Tăng cường trừng phạt Nga
Trong thời gian gần đây, phương Tây đã tăng cường sự thống nhất trong các lệnh trừng phạt với Nga.
Trong vài tuần qua, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu tấn công vào ngành năng lượng của Nga với các lệnh cấm khác nhau nhằm vào than, dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các động thái này sẽ buộc Điện Kremlin "phải lựa chọn giữa hồi phục nền kinh tế hay dành tiền cho cuộc chiến".
Tuy nhiên, theo Business Insider, Nga đã không phải chịu áp lực nặng nề như phương Tây đã hy vọng. Nguyên nhân được cho là do động thái của Ấn Độ và Trung Quốc. Hai quốc gia này đều thể hiện vị thế trung lập, tiếp tục mua năng lượng của Nga và duy trì hiệu quả các mối quan hệ thương mại như các nước vẫn thực hiện từ trước chiến dịch đặc biệt.
Ấn Độ tăng cường mua dầu của Nga trong những tuần gần đây, đặc biệt khi mức giá chiết khấu cao của Nga so với mức tăng cao của các loại dầu thô khác. Theo Reuters, Ấn Độ đã đặt hàng ít nhất 13 triệu thùng dầu Nga kể từ cuối tháng 2. Tổng lượng hàng của cuộc giao dịch này - tích lũy chỉ trong 2 tháng - đã gần bằng 16 triệu thùng mà Ấn Độ mua từ Nga trong cả năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tôn trọng các hợp đồng dầu hiện có với Nga - Reuters đưa tin. Các nhà máy lọc dầu do nhà nước Trung Quốc điều hành đã hạn chế ký kết thỏa thuận mới, nhưng việc tiếp tục các kế hoạch hiện tại đã hạn chế một lượng khách hàng lớn cho Điện Kremlin. Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, đã nhập khẩu gần 1,6 triệu thùng/ngày trong cả năm 2021.
Trung Quốc cũng là khách hàng hàng đầu của khí đốt Nga, nước này đã mua 16,5 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên - chiếm khoảng 7% nguồn cung của Nga - vào năm ngoái.
Chắc chắn, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn còn nhiều lỗ hổng, khi năng lượng của Nga tiếp tục đổ vào các nước phản đối chiến dịch. Dù Mỹ có thể sẵn sàng cấm vận dầu khí của Nga, nhưng Anh và EU phụ thuộc nhiều hơn vào những hàng hóa Nga để duy trì nền kinh tế của họ. Sự phụ thuộc đó là lý do tại sao châu Âu hành động chậm hơn trong quá trình "cai nghiện năng lượng Nga".
Những gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất như Đức đang phải chịu áp lực nặng nề nhất. Việc cắt giảm năng lượng của Nga sẽ ngay lập tức nâng giá các mặt hàng quan trọng đối với ngành công nghiệp của Đức.
Lạm phát cao hơn cũng sẽ khiến các hộ dân thiệt thòi khi hóa đơn tiện ích cao hơn. Nếu không có khả năng nhanh chóng bù đắp sự mất mát năng lượng của Nga, một lệnh cấm vận hoàn toàn gần như chắc chắn sẽ đẩy Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - vào một cuộc suy thoái lớn.
Nguồn thu từ năng lượng vẫn ổn định
Theo phân tích của Bloomberg được công bố vào ngày 1/4, Nga đang trên đà kiếm 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng vào năm 2022 nếu các đối tác thương mại hiện tại tiếp tục mua. Thu nhập dự báo tăng hơn 1/3 so với mức thu năm ngoái.
Thị trường năng lượng vẫn còn cực kỳ biến động. Bộ tài chính Nga cho biết vào ngày 5/4, doanh số bán năng lượng trong tháng 4 dự kiến sẽ đạt 9,6 tỷ USD so với mục tiêu trước đó của Điện Kremlin do giá năng lượng tăng vọt.
Các quan chức Điện Kremlin cũng nêu những triển vọng tích cực trong các cuộc phỏng vấn gần đây, cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu năng lượng.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov nói với tờ Izvestia trong một cuộc phỏng vấn ngày 13/4 rằng Nga sẵn sàng bán các sản phẩm năng lượng cho "các quốc gia thân thiện với bất kỳ mức giá nào".
Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã tỏ ra gay gắt hơn trong việc chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây vào đầu tháng Ba.
Ông nói rằng Nga "sẽ không thuyết phục bất kỳ ai mua dầu và khí đốt của chúng tôi" và nói thêm rằng phương Tây "cứ thoải mái" thay thế năng lượng của Nga bằng một nguồn cung thay thế khác.
Hiện tại, không có chính sách cụ thể nào được công bố nhằm vào những người mua năng lượng của Nga. Khi giai đoạn tiếp theo của chiến dịch bắt đầu ở khu vực Donbas, giao dịch thương mại từ Ấn Độ và Trung Quốc đang giúp nền kinh tế Nga trụ vững.