Bí quyết giúp thương nhân Trung Quốc làm nên kỳ tích và "hốt bạc": Buôn có bạn bán có phường, tư duy nhạy bén, có hệ sinh thái hậu cần vươn đến mọi ngóc ngách

An An |

Doanh nhân Trung Quốc đang thắng lớn trong lĩnh vực thương mại quốc tế nhờ những quy tắc nằm lòng và sở hữu công nghệ hiện đại.

Buôn có bạn, bán có phường

Trong 20 năm qua, các thương nhân Nghĩa Ô (Chiết Giang, Trung Quốc) đã tạo nên một kỳ tích kinh doanh cực kỳ năng động, duy trì tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài, tất cả nhờ sự tập trung, quy mô và giá rẻ. Điều đó khiến họ trở thành những thương nhân khó bị đánh bại nhất thế giới.

Tại Thành phố thương mại Nghĩa Ô, để giúp khách hàng nước ngoài dễ dàng tìm kiếm hàng hóa, tất cả các mặt hàng được nhóm lại với nhau thành khu. Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có thương nhân nào tùy ý chuyển cửa hàng. Kể từ khi thành phố thương mại được thành lập vào năm 2002, các doanh nhân như Lý Quốc Sơn, chuyên kinh doanh ruy băng và Ngô Văn Lợi, chuyên kinh doanh quốc kỳ, đã dành gần một nửa cuộc đời của họ ở Nghĩa Ô.

"Đều là hàng xóm cả", Lý Quốc Sơn nói. Họ ngồi trong cửa hàng từ sáng đến tối và đồng hành với nhau hàng chục năm trời. Thành phố thương mại là một xã hội thu nhỏ, với dân số thường trú hơn 70.000 người, chưa kể thời kỳ hoàng kim trong bối cảnh giao lưu thương mại quốc tế khởi sắc, dân số nơi này có thể vượt quá 100.000 mỗi ngày.

Cũng giống như đại dương, có cá, tảo sinh vật phù du dựa vào nhau để sinh tồn. Ở những góc khuất không nhìn thấy, Nghĩa Ô đồng thời nuôi sống một nhóm người khác. Tại ngã ba của thành phố thương mại nhộn nhịp, những người bán hàng rong như cơm hộp, đồ ăn vạt kéo xe len lõi giữa các con phố, nhân viên mát xa, làm móng mang theo hộp đồ nghề luồn lách qua các cửa hàng...

Việc "trấn thủ" trong thế giới nhỏ bé này mỗi ngày khiến các doanh nhân Nghĩa Ô không có thời gian để đi mua sắm hay lo cho cuộc sống của mình. Ngô Văn Lợi chỉ vào lông mày của mình và nói, một tiểu thương đã đến tận cửa hàng để xăm lông mày cho cô, nếu cô ngồi lâu dẫn đến đau vai, nhân viên mát xa cũng sẽ đến cửa hàng để xoa bóp chỉ sau một cuộc điện thoại. Nếu có nhiều nhu cầu hơn, thậm chí có thể tìm người chuyên chăm sóc da mặt ở thành phố thương mại này.

Bí quyết giúp thương nhân Trung Quốc làm nên kỳ tích và hốt bạc: Buôn có bạn bán có phường, tư duy nhạy bén, có hệ sinh thái hậu cần vươn đến mọi ngóc ngách - Ảnh 1.

Một nhân viên mát xa ở Nghĩa Ô được năm, sáu năm, quanh năm anh mang theo một chiếc túi vải đựng một số dụng cụ xoa bóp đi lại giữa các địa điểm trong thành phố. Trong những năm qua, anh đã gặp nhiều thương nhân, xoa bóp cho bốn hoặc năm người mỗi ngày, kiếm được trung bình bảy hoặc tám trăm nhân dân tệ, thậm chí hàng nghìn nhân dân tệ.

Cảm ứng bạch tuộc

Khi thế giới biến động, luôn có người nhìn thấy cơ hội. Các thương nhân Nghĩa Ô giống như những con bạch tuộc, những xúc tu vươn dài của chúng có thể cảm nhận được nhiệt độ của các đại dương trên thế giới và sự tồn tại của các cơ hội.

Công việc kinh doanh ruy băng trang trí của Lý Quốc Sơn trong hai năm qua tốt hơn nhiều so với trước đây. Tháng 11 năm trước, anh vẫn đang lo lắng vì không thể xuất hàng, đôi lông mày cau chặt, luôn thở dài. Nhưng năm nay là một sự đảo ngược hoàn toàn.

Anh tiết lộ, mặt hàng bán chạy nhất là ruy băng sinh nhật, thậm chí còn vượt xa các mặt hàng Giáng sinh. Lý do là vì, đặc biệt vào năm 2021, Covid-19 bùng phát mạnh, các khu vui chơi giải trí ở nhiều nước đóng cửa, nhiều người đã chuyển tiệc sinh nhật từ bên ngoài về nhà. "Trước đây, khách hàng mua hay không mua ruy băng trang trí sinh nhật cũng được, nhưng bây giờ người ta tổ chức sinh nhật ở nhà nên nhà nào cũng phải mua. Bạn nói xem một năm có bao nhiêu người tổ chức sinh nhật, rất nhiều đấy", anh nói với tờ QQ (Trung Quốc).

Chỉ riêng rèm trang trí sinh nhật, đơn hàng lớn nhất mà anh Lý nhận được là 30 triệu Nhân dân tệ, vượt quá toàn bộ sản lượng sản xuất của nhà máy trong một thời gian ngắn.

Là một nhà sản xuất quốc kỳ, Ngô Văn Lợi đã trải qua tất cả các sự kiện quốc tế lớn bằng việc ngồi trong cửa hàng. Trước thềm World Cup ở Qatar, xung đột Nga-Ukraine và đám tang Nữ hoàng Anh đều tạo ra những làn sóng dữ dội cho thế giới. Trong thương mại xuất khẩu, doanh nhân hai bên thường chọn hình thức vận chuyển bằng đường bộ do giá rẻ nhưng vào tháng 2 năm nay, ngay khi xung đột nổ ra, Ngô Văn Lợi đã nhanh chóng nhận được đơn đặt hàng vận chuyển hàng chục ngàn chiếc cờ Nga và Ukraine bằng đường hàng không. Sau đó, cô tính toán sơ bộ, "nhiều người mua cờ Ukraine hơn".

Vì là kinh doanh quốc tế nên doanh nhân cần nhạy bén, chỉ cần sơ suất một chút, sự nghiệp kinh doanh sẽ tụt dốc. Ngô Văn Lợi có một nguyên tắc là không bao giờ thêm chữ vào quốc kỳ (ngoại trừ tên quốc gia). Một doanh nhân đã từng liên hệ với cô, hy vọng được in chữ lên quốc kỳ, nhưng cô đã kiên quyết từ chối, bởi chữ này có thể mang thể hiện ý nghĩa về lập trường, vị thế bất kỳ nào đó.

Có một lần, một doanh nhân từ vùng Crimea đến tìm cô và đưa cho cô một mẫu cờ mà cô chưa từng thấy. Từng là một trong những doanh nhân tham gia sản xuất cờ sớm nhất ở Nghĩa Ô, Ngô Văn Lợi nhận thức rõ ý nghĩa chính trị đằng sau lá cờ nên đã không nhận đơn đặt hàng.

Bí quyết giúp thương nhân Trung Quốc làm nên kỳ tích và hốt bạc: Buôn có bạn bán có phường, tư duy nhạy bén, có hệ sinh thái hậu cần vươn đến mọi ngóc ngách - Ảnh 2.

Trong nhiều trường hợp, kinh doanh cũng là một canh bạc, và các doanh nhân cần học cách chấp nhận rằng họ đã thắng hoặc thua. Trước khi bắt đầu các kỳ World Cup trước, ngoài việc nhận đơn đặt hàng, các doanh nhân Nghĩa Ô cũng sẽ sản xuất một số hàng giao ngay để vận chuyển bằng đường hàng không trong giai đoạn giữa và cuối giải. Nhưng "đặt cược" vào màu cờ sắc áo của quốc gia nào lại phụ thuộc vào khả năng suy luận, tiên đoán của mỗi người.

Tại World Cup 2010 ở Nam Phi, Ngô Văn Lợi đã đặt cược vào Ý trước trận đấu và sản xuất rất nhiều cờ Ý. Tuy nhiên, năm đó, Ý đứng cuối bảng và bị loại. Đây không phải trường hợp duy nhất, Ngô có lần còn nhận được đơn đặt hàng cờ cầm tay nhỏ từ một doanh nhân Ả Rập. 100.000 lá cờ có in hình ứng cử viên tuy nhiên ứng cứ viên này sau đã thua cuộc nên doanh nhân người Trung Đông đã thất vọng đến mức bỏ cả khoản cọc 30% và từ chối nhận hàng. Giờ đây, 100.000 lá cờ này vẫn chất đống trong nhà kho của cô, trở thành rác.

Có "thủ đoạn" với khách hàng

Để trở thành một doanh nhân Nghĩa Ô không hề dễ dàng, ngoài việc phán đoán tình hình và linh hoạt, thì phải có "thủ đoạn" với khách nước ngoài. Trần Phương Lê, người điều hành một nhà máy sản xuất mũ Giáng sinh, sợ nhất là gặp người Nhật, họ có những yêu cầu khắt khe về sản phẩm, khi tự ngồi trong nhà máy hơn mười ngày để dùng máy dò kim kiểm tra từng chiếc mũ.

Hay như Ngô Văn Lợi khi đang giao hàng, vị khách nước ngoài bất ngờ lấy ra một chiếc máy "giống như bác sĩ nhìn vào phim X-quang", dán quốc kỳ lên máy và kiểm tra. Ngô Văn Lợi nhất thời nổi nóng, cô đã thu hồi tất cả số quốc kỳ định giao. Sau vài ngày nằm trong kho, bên kia cuối cùng cũng hài lòng và mang hàng đi.

Khách hàng được quyền lựa chọn người bán và đôi khi người bán cũng lựa chọn khách hàng. Lý Quốc Sơn từng gặp một khách hàng, sau khi ký hợp đồng giao hàng, anh đến lấy tiền thì khách hàng nói với anh rằng, không gian trong container có hạn nên một nửa số ruy băng Giáng sinh không được vận chuyển bằng đường biển, yêu cầu Lý Quốc Sơn mang hàng về và từ chối trả số tiền còn lại. Sau khi tranh luận bất thành, Lý liền đấm mạnh đối phương. "Tiền cuối cùng cũng lấy được về nhưng khách hàng này tôi không hợp tác nữa", anh nói.

Có các quy tắc riêng trong thành phố thương mại. Cửa hàng phải luôn mở cửa, đây là điều đã được quy định trong hợp đồng. Đây cũng là lý do vì sao dù đã kết nối qua Internet nhưng những doanh nhân Nghĩa Ô vẫn phải đến cửa hàng. "Ở đây, chỉ cần bạn không mở cửa trong hơn 3 ngày, sẽ có người đến tìm bạn", Lý Quốc Sơn nói. "Nếu chủ không đến thì khách hàng sẽ không đến".

"Hệ sinh thái" hậu cần biển-đất liền-hàng không

Các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trên thế giới và Nghĩa Ô có ưu thế về mọi mặt như sự tiện lợi của hậu cần và sự phong phú của sản phẩm. "Khi một người nước ngoài đến Nghĩa Ô, chỉ có thứ mà anh ta không thể nghĩ ra, chứ không có thứ anh ta không thể mua. Ở đây, 'mua sắm theo hình thức một cửa' có thể được thực hiện. Tiện lợi như vậy, khách hàng còn không đến sao?", doanh nhân Trung Quốc cho biết.

Bí quyết giúp thương nhân Trung Quốc làm nên kỳ tích và hốt bạc: Buôn có bạn bán có phường, tư duy nhạy bén, có hệ sinh thái hậu cần vươn đến mọi ngóc ngách - Ảnh 3.

Ví dụ, một quả bóng đạt tiêu chuẩn FIFA được vận chuyển từ Nghĩa Ô sẽ chỉ mất hơn 20 ngày vượt đại dương và cập cảng Hamad, Qatar, nước chủ nhà của World Cup.

Nghĩa Ô ngày nay đang trở thành một nút quan trọng trong mạng lưới hậu cần xuyên biên giới của Trung Quốc. Các kênh vận chuyển qua cảng biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không được đan xen xung quanh "siêu thị thế giới" để tạo thành một vòng tròn sinh thái năng động.

Trong tám năm qua, đoàn tàu Madrid-Yiwu đã kết nối 51 quốc gia và khu vực ở lục địa Á-Âu, trở thành một trong những đoàn tàu chở hàng nổi tiếng nhất trong giao thương Á-Âu. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, China Railway Express đã chạy tổng cộng 1.060 chuyến tàu và vận chuyển 87.480 toa, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, Madrid-Yiwu cũng dựa vào Nghĩa Ô để tiếp tục triển khai các kho hàng ở nước ngoài, hoàn thành việc nâng cấp dịch vụ từ ga đến ga sang dịch vụ "tận cửa" từ trong nước ra nước ngoài. Ở các thị trường nước ngoài, các nhà kho ở nước ngoài giống như "chợ Nghĩa Ô" thu nhỏ đã lần lượt được xây dựng. Hình thức kinh doanh B2B của các nhà kho ở nước ngoài vượt qua những hạn chế về thời gian và không gian, đồng thời đưa thị trường Nghĩa Ô ra nước ngoài.

B2B là tên gọi viết tắt của cụm từ “Business to Business”. Đây là hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Mô hình kinh doanh chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực thương mại điện tử, trên các kênh thương mại điện tử là chính.

Ngoài việc vận hành Đường sắt cao tốc Trung Quốc-Châu Âu trên đất liền, Nghĩa Ô cũng đang thúc đẩy kết nối vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và hàng không.

Cảng hàng không Nghĩa Ô cũng không ngừng mở rộng. Vào năm 2021, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Cảng Hàng không Nghĩa Ô lần đầu tiên vượt mốc 5.150,7 tấn, tăng 70% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh nền tảng thương mại xuyên biên giới

Doanh số bán hàng của các sản phẩm liên quan đến World Cup của Trung Quốc không chỉ được phản ánh trong hoạt động kinh doanh B2B của Nghĩa Ô, mà người tiêu dùng từ nhiều quốc gia khác nhau có thể trực tiếp tiếp cận các sản phẩm liên quan đến "nước ngoài" thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động ở Trung Quốc như Amazon, eBay, AliExpress v.v...

Bí quyết giúp thương nhân Trung Quốc làm nên kỳ tích và hốt bạc: Buôn có bạn bán có phường, tư duy nhạy bén, có hệ sinh thái hậu cần vươn đến mọi ngóc ngách - Ảnh 4.

Tìm kiếm cụm từ "World Cup" trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, khách hàng có thể tìm thấy rất nhiều áo đấu với nhiều màu sắc khác nhau, cùng doanh số bán hàng cao và đánh giá tốt. Theo thông tin giao dịch, những chiếc áo này sẽ được gửi từ Trung Quốc đến Mỹ, Pháp, Vương quốc Anh, Canada v.v...

Dữ liệu của AliExpress cho thấy, trong 1 tháng, doanh số bán máy chơi bi lắc do Trung Quốc sản xuất bán tại thị trường UAE đã tăng 120%; doanh số bán ghế sofa thư giãn tại thị trường Brazil tăng 1156% so với cùng kỳ, tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 800%.

Ngoài ra, một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc gần đây cũng đã ăn theo các điểm nóng của World Cup, bằng cách cung cấp các chính sách hỗ trợ người bán và tung ra các hoạt động khuyến mãi cho người mua, các sản phẩm Trung Quốc sẽ tiếp tục vươn ra toàn cầu thông qua "cơn sốt bóng đá" năm nay ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại