất hiện nhiều biến thể mạnh hơn."
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Số bệnh nhân Covid-19 bình phục trên toàn thế giới tính đến sáng nay (24/8) là hơn 190 triệu bệnh nhân trong tổng số hơn 213 triệu ca mắc. Tuy nhiên trong những ngày qua số ca tử vong tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh đột nhiên tăng mạnh do sự lây nhiễm của biến thể Delta.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Số người phải nhập viện và tử vong tiếp tục tăng lên do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra. Theo đó, số ca tử vong mới trung bình trong tuần qua tăng 10,8% so với tuần trước đó. Ca nhiễm biến thể Delta chiếm đến 98,8% số ca bệnh tại Mỹ. Tại Pháp, các quan chức y tế cho biết số người phải nhập viện vì Covid-19 và phải điều trị tích cực đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua, trong khi tại Anh, Cơ quan Y tế Công cộng nước này cho biết trong vòng 7 ngày qua, Anh ghi nhận trung bình 100 ca tử vong/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3.
Đánh giá về số ca tử vong tăng mạnh tại các nước, các chuyên gia y tế cho rằng sự lây lan của biến thể siêu lây nhiễm Delta đang khiến hệ thống y tế nhiều quốc gia trở nên quá tải.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tiếp theo ngày 23/8 không ghi nhận ca Covid-19 trong cộng đồng nào, ngày 24/8, Trung Quốc thông báo phát hiện 1 ca bệnh ở tỉnh Hà Nam. Như vậy, đến nay, đợt dịch mới nhất bùng phát hôm 20/7 tại một sân bay ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đã được kiểm soát trong vòng 35 ngày.
Đợt dịch này được coi là đợt bùng phát lây lan rộng nhất ở nước này kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán cuối năm 2019.
Ông Vương Quảng Phát, chuyên gia về bệnh đường hô hấp của Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh cho rằng, chiến lược không khoan nhượng và biện pháp "Bốn sớm" - phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm, điều trị sớm các trường hợp Covid-19 của nước này vẫn tiếp tục phát huy tác dụng, giúp Trung Quốc chống lại sự bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn và nguy hiểm hơn.
Tính đến 23/8, Nam Kinh đã báo cáo không có trường hợp Covid-19 cộng đồng nào trong vòng 10 ngày, trong khi toàn tỉnh Giang Tô không ghi nhận ca bệnh mới lần đầu vào ngày 23/8.
Từ cuối tuần qua, những nơi như Bắc Kinh, Giang Tô, Tứ Xuyên... đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ dần các hạn chế, khôi phục cuộc sống và sản xuất trở lại bình thường. Kể từ 23/8, những người rời Nam Kinh đã không cần xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính. Những người đến Nam Kinh từ các khu vực có nguy cơ thấp sẽ chỉ cần mã sức khỏe màu xanh và đo thân nhiệt. Giao thông công cộng trong tỉnh Giang Tô cũng đã khôi phục trở lại.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của truyền thông địa phương, từ 21/7 đến 22/8, đợt dịch mới đã khiến Trung Quốc có thêm 1.272 ca Covid-19, liên quan đến 16 tỉnh, thành, trong đó 2/3 số ca ở tỉnh Giang Tô
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng ở TP.HCM trong đó có Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh TP.HCM, cho biết, năm 2021, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp nhận hơn 31 triệu liều vắc xin Covid-19 BNT162b2 của hãng Pfizer/BioNTech.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cam kết tuân thủ đầy đủ quy định về việc xin giấy phép nhập khẩu, tuy nhiên đề nghị trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu, cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để không làm ảnh hưởng chất lượng vắc xin.
Một lô vắc xin Covid-19 về Việt Nam. Ảnh BYT
Hiện Việt Nam đã có hợp đồng mua hơn 51 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer ngừa Covid-19, trong đó có 20 triệu liều để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Lô hàng Pfizer đầu tiên về Việt Nam vào đầu tháng 7 và đến nay đã nhận hơn 1,2 triệu liều.
Dự kiến trong tuần này, Việt Nam sẽ nhận thêm 1 lô vắc xin Covid-19 Pfizer. Việt Nam chính thức phê duyệt sử dụng khẩn cấp có điều kiện vắc-xin Pfizer sản xuất tại Bỉ và Đức
Ngoài BNT162b2 nhập khẩu từ Bỉ, Bộ Y tế vừa phê duyệt vắc-xin Covid-19 Pfizer BioNTech do Mỹ sản xuất với quy cách đóng gói 25 lọ/khay, 6 liều/lọ.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 23 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó có hơn 14 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 1,2 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik-V và 2,5 triệu liều Sinopharm.
Tính đến hết ngày 22/8, Việt Nam đã tiêm 17.364.569 liều vắc xin Covid-19, trong đó tiêm 1 mũi là 15.530.221 liều, tiêm mũi 2 là 1.834.348 liều.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Chính phủ Israel ra quyết định bắt đầu năm học mới vào ngày 1/9, bất chấp dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ trở lại.
Ảnh minh hoạ: Reuters
Quyết định trên được đưa ra hôm thứ Hai, trong một cuộc họp nội các do Thủ tướng Naftali Bennett chủ trì.
Bất chấp lời kêu gọi hoãn mở cửa trường học vì sự gia tăng đột biến của số ca mắc COVID-19, chính phủ Israel đã quyết định sẽ cho học sinh đi học từ ngày 1/9.
Trong tuần qua ở Israel đã có gần 200 người chết vì COVID-19. Mỗi ngày Israel ghi nhận khoảng từ 5.000 đến 8.000 ca mắc mới, theo thống kê của cơ quan y tế. Chiến dịch tiêm nhắc lại quy mô lớn, với hơn 1,4 triệu người Israel đã được tiêm liều vắc-xin thứ ba , vẫn chưa đủ để đảo ngược xu hướng đáng báo động.
Để các lớp học có thể diễn ra bình thường không gián đoạn, theo chính phủ Israel, "học sinh sẽ được tiêm chủng ở trường giữa các giờ học, nếu phụ huynh chấp thuận".
Trẻ em trên 12 tuổi đủ điều kiện để tiêm vắc-xin ở Israel. 30% nhóm đối tượng từ 12 đến 15 tuổi đã được tiêm đủ liều.
Các bộ trưởng cũng tuyên bố áp dụng chính sách thẻ xanh đối với tất cả giáo viên, nhân viên trường học. Nghĩa là những người này chỉ được phép đến nơi làm việc sau khi xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại thành phố có tỉ lệ lây nhiễm cao, việc học từ xa có thể được áp dụng cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 nếu ít hơn 70% số học sinh trong lớp được tiêm chủng.
Bài viết được tham khảo từ https://tienphong.vn
Một biến thể mới - được đánh giá là nguy hiểm hơn cả biến thể Delta - có thể sẽ xuất hiện trong năm tới và những người chưa tiêm chủng có thể sẽ trở thành những đối tượng "siêu lây lan".
Ảnh minh hoạ: REX.
Giáo sư Miễn dịch học - Sai Reddy (Zurich, Thuỵ Sĩ) cảnh báo thế giới cần chuẩn bị đối phó với một biến thể virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện vào năm 2022, và biến thể này có thể gây ra "rủi ro lớn", tờ The Sun đưa tin.
Ông Reddy cho biết đây là điều không thể tránh khỏi vì các biến thể đáng quan ngại đã liên tục xuất hiện, như biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ), Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi), Gamma (phát hiện lần đầu ở Brazil)… Các biến thể này thậm chí có thể sẽ kết hợp để tạo thành một siêu biến thể mới khó đối phó hơn.
"Tải lượng virus của Delta lớn đến nỗi bất kỳ ai chưa được tiêm phòng và bị nhiễm biến thể này đều có thể trở thành siêu lây lan."
“COVID-22 có thể trở nên tồi tệ hơn so với những gì chúng ta đang chứng kiến”, chuyên gia nói.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ấn Độ có thể ghi nhận số ca mắc COVID-19 hàng ngày lên đến 600.000 người nếu như quốc gia không thể tăng tốc tiêm chủng và đẩy lui làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ ngày 19/8. Ảnh: EPA
Tờ Bloomberg đưa Viện Quản lý Thảm hoạ Quốc gia (NIDM) thuộc Bộ Nội vụ Ấn Độ đã cảnh báo về một đợt lây nhiễm cao đột biến sẽ xảy ra sớm nhất vào tháng 10 tới.
Cơ quan này trích dẫn nghiên cứu của Đại học Năng lượng Pandit Deendayal Upadhyay và Đại học Nirma cho hay số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới hàng ngày có thể giảm xuống còn 200.000 ca nếu như chính phủ thực hiện được kế hoạch tiêm chủng 10 triệu người mỗi ngày.
NIDM khuyến cáo nên ưu tiên bố trí giường bệnh và tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương bởi COVID-19 để cải thiện tình hình sau khi làn sóng bùng phát thứ 2 lập đỉnh hồi tháng 5 đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng.
Giới chuyên gia cũng đã dự đoán một làn sóng mới trong những tuần tới, mặc dù hầu hết đều cho rằng nó yếu hơn so với đợt trước đó.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Biến thể Delta đã gây ra làn sóng COVID-19 mới tại một loạt quốc gia đồng thời là rủi ro lớn đối với quá trình hồi phục ở nhiều nơi. Dấu hiệu tổn thương về kinh tế do biến thể Delta khá rõ rệt ở các nước.
Công tác chuẩn bị vaccine COVID-19 trước khi tiêm cho người dân tại một trung tâm ở Sydney, Australia. Ảnh: AP
Công ty chuyên về dữ liệu IHS Markit (Anh) này 23/8 đã công bố đánh giá về tác động của biến thể Delta với kinh tế các nước. Theo đó, tại Australia, hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực tư nhân đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ thuận với số ca mắc mới COVID-19 từ tháng 7.
IHS Markit nhận định: "Sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19, tác động bởi biến thể Delta, và những đợt giãn cách xã hội ở các bang khác nhau của Australia trong tháng 8 tiếp tục làm giảm nhu cầu và sản lượng".
Theo kênh CNN (Mỹ), Nhật Bản cũng chịu tình trạng kinh doanh đi xuống với các công ty giảm lạc quan sau đợt tăng mạnh các ca mắc mới COVID-19 gần đây.
Các chuỗi cung ứng cũng đối mặt với nhiều thách thức làm dấy lên lo ngại trước giai đoạn mua sắm vào dịp lễ quan trọng sắp tới. COVID-19 là nhân tố tác động khi cảng Ningbo-Zhoushan tại Trung Quốc phải đóng cửa từ 11/8 sau khi ghi nhận một công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Gián đoạn tại cảng container lớn thứ ba trên thế giới này khiến nhiều tàu vận tải quốc tế phải điều chỉnh lịch trình và thông báo với khách hàng về khả năng hàng hóa giao chậm.
CEO của công ty vận tải C.H. Robinson (Mỹ)-ông Bob Biesterfeld chia sẻ với CNN: "Áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu không hề thuyên giảm".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Philippines ngày 23/8 có hơn 18 nghìn 300 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong 1 ngày từng được ghi nhận.
Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines đã vượt mốc 1 triệu 800 nghìn ca. Đáng lo ngại là 1/5 trong số này mới chỉ được phát hiện trong 40 ngày qua.
Theo Bộ Y tế Philippines, các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 hiện nay ở nước này.
Cùng ngày, Philippines đã phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 - Sputnik Light của Nga, đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á phê duyệt loại vaccine một liều tiêm này.
Triều Tiên đã phát triển và sản xuất thành công thiết bị xét nghiệm PCR để chẩn đoán và sàng lọc người mắc COVID-19.
Khử khuẩn tại một nhà hàng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AP
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã xác nhận thông tin này ngày 23/8. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Triều Tiên đến nay vẫn chưa xác nhận bất cứ ca mắc COVID-19 nào nhưng đã đóng cửa biên giới và hạn chế di chuyển đồng thời áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin rằng các nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên tại Viện Khoa học Quốc gia đã phát triển thiết bị xét nghiệm PCR đạt tiêu chuẩn thế giới.
Thiết bị được quảng bá là một trong những thành tựu đạt được gần đây ở thời điểm Chủ tịch Kim Jong-un thúc đẩy nội địa hóa máy móc, công cụ và vật liệu trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế và đóng cửa biên giới làm giảm mạnh thương mại.
Triều Tiên đã thực hiện xét nghiệm PCR theo tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu với sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đọc toàn bộ bài viết tại đây:
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tối 23/8 (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel một lần nữa cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã viện trợ gạo giúp Cu-ba vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, thể hiện nghĩa cử cao đẹp và truyền thống quan hệ đặc biệt; khẳng định Đảng và Chính phủ Cuba sẽ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel khẳng định Cuba hết sức coi trọng hợp tác về vaccine với Việt Nam, nỗ lực từ nay tới cuối năm 2021 cung ứng số lượng lớn vaccine Abdala phòng COVID-19 của Cuba và sẵn sàng cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam .
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết một làn sóng COVID-19 thứ ba ở nước này có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới, độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, nhóm nghiên cứu y khoa của Ấn Độ cho rằng, các dự đoán dựa trên các giả định. Làn sóng COVID-19 thứ hai, chủ yếu là do biến thể Delta, quét qua đất nước từ tháng 3 đến tháng 5/2021, lây nhiễm cho hàng nghìn người và giết chết hàng nghìn người khác. Riêng ngày 7/5, cả nước ghi nhận 414.188 trường hợp mắc COVID-19. Biến thể Delta hiện gây ra nhiều làn sóng COVID-19 ở các khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, nhà khoa học của IIT-Kanpur, thành viên nhóm nghiên cứu Manindra Agrawal dự đoán, cũng có thể Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba nếu không có biến thể mới, dễ lây lan hơn biến thể Delta xuất hiện.
Trong trường hợp đó, Ấn Độ có thể thấy các trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày lên đến 150.000 ca nhiễm mới và cao điểm là vào tháng 11. Cường độ của làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể không giống làn sóng thứ hai, nhưng tương tự như làn sóng đầu tiên.
Campuchia sẽ có 10 triệu người được tiêm chủng - chỉ số mục tiêu ban đầu để đạt miễn dịch cộng đồng trước Covid-19 - trong vòng hai ngày tới, báo Khmer Times đưa tin sáng nay 24/8.
Từ khi chiến dịch tiêm chủng khởi động ngày 10/2 đến ngày 23/8, nước này ghi nhận tổng cộng 9.851.896 người được tiêm vaccine, bao gồm thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17.
Trong đó, 7.967.118 người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine.
Thống kê mới nhất nâng tỷ lệ được tiêm chủng tại Campuchia lên 87.68% so với mục tiêu 10 triệu người được tiêm vaccine, và đạt 61.57% trong toàn bộ dân số nước này (hơn 16 triệu người).
Một người cao tuổi được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia (Ảnh: KT/Siv Channa)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng với chiến dịch tiêm chủng hướng đến 10 triệu người trưởng thành và 2 triệu thanh thiếu niên 12-17 tuổi, tỷ lệ bao phủ vaccine sẽ đạt 75% dân số Campuchia.
"Nếu chúng ta tiêm chủng cho 13 triệu người, tỷ lệ bao phủ sẽ tăng lên đến 81.5% [dân số]," ông nói. "Bằng mọi giá chúng ta sẽ tìm cách để có được vaccine cho tất cả người Campuchia đủ độ tuổi tiêm chủng và được đội ngũ y tế cho phép tiêm chủng."
Cư dân, gồm các thiếu niên độ tuổi 12-14, chờ tiêm vaccine ở Heihe, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 3/8/2021 (Ảnh:China Daily via REUTERS)
Chỉ trong hơn 1 tháng, Trung Quốc lại một lần nữa "đánh bại Covid-19", đưa số ca nhiễm trong nước xuống con số 0. Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), 24 giờ qua nước này không ghi nhận ca dương tính nội địa nào.
Theo nhiều chuyên gia, đến thời điểm này Trung Quốc chống dịch thành công là nhờ đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine cùng các biện pháp mạnh như khống chế ổ dịch khi số ca mắc còn thấp bằng giải pháp phong tỏa mạnh, xét nghiệm đại trà. Hơn 800 triệu người dân trưởng thành ở nước này đã tiêm đủ 2 liều.
Ổ dịch với biến chủng Delta từ giữa tháng 7 tại thành phố Nam Kinh lan ra các địa phương khác đã được khống chế sau chưa đầy 1 tháng. Hiện nay Giang Tô, Hà Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Thượng Hải, Bắc Kinh đã gỡ bỏ hầu hết các khu vực cảnh báo nguy cơ cao và trung bình. Trung Quốc đang dốc sức khống chế ổ dịch 3 ca ở Sân bay Phố Đông, Thượng Hải.
Cục Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức phê duyệt hoàn toàn việc sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer và BioNTech cho người từ 16 tuổi trở lên.
Pfizer/BioNTech là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê chuẩn hoàn toàn ở Mỹ (Ảnh: Getty).
Với quyết định trên của FDA, vắc xin Pfizer/BioNTech trở thành vắc xin đầu tiên được phê chuẩn hoàn toàn ở Mỹ và sẽ mở đường cho các vắc xin khác được phê chuẩn.
Vắc xin Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ từ giữa tháng 12/2020 cho người từ 16 tuổi trở lên. Đến tháng 5 năm nay, giới chức Mỹ mở rộng cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này cho người từ 12 tuổi trở lên.
"Vắc xin Pfizer/BioNTech tiếp tục được sử dụng khẩn cấp cho người từ 12 đến 15 tuổi và sử dụng liều thứ 3 cho người suy giảm miễn dịch", thông cáo của FDA cho biết thêm.
Đến nay, hơn 170 triệu người ở Mỹ đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ, trong đó hơn 92 triệu người được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech.
Việc phê chuẩn hoàn toàn vắc xin có thể thuyết phục thêm nhiều người tiêm chủng. Tiến sĩ Janet Woodcock, quyền ủy viên FDA, nói: "Chúng tôi nhận thấy, việc FDA phê chuẩn hoàn toàn sẽ giúp tăng niềm tin vào vắc xin. Ngày hôm nay là một cột mốc quan trọng đưa chúng ta đến gần hơn tới việc đảo ngược tình hình đại dịch ở Mỹ".
Số người tử vong vì COVID-19 trên khắp thế giới đã vượt mốc 4,4 triệu ca, ít nhất là theo thống kê chính thức. Song một nghiên cứu mới đây lại đặt nghi ngờ về con số này.
Chôn cất một nạn nhân COVID-19 bên trong khu nghĩa trang ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: AFP
Tờ Straits Times cho hay tại một nghiên cứu gần đây xác định tại Ấn Độ có số người tử vong vượt mức bình thường là 4,9 triệu – gấp 10 lần con số do chính phủ công bố - đã đặt ra nghi ngờ về hiệu quả của phương pháp đánh giá mức độ thực sự về đại dịch của các chính phủ.
Khái niệm "số ca tử vong vượt mức" thể hiện sự khác biệt giữa số ca tử vong hàng năm trong một giai đoạn cụ thể và trung bình số ca tử vong trong cùng giai đoạn vào những năm trước đó.
Hay như trong một nghiên cứu khác chưa được hội đồng chuyên gia thẩm định, nhóm nhà khoa học tại Đại học Hebrew ở Israel đã thu thập dữ liệu tử vong vượt mức do 105 quốc gia công bố trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Họ ước tính rằng con số thiệt mạng thực sự do virus SARS-CoV-2 gây ra cần bổ sung thêm ít nhất 1 triệu người.
Nếu những con số tử vong vượt quá này đều được coi là đáng tin cậy, điều đó có nghĩa là đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 10 triệu người trên toàn cầu.
Giáo sư Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore, nói với Straits Times rằng tỷ lệ tử vong vượt mức là một cách khác để đánh giá tác động thực sự của bệnh COVID-19.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 212 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,4 triệu ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 190 triệu bệnh nhân bình phục và vẫn còn hơn 17,9 triệu người đang được điều trị.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19. Bộ Y tế Lào ngày 23/8 ghi nhận 152 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 87 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 65 ca cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 12.621 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca tử vong. Trước tình hình số ca bệnh tiếp tục tăng cao, Bộ Y tế Lào đang bố trí mở thêm trung tâm điều trị dã chiến ở thủ đô Viêng Chăn từ 3 địa điểm lên 5 địa điểm. Hai địa điểm mới có thể tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân.
Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 16 ca tử vong và 410 ca mắc COVID-19, bao gồm 132 ca nhập cảnh và 278 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 89.641 ca mắc COVID-19, trong đó 85.618 người đã hồi phục và 1.808 người tử vong. Số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh tiếp tục tăng, đặc biệt tại 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có xu hướng dịu bớt, Bộ Du lịch Campuchia dự kiến mở cửa trở lại ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 17.491 ca mắc mới COVID-19 và 242 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay lên lần lượt là 1.066.786 ca và 9.562 ca. Bộ Y tế Thái Lan cho biết đang lên kế hoạch tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng đối với hơn 200.000 người tại tất cả các chợ dân sinh ở 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm. Vùng này nằm trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây