Được xem là môn võ thuật hiểm ác của người Nhật Bản có khả năng đoạt mạng đối thủ trong chớp mắt, Nhu thuật (Jujitsu) là vũ khí đặc dị và "con át chủ bài" của võ sĩ Samurai thời xưa.
Sử dụng hàng loạt các đòn thế như khóa chân, khóa tay, khóa cổ, ném, vật, siết họng, Nhu thuật là loại võ nhượng bộ sức mạnh để thắng sức mạnh bằng cách lợi dụng đòn tấn công của đối phương để phản công. Trong nháy mắt, đối phương có thể bị gãy tay chân, mù, tê liệt và thậm chí mất mạng.
1. Những thăng trầm của Nhu thuật Nhật Bản
Nói về nguồn gốc ra đời của môn võ tổng hợp các kỹ năng đỉnh cao của nhiều môn phái cổ truyền này, các nhà sử học Nhật Bản khẳng định, Nhu thuật xuất hiện lần đầu tiên vào năm 249 Sau Công nguyên.
Vào thế kỷ thứ 6, khi võ sĩ Samurai nguyên thủy bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản, họ đã sớm đưa Nhu thuật làm "vũ khí" để chống lại kẻ thù.
Qua thời gian, sau khi nhận thấy việc dùng tay không trong Nhu thuật để chống lại các đối thủ trang bị vũ khí và áo giáp không mang lại hiệu quả, Sumarai dần dần thêm các phương pháp đánh "chí mạng" như quật, điểm huyệt, tấn công các khớp tay chân, siết cổ... để vô hiệu hóa đối phương.
Khi nước Nhật thống nhất vào những năm 1600 sau hàng trăm năm nội chiến kéo dài liên miên, Nhu thuật bắt đầu bước vào thời kỳ "kỷ nguyên vàng" khi các cuộc đấu dùng vũ khí bị cấm hoàn toàn.
Lúc này, Nhu thuật được truyền dạy phổ biến trong xã hội. Nhờ đó, rất nhiều cao thủ môn võ thuật này ra đời, khiến cho nó trở thành môn võ được ưa chuộng.
Mãi về sau, cho đến nửa cuối thế kỷ 19, Nhu thuật bắt đầu suy yếu trong bối cảnh chế độ phong kiến Nhật Bản sụp đổ.
Hiện nay, với các tính chất nguy hiểm, tàn bạo, môn võ này ít được lưu truyền nguyên bản. Tuy nhiên, có nhiều môn phái bắt nguồn từ Nhu thuật được nhiều võ sĩ trên thế giới theo học phải kể đến Nhu đạo (Judo), Aikido và Nhu thuật Brazil...
Mức độ của Nhu thuật nguy hiểm cỡ nào mà vừa khiến địch thủ nhanh chóng bị đoạt mạng vừa khiến nhiều võ sư hiện đại tại Nhật Bản phải tiết chế?
2. Những đòn đoạt mạng hiểm ác của Nhu thuật
Nhu thuật là môn võ tổng hợp rất nhiều tinh túy của các môn võ cổ truyền ở Nhật Bản, nhờ đó nó sở hữu rất nhiều tuyệt kỹ có khả năng sát thương cực cao.
Đỉnh điểm của các tuyệt kỹ đó phải kể đến kỹ năng điểm huyệt, cầm nã thủ và đánh vào các quan tiết.
Điểm huyệt
Nói về kỹ năng điểm huyệt trong Nhu thuật, nhiều võ sư phải công nhận, chỉ một động tác cực nhanh, cao thủ Nhu đạo có thể khiến địch thủ tê bại, bất tỉnh, thậm chí mất mạng như chơi. Đây được xem là các ngón đòn vô cùng dị biệt mà các môn phái võ khác khó có thể địch nổi.
Trong hệ thống huyệt đạo trong cơ thể con người, có tất cả 108 huyệt chia làm 3 loại là tử huyệt, ma huyệt và sinh huyệt. Trong đó, tử huyệt phân phối khắp cơ thể, ở đầu, ngực, xương sống và bàn tay, chân.
Nắm rõ được điều này, các đệ tử của Nhu thuật có thể vô hiệu hóa và khiến địch thủ nằm im bất động chỉ bằng 1 động tác nhanh, dứt khoát.
Cầm nã thủ
Cũng giống với môn võ Thiếu Lâm của Trung Quốc, Nhu thuật cũng có kỹ thuật cầm nã (trong đó, "Cầm" là bắt giữ, "Nã" là bấm, bấu, véo).
Để có thể sử dụng "ngón nghề" này, các võ sĩ Nhu thuật phải luyện tập ngón tay vô cùng khắc nghiệt. Họ phải dùng 5 đầu ngón tay và 5 đầu ngón chân chống đỡ cả cơ thể rồi luyện tập hít đất liên tục trong thời gian dài.
Để thực hiện ngón cầm nã thủ, các võ sĩ phải luyện tập cho các ngón tay cứng như thép. Hình ảnh minh họa Thành Long đang luyện tập.
Khi các đầu ngón tay cứng cáp và đủ lực, võ sĩ bắt đầu thực hiện các kỹ năng cầm nã thủ. Phần cơ thể để cầm nã thủ là bắp thịt ở cánh tay (con chuột) và cánh tay của đối phương.
Đánh vào các quan tiết
Quan tiết ở đây là các khớp xương. Đây là một trong những đòn thế được Nhu thuật chú trọng.
Hiểu rõ được các yếu điểm của cơ thể con người (trong đó có các ngón tay, cổ tay, cổ chân, khớp xương, đầu gối...), các võ sĩ sau khi luyện tập cho mình khả năng cầm nã có thể vặn và bẻ những khớp xương yếu nhất này để vô hiệu hóa địch thủ.
Vì chú trọng vào các "điểm chết" trên cơ thể, một người nhỏ bé, yếu thế vẫn có thể quật ngã và khiến đối thủ bất toại bằng các đòn tinh vi của Nhu thuật.
3. Cao thủ Nhu thuật nổi tiếng Nhật Bản
Jigono Kano (1860 - 1938) chính là ông tổ của môn Judo. Ông là người "ăn, uống và ngủ cùng Nhu thuật".
Sau khoảng thời gian dài học Nhu thuật, học hỏi tinh túy võ thuật của các môn phái khác cộng với ý chí muốn sáng lập một môn võ có nguồn gốc từ Nhu thuật nhưng gạt bỏ những đòn hiểm, Jigono Kano đã tạo nên môn võ Judo nổi tiếng tại Nhật Bản.
Từ đó về sau, ông cống hiến cả cuộc đời để truyền dạy Judo. Nhờ có ông, Judo trở thành môn võ thuật được đưa vào hệ thống thi đấu Olympic từ năm 1964.
Cái chết bí ẩn của ông vào năm 1938 cũng không thể ngăn các võ sĩ hâm mộ môn võ có nguồn gốc từ Nhu thuật bị lụi tàn. Vì tính cho đến nay, có khoảng 11 triệu người trên khắp thế giới đang theo học và luyện tập Judo.
Bài viết tham khảo nhiều nguồn