BIDV ( HoSE: BID ) thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) và chào bán dự án Nhà máy Thủy điện Tân Thượng do CTCP Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư.
Khoản nợ 4.900 tỷ đồng liên quan đến dự án Grand Sentosa
BIDV cho biết tính đến 30/6, tổng dư nợ của Công ty Tài Nguyên là hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó 2.506 tỷ đồng là nợ gốc, còn lại là nợ lãi. Khoản nợ được tính theo các hợp đồng cấp tín dụng từ năm 2005, 2006, 2009... và hợp đồng mới nhất là ngày 3/7/2020.
Giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là 4.425 tỷ đồng, đây là lần thứ 3 khoản nợ này được rao bán kể từ đầu năm đến nay, giảm hơn 230 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng 8. BIDV cho biết tại thời điểm thông báo đấu giá này, ngân hàng đang tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản Nợ trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại Tòa án Nhân dân quận 1 (TP HCM) theo thông báo về việc thụ lý vụ án số 43 ngày 21/3 vừa qua. BIDV đã thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án vào ngày 21/3 với số tiền là 2,39 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tham gia giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Từ cuối tháng 6, BIDV đã thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài Nguyên. Ngân hàng cho biết tài sản bảo đảm cho khoản vay là các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Theo thông tin tìm hiểu của Người đồng hành, dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà BIDV nhắc tới cũng chính là dự án Grand Sentosa do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư và Novaland với vai trò là nhà phát triển dự án.
Rào chắn phía ngoài dự án Grand Sentosa tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ảnh: Quang Anh
Tại thông báo năm 2020, BIDV cho biết tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (tên gọi cũ của dự án Grand Sentosa). Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Tại thời điểm này, giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn là các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội - được định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng.
Đầu tháng 8 vừa qua, Novaland đã "trình làng" dự án Grand Sentosa, dự kiến bàn giao vào năm 2024, dự án sẽ cung ứng cho thị trường hàng ngàn căn hộ với mức giá trung bình 100 triệu đồng/m2.
Lần thứ 8 rao bán Nhà máy thủy điện Tân Thượng
BIDV thông báo bán đấu giá tài sản của CTCP Năng lượng Tân Thượng, chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Tân Thượng. Đây là lần thứ 8 BIDV rao bán khoản nợ này, với giá khởi điểm là 342,3 tỷ đồng. Nếu so với lần rao bán trước ngày 7/12/2021, mức giá đã giảm hơn 70 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá là dự án nhà máy Thủy điện Tân Thượng, gồm toàn bộ tài sản đã hình thành thuộc dự án và liên quan đến dự án nhà máy Thủy điện Tân Thượng (công suất thiết kế 22 MW) thuộc địa phận xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Các tài sản cụ thể gồm toàn bộ các hạng mục công trình trên đất thuộc dự án; toàn bộ các tòa nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc trong phạm vi khu đất thực hiện dự án. Toàn bộ máy móc, thiết bị, nội thất, đồ đạc và các động sản khác hình thành từ và liên quan đến dự án.
BIDV lưu ý, tài sản đưa ra bán đấu giá chưa bao gồm công nợ liên quan đến dự án của các khoản chủ đầu tư đã tạm ứng cho nhà thầu nhưng nhà thầu chưa thực hiện, các khoản nợ này được xác định là quyền đòi nợ của chủ đầu tư đối với nhà thầu; đồng thời là các phương tiện vận tải, xe ô tô hình thành từ và liên quan đến dự án.
CTCP Năng lượng Tân Thượng được Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư từ năm 2015. Tại ngày 31/12/2021, công ty nắm 88% cổ phần CTCP Năng lượng Tân Thượng, tương đương với 13,64 triệu cổ phần.
Trước đó, tháng 10/2021, HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai thông qua thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Năng lượng Tân Thượng, bên cạnh một công ty con khác là CTCP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai.
Theo thông tin trên website của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, nhà máy Thủy điện Tân Thượng có công suất thiết kế 22 MW, cung cấp 108 triệu kWh/năm. Dự án được khởi công đầu năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, chủ thầu là CTCP Sông Đà 9.
Đức Long Gia Lai là tập đoàn đa ngành với 5 lĩnh vực chính gồm bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và nông nghiệp. Hoạt động kinh doanh suy giảm và lỗ liên tiếp hai năm 2019-2020 cùng khối nợ lớn.
Năm 2021, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần giảm 23%, ở mức 1.569 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 16 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 905 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Với kết quả này, công ty ngăn chuỗi lỗ kéo sang năm thứ ba liên tiếp và tránh được án huỷ niêm yết từ HoSE.
Tại thời điểm cuối quý IV/2021, Đức Long Gia Lai lỗ lũy kế 851 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 2.993 tỷ đồng. Doanh nghiệp giảm hơn 630 tỷ đồng nợ vay dài hạn so với đầu năm xuống 1.956 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn cũng giảm hơn 156 tỷ đồng về còn 1.224 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của công ty có thể kể đến BIDV với dư nợ hơn 1.750 tỷ đồng.