Bí thư Yên Bái: Đây là trận mưa lũ lịch sử thứ 2 trong năm tại tỉnh gây thiệt hại nặng nề

Hoàng Đan |

Trước tình hình thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra phía tây Yên Bái, tỉnh này vừa thành lập Sở Chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Theo báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái, đến 18h ngày 11/10, tình hình mưa lũ tại phía Tây Yên Bái đã làm 22 người chết, mất tích và bị thương.

Cụ thể, 4 người chết, gồm, 3 người chết ở huyện Trạm Tấu, 1 người chết ở huyện Văn Yên, 11 người mất tích tại huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ và 7 người bị thương.

Vào lúc 8h sáng nay, lực lượng cứu hộ huyện Văn Chấn đã tìm thấy 1 nạn nhân mất tích. Nạn nhân tìm thấy được xác định là ông Hoàng Văn Quân, SN 1979 ở thôn Bản Bón, xã Phúc Sơn. Đây là nạn nhân trong gia đình có 4 người bị mất tích ở thôn Bản Bón. 

Mưa lũ đã gây thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng do nhiều tài sản, hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà cửa công trình công cộng bị hư hỏng…

Để khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất gây ra tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên và Thị xã Nghĩa Lộ, sáng 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đã ký Quyết định thành lập Sở Chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Theo đó, Sở Chỉ huy hiện trường gồm 18 thành viên do Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy làm chỉ huy trưởng.

Sở Chỉ huy hiện trường có nhiệm vụ huy động, chỉ huy mọi lực lượng, trang thiết bị, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn người mất tích; khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra; rà soát, di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm có nguy cơ bị lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đến nơi an toàn; chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi.

Ngoài ra, Sở Chỉ huy hiện trường có nhiệm vụ động viên, hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại; tập trung khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông; kiểm tra, rà soát, xác định mức độ thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân ở những nơi bị thiên tai, sạt lở, ngập lụt…

Trước đó, tại cuộc họp khẩn với UBND thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn và các ngành, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà chỉ đạo, các địa phương, đơn vị tập trung mọi lực lượng, ưu tiên cho công tác tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, quyết tâm tiếp cận địa bàn huyện Trạm Tấu bị cô lập trước buổi chiều 12/10.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đánh giá, đây là trận mưa lũ lịch sử lần thứ 2 trong năm xảy trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các huyện phía tây đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Bà Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các địa phương tập trung, huy động tối đa các lực lượng tìm kiếm bằng được người mất tích và sớm khắc phục được hậu quả của đợt thiên tai.

Kịp thời thăm hỏi, động viên và khẩn trương hỗ trợ các gia đình có người mất tích và bị ảnh hưởng về nhà cửa, áp dụng chính sách theo quy định của Nhà nước, bước đầu hỗ trợ gạo 15kg/khẩu/tháng trong 2 tháng đầu đối với những hộ bị sập, trôi nhà hoàn toàn.

Bí thư Trà cũng giao các xã tìm quỹ đất để người dân sớm có nơi ở mới, thực hiện tốt chủ trương không để bất kỳ người dân nào bị đói, rét do ảnh hưởng của thiên tai.

Đồng thời chỉ đạo, trước chiều 12/10, các ngành chức năng phải tiếp cận được với địa bàn huyện Trạm Tấu để chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.

Các huyện, thị khảo sát các địa bàn và xây dựng phương án cụ thể để tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa và vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra. Kiểm tra, rà soát thật kỹ các địa bàn trọng yếu có nguy cơ sạt lở đất để có phương án di dời các hộ dân khỏi nơi nguy hiểm…

Về thông tin liên quan đến nhà báo Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú của TTXVN tại Yên Bái bị cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại khu vực cầu Thìa (Nghĩa Lộ), theo các cơ quan chức năng, đến nay vẫn chưa tìm được cũng như có tung tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại