Biểu tình tan nát Paris và thảm cảnh của nước Pháp: Quá khứ chưa qua, tương lai chưa tới

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Sự phản đối của những người biểu tình mặc áo vàng tại Pháp đủ để trở thành thách thức lớn nhất và cũng nguy hiểm nhất cho tới nay đối với quyền lực của ông Macron.

Không có cách mạng màu vàng ở Pháp

Trong những ngày này, cả châu Âu nhìn về nước Pháp và không thể không tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với đất nước này, những gì đang xảy ra chỉ là hiện tượng bột phát và đơn lẻ hay là sự bùng phát của những mâu thuẫn xã hội và bất cập mang tính hệ thống và thể chế âm ỉ đã nhiều năm nay. 

Thiên hạ buộc phải nhìn nhận về nước Pháp và về cá nhân tổng thống đương nhiệm của quốc gia này Emmanuel Macron bằng con mắt khác. 

Những người xuống đường làm nên làn sóng biểu tình phản đối chính phủ của ông Macron đều khoác áo choàng ngoài màu vàng nhưng xem ra không phải một cuộc cách mạng mới và càng không phải cái gọi là Cuộc cách mạng màu vàng đang được tiến hành hoặc có khả năng sẽ xảy ra ở đất nước này. 

Dù vậy, sự phản đối ấy đủ để làm nước Pháp thay đổi về chính trị và xã hội cũng như vị thế và uy tín ở châu Âu cũng như trên thế giới, đủ để trở thành thách thức lớn nhất và cũng nguy hiểm nhất cho tới nay đối với quyền lực của ông Macron.

Có ba điều đáng được đề cập đến trước hết ở cuộc khủng hoảng này của nước Pháp.

Thứ nhất, những người biểu tình phản đối mặc áo khoác ngoài màu vàng kia chỉ là sự tụ tập ô hợp chứ không thuộc phe cánh chính trị nào, không do bất cứ đảng phái chính trị hay tổ chức xã hội nào chỉ đạo và lãnh đạo, không có cá nhân lãnh đạo và hành động phản đối chính phủ của họ không được chuẩn bị kỹ càng và phối hợp từ trước. 

Vì thế, sự biểu tình phản đối mới có thể dễ dàng và nhanh chóng biến thái từ hoà bình sang bạo lực, từ trật tự sang không còn có thể kiểm soát được. Vì thế, chính phủ của ông Macron dẫu có muốn đối thoại để giải quyết vụ việc vẫn rất khó khăn vì nào biết đối thoại với ai.

Thứ hai, từ mục tiêu ban đầu là đòi chính phủ huỷ bỏ chính sách thuế nhiên liệu, những người biểu tình phản đối đã đưa ra yêu sách đòi tăng lương hưu và lương tối thiểu, sau đó là yêu cầu ông Macron từ chức. 

Như thế có nghĩa là từ một cuộc đấu tranh phản đối chính sách thuế của chính phủ đã trở thành cuộc đấu tranh lao động và xã hội để rồi đạt đỉnh điểm là đấu tranh chính trị. Chuyện ban đầu chỉ là tiểu sự đã biến thành đại sự chính vì thế. 

Ông Macron sẽ phải trả giá rất đắt cho sai lầm là ban đầu coi thường, thậm chí còn cả bất chấp những người Áo vàng trên đường phố và đã quyết định rút lại chính sách thuế kia quá muộn.

Thứ ba, không có tổ chức, không có lãnh đạo, không có cương lĩnh chính trị, ô hợp và lại bạo lực và cực đoan như thế, những người biểu tình phản đối không thể là đối thủ chính trị thuộc diện kỳ phùng địch thủ đối với ông Macron và chính phủ hiện tại. 

Vấn đề nhức nhối của nước Pháp

Hình thức đấu tranh này không thể kéo dài được lâu và mức độ sẽ dần giảm. Nhưng chỉ như thế thôi đã đủ để bộc lộ những vẫn đề nhức nhối lâu nay ở nước Pháp và khả năng lãnh đạo nước Pháp của ông Macron.

Làn sóng biểu tình phản đối này là bằng chứng về sự không hài lòng của dân Pháp về thành quả cầm quyền hơn 18 tháng nay của ông Macron. 

Họ bất bình với chính sách của chính phủ và thất vọng về ông Macron. Họ mất lòng tin vào ông Macron khi thấy người này gần như chưa thực hiện được cam kết tranh cử trọng tâm nào, gây dựng được chút tiếng vang cho cá nhân ở bên ngoài nhưng lại chưa làm cho nước Pháp. 

Biểu tình tan nát Paris và thảm cảnh của nước Pháp: Quá khứ chưa qua, tương lai chưa tới - Ảnh 2.

Những bài viết cùng tác giả

Họ cho rằng ông Macron khi vận động tranh cử tổng thống cam kết sẽ là "tổng thống của tất cả người Pháp, đặc biệt của dân thường" nhưng giờ đã nhanh chóng trở thành "luật sư của kẻ giàu" ở nước Pháp. 

Không phải vô cớ mà ông Macron hiện bị sa sút mức độ tín nhiệm xuống đến mức thấp hơn tất cả những người tiền nhiệm. 

Vấn đề nhức nhối đối với nước Pháp hiện tại là sự phân hoá giữa giàu và nghèo, là sự tụt hậu về phát triển ở châu Âu và trên thế giới, là sự xơ cứng về tư duy chính trị và giáo điều trong xác định chiến lược phát triển.

Nó còn là đeo đẳng tham vọng có lại hào quang của cường quốc thế giới xưa trong khi không quan tâm thoả đáng đến và không có đủ khả năng thực tế để giải quyết những vấn đề hiện tại đang đặt ra ở trong nước, là không còn có thể đổ vấy được nữa cho những tác nhân từ bên ngoài ảnh hưởng vào như khủng bố hay người tỵ nạn. 

Vấn đề đối với nước Pháp là cần có sự khởi hành mới mà vị tổng thống mới sau hơn 18 tháng cầm quyền không làm được vì vừa không muốn làm vừa không làm nổi. Cho nên nước Pháp mới bị sa vào thảm cảnh hiện tại. Thực chất của bi kịch này là quá khứ chưa qua, tương lai chưa tới.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại