Bị phát hiện sai phạm, doanh nghiệp theo dõi thanh tra

Viết Long |

Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường giấu xe, cho người theo dõi tổ kiểm tra tải trọng xe hoặc lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT một số nội dung về công tác kiểm soát tải trọng xe.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải giảm còn khoảng 10%. Thời gian qua, các trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, cố định và thanh tra các sở GTVT sử dụng cân xách tay tiến hành kiểm tra 146.188 xe, trong đó có 15.653 xe vi phạm, tước 5.285 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 160 tỉ đồng.

Lực lượng công chức thanh tra các cục Quản lý đường bộ tiến hành kiểm tra 534 xe, trong đó có 516 xe vi phạm, tước 257 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 11,85 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kết quả nêu trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt trạm KTTTX lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.

Đặc biệt, có biểu hiện tái diễn tình trạng xe quá tải, lưu thông đường dài trên các quốc lộ (QL) 1, QL2, QL3, QL6, QL14, QL18, QL19, QL20, QL32, QL51, đường Hồ Chí Minh... và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa...

Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do cần phải có sự phối hợp với các sở, ngành của địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi tổ KTTTX hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi. Ngoài ra còn lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Bên cạnh đó, một số ban quản lý dự án nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định nhưng thực tế vẫn vi phạm. Nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Thanh tra Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, các mỏ vật liệu xây dựng... và kiểm tra, xử lý xe quá tải tại vị trí đặt các trạm KTTTX lưu động, cố định và trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại