Trong thời gian trên, hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ và Nhật Bản đã đi theo giám sát Hạm đội của Trung Quốc.
Theo Zaobao, hai chiến hạm cùng hai máy bay tuần tra săn ngầm của Mỹ, Nhật đã duy trì hoạt động liên tục ở vùng biển gần khu vực Hải quân Trung Quốc tập trận.
Theo tờ này, Bắc Kinh gần đây đã điều 4 tàu chiến chủ lực xuất phát từ đảo Hải Nam tiến về phía Indonesia, sau đó tiến ra Tây Thái Bình Dương và vòng lên phía Bắc để trở về Trung Quốc. Cả lộ trình này "đi đúng một vòng quanh Philippines".
Tờ The Guardian (Anh) cho hay, quân đội Trung Quốc gần đây đã sẵn sàng để điều động các tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân tới Thái Bình Dương lần đầu tiên.
Bắc Kinh biện minh cho động thái này là bởi những hệ thống vũ khí mới mà Mỹ triển khai trong khu vực đã làm suy yếu sự ảnh hưởng của lực lượng Trung Quốc hiện diện, đồng thời khiến họ "không có lựa chọn khác".
Các quan chức Trung Quốc không tiết lộ thời gian tiến hành kế hoạch trên, nhưng khẳng định một động thái như vậy "là điều hiển nhiên".
Trước đó, hôm 17/5, máy bay do thám EP-3 của Mỹ khi bay qua biển Đông đã bị hai chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc áp sát ở cự ly 15m. Vụ việc khiến căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề biển Đông tiếp tục leo thang.
Những tuyên bố và hành động quân sự của của Bắc Kinh được tiến hành song song với chiến dịch vận động hành lang về ngoại giao, nhằm chống lại phán quyết sắp được Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague đưa ra về vụ kiện biển Đông.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói hôm thứ Ba (24/5), Washington đánh giá cuộc đối đầu với Trung Quốc và Nga ở châu Á-Thái Bình Dương "sẽ kéo dài rất nhiều năm".
Theo ông Carter, tình trạng này "không phù hợp với lợi ích lâu dài của người dân Trung Quốc".