Ngày 27/11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM do Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn có buổi tiếp xúc với cử tri quận 3, TP.HCM để báo cáo kết quả kỳ họp vừa qua.
Cử tri Tống Hải Sơn nhận định, TP.HCM là đầu tàu phát triển kinh tế, đóng góp 1/3 ngân sách cả nước, nhưng kỳ họp vừa qua đã cắt giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 23% xuống 18% là không hợp lý.
"Những dự án nghìn tỷ đắp chiếu, thành đống sắt vụn hiện nay trên khắp cả nước là sự lãng phí, tham nhũng vô cùng lớn trong khi dự thảo tăng lương thì cứ bảo khó vì không có tiền", ông Hải nêu ý kiến và được sự tán đồng của nhiều cử tri có mặt.
Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM.
Vấn đề này, bà Phan Thị Thắng – Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM giải thích, theo thông lệ, tỷ lệ điều tiết sẽ giảm dần qua các năm.
"Năm nay, không chỉ riêng TP.HCM bị giảm mà nhiều tỉnh thành trọng điểm khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng giảm. TP giảm ít nhất trong nhóm là 5% tuy nhiên ngân sách của TP rất lớn, mỗi % tương đương hàng nghìn tỷ đồng", bà Thắng nói.
Theo nữ Giám đốc Sở Tài chính, các thời kỳ trước thường giảm 3%, nhưng kỳ này giảm 5% do tình hình chung của đất nước có nhiều khó khăn, nợ công cao, giá dầu thô giảm. Năm nay, dự kiến TP thu ngân sách sẽ đạt khoảng 303.000 tỷ so với kế hoạch 298.000 tỷ được giao, đảm bảo các khoản chi và các nguồn vốn chi đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch đã đề ra.
Năm tới, dự kiến TP sẽ được giao chỉ tiêu thu 347.000 tỷ đồng, tăng 16,62%.
Theo bà Thắng, số thu này tăng rất cao so với dự toán thu vì thông thường TP đạt tỷ lệ thu cao hơn năm trước chỉ khoảng 13%. Nếu thu đạt theo số được giao mới có thể đảm bảo cân đối chi trong điều kiện ngân sách điều tiết còn 18%.
"TP phải có nhiều giải pháp, phương án để tăng nguồn thu, đảm bảo chi chứ không phải vì tỷ lệ điều tiết còn 18% mà các chỉ tiêu an sinh xã hội sẽ giảm.
Như trước đây TP.HCM không có quảng cáo trên xe buýt nhưng giờ đã cho quảng cáo để tạo nguồn thu. Bên cạnh đó sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa. Những công trình trọng điểm, mang tính đột phá sẽ được ưu tiên làm trước thì sẽ được tập trung nguồn vốn…", bà Thắng nêu giải pháp.
Bí thư Thăng khẳng định, giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách là chia sẻ với những tỉnh còn nghèo và TP phải có phương án đảm bảo an sinh xã hội.
Trả lời cử tri, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, TP là đầu tàu kinh tế của cả nước, xác định vì cả nước, cùng cả nước nên trong tình hình ngân sách đất nước đang đứng trước những khó khăn thì TP cần chia sẻ để khẳng định nghĩa tình với cả nước.
"Chúng ta tự hào rằng chúng ta sống tình nghĩa, chia sẻ với khó khăn với nhiều tỉnh còn nghèo, với cả nước. Có tỉnh thu ngân sách rất ít, nhưng họ cần phải tập trung vào giữ gìn ổn định biên giới, ổn định cho đất nước. Nhữnng tỉnh đó không giữ biên giới ổn định thì sao TP chúng ta có điều kiện phát triển kinh tế?", Bí thư nói.
Ông Thăng cho biết, Thành ủy TP đã yêu cầu UBND làm kế hoạch dựa trên tỷ lệ điều tiết 18% để thực hiện 7 chương trình đột phá. Đảm bảo tất cả các chương trình an sinh xã hội, giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, TP phải khơi dây nhiều tiềm lực chưa được khai thác như nguồn vốn xã hội hóa rất lớn và nguồn kiều hối.
"Mỗi năm người dân TP tiếp nhận khoảng 5 tỷ USD kiều hối từ nước ngoài. Chúng ta phải làm sao tạo niềm tin và cơ hội cho người dân đầu tư vì chẳng ai muốn bỏ số tiền lớn vào ngân hàng để hưởng mức lãi suất thấp hết", Bí thư Thành ủy nói.