- Nó không phải là biển, về mặt nước nôi mà nói thì Biển Chết là một cái hồ nước lớn, nằm ở cuối Sông Jordan.
- Nồng độ muối ở Biển Chết là 342 g/kg (số đo năm 2011), mặn gấp 9,6 lần nước biển. Biển chết sâu 304 mét. Kết hợp hai yếu tố lại, ta có Biển Chết là hồ nước muối sâu nhất thế giới.
- Vì sao nước Biển Chết lại mặn? Hồ không có chỗ thoát nước, địa chất khu vực dày đặc khoáng chất và có rất nhiều muối.
- Nước ở Biển Chết cực mặn, ngoài vi sinh vật ra, không có loài vật nào khác sống được.
- Cũng vì nước quá mặn, bạn sẽ không thể chìm được. Biển Chết là bể tập bơi lý tưởng.
- Biển Chết nằm thấp hơn mực nước biển 430,5 mét, khiến nó trở thành điểm nằm trên đất liền thấp nhất trên thế giới.
Cái chết của Biển Chết thể hiện rõ qua các hố tử thần – những hố lún đột ngột hình thành trên bề mặt Trái Đất - xuất hiện ngày một nhiều. Vào những năm 1980, ghi chép cho thấy hố tử thần đầu tiên xuất hiện tại khu vực Biển Chết.
Năm 1990, người ta ước tính có tổng cộng 40 hố. Đến ngày nay, chỉ tính ở phía bờ của Israel, có khoảng 3.000 hồ tử thần xuất hiện vây kín khu vực được coi là Kì quan Thế giới.
Lý do? Biển Chết đang cạn dần. Lý do cạn? Con người. Chúng ta đang giết Biển Chết.
Đã hàng thiên niên kỉ, sự cân bằng tuyệt vời giữa lượng nước từ Sông Jordan đổ vào và sức nóng sa mạc làm nước bay hơi đã giữ cho Biển Chết được vẹn toàn. Xuyên suốt lịch sử của khu vực, sự cân bằng hoàn hảo vẫn được duy trì khi từ những tín đồ tìm về đây để tu đạo.
Từ trên đồi cao, có ngôi đền trên đã nhìn xuống Biển Chết từ năm 4.500 Trước Công nguyên. Trải qua bao biến cố lịch sử, chứng kiến bao sự kiện đẫm máu, người ta đã tưởng Biển Chết trường tồn.
Nhưng chỉ trong 5 thập kỉ vừa qua, số người và lượng các ngành công nghiệp đổ về Biển Chết ngày một tăng. Tổng số người sống trong khu vực đã tăng từ 5,3 triệu lên tới 20 triệu.
Những đất nước sông quanh Sông Jordan đã tận dụng nguồn nước trù phú mà phát triển, quên mất ai đang phải trả giá cho sự thoải mái họ đang hưởng thụ. Biển Chết mặn chát nuốt nước mắt khi sự cân bằng tuyệt vời kéo dài nhiều ngàn năm biến mất. Giọt nước mắt đã không còn mặn như xưa.
Khu vực trồng trọt, những hộ dân sinh sống, các nhà máy khai khoáng khổng lồ lấy mất lượng nước Biển Chết đáng lẽ được hưởng. Kết quả: Biển Chết hẹp lại với tốc độ 91 centimet/năm, theo số liệu đo đạc năm 2013.
"Sự can thiệp của con người đang giết Biển Chết", Alon Tal, giáo sư tại Viện Sinh thái học Sa mạc, chuyên gia về môi trường và hệ sinh thái Israel nói. "Ta sẽ cần tới những kế hoạch lớn, được suy tính kĩ càng và với sự hợp tác của mọi vùng liên quan, để cứu được Biển Chết".
Đây không phải lời lẽ lên án quá trình phát triển kì diệu của loài người, đây là lời cảnh báo ta đang thịnh vượng hơn bao giờ hết, nhưng lại dẫm đạp lên những giá trị có một không hai đáng được trân trọng và bảo tồn.
Biển Chết nằm tại khu vực luôn căng thẳng về chính trị, những phương cách cứu lấy Biển Chết cần sự hợp tác của mọi quốc gia, nhưng những yếu tố quốc tế phức tạp vẫn ngăn cản kế hoạch thành hình. Các chuyên gia, các chính trị gia vẫn đang bàn luận.
Những kế hoạch trên giấy không thể lấp đầy hay ngăn cản những hố tử thần xuất hiện ngày một nhiều. Ông Eli Raz - nhà địa chất học 70 tuổi, chuyên gia về hố tử thần - đã bỏ ra 30 năm nghiên cứu những hố tử thần tại khu vực Biển Chết, liên tục đưa ra lời cảnh báo với chính quyền và cư dân địa phương. Ông đã có mặt tại đây từ những ngày đầu những cái hố xuất hiện.
Bản thân ông đã suýt bỏ mạng khi một cái hố tử thần bất thình lình nuốt chửng lấy ông. Ngồi khúm núm dưới 8 mét đất suốt 14 giờ liền và chờ đội cứu hộ tới, ông đã lo xa, viết lại những lời cuối gửi con cháu trên giấy vệ sinh. Ông mang ra khoe nhưng lại từ chối đưa cho phóng viên đọc: "Tôi không kể ra những gì mình đã viết đâu. Đó là những câu chữ dành cho gia đình tôi".
Ông giải thích rằng hố tử thần trong khu vực này xuất hiện do nước ngọt tương tác với lớp muối nằm dưới lòng đất. Khi nước làm muối tan ra, lòng đất sẽ có những khoảng trống lớn, bề mặt sớm muộn sẽ sập xuống.
Không ai có thể xác định khi nào, nơi nào một cái hố tử thần sẽ xuất hiện. Tốc độ xuất hiện hố tử thần thì ngày một tăng, nếu không sớm có biện pháp can thiệp, nó sẽ nuốt chửng cả một khu vực rộng lớn.
Dẫn phóng viên băng qua khu vực Biển Chết, cắm đầy những tấm biển bằng tiếng Do thái, tiếng Ả Rập và tiếng Anh cảnh báo về những hố tử thần, ông Raz cười chua ngoa: "Làm sao mà cẩn thận được? Chẳng ai biết một cái hố sẽ xuất hiện vào lúc nào".
Vừa cười, tay ông vừa chỉ vào cái hố trước mặt: "Một tuần trước, làm gì đã có cái hố này. Việc sơ tán toàn bộ khu vực có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian thôi".
Cho tới thời điểm ông Raz dẫn phóng viên đi quanh, vẫn chưa thấy ghi lại trường hợp bỏ mạng trong hố tử thần nào, thế nhưng không ít người đã bị thương nghiêm trọng. Chúng là mối đe dọa trực tiếp tới ngành du lịch – nguồn thu chính của toàn bộ khu vực Biển Chết.
Hàng chục ngàn du khách tới Biển Chết mỗi năm, để thỏa thích bơi mà không chìm, và để tắm mình trong làn bùn khoáng có lợi cho sức khỏe. Họ đem lại khoản tiền chiếm 40% tổng thu nhập của cộng đồng người Do Thái đang sinh sống nơi đây.
Lẽ hiển nhiên là chính phủ địa phương cũng đầu tư mạnh vào du lịch. Mọi chuyện sẽ sụp đổ giống như những cái hố tử thần hiện ra ngày một nhiều, nếu không có biện pháp can thiệp.
Hố tử thần còn ảnh hưởng tới nông nghiệp trong khu vực. Hàng loạt nông trại, vườn cây lớn bị bỏ hoang do số lượng hố dày đặc. Cây cối vẫn cao vút, nhưng vì thiếu nước, ánh Mặt Trời của khí hậu khắc nghiệt đã đốt cháy chúng. Một khoảng rừng cây đen đúa gầy guộc dưới ánh nắng gay gắt.
Nước rút, những dịch vụ và những khu vực gắn liền với bờ Biển Chết gặp rắc rối to. Họ phải liên tục chạy đuổi theo bờ nước rút ngày một nhanh. Matthew Sperber, giám đốc khu nghỉ dưỡng Kibbutz Almog buồn bã thừa nhận "rồi cũng sẽ thua trong cuộc đua này".
Vấn đề đâu dừng lại ở đó. Chỗ lo nước rút quá nhanh, còn chỗ lại lo nước ngập chạy không kịp. Ở bờ phía Nam của Biển Chết, một loạt khu nghĩ dướng 5 sao và những tiệm spa tráng lệ đứng trước nguy cơ ngập úng.
Nơi định cư của họ không xa những nhà máy xử lý khoáng chất Biển Chất. Phụ phẩm là muối từ cụm nhà máy đổ thẳng xuống đáy nước khiến mực nước dâng lên. Đã có những lời hứa, rằng các công ty sẽ khai thác muối để giảm mực nước Biển Chết xuống, dự kiến dự án sẽ tiêu tốn hàng tỉ USD.
Biển Chết mà không còn, môi trường sống độc đáo nơi đây cũng sẽ biến mất. Bản thân Biển Chết không phải là nhà cho sự sống, nhưng khu vực xung quanh lại là nơi động thực vật quây quần. Những dòng nước ngầm tạo thành hồ nước ngọt cho cá tung tăng bơi lội, bên bờ là những tán cây bản xứ rủ bóng.
Mỗi mùa di cư, hàng tỉ con chim bay qua khu vực thanh bình mà không chỉ có những loài có cánh: dê núi, linh cẩu, chó hoang, các loài bọ, lợn lòi, mèo sa mạc và sói đồng cỏ quy tụ nơi hồ nước ngọt để giải khát. Mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu, nếu như môi trường có biến đổi lớn.
Làm sao để khắc phục? Không thể nhờ vào tự nhiên tự cân bằng nữa, mà chính con người gây họa sẽ phải đề ra kế hoạch cứu lấy Biển Chết. Một trong những dự án táo bạo và được nói tới nhiều nhất là lấy nước từ Biển Đỏ để đổ vào Biển Chết.
Ý tưởng về một con kênh nối hai biển đã được kĩ sư người Thụy Điển, Abraham Bourcart đề ra hồi năn 1899: kênh nối Biển Đỏ và Biển Chết sẽ là Red-Dead, hoặc kênh nối Địa Trung Hải và Biển Chết sẽ là Med-Dead. Năm 2002, tại Hội nghị Trái Đất diễn ra ở Johannesburg, Nam Phi và trước sự bất ngờ của những người tới dự, Israel và Jordan lên tiếng rằng họ đang soạn bản báo cáo kèm nghiên cứu khoa học để xin cấp phép phát triển dự án Red-Dead.
Mất nhiều năm để gọi vốn và nhiều nghiên cứu để xem việc bơm gần 2 tỷ lít nước qua một hệ thống kênh dài 178 km có khả thi không. Họ muốn nâng mực nước của Biển Chết nhưng đổi lại, họ sẽ phải đối mặt với những thay đổi môi trường nghiêm trọng.
- Tảo từ nước Biển Đỏ sẽ khiến nước Biển Chết nhiễm màu đỏ. Ảnh hưởng đến cả môi trường và cả danh tiếng Biển Chết.
- Động đất trong khu vực này sẽ khiến nước muối lẫn vào với mạch nước ngọt ngầm.
- Việc bơm nước sẽ khiến rặng san hô tại Vịnh Aqaba hư hại.
- Hệ sinh thái ảnh hưởng do cả kênh nước và nước từ Biển Đỏ.
- Xây dựng kênh sẽ khiến di tích được bảo tồn cả ngàn năm đứng trước nhiều nguy cơ chưa rõ.
Tháng Mười Hai năm 2013, chính quyền Israel, Jordan và Palestine kí hiệp ước chung tay lắp đường nước nối liền Biển Đỏ và Biển Chết. Dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thiện trong 5 năm.
Tháng Mười Một năm 2016, Jordan tuyên bố thành lập 5 công xã để hoàn thành dự án. Họ nói rằng đã đầu tư 100 triệu USD đầu tiên đưa vào giai đoạn đầu của dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Tháng Tám vừa rồi, Israel tuyên bố sẽ đấu thầu quyền điều hành Dead Sea Works – công ty khai khoáng Biển Chết lớn nhất khu vực. Họ nói rằng sẽ triển khai kế hoạch sớm nhất là vào năm 2022, sớm 8 năm so với dự kiến. Đây là những bước đầu tiên để cứu lấy kì quan của nhân loại.
Điều quan trọng là ta phải làm gì đó, dù ít dù nhiều. Khi dạo bước qua những bờ đất khô cằn, ông Eli Raz thở dài ngao ngán: "Không nên cho rằng nước là lý do gây xung đột, vì chẳng đủ nước để mà xung đột đâu, nhất là tại khu vực Biển Chết. Đáng lẽ nước phải là lý do để các khu vực ngồi lại bàn bạc một cách kĩ lưỡng.
"Những người lính thường nói với nhau rằng ‘Nếu ta không giúp đỡ lẫn nhau, ta sẽ cùng nhau bỏ mạng’. Ai cũng nên hiểu rõ ngụ ý câu nói đơn giản ấy".