Biến điều không thể thành có thể, Mỹ đi nước cờ mới ở Trung Đông

Kiều Anh |

Đưa 2 nước không có quan hệ với nhau vào 1 thỏa thuận lịch sử, Mỹ ấp ủ kế hoạch lập liên minh mới ở Trung Đông đối phó với các đe dọa ngày càng gia tăng.

Những mối quan hệ rối như tơ vò ở Trung Đông

Sau thỏa thuận lịch sử giữa Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel ngày 13/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm tới Trung Đông nhằm đảm bảo sự ổn định các lợi ích của Mỹ. Ngoài UAE, ông Pompeo đã đến thăm Israel, Sudan, Bahrain và Oman. Trong suốt chuyến thăm này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chủ trì cuộc gặp của các lãnh đạo phong trào Hamas vốn bị Mỹ và Israel coi là khủng bố. Mỹ dường như muốn truyền tải thông điệp rằng, một hệ thống liên minh mới đang hình thành ở Trung Đông với UAE và Israel giữ vai trò hạt nhân trong khi Washington ủng hộ phía sau.

Động thái này có lẽ cũng là một phần trong chiến lược rộng hơn của Mỹ nhằm tập hợp các đồng minh ở Trung Đông để đối phó với Nga - Trung về dài hạn.

Trong nhiều thập kỷ, hệ thống liên minh của Mỹ tại Trung Đông nhìn chung ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Saudi Arabia. Gần đây, Israel đã nhận được chiến đấu cơ F-35 hiện đại từ Mỹ và có được sự ủng hộ chưa từng có từ chính quyền Tổng thống Trump.

Kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã trở thành trở ngại lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tổng thống Trump cũng đã đảo ngược thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 từng đạt được dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã khiến quan hệ Mỹ - Iran lao dốc nghiêm trọng.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước từng là đồng minh thân cận của Mỹ, cũng ngày càng tỏ thái độ thù địch khi quyết tâm mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, đồng thời leo thang căng thẳng với Israel, Hy Lạp và các quốc gia khác.

Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ với Qatar, để lại sự chia rẽ khó hàn gắn giữa các quốc gia vùng Vịnh, nơi Mỹ đặt những căn cứ chủ chốt.

Diễn biến mối quan hệ giữa các quốc gia vô cùng phức tạp nhưng kết quả cuối cùng lại khá đơn giản. Hiện có 3 hệ thống liên minh ở Trung Đông. Một liên minh bao gồm Iran và các lực lượng khác như Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen, lực lượng dân quân ở Iraq và chính phủ Syria ở Damascus. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đại diện cho hệ thống liên minh thứ 2, xuất phát từ việc cả 2 nước này đều ủng hộ phong trào Hamas và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Libya. Liên minh thứ ba là liên minh mà Mỹ đang thúc đẩy thực hiện thông qua các cuộc gặp với Israel, UAE và Bahrain trong chuyến thăm gần đây.

Nước cờ mới của Mỹ ở Trung Đông

Về mặt lịch sử, Israel thậm chí không có quan hệ với UAE nên các nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi: "Làm thế nào một liên minh như trên có thể thành lập?" Câu trả lời là: "Bởi vì những lợi ích chung của họ ngày càng gia tăng".

Lợi ích chung đầu tiên là cùng nhau đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ trên biển. Ankara nằm trong số những quốc gia khu vực có thái độ thù địch nhất với thỏa thuận UAE-Israel khi đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Abu Dhabi. Hồi tháng 1, Israel, Hy Lạp và Cộng hòa Síp đã ký kết một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya cũng ký kết một thỏa thuận mà trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này có quyền khai thác ở Địa Trung Hải, chia đôi lợi ích từ hệ thống đường ống dẫn dầu.

Hồi tháng 5, Pháp, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và UAE đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ hung hăng ở Địa Trung Hải. Khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu chiến đến ngoài khơi Hy Lạp, Hy Lạp và Ai Cập đã nhất trí sẽ hợp tác với nhau trên biển. UAE cũng đưa chiến đấu cơ F-16 tới Hy Lạp để tham gia các cuộc tập trận chung trong khi đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này sẽ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự trên biển.

Sự đối đầu trên biển đã khiến UAE, Hy Lạp, Ai Cập, Israel và Cộng hòa Síp xích lại gần nhau. Trong sự việc này, Thổ Nhĩ Kỳ gần như đơn độc. Không chỉ vậy, vai trò của Ankara tại Libya cũng đã khiến Ai Cập giận dữ và động thái của nước này với phong trào Hamas đã khiến Israel không hài lòng.

Mặt trận thứ 2 thúc đẩy sự hợp tác giữa Israel, Mỹ và UAE liên quan đến việc đối phó với Iran. Trong khi Saudi Arabia và UAE ủng hộ chính phủ Yemen thì Iran ủng hộ lực lượng Houthi đối lập.

Chuyến thăm Trung Đông gần đây của ông Pompeo đã giúp định hướng thành lập một liên minh mới mà Mỹ ủng hộ. Các điểm dừng chân tại Sudan và Oman của Ngoại trưởng Mỹ được cho là nhằm tăng cường quan hệ để các nước này không rơi vào tầm ảnh hưởng của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hoặc Trung Quốc.

Mỹ cũng lo ngại về "cuộc thâm nhập" vào Trung Đông của Trung Quốc và Nga, song trên thực tế, đây lại không phải là ưu tiên hàng đầu của các đồng minh của Mỹ, những nước có xu hướng nhìn nhận Moscow và Bắc Kinh một cách thân thiện hơn.

Nhiều thách thức vẫn nằm ở phía trước đối với liên minh Israel - UAE - Mỹ, vốn chia sẻ chung lợi ích khu vực với Hy Lạp, Ai Cập, Cộng hòa Síp, Bahrain và Saudi Arabia. Sự nhất trí ngày càng tăng giữa các nước này liên quan đến những mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cũng như mục tiêu ngày càng lớn của Mỹ nhằm làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga đã cho thấy sự biến chuyển của khu vực này trong tương lai với những thay đổi mang tính lịch sử./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại