Ngày 30-7, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm vụ án Trần Minh V. (sinh ngày 2-11-2001, ngụ xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị VKS truy tố tội trộm cắp tài sản. Đây là vụ án mà luật sư (LS) bào chữa theo yêu cầu của tòa đã kháng cáo và được VKSND tỉnh Khánh Hòa kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP Nha Trang.
Kháng cáo, kháng nghị vì phạt tù người dưới 18 tuổi
Vụ án trên được TAND TP Nha Trang xử sơ thẩm ngày 27-4, tuyên phạt bị cáo Trần Minh V. bốn tháng tù. Tòa xác định: ngày 3-1-2018, V. (thợ sắt, làm thuê cho một nhà thầu) vào phòng thay đồ của nhân viên một khu du lịch ở phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang uống nước.
Thấy một chiếc điện thoại (trị giá gần 5 triệu đồng) để trên bàn, V. lén lấy đem giấu tại nhà kho của nhà thầu. Sau đó, người mất điện thoại báo nhân viên an ninh khu du lịch. Qua kiểm tra camera, nhân viên an ninh phát hiện V. lấy cắp. Sau đó, V. khai nhận hành vi phạm tội.
V. phạm tội khi dưới 18 tuổi nên các cơ quan tố tụng chỉ định LS bào chữa cho bị cáo. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND TP Nha Trang đề nghị phạt bị cáo V. bốn đến sáu tháng tù cho hưởng án treo.
LS bào chữa cho V. cho rằng bị cáo phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên, nhận thức có phần hạn chế, chưa có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tài sản đã trả lại bị hại… LS đề nghị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận.
LS có đơn kháng cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Sau đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm trên, đồng tình quan điểm của LS.
Theo quyết định kháng nghị, VKSND tỉnh nhận định bị cáo V. phạm tội khi mới 16 tuổi hai tháng một ngày; chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; tài sản có giá trị không lớn.
VKSND tỉnh cho rằng HĐXX sơ thẩm không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, tuyên phạt bốn tháng tù đối với bị cáo là quá nghiêm khắc, gây bất lợi đối với bị cáo.
Theo VKS, bị cáo có nơi ở, có nghề nghiệp ổn định, không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, VKSND tỉnh đã kháng nghị phần quyết định hình phạt của bản án sơ thẩm đối với bị cáo V.
VKSND tỉnh đề nghị TAND tỉnh xét xử vụ án trên theo thủ tục phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng thêm điểm h khoản 1 Điều 51; khoản 1 Điều 36 BLHS năm 2015 và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo V.
" Án lệ " của tòa?
Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa cũng đã xử phúc thẩm một vụ án có bị cáo dưới 18 tuổi. Vụ án này cũng xử phúc thẩm do có kháng cáo của bị cáo.
Theo hồ sơ, rạng sáng 12-4-2014, T. (sinh ngày 15-8-1997) và Đ. (sinh ngày 7-10-1999) trộm cắp hai xe máy tại TP Nha Trang. Theo kết luận định giá tài sản được thực hiện vào tháng 11-2017, tổng giá trị tài sản chiếm đoạt hơn 4,3 triệu đồng.
Khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, Đ. chưa đủ 16 tuổi nên cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đ. bằng hình thức cảnh cáo.
Đây là vụ đồng phạm giản đơn, hai người thực hiện hành vi trộm đều là người chưa thành niên, trong đó một người chưa đủ 16 tuổi- chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và một người trên 16 tuổi.
Cơ quan công an đã thu giữ vật chứng ngay thời điểm đó, tài sản chiếm đoạt giá trị không lớn. Thế nhưng, không hiểu sao đến hơn ba năm sau đó, tháng 11-2017, cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với T.
Tháng 1-2018, VKSND TP Nha Trang có cáo trạng truy tố T. tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 2-2018, đại diện VKSND TP Nha Trang đề nghị HĐXX phạt bị cáo T. từ sáu đến chín tháng tù, cho hưởng án treo. Trong khi đó, người bào chữa đề nghị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ vì cho rằng bị cáo T. có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thời điểm phạm tội là người dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, TAND TP Nha Trang vẫn tuyên phạt bị cáo T. bốn tháng tù. Sau đó, LS tiếp tục trợ giúp pháp lý cho bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị tòa án phúc thẩm áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cho hưởng án treo.
Tại phiên tòa mới đây, đại diện VKSND tỉnh đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt cho bị cáo T. LS bào chữa cho T. cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có công việc, nơi ở ổn định. LS cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng hình phạt tù là quá nghiêm khắc.
Theo LS, khi phạm tội, T. dưới 18 tuổi nhưng cơ quan điều tra “ngâm án” cho đến khi bị cáo trưởng thành mới khởi tố.
Khi xét xử, tòa áp dụng hình phạt tù là gây bất lợi đối với bị cáo, vi phạm nguyên tắc cơ bản của BLTTHS là mọi hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.
Nếu xử lý vụ án đúng nguyên tắc này, đương nhiên bị cáo được áp dụng chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa, phải áp dụng các quy định có lợi cho người chưa thành niên theo quy định của BLHS 1999.
Nếu xử lý đúng luật, đúng thời điểm đó thì cũng không cần thiết áp dụng hình phạt tù và đến thời điểm này bị cáo phải được coi là không có án tích…
HĐXX phúc thẩm nhận định: Bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi; thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; tài sản chiếm đoạt có giá trị không lớn và đã được thu hồi trả cho người bị hại.
Mặt khác, chính sách hình sự của BLHS hiện hành đã có sự thay đổi theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, không cần cách ly xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo.. Từ đó, tòa ấp phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm, phạt bị cáo T. bốn tháng tù cho hưởng án treo.
Không phù hợp với BLHS năm 2015
Theo LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, BLHS năm 2015 có nhiều quy định mới rất có lợi cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.
Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt, biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Tuy nhiên, theo một số LS, thực tiễn xét xử thời gian gần đây tại TAND TP Nha Trang cho thấy khi xét xử, HĐXX vẫn chưa quán triệt, thực hiện tinh thần có lợi của BLHS mới. Nhiều bản án vẫn thiên về hình phạt tù quá nghiêm khắc, gây bất lợi đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, không phù hợp với BLHS năm 2015. Thực tế, có vụ bị cáo, LS bào chữa theo chỉ định đã kháng cáo, VKSND tỉnh có quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị áp dụng quy định của BLHS 2015.