Chưa một bí ẩn nào lại khiến giới khảo cổ học, sử gia quan tâm nhiều đến vậy trong nhiều năm như các công trình khổng lồ của người Ai Cập cổ đại tại Thung lũng các vị Vua bên bờ tây sông Nile huyền thoại.
Nếu như những công trình kim tự tháp, nơi yên nghỉ của các vị vua, có đỉnh chóp kiêu hãnh, hướng thẳng lên vũ trụ như thách thức sự phong hóa của không gian và thời gian - thì những bức tượng của Nhân Sư, sinh vật huyền thoại đầu người mình sư tử lại nằm ngoan ngoãn trong tư thế phủ phục trước các lăng mộ của pharaoh.
Mặc nhiên tồn tại trong hàng ngàn năm, Nhân Sư vẫn là một trong những bí ẩn chưa thể giải mã đối với giới chuyên gia. Người ta biết rất ít về việc ai đã dựng lên nó, Nhân Sư thể hiện điều gì và chính xác nó liên quan đến các kim tự tháp cùng những vị pharaoh yên nghỉ bên trong đó như thế nào. Hiếm ai biết!
Chưa thể giải mã không đồng nghĩa với đầu hàng. Rất nhiều nhà khoa học trên thế giới vẫn miệt mài ngày đêm đi tìm câu trả lời, chuyên gia khảo cổ học nổi tiếng người Mỹ Mark Lehner là một người như thế.
5 năm liên tục, ông "ăn-ngủ" theo đúng nghĩa đen trong một văn phòng dựng tạm ở giữa chân tượng Nhân Sư khổng lồ. Hãy xem một trong những nhà Ai Cập học và chuyên gia Nhân Sư hàng đầu thế giới - người có gần 40 năm gắn bó với công việc khảo cổ - đi tìm đáp án cho những bí ẩn của công trình khổng lồ này như thế nào.
Quần thể kim tự tháp Giza ở cao nguyên Giza là nơi chứa hàng ngàn công trình khảo cổ học hiếm có của loài người. Nơi đó có ba kim tự tháp vĩ đại là Khafre, Menkaure và Đại kim tự tháp Giza (hay kim tự tháp Khufu). Không những thế, Đại Nhân Sư (đôi khi gọi là Nhân Sư) - bức tượng nguyên khối lớn nhất và lâu đời nhất thế giới - cũng nằm ở đây.
Dài 73 mét và rộng 66 mét, bức tượng được người Ai Cập cổ tạo nên từ một khối đá vôi nguyên khối, không lắp ghép.
Ảnh minh họa: Internet
Đối với nhà khảo cổ học Mark Lehner, quần thể kim tự tháp Giza và Đại Nhân Sư tạo thành một công trình linh thiêng, kết nối sức mạnh của Mặt Trời và vũ trụ để duy trì trật tự trần thế. Đó là lý do, không phải ai cũng có thể hiểu hết ý nghĩa tồn tại của chúng.
Không ai biết tên ban đầu của Nhân Sư. Cái tên Nhân Sư lấy theo tên của linh vật thiêng liêng đầu người-mình sư tử trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Thuật ngữ này có thể được sử dụng khoảng 2000 năm sau khi bức tượng hoàn thành xong.
Tuy nhiên, có hàng trăm ngôi mộ tại cao nguyên Giza với những dòng chữ tượng hình niên đại 4.500 năm, nhưng không một dòng chữ nào nhắc đến bức tượng này. Người Ai Cập cổ đại không viết lại lịch sử, vì thế, giới chuyên gia hiện đại chưa có cơ sở chắc chắn cho những gì các nhà khảo cổ nghĩ bức tượng này là Nhân Sư.
Hàng ngàn năm trôi đi, cát bụi nơi sa mạc đã chôn vùi bức tượng khổng lồ đến vai của Đại Nhân Sư, chỉ để lộ phần đầu biến dạng ở phía đông sa mạc Sahara.
Năm 1817,
Nhà thám hiểm người Genoa (Ý) tên là Giovanni Battista Caviglia đã dẫn dầu 160 người khai quật Đại Nhân Sư. Mãi đến năm 1930, chuyên gia khảo cổ Ai Cập Selim Hassan mới hoàn thành việc cho bức tượng không bị cát chôn vùi.
Câu hỏi "Ai là người đã xây dựng Đại Nhân Sư?" khiến giới khảo cổ học toàn thế giới điên đầu giải mã từ lâu nhưng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Nhà khảo cổ Mark Lehner cùng đồng nghiệp của ông đồng ý rằng đó là Pharaoh Khafre của vương triều thứ 4 thuộc thời kỳ Cổ vương quốc, người đã ra lệnh xây Nhân Sư năm 2.600 TCN.
Năm 1853,
Giả thuyết này bắt đầu từ năm 1853 khi một nhà khảo cổ người Pháp tên là Auguste Mariette đã khai quật được một bức tượng Pharaoh Khafre - có kích thước như người thật, được chạm khắc hoàn hảo đến mức khó tin đá núi lửa đen - giữa tàn tích của một tòa nhà mà ông phát hiện được tại vị trí có tên là Thung lũng Đền thờ, bên cạnh đó là tượng Nhân Sư.
Năm 1925,
Nhà khảo cổ học và kỹ sư người Pháp Emile Baraize đã thăm dò cát ngay trước tượng Nhân Sư và phát hiện ra một tòa công trình khác của Cổ vương quốc - hiện được gọi là Đền Nhân Sư.
Tuy vậy, bất chấp những manh mối cho thấy tượng Nhân Sư gắn liền với Pharaoh Khafre, các chuyên gia khảo cổ khác vẫn tiếp tục suy đoán rằng Pharaoh Khufu (vua cha của Pharaoh Khafre) hoặc các pharaoh khác đã xây dựng bức tượng đó.
Năm 1980,
Mark Lehner đã tuyển dụng một nhà địa chất trẻ người Đức, Tom Aigner, người đã đề xuất một cách mới lạ cho thấy Nhân Sư là một phần không thể thiếu tại nơi an nghỉ của Pharaoh Khafre. Đá vôi là kết quả của bùn, san hô và vỏ của các sinh vật giống sinh vật phù du nén lại với nhau trong hàng chục triệu năm.
Phân tích các mẫu đá vôi từ Đền Nhân Sư và tượng Nhân Sư, Tom Aigner và Mark Lehner nhận thấy các khối đá được sử dụng để xây dựng bức tường của ngôi đền phải đến từ con mương bao quanh tượng Nhân Sư. Rõ ràng, người Ai Cập cổ đại đã sử dụng dây thừng và xe trượt gỗ, để kéo đi các khối đá lớn để xây dựng ngôi đền trong khi tượng Nhân Sư đang được tạc từ khối đá nguyên khối khổng lồ tại chỗ.
Ảnh minh họa: Internet
Đó có thể là cách Pharaoh Khafre chuẩn bị nơi yên nghỉ của mình. Nhưng ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng các công trình đột phá này?
Năm 1990,
Chuyên gia khảo cổ đến từ Ai Cập Zahi Hawass điều tra và phát hiện một khu nghĩa trang có khoảng 600 người được chôn cất tại Cổ vương quốc.
9 năm sau,
Mark Lehner phát hiện ra Thành phố đã mất (Lost City) của mình tại khu vực gần nghĩa trang đó. Hai chuyên gia đến từ Mỹ và Ai Cập bắt tay khai quật và lập bản đồ khu vực mà họ cho rằng đó là khu định cư lớn gấp 10 sân bóng và có niên đại khớp với triều đại Kharfe. Ngoài cấu trúc có yếu tố của một ngôi nhà bình thường, các chuyên gia phát hiện khu doanh trại có sức chứa từ 1.600 đến 2000 công nhân.
Năm 2009,
Làm việc với Rick Brown - Giáo sư điêu khắc tại Đại học Nghệ thuật Massachusetts (Mỹ), Mark Lehner cố gắng tìm hiểu việc xây dựng Nhân Sư theo cách điều khắc mà người Ai Cập cổ đã làm. 45 thế kỷ trước, người Ai Cập chưa có công cụ bằng sắt hoặc đồng, họ chủ yếu sử dụng búa đá cũng với máy đục đồng để hoàn thành quá trình tạc tượng. Cả hai chuyên gia nhận định, một người lao động có thể chạm khắc một khối đá trong một tuần. Với tốc độ đó, họ nói, sẽ mất 100 người trong 3 năm để hoàn thành Nhân Sư.
Ý nghĩa của bức tượng Đại Nhân Sư đối với Pharaoh Khafre và vương triều của mình là gì đang là một vấn đề tranh luận của giới chuyên môn. Sau nhiều năm nghiên cứu về Nhân Sư, Mark Lehner và Zahi Hawass đưa ra lý lẽ cho riêng mình.
Tàn dư của các bức tường thuộc cấu trúc của Thung lũng Đền thờ được bố trí ở phía trước tượng Nhân Sư. Chúng gồm 24 trụ cột khổng lồ. Nhà khảo cổ học người Thụy Sĩ Herbert Ricke, người đã nghiên cứu đền vào cuối những năm 1960, đã kết luận: 24 trụ cột này tượng trưng cho sự chuyển động của Mặt Trời; một đường đông-tây chỉ đến nơi Mặt Trời mọc và lặn hai lần một năm tại 2 điểm phân (Xuân phân và Thu phân). Herbert Ricke lập luận thêm rằng mỗi trụ cột đại diện cho một giờ theo 24 giờ ngày nay.
Từ 24 trụ cột, Mark Lehner phát hiện ra rằng, nếu đứng ở hốc tường phía Đông khi hoàng hôn xuống vào tháng 3 hoặc tháng 9 hàng năm, ta sẽ thấy một sự kiện thiên văn kinh ngạc: Mặt Trời dường như chìm vào vai của Đại Nhân Sư - và kim tự tháp Khafre nằm trên đường chân trời.
Tại cùng một thời điểm, bóng của Nhân Sư và bóng của kim tự tháp, cả hai biểu tượng của nhà vua, trở thành hình bóng hợp nhất. Bản thân tượng Nhân Sư được xem là tượng trưng cho Horus - vị thần chim ưng đại diện cho bầu trời của người Ai Cập - đóng vai trò là sứ giả của Pharaoh Khafre nằm ở tư thế phủ phục trước lăng mộ vua cha là Đại kim tự tháp Khufu khi vị pharaon này hóa thân thành thần Mặt Trời "Ra".
Kỳ diệu hơn nữa, Mark Lehner còn phát hiện ra rằng khi một người đứng gần tượng Nhân Sư trong ngày Hạ chí, Mặt Trời sẽ nằm giữa bóng của hai kim tự tháp Khafre và Khufu tạo nên khung cảnh giống chữ tượng hình có thể dịch là đường chân trời, và cũng là tượng trưng cho chu kỳ sống và tái sinh.
Ảnh minh họa: Internet
Nếu những mật mã vũ trụ ẩn trong các công trình kinh tự tháp và Nhân Sư này chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì thật khó để tưởng tượng rằng người Ai Cập cổ đại không nhìn thấy chữ tượng hình khổng lồ này trong ngày Hạ chí hàng năm. Còn nếu như họ xây dựng chúng một cách chủ ý thì đây quả thực là ảo ảnh kiến trúc bậc thầy, khổng lồ chưa từng có trên Trái Đất.
Nếu Mark Lehner và Zahi Hawass đúng, thì người Ai Cập cổ đại đã xây dựng có chủ đích các công trình khổng lồ bên dưới mặt đất HÒA HỢP một cách đáng kinh ngạc với những sự kiện thiên văn nổi bật của Mặt Trời từ vũ trụ xa xôi. Nói cách khác, thần Ra là vị thần tối cao của người Ai Cập, bởi thế, họ muốn xây dựng tổng công trình (kim tự tháp, tượng Nhân Sư) nhằm khai thác sức mạnh tối đa của Mặt Trời và các vị thần khác để hồi sinh linh hồn của các pharaoh.
Sự chuyển đổi này không chỉ đảm bảo sự sống vĩnh hằng cho các vị vua ở một thế giới khác sau khi đã từ giã cõi đời mà còn duy trì trật tự tự nhiên như bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, mùa nước dâng sông Nile và cuộc sống hàng ngày của người dân hai bờ vùng thung lũng con sông.
Trong sự chuyển đối ấy, Nhân Sư có thể đại diện cho nhiều thứ, như một hình ảnh thân cận của vị Pharaoh Khafre đã mất; hay là người canh gác/bảo vệ cho giấc ngủ vị vua chủ nhân và lăng mộ vua cha Khafu gần đó.
Đại Nhân Sư và Quần thể kim tự tháp Giza là những tuyệt tác xây dựng và kỹ thuật mà người xưa để lại. Qua hàng ngàn năm, dù ít nhiều bị thời gian bào mòn nhưng các công trình kiến trúc khổng lồ này vẫn hiên ngang đứng vững và chưa bao giờ ngừng khiến sử gia, giới khảo cổ học và công chúng trên toàn thế giới ngạc nhiên!
Bài viết sử dụng nguồn: Smithsonian Magazine
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.