Ép khách đi mua hàng để lấy %
Ngày 7/3, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có buổi làm việc với Sở Du lịch TP Đà Nẵng.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến TP Đà Nẵng năm 2017 đạt 6.663.981 triệu lượt, tăng gần 20% so với năm 2016.
Tổng thu du lịch đạt 19.504 tỉ đồng tăng hơn 21% so với năm 2016. Đến cuối 2017, Đà Nẵng có 689 cơ sở lưu trú với 28.821 phòng, 27 đường bay quốc tế trực tiếp hoạt động đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore…
Tuy nhiên, ông Vinh cũng bày tỏ lo lắng khi thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng nóng dẫn đến những vấn đề bất cập. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật Việt Nam, núp bóng công ty lữ hành Việt Nam dưới hình thức đối tác hoặc nhập cảnh vào Việt Nam để thao túng thị trường.
Ngoài ra, nhiều người nhập cảnh du lịch nhưng lợi dụng làm việc khác.
Một đoàn khách du lịch Trung Quốc tham quan bảo tàng Đà Nẵng
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cũng có chung lo lắng như ông Vinh.
Ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, thừa nhận lo lắng khi con số du khách tăng hàng năm nhưng họ đến một lần rồi đi chứ không trở lại. Ông Trung khẳng định phần lớn khách Trung Quốc, Hàn Quốc, là nguồn khách chính, cũng đều như vậy.
Ngoài ra, vị phó chủ tịch HĐND cũng cho rằng cơ sở hạ tầng lưu trú tại Đà Nẵng quá nhiều, tăng quá nhanh.
"Khách du lịch đang dựa vào Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng khi có sự cố thì để đâu? Khi đó phải chuyển nhượng, mua bán ảnh hưởng xã hội, lãng phí rất nhiều.
Như đợt vụ Formosa đó, khách Trung Quốc họ không qua cái là chết hết", ông Trung lo lắng.
Ông Trung cũng chỉ ra thực trạng làm ăn chụp giật của một số doanh nghiệp du lịch.
Đoàn khách Trung Quốc được đưa đến mua sắm tại một cửa hàng ở Đà Nẵng
"Khách đến rồi đưa đi chỗ này chỗ kia để họ mua đồ, để lấy 10%. Cứ đưa khách vô là có % dù người ta muốn đi thăm quan.
Sở Du lịch cần chủ động để tránh thất thu. Mình không quản lý được, không lấy được thuế", ông Trung nói.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc đều có chung nhận định Đà Nẵng cần đa dạng nguồn khách, xây dựng nguồn khách chất lượng cao. Nhiều đề xuất thu hút, quảng bá du lịch Đà Nẵng đến thị trường Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Âu, Mỹ…
Đừng có tư tưởng tẩy chay khách Trung Quốc
Bí thư Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng. Đóng góp của du lịch vào kinh tế thành phố ngày càng rõ nét với 23,7% GDP. Đó là một bức tranh sáng khi du lịch có nguồn thu rất ổn, rất tốt, khách đến tăng cao và nhanh.
Theo ông Nghĩa, Đà Nẵng là một trong 3 địa phương đặc thù có Sở Du lịch trong 2 năm qua. Bí thư Đà Nẵng đề nghị các Sở, ban ngành phải quan tâm để phát triển bền vững và lâu dài, phải có cách nghĩ đúng về ngành kinh tế này.
Tuy nhiên, Bí thư Đà Nẵng cũng băn khoăn rằng việc tăng trưởng du khách trong thời gian qua là vì lý do gì. Du khách Hàn Quốc tăng đột biết có phải do khủng hoảng Trung Quốc – Hàn Quốc hay không?
Bí thư Trương Quang Nghĩa khuyên ngành du lịch không nên chê khách Trung Quốc
"Có phải họ có mâu thuẫn thì họ qua ta không. Chúng ta phải nhìn nhận rõ vấn đề thì mới nắm được cơ hội.
Trước đây Thái lan khủng hoảng mà ta không hút được dòng vốn đầu tư, dòng du khách là đã thất bại. Lần này, chúng ta phải hết sức tranh thủ. Khách Trung, Hàn đến thì phải tận dụng thật tốt, cơ hội không phải tự nhiên mà có được", ông Nghĩa nói.
Bí thư Đà Nẵng cũng nói thẳng rằng đang có tư tưởng tẩy chay, sợ khách Trung Quốc. Ông khẳng định đây là điều không đúng.
"Chúng ta đừng chê khách Trung Quốc. Không có khách nào dễ phục vụ như khách Trung Quốc. Họ rất dễ tính, vô cùng dễ tính.
Họ đến Nha Trang du lịch cái gì cũng mua", ông Nghĩa nói.
Bí thư Trương Quang Nghĩa đánh giá khách du lịch Trung Quốc là những người dễ tính
Tuy vậy, Bí thư Nghĩa cũng thừa nhận khách Trung Quốc khiến không chỉ Việt Nam mà các nước lo ngại. Dù vậy, các nước vẫn rất cần nguồn khách này.
"Khách Trung Quốc họ vô Thái Lan 12 triệu người. Canada, Mỹ đều có khách Trung Quốc và hy vọng vào nguồn khách này.
Quan trọng nhất là chúng ta không phụ thuộc vào một thị trường. Ta có Nhật Bản rất hợp với văn hóa, chúng ta cần lưu tâm phát triển thị trường này thêm", ông Nghĩa nói.