Biển Đông: "Mỹ chẳng có ý định chiếm đảo, mà chỉ muốn làm 2 điều"

Đức Huy |

Đó là phát biểu của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, về tình hình Biển Đông, trong buổi họp báo diễn ra sáng nay (10/5) tại Hà Nội.

Nhận định về tình hình Biển Đông, ông Russel nhấn mạnh, việc đảo này thuộc sở hữu của bên A hay bên B có thể là tranh chấp nội bộ giữa hai bên, nhưng hành xử trên vùng biển quốc tế là vấn đề liên quan đến lợi ích chung của toàn thế giới.

Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, rất nhiều nước đã thể hiện sự lo ngại sâu sắc đối với một số hành vi của Trung Quốc, như cải tạo đất, xây dựng, và quân sự hóa trái phép trên các đảo đá trên Biển Đông.

"Mỹ không đứng về phía bên này hay bên kia trong các tranh chấp, mà chúng tôi đứng về phía luật pháp quốc tế, cụ thể là luật biển" - ông Russel cho biết.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh cam kết của Washington nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại trên các vùng biển quốc tế, và ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này là một khu vực châu Á-Thái Bình Dương bình ổn, phát triển, phục vụ lợi ích của tất cả các bên liên quan

"Dù Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế giới, và tàu thuyền, máy bay của chúng tôi có thể tới bất kì nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép, nhưng chúng tôi sẽ chưa thể hài lòng chừng nào tất cả các nước, kể cả những nước nhỏ, còn chưa được thực thi quyền ấy" - ông phát biểu.

Ông Russel nhấn mạnh, Mỹ không có tuyên bố chủ quyền, cũng như không có ý định chiếm đảo của ai cả, mà chỉ muốn làm 2 điều: đó là đảm bảo quyền tự do đi lại cho tất cả các bên liên quan, và đảm bảo quyền và luật pháp quốc tế không bị "xói mòn".

Nhà ngoại giao kì cựu này cũng khẳng định, các đợt tuần tra của Mỹ không nhằm mục đích khiêu khích, gây hấn, mà đơn giản chỉ là thực thi quyền công dân toàn cầu.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama

Ông Russel cho biết, thời điểm diễn ra chuyến công du của ông Obama sẽ được Nhà Trắng công bố trong tương lai gần. Tại Việt Nam, ông Obama dự kiến sẽ hội đàm với các quan chức chính phủ, gặp gỡ các doanh nhân, thế hệ trẻ...

Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, một số trọng tâm trong chuyến thăm của ông Obama có thể kể đến: Mở rộng hợp tác an ninh song phương, hợp tác và giao lưu giữa nhân dân hai nước; tăng cường đầu tư vào thế hệ trẻ Việt Nam, hợp tác hướng tới trật tự dựa trên nguyên tắc, giảm căng thẳng Biển Đông, đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng, cùng nhau giải quyết những vấn đề chiến tranh để lại...

Về vấn đề Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, ông Russel cho biết hiện quyết định chính thức vẫn chưa được đưa ra, song đây là một chủ đề đã, đang, và sẽ thường xuyên được thảo luận trong nội các Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, việc Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận nói trên vào năm 2014 đã thể hiện những tiến bộ trong hợp tác chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai nước, và cho thấy Mỹ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải và bảo vệ chủ quyền trên biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại