Dưới đây là nhận định của GS James Borton (chuyên gia cao cấp của Trung tâm Ngoại giao Khoa học, Đại học Tufts - Mỹ, đang viết cuốn sách mới có tựa đề “Dispatches from the East Sea” - Gửi đi từ biển Đông), GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), ông Khaled Khiari(Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc) và ông Derek Grossman (RAND - cơ quan tư vấn chính sách toàn cầu có trụ sở ở Mỹ).
Theo ông, đâu sẽ là những điểm nổi bật trong vấn đề biển Đông năm 2020?
GS James Borton: Theo tôi, trong năm 2020, chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mạnh mẽ hơn trong việc đẩy lùi sự khẳng định chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở biển Đông vì là năm có tổng tuyển cử và Nhà Trắng muốn được coi là mạnh mẽ, quyết đoán trong quan hệ với Bắc Kinh. Quan điểm của tôi là Washington và Bắc Kinh hiện nay bị cuốn vào sự bi quan thái quá, thù địch và một não trạng trò chơi có tổng bằng không (tình huống trong đó nếu một bên thu được lợi ích thì bên còn lại sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại) trong hầu hết lĩnh vực tương tác.
GS James Borton
Trước hiện trạng quan hệ Mỹ-Trung và khả năng thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tiếp tục thu hút sự chú ý của quốc tế, trong năm 2020, nếu Trung Quốc thực sự có bất kỳ kế hoạch nào về việc lập ADIZ ở khu vực, thì điều này sẽ buộc chính quyền Trump thay đổi quan điểm, vị thế quân sự hoặc quốc phòng ở châu Á. Cả Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đều coi phản ứng của Trung Quốc là động thái hung hăng, gây mất ổn định một cách trắng trợn.
Thậm chí nếu Bắc Kinh nói rằng việc thiết lập ADIZ là cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, thì hành động đó chắc chắn sẽ dẫn tới việc Hải quân Mỹ triển khai thêm nhiều chiến dịch tuần tra tự do hàng hải và điều thêm tàu chiến tới biển Đông. Trong khi quan điểm chính thức của Mỹ dường như nhấn mạnh ý tưởng rằng, luật lệ ADIZ cấu thành điều kiện hợp lý cho việc đi vào không phận lãnh thổ, kỷ nguyên hợp tác Mỹ-Trung sẽ chấm dứt và theo sau đó chỉ có cạnh tranh chiến lược.
GS Carlyle Thayer: Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến thuật “vùng xám” với lực lượng nòng cốt là hải cảnh và dân quân biển nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. Đây là chiến lược lâu dài mà Trung Quốc áp dụng để khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò”, quyền kiểm soát của họ đối với biển Đông.
Trung Quốc muốn tạo ra “điều bình thường mới” nơi các nước láng giềng buộc phải chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước này vì họ không đủ năng lực để trục xuất các tàu Trung Quốc to hơn, nặng hơn, vũ trang tốt hơn. Trung Quốc đã và đang biến 7 đảo nhân tạo trên biển Đông thành căn cứ quân sự cho các lực lượng không quân, hải quân, hải cảnh và dân quân biển của họ. Đây vừa là bàn đạp vừa là nơi tiếp nhiên liệu, trú tránh an toàn cho các tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ của các nước láng giềng.
GS Carlyle Thayer. Ảnh: Thái An
Các hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa và vì thế gây sức ép các nước ASEAN trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), và ép họ không được hợp tác với các nước bên ngoài khu vực. Trung Quốc xây dựng, quân sự hóa 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa trước khi Mỹ có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đặt Mỹ vào sự đã rồi. Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ có thể hỗ trợ các nước trong khu vực về huấn luyện, xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức khu vực biển, nhưng họ không phải là các đồng minh hiệp ước chính thức. Nói cách khác, chiến lược vùng xám của Trung Quốc gần như không bị thách thức.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhưng họ gặp khó vì sự khó đoán định của Tổng thống Donald Trump, nhất là về suy nghĩ, hành động mang tính chiến lược của ông ấy. Ông Trump mời lãnh đạo các nước ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN đặc biệt vào nửa đầu năm 2020. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có nhiệm vụ đạt đồng thuận của khối về cách thức đáp lại lời mời này.
Ông có nhận định, khuyến nghị gì về các giải pháp cho vấn đề biển Đông thời gian qua và năm 2020?
GS James Borton: Năm 2020, với vai trò mới là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam cần ngay lập tức thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các nước thành viên để xác định các lĩnh vực chung mà không chỉ các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông mà còn các quốc gia khác nhất trí đối phó thống nhất với các động thái bắt nạt của Trung Quốc.
Dường như các vấn đề về an ninh môi trường kéo các quốc gia xích lại gần nhau để cùng nêu và giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển, đánh bắt quá mức, khai thác trái phép, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Điều này sẽ dọn đường cho sự phản ứng thống nhất trong ASEAN đối với COC hiện rất cần cho khu vực tranh chấp trên biển Đông. Cách duy nhất để sáng kiến này tiến về phía trước là tạo ra một thỏa thuận đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Là một phần của hành động lãnh đạo này, Việt Nam nên khuyến khích các cuộc diễn tập đa phương trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc.
Việt Nam vẫn đang kiên nhẫn chơi đẹp khi phản ứng với các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đưa tàu khảo sát vào vùng biển Việt Nam. Đây là trò bập bênh địa chính trị đòi hỏi phản ứng ngoại giao mạnh mẽ từ phía chính phủ Việt Nam.
GS Carlyle Thayer: Việt Nam ghi nhận và cung cấp chi tiết về quy trình giao thiệp, xử lý phù hợp luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế của cảnh sát biển Việt Nam với cảnh sát biển Trung Quốc, vì đây là một dạng bằng chứng đấu tranh rất thuyết phục. Việt Nam nên liên tục nêu rằng, các sự việc đối đầu trên biển Đông chính là các sự cố mà COC được lập ra để ngăn chặn và/hoặc giải quyết.
Chuyên gia Derek Grossman cho rằng, Việt Nam có thể tìm cách “đấu tranh” nhiều hơn trên biển Đông khi làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, nhưng vẫn ưu tiên “hợp tác” trong lĩnh vực này để COC được hoàn tất. Nhưng nếu cảm thấy rằng đàm phán COC không suôn sẻ, Hà Nội có thể có hành động pháp lý hoặc sử dụng vị trí của mình là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để công khai những hành vi vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có quyền phủ quyết đối với bất kỳ nghị quyết nào trái với lợi ích của họ. Trong tương lai, con đường hiệu quả hơn để “đấu tranh” với Trung Quốc trên biển Đông có thể là làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước lớn.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2019, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Khaled Khiari nói rằng, Việt Nam đang nỗ lực nêu vấn đề biển Đông tại cấp khu vực và quốc tế. Và Liên Hợp Quốc nhiều lần nói rằng, tranh chấp cần được giải quyết hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.