Như nhiều người đã biết, lối sống tối giản được biết đến là một phong cách sống vứt bỏ bớt những thứ không thật sự cần thiết bao gồm cả vật chất và tinh thần. Theo đuổi lối sống này, chúng ta sẽ cảm thấy tinh thần mình luôn thoải mái, nhẹ nhõm, không vướng buồn phiền.
3 năm trước, chị Bích Thảo, hiện tại đang sinh sống ở Bangkok, Thái Lan, tình cờ đọc được cuốn "Cuốn sách tối giản của người Nhật" trong một dịp về thăm Việt Nam.
Ban đầu, tuy đọc thấy hay nhưng chị vẫn cảm giác những gì viết trong cuốn sách không được thực tế. Ấy thế mà, chị không ngờ chính cuốn sách này lại "se duyên" mình với lối sống tối giản và nó có ảnh hưởng nhiều nhất đến hành trình tối giản vật chất của bản thân.
Với công việc khá bận rộn, áp lực, chị Thảo luôn hướng đến sự cân bằng trong công việc - gia đình, trong chi tiêu - hưởng thụ. Quan điểm của chị rất rõ ràng: "Trong hành trình tối giản, mình có quy tắc là "chậm mà chắc" để hướng tới cuộc sống vật chất/tinh thần "ít mà chất lượng".
Mình không quá áp đặt bản thân phải đạt tới một mốc tối giản nào đó trong một thời gian nhất định. Mình chỉ đơn giản cho phép bản thân có nhiều trải nghiệm mới, thậm chí một số trải nghiệm ra khỏi vùng an toàn, để có lựa chọn phù hợp với bản thân. Với mình, tối giản thực sự đi cùng với sự an nhiên, thảnh thơi hơn chứ không phải cần phải gồng lên theo 1 chuẩn mực nào."
Dưới đây là những chia sẻ của chị Thảo về các trải nghiệm khi theo đuổi phong cách sống tối giản:
1. CHĂM SÓC DA ĐƠN GIẢN, HIỆU QUẢ, TIẾT KIỆM
Chân dung nhân vật.
- Gội đầu: "no poo", dùng chanh Thái kaffir bỏ hạt, xay nhuyễn để gội bằng nước ấm, xả lại bằng nước lạnh và để tóc khô tự nhiên. Lúc đầu tóc sẽ tiết dầu theo thói quen (như khi dùng dầu gội hóa học) nhưng chỉ khoảng 2 tuần tóc đã thích nghi tốt, tóc mềm, tơi, và thơm nhẹ. Thỉnh thoảng mình dưỡng ẩm bằng cách dùng dầu dừa mát xa chân tóc và ủ tóc trước khi gội.
- Tắm/rửa mặt: không dùng xà bông, thay thế bằng nước ấm (có khi pha thêm muối, hoặc trà xanh), kết thúc bằng nước lạnh, sau đó dưỡng bằng dầu dừa.
Hàng tuần, thứ 7 hay chủ nhật, mình làm cafe enema (xúc ruột), sauna, tẩy tế bào chết (combo muối + dầu dừa, sét khoáng + dấm táo). Đây là những trải nghiệm chăm sóc da sử dụng nguyên liệu tự nhiên, lành tính và có điểm cộng là có thể tự làm tại nhà nên tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Nếu được chọn một thứ để luôn mang theo trong người thì mình chọn dầu dừa (loại cold pressed coconut oil) vì hiệu quả đa công dụng và khá lành tính. Ví dụ như dầu dừa dùng để súc miệng oil pulling, dưỡng da tay/chân/môi, body lotion bôi sau khi tắm và nhiều công dụng khác nữa).
2. THỨC ĂN CHUẨN BỊ THEO TUẦN
Nhà mình 4 người, có 2 bé đang tuổi lớn nên đối với việc bếp núc, mình áp dụng tiêu chí "thức ăn sạch, đa dạng, vừa đủ và nấu nướng nhanh gọn". Mình cho 2 con tham gia vào việc bếp núc bằng cách lên thực đơn từ thứ 6 và từ đó dạy con bài học dinh dưỡng.
Cuối tuần, các con cùng đi chợ với bố mẹ và mua sắm theo danh sách từ thực đơn.
Để tiết kiệm thời gian, thường là mình sẽ nhờ sơ chế 1 phần (ví dụ lóc xương cá, bóc vỏ tôm) ở tại quầy, sau đó về sơ chế (rửa sạch, ướp, cấp đông). Mình thường vào các nhóm nấu nướng để học thêm nhiều tips của các mẹ. Nước xương heo/gà cũng được chuẩn bị sẵn cho các món nước. Nhà lúc nào cũng có sẵn các loại đậu/mè/mắm để ăn thay đổi khẩu vị.
Với cách sơ chế nêu trên và hỗ trợ của các dụng cụ nhà bếp (nồi chiên không dầu, nồi hấp, nồi ủ), mình (hoặc chồng) có thể chuẩn bị bữa ăn 2-3 món đa dạng và đủ dinh dưỡng trong vòng 15-30 phút.
3. THỜI GIAN BIỂU HẰNG NGÀY
Chân dung nhân vật.
Tiêu chí sắp xếp thời gian biểu của nhà mình là Dậy sớm/ngủ sớm, ngủ đủ và và làm việc, học hành vừa đủ. Mỗi thành viên trong gia đình hoàn tất công việc cá nhận (dọn dẹp phòng, gấp quần áo, chuẩn bị quần áo đi làm/đi học) và tham gia làm việc nhà chung (lau nhà, quét nhà, rửa chén...).
Ví dụ: Mẹ sẽ ủi quần áo cho các con từ thứ 7, các con xếp quần áo mặc nhà và chuẩn bị quần áo đi học (cho bạn nhỏ) + quần áo thể thao treo thành từng bộ vào tối thứ 7. Làm việc có sắp xếp thì các ngày trong tuần, các con sẽ thảnh thơi và không bị động.
Hai con nhà mình cũng không đi học thêm mà chủ yếu tự học ở nhà từ nhỏ và mẹ cũng giao hẹn là bài tập ở nhà/việc trên lớp là nhiệm vụ của con nên các con cũng phải để ý tự sắp xếp thời gian hoàn thành cho phù hợp.
4. CHI TIÊU TIẾT KIỆM - TIỀN TÍCH LŨY CHIA THÀNH NHIỀU LỌ
Kỹ năng quản lý tiền bạc khá là quan trọng cho dù bạn có theo lối sống tối giản hay không. Từ khi bắt đầu theo đuổi lối sống tối giản, mình có thể kiểm soát nhu cầu và thu chi tốt hơn. Mình quản lý tiền theo nguyên tắc chia thành nhiều lọ.
Thu nhập được phân bổ vào 3 lọ chính tiền quỹ kiệm dài hạn (quỹ hưu trí), quỹ tiết kiệm trung hạn (quỹ dự phòng), và khoản chi tiêu hàng tháng. Ngoài ra mình có các lọ nhỏ như quỹ giáo dục, quỹ du lịch, quỹ từ thiện/biếu tặng hiếu hỉ. Các lọ nhỏ này nhận được dòng tiền lời từ các quỹ tiết kiệm và tiền thưởng...
- Quỹ tiết kiệm dài hạn (quỹ hưu trí): Mình ưu tiên đầu tư cổ phần và trái phiếu lời lấy hàng năm, bổ sung vào quỹ giáo dục cho 2 con.
- Quỹ tiết kiệm trung hạn (quỹ dự phòng): Tài khoản này thì thực ra là tài khoản "xóa nghèo", mình mở với mục đích là tích lũy dự phòng 6 tháng - 2 năm tiền xài của cả gia đình Sau khi tài khoản này đủ cho 2 năm tiêu dùng, phần dư sẽ là cơ hội cho đầu tư.
- Tiền thưởng hằng năm: Khoản này thường chia làm các phần (phần từ thiện/biếu tặng hiếu hỉ, phần bảo dưỡng/bảo hiểm xe, nếu còn dư thì bổ sung vào quỹ du lịch).
- Dạy con dùng tiền: Đối với cả 2 con, mình tuyệt đối không thỏa hiệp trong việc đòi hỏi/ăn vạ. Mình có mua quà cho con vào những dịp đặc biệt, còn lại nếu con thích quà theo kiểu "các bạn đều có mà con chưa có" thì con thường phải để dành tiền mua.
Con 6 tuổi, mình cho con tiền xài vặt theo ngày, 7 tuổi cho theo tuần, 8 tuổi cho theo tháng, con tự sắp xếp tiêu trong tháng (ăn vặt, dụng cụ học tập, đồ chơi).
Đây là cơ hội cho con trải nghiệm và mình cũng có cơ hội dạy con về việc chia tiền ra thành những khoản nhỏ (tiền xài, tiền khẩn cấp, tiền từ thiện/biếu tặng...).