Ông Đinh Tiến Dũng.
Chống dịch vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên những việc chưa đúng thì điều chỉnh
Sáng 21/10, thảo luận tại tổ về tình hình KT-XH và công tác phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội luôn được đặt trong tình trạng nguy cơ cao, tinh thần là quyết tâm bảo vệ Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan rộng.
"Hà Nội khác các tỉnh khác, nên cần đặt trong tình trạng như thế. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã chuẩn bị cả phương án cao. Khu cách ly lúc đầu là 20.000 chỗ, sau đó lên 50-70.000.
Khu điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ từ chỗ không có giường nào, bây giờ đã có 20.000 giường, kích hoạt lên 30.000. Phương châm Hà Nội những ngày đầu là không để F0 và F1 tại nhà", ông Dũng nói.
Tiếp tục nhấn mạnh Hà Nội bao giờ cũng chuẩn bị phương án cao nên ông Dũng cho rằng "có đóng trước hay mở sau một tí cũng không sao" vì phương châm là phải bảo vệ bằng được Thủ đô.
Thừa nhận trong quá trình làm cũng có lúng túng, Bí thư Hà Nội nhắc đến quy định phân 3 vùng và cấp giấy đi đường.
Đây là vấn đề được bàn kỹ trong Thường trực, Thường vụ Thành ủy và quyết làm, nhưng trong quá trình thực hiện thì anh em không làm được, nên phải bỏ phân vùng và bỏ giấy đi đường.
Bí thư Hà Nội cho rằng, việc này là bình thường vì xây dựng phương án cao hơn cũng vì sức khỏe người dân.
"Đứng trong cuộc mới thấy trách nhiệm khi phải lo những việc như thế, đưa ra quyết định như vậy. Chống dịch vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên những việc chưa đúng thì mình điều chỉnh", ông Dũng nói.
Kết quả trước mắt, theo Bí thư Dũng, Hà Nội đã kiểm soát được dịch với phương châm khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, xét nghiệm rộng.
Ông dẫn chứng, ngay khi ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung bùng phát, thành phố chủ trương chỉ phong tỏa ngõ liên quan.
"Nếu phong tỏa cả phường thì khác ngay, cả quận thì càng gay go, không khéo vỡ trận", ông Dũng nhận định.
Nói về việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch bệnh, Bí thư Hà Nội cho biết lãnh đạo thành phố họp cả ngày để bàn với hai nỗi lo, một bên lo bảo vệ Thủ đô khỏi dịch bệnh, một bên lo thúc đẩy kinh tế.
Trong đó, ông Dũng nhắc đến một trong những điều kiện đầu tiên là phải đạt độ bao phủ vắc xin và Hà Nội đã tiêm cho 98% người từ 18 tuổi trở lên, còn 2% (khoảng 120.000) người cao tuổi có bệnh nền nặng không tiêm được.
Lo ngại việc khi các trường học mở cửa, sinh viên các địa phương chưa được tiêm quay trở lại trường cũng như lực lượng người lao động vào TP đông, nên những giải pháp trước mắt Hà Nội đưa ra là tiến hành bỏ các chốt kiểm soát nhưng vẫn phải đặt các trạm để kiểm soát dịch đầu vào TP.
Đi xe biển xanh, không dừng lại địa phương đó nhưng vẫn bị yêu cầu xuống xuất trình giấy đi đường, xét nghiệm PCR
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy lưu ý trong công tác phòng chống dịch thời gian qua có những vấn đề đặt ra để rút kinh nghiệm.
"Phòng chống dịch như chữa cháy, tất cả phải vào cuộc ngay. Quan trọng là chính quyền địa phương biết lắng nghe điều chỉnh ngay.
Bà Nguyễn Thị Thủy.
Bên cạnh đó có những việc không đúng, không phù hợp người dân phản ánh nhiều nhưng vẫn kéo dài ở nhiều địa phương thì cũng cần chỉ ra để khắc phục trong thời gian tới", bà Thủy lưu ý.
Bà dẫn chứng, một số địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly quá rộng quá dài, quá mức cần thiết và thực tế hiện nay chúng ta đang trả giá không cần thiết. Điều này thể hiện qua sự đi xuống của nền kinh tế, sự khó khăn của người dân.
Đáng chú ý là tình trạng giữa các địa phương không thống nhất, ngay trong cùng địa phương cũng không thống nhất. Tỉnh áp dụng cao hơn Chính phủ quy định, quận huyện áp dụng cao hơn tỉnh thành, xã phường thì cao hơn huyện.
"Trong khi đó dấu hiệu dịch tễ các phường xã này giống nhau nhưng Chủ tịch phường quyết định giải pháp cao hơn làm cho đất nước, người dân phải gánh chịu", nữ đại biểu nhấn mạnh.
Theo bà, có vẻ như có tình trạng chưa hiểu đúng chủ trương "mỗi xã phường một pháo đài". Chủ trương này là nói về năng lực quản lý chống dịch của từng xã phường chứ không phải là giăng dây, đóng kín nhiều lối đi, cô lập nhiều khu vực như nhiều nơi đang thực hiện.
Bà lấy ví dụ như Hà Nội có nhiều khu tập trung dân cư, địa bàn như ô bàn cờ, rất nhiều lối đi thế nhưng giăng dây khắp nơi, người dân chỉ được đi 1 lối rất hẹp, tạo nên sự đông đúc đi lại không bảo đảm chống dịch.
"Chúng tôi đi công tác ở một số địa phương. Nơi mình đến phải đi qua nhiều tỉnh khác, không dừng ở địa phương đó và đi xe biển xanh nhưng vẫn bị tỉnh đó yêu cầu xuống xuất trình giấy tờ đi đường, công lệnh cũng không được mà phải yêu cầu xét nghiệm PCR. Đấy là đối với cán bộ công chức.
Còn người dân, doanh nghiệp người ta có việc phải lưu thông trên đường mà bị như thế thì còn khó khăn, bức xúc đến đâu", bà Thủy nêu thực tế.