Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021 vừa trao giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" cho hai đề cử bằng phiếu.
Đó là: "Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng" do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xây dựng với sự chỉ đạo của TP Hà Nội có sự phối hợp với các ban ngành liên quan; Đề xuất "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.
Một góc phối cảnh Đề án "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" vừa đoạt giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội".
Với người dân Thủ đô, chưa nói đến việc dòng sông Tô Lịch có trở thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh hay không, nhưng điều mà những gia đình sinh sống ở hai bên bờ sông này mong muốn hơn cả là giảm tình trạng ô nhiễm, xanh mát trở lại.
Do đó, ngay sau khi giải thưởng được công bố, trao tay, PV Giadinh.net.vn (Báo Sức khỏe & Đời sống) đã có cuộc trao đổi nhanh với đại diện lãnh đạo JVE Group về tính khả thi của Đề xuất trên.
Theo đó, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch JVE Group khẳng định: "Đề xuất biến sông Tô Lịch trở thành công viên và tái hiện lại các Triều đại ngay trên dòng sông không phải là ý tưởng viển vông, không phải vẽ ra để cho vui. Bởi đây là một dự án liên quan đến lịch sử, văn hóa, tâm linh nên từ khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi đã tham vấn các chuyên gia sử học của Việt Nam và tham khảo các tư liệu khác".
Phối ảnh tái hiện các triều đại bên bờ sông Tô Lịch đang được đơn vị thiết kế, hoàn thiện.
Cũng theo ông Tuấn Anh, ngay sau khi JVE Group có báo cáo đề xuất gửi Thành ủy, UBND TP Hà Nội (tháng 9/2020), đơn vị đã ngay lập tức báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng "Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch" và tài trợ miễn phí lập Quy hoạch "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản.
Theo đại diện JVE Group, do quy mô của Đề án rất lớn, liên quan đến rất nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau từ xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan công viên, xây dựng hạ tầng hệ thống chống ngập khổng lồ, cao tốc ngầm cho đến các nội dung liên quan đến mỹ thuật - kiến trúc, di sản, lịch sử, văn hóa, tâm linh vv... nên các bước từ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư, hiệp định liên quan nguồn vốn viện trợ ưu đãi… nên cần nhiều thời gian hơn.
Phối cảnh lan can có hình biểu trưng logo Hà Nội tại Triều đại Nhà Lý.
Thời gian tới, sau khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ có báo cáo tới các cơ quan chức năng để xúc tiến các công việc tiếp theo nhằm mục tiêu cuối cùng là triển khai được Dự án để tạo nên Dấu ấn nghìn năm Thăng Long – Hà Nội và là một biểu tượng mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, nhân dân hai nước trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động chào mừng Dấu mốc kỷ niệm quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đã tròn 50 năm - một nửa thế kỷ (21/9/1973 – 21/9/2023).
"Dự kiến, trước Tết Nguyên đán, sẽ có báo cáo các cơ quan liên quan về Đề xuất Quy hoạch chi tiết Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch cùng toàn bộ tài liệu, báo cáo liên quan đề xuất như nguồn vốn viện trợ ưu đãi, các nội hàm chi tiết về các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh đề xuất xây dựng tại từng triều đại suốt dọc sông Tô Lịch", ông Tuấn Anh khẳng định.
Được biết, sau khi có đề xuất của JVE Group, ngày 5/10/2020, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có công văn số 1427/BC-VPTU báo cáo do ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay là Chủ tịch Quốc hội) giao "Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn của Thành phố nghiên cứu kỹ Đề án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE.
Công văn trên cũng giao cho UBND TP.Hà Nội cùng các sở, ngành trực thuộc phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu - nhược điểm, tính khả thi của Đề án, đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn; tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến người dân (nếu có); dự trù kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện Đề án để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến theo Quy chế làm việc.