Bí thư Thăng: "TP HCM là đầu tàu thì không thể chạy bằng than đá"

Trường Nguyên |

Trong buổi làm việc với đoàn đại biểu lãnh đạo Chính phủ, Bí thư Thăng đề nghị Trung ương phải tạo nhiều cơ chế cho TP HCM vì TP là đầu tàu cho sự phát triển của cả nước.

Ngày 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu gồm các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ và Bộ trưởng các Bộ ngành trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, TP đạt tăng trưởng 7,47%. Nhưng theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP là tăng trưởng 8%, vì vậy cuối năm TP phải đạt tăng trưởng 8,5%.

Giai đoạn 2011- 2015, TP tăng trưởng bằng 1,66 lần bình quân cả nước, nhưng với 7,47% hiện nay chỉ bằng 1,36 lần so với cả nước là 5,48%. So với TP cách đây 5 năm thì đã chững lại, do đó vấn đề hiện nay đặt ra còn rất nhiều việc phải làm

Bí thư Thăng: TP HCM là đầu tàu thì không thể chạy bằng than đá - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc.

"Nghị Quyết 16 của Bộ Chính Trị nêu rất rõ TP HCM là của cả nước, vì cả nước cho nên giải quyết cơ chế chính sách đặc thù cho TP cũng là giải quyết cho cả nước.

Trong các kiến nghị ở đây thì TP đều dựa vào Nghị Quyết 16 của Bộ Chính Trị, cho phép TP thực hiện thí điểm những vấn đề theo thực tiễn của TP mà luật chưa quy định. Tất nhiên TP sẽ có đề án và báo cáo Chính phủ quyết định.

Sau 30 năm đổi mới, TP luôn là đầu tàu nhưng hiện nay "đầu tàu" này cần một cơ chế mới, công nghệ mới, nguồn năng lượng mới. "Đầu tàu" này không thể chạy bằng than đá hay dầu diezel mà thậm chí là phải chạy bằng năng lượng nguyên tử mới chạy nhanh được", Bí thư Thăng nói.

Bí thư Thăng báo cáo, hiện nay TP đang chuẩn bị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị Quyết 16 đồng thời hoàn chỉnh đề án tổng thể để phát triển nhanh hơn. Do vậy, Bí thư Thăng kiến nghị Thủ tướng có kết luận cụ thể, cái gì được thì đề nghị Thủ tướng giúp cho là được và triển khai thí điểm nếu chưa có luật.

"Trong Nghị Quyết 16 của Bộ Chính Trị có đồng ý tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP nhưng thực tế thu ngân sách trung ương còn rất khó khăn nên TP không đề nghị tăng tỉ lệ điều tiết mà chỉ yêu cầu giữ nguyên như hiện tại.

Tuy nhiên trong đó có tăng nguồn kinh phí của trung ương từ những nguồn xuất nhập khẩu chứ TP không có đề xuất gì ngoài cả nên đề nghị hỗ trợ cho TP", Bí thư Thăng nói.

Theo Bí thư Thăng, TP HCM đang đứng trước rất nhiều thách thức như vấn đề cải cách hành chính, chất lượng tăng trưởng, năng xuất lao động rất thấp, công nghệ bắt đầu lạc hậu, giá thành sản phẩm cao và năng lực cạnh tranh đang bị tụt hậu, thị trường bán lẻ bị nước ngoài thôn tính.

"Do vậy, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành giúp TP có cơ chế thoát ra khỏi những ràng buộc chung để từ thực tiễn của TP xây dựng được cơ chế đột phá. Từ đó có thể tổng kết đánh giá và áp dụng cho cả nước".

Đặc biệt, ông Thăng cho biết, hiện nay cơ chế điều phối, liên kết vùng còn nhiều hạn chế, chưa có chiến lược phát triển cho vùng mà chỉ đang là luân phiên thì không giải quyết được vấn đề gì.

"Cơ chế vùng hiện nay là mạnh ai nấy làm, không có sự phân công. Do vậy, nhờ Thủ tướng chỉ đạo giúp giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì xây dựng cơ chế điều phối vùng và cử một Phó thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo. Cơ chế vùng này phải được điều hành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ chứ để hiện nay để các Chủ tịch luân phiên nhau thì không thực hiện được.

Điều này dẫn đến gọi là cơ chế vùng nhưng nhưng không liên kết được hạ tầng cứng như giao thông, điện lực, thoát nước, rác thải và đặc biệt về hạ tầng mềm là công nghệ thông tin chính sách phát triển cũng không kết nối được", ông Thăng đề nghị.

Bí thư Thăng nêu thực trạng, hiện nay kết nối giao thông vào TP giải quyết quá chậm, các điểm kết nối đều bị tắt nghẽn. Ông dẫn chứng như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ thì phải làm ngay vì kế hoạch đầu tư có rồi thì làm BOT. Nếu làm BOT sai chỗ nào thì kiểm tra xử lý bởi bản thân BOT không có lỗi gì cả.

Bí thư Thành ủy nêu tiếp, Quốc lộ 13 nối Bình Dương cũng bị chậm, Biên Hòa – Vũng Tàu cũng có dự án lâu rồi, có người đăng ký rồi thì cứ cho làm chứ hiện nay chưa thực hiện, Quốc lộ 22 đi Tây Ninh và đường cao tốc TP HCM – Tây Ninh cũng trong tình trạng tương tự nên đề nghị cho làm xã hội hóa.

Bí thư Thăng: TP HCM là đầu tàu thì không thể chạy bằng than đá - Ảnh 2.

Buổi làm việc kéo dài gần 5 giờ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP HCM.

"Vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho làm xã hội hóa được vì hiện nay sân bay quá tắc nghẽn thường xuyên. Có thể máy bay Thủ tướng đi thì sẽ không bị delay nhưng người khác đi đều bị hết. Giống tôi đi vào những cuối tuần ra họp ngoài Hà Nội thì bay chờ trên trời nửa tiếng còn dưới đất thì thường xuyên nên phải xử lý nhanh", Bí thư Thăng lấy dẫn chứng của chính mình.

Tiếp tục, Bí thư Thăng đề nghị các Bộ trưởng khi vào TP làm việc thì cũng nên làm việc với cả Thành ủy và UBND vì có nhiều vấn đề chỉ một mình các Sở sẽ không giải quyết được. Lãnh đạo TP sẵn sàng làm việc với các Bộ để giải quyết hết các vấn đề mang tính chất dài hạn của TP.

Cuối cùng, Bí thư Thăng kiến nghị đẩy mạnh công tác xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất các cơ cở y tế, trường học.

"Báo cáo với chị Tiến (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến), TP mới thảo luận về chương trình hành động nghị quyết XII.

Tại trường đại học Y Dược Phạm Ngọc Thạch, sinh viên học 6 năm giỏi được giữ lại, đi học thạc sỹ ba năm về lại trường mà lương chỉ hơn 3 triệu vì đó là một đơn vị sự nghiệp, hưởng ngân sách nhà nước. Nếu cho người ta tự chủ thì mới giữ lại được lực lượng này.

Khó khăn như bệnh viện Củ Chi mà tôi đi xuống người ta cũng đề nghị cho tự chủ, những bệnh viện khác nữa mà tự chủ được thì ta cho tự chủ. Ngay cả dự án ba bệnh viện mà TP đề nghị từ vốn ngân sách nếu bây giờ mà điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi xã hội hóa thì các nhà đầu tư sẽ vào làm ngay thôi", ông Thăng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại