Bí mật đằng sau Học viện Công nghệ Ấn Độ - nơi sản sinh ra CEO cho các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu

Bảo Nam |

Học viện Công nghệ Ấn Độ (ITT) là một mạng lưới ưu tú gồm 23 trường kỹ thuật, nơi tự hào có 'kỳ thi tuyển sinh khó nhất hành tinh'.

Phía trên lối vào chính hoành tráng của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), mở cửa trở lại từ năm 1951, là khẩu hiệu có nội dung “Phục vụ đất nước”. Nhưng trong nhiều năm, nhiều sinh viên tốt nghiệp từ mạng lưới các trường kỹ thuật ưu tú nhất của đất nước này lại hướng đến việc phát triển sự nghiệp ở Mỹ. Sự thật trớ trêu tới mức khẩu hiệu này đã trở thành trò đùa về khẩu hiệu trên ám chỉ “Đất nước nào?”.

CEO mới của Twitter, Parag Agrawal, gần đây đã ghi tên mình vào một danh sách dài những sinh viên tài năng tốt nghiệp từ IIT đã trở thành quản lý của những tập đoàn khổng lồ về công nghệ ở Thung lũng Silicon. Những cái tên trước đó bao gồm Sundar Pichai của Alphabet, Shantanu Narayen của Adobe, Nikesh Arora của Micron Technology và Vinod Khosla của Sun Microsystems.

Theo tiêu chuẩn của QS World University Rankings (Bảng xếp hạng các trường đại học khắp thế giới), IIT - hiện đã phát triển lên tới 23 cơ sở trên khắp Ấn Độ - đang tụt hạng trong các cuộc thi về học thuật. IIT Bombay đứng đầu trong số tất cả các cơ sở giáo dục của Ấn Độ vào năm 2021, đứng thứ 177 trong số 200 trường đại học hàng đầu. Ngược lại, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lại ở vị trí dẫn đầu. Trong khi IIT đạt điểm cao về uy tín của nhà tuyển dụng, với 70/100 điểm, nó lại trừ điểm nặng ở vấn đề thiếu sinh viên quốc tế và đội ngũ giảng viên.

 Bí mật đằng sau Học viện Công nghệ Ấn Độ - nơi sản sinh ra CEO cho các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu  - Ảnh 1.

Sinh viên tham gia một lớp học tại cơ sở Bombay của Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Mumbai.

Giám đốc IIT Delhi, V. Ramgopal Rao, cho biết lý do có quá ít sinh viên đại học quốc tế là do người nước ngoài khó có thể vượt qua cái mà ông gọi là “kỳ thi tuyển sinh khó nhất hành tinh”.

Trong khi IIT tổ chức các kỳ thi đầu vào ở các trung tâm như Dubai và Singapore, sinh viên nước ngoài sẽ gặp “bất lợi lớn là họ không theo học tại trường Ấn Độ và hoàn thành chương trình học nghiêm ngặt”, ông Rao nói. Trên thực tế, IIT Delhi mới chỉ có một học sinh nước ngoài vượt qua kỳ thi đầu vào và đây là một người Hàn Quốc đã học tại một trường trung học của Ấn Độ.

Ông Rao cho biết, việc thiếu đội ngũ giảng viên quốc tế là do mức lương quá thấp tại các cơ sở do chính phủ tài trợ. Để so sánh thì hiệu trưởng ITT chỉ kiếm được 60.000 USD một năm trong khi chủ tịch của MIT kiếm được 1,25 triệu USD vào năm 2018. Còn một trợ lý giáo sư của IIT chỉ nhận được khoảng 25.000 USD hàng năm.

Nhưng bất chấp vị thế toàn cầu của IIT, các IITians (những người tốt nghiệp ITT), lại rất có danh tiếng vàng và thường được các tập đoàn lớn nhất thế giới thuê với các gói trả công đáng kể.

Chetan Bhagat, nhà văn kiêm nhà báo nổi tiếng Ấn Độ, người từng tốt nghiệp từ IIT, cho biết: “Thương hiệu ITT vẫn hoàn hảo với những gì nó có thể làm cho hồ sơ của bạn”.

Các nhà tuyển dụng hàng đầu trong năm 2021 bao gồm Microsoft, Qualcomm, Google, Airbus và Amazon đang tìm kiếm sinh viên tốt nghiệp về kỹ thuật sản phẩm và phần mềm, R&D, phân tích tài chính, khoa học dữ liệu và các lĩnh vực khác. Và một sinh viên năm nay 22 tuổi, tốt nghiệp IIT, mới đây đã nhận được lời mời làm việc cho vị trí kỹ sư phần mềm với thu nhập 263.000 USD mỗi năm từ Uber.

 Bí mật đằng sau Học viện Công nghệ Ấn Độ - nơi sản sinh ra CEO cho các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu  - Ảnh 2.

Lối vào chính của cơ sở Bombay của Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Mumbai. Ảnh: AFP

“Mẹ của tất cả các kỳ thi tuyển sinh"


Vậy có gì đặc biệt khiến sinh viên tốt nghiệp IIT được săn đón đến vậy?

Đầu tiên, nó có “mẹ của tất cả các kỳ thi tuyển sinh”, một kỳ thi tuyển sinh siêu khó có khả năng loại bỏ tất cả trừ những người thông minh nhất. Ông Rao cho biết chương trình giảng dạy hiện nay ở Ấn Độ đặt trọng tâm vào việc tạo ra một nền tảng vững chắc trong toán học để “giúp phát triển các kỹ năng phân tích của học sinh”. Học sinh cũng học cách động não trong các dự án, chuyển đổi lý thuyết thành thực hành và kỹ năng xây dựng nhóm.

Và các bậc cha mẹ đều có tham vọng đặt mục tiêu vào IIT cho con trai của họ (học sinh ITT chủ yếu vẫn là nam giới mặc dù 20% số ghế hiện được dành cho nữ giới). Ngay cả khi con của họ không quan tâm đến kỹ thuật, bằng cấp IIT vẫn được coi như một tấm giấy thông hành tự động cho các cơ hội nghề nghiệp được trả lương cao khác trong xã hội.

“Đặt Harvard, MIT và Princeton lại với nhau và bạn sẽ bắt đầu hình dung được tình trạng của ngôi trường này ở Ấn Độ”, người dẫn chương trình của CBS, Leslie Stahl cho biết trong một chương trình truyền hình năm 2003 về IIT, một nhận xét đến nay vẫn được cho là đúng.

“Là một thiếu niên, bạn phải quên đi cuộc sống của mình trong ba đến bốn năm, bạn phải quên đi phần còn lại của thế giới, các hoạt động ngoại khóa, và chỉ cần chuẩn bị chăm chỉ, nhưng bạn sẽ được đền bù cho tất cả những điều đó”, Vipul Singh, 32 tuổi, người đã theo học tại IIT và hiện là đồng sáng lập kiêm CEO của hãng máy bay không người lái Aarav Unmanned Systems, cho biết.

Vào năm 2020, 1.118.673 học sinh hy vọng IIT đã tham gia kỳ thi tuyển sinh chung kéo dài sáu giờ. Trong số đó, 150.838 đã vượt qua để tiếp tục tham gia vào kỳ thi nâng cao. Cuối cùng, chỉ có 43.204 người đủ tiêu chuẩn để vào học. Nhưng đó không phải là con số cuối cùng. Sau đó, các sinh viên đã cạnh tranh để giành được 13.000 vị trí dựa trên thứ hạng của các ITT trên toàn Ấn Độ cũng như nhu cầu đối với các khóa học kỹ thuật, khoa học vật lý hoặc kiến trúc cụ thể.

Cuộc thi sẽ không kết thúc cho tới khi học sinh cuối cùng đã giành được vị trí cuối cùng còn trống của IIT.

“Các học sinh được xếp loại tương đối, tương ứng với nhau. Chúng tôi yêu cầu họ cạnh tranh với nhau. Điều đó khiến họ trở thành người giỏi nhất trong bất cứ công việc gì họ làm”, ông Rao nói. “Không dễ để trở thành một sinh viên IIT và thậm chí còn khó khăn hơn để tồn tại trong chương trình khắc nghiệt này, nhưng nếu bạn nói chuyện với những người đã vượt qua nó, họ sẽ cho bạn biết mọi thứ sau đó chỉ là một con đường đầy bánh ngọt”.

Tất nhiên, áp lực học tập căng thẳng và mong muốn đạt điểm cao để làm cha mẹ vui lòng có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Rao cho biết: “Chúng tôi có một quy trình rất rộng rãi, nhiều cố vấn, cách xác định những người tụt lại phía sau, để cung cấp hỗ trợ cho họ”.

Nhưng không phải ai cũng được hỗ trợ đầy đủ. Vào năm 2019, báo cáo của chính phủ Ấn Độ cho biết 50 sinh viên IIT đã tự sát trong 5 năm trước đó. Ở Ấn Độ, áp lực liên quan đến kỳ thi và nỗi sợ thất bại dẫn đến số lượng học sinh tự tử cao đến mức đáng sợ. Báo cáo từ Cục Đăng ký Tội phạm Quốc gia cho biết hơn 170.000 học sinh ở mọi lứa tuổi đã chết do tự tử từ năm 1995 đến 2019.

 Bí mật đằng sau Học viện Công nghệ Ấn Độ - nơi sản sinh ra CEO cho các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu  - Ảnh 3.

Shivani Nandgaonkar, một sinh viên của Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) Bombay, tạo dáng bên ngoài khuôn viên trường ở Mumbai. Ảnh: AFP

Mạng lưới cựu sinh viên cực mạnh

Trở lại quãng thời gian trước khi làn sóng công nghệ bắt đầu đạt được sức hút nghiêm túc vào đầu những năm 2000, đã có một cuộc di cư khổng lồ của các tài năng IIT đến Mỹ và đặc biệt là Thung lũng Silicon. Và nó được coi là hiện tượng “chảy máu chất xám” vô cùng đáng tiếc với Ấn Độ.

Tuy nhiên, giờ đây, sinh viên tốt nghiệp IIT có nhiều khả năng ở lại Ấn Độ hơn, nơi cơ hội được coi là lớn hơn và tốt hơn. Số lượng các công ty khởi nghiệp công nghệ đã tăng vọt. Ông Rao cho biết 20 năm trước “80% tầng lớp triển vọng cao từng ra nước ngoài. Nhưng năm ngoái, chưa đến 200 trong số 10.000 sinh viên tốt nghiệp IIT ra nước ngoài tìm việc làm”.

Kunal Bahl, đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Snapdeal, cho biết vào tháng 9 rằng đã có 4.079 công ty khởi nghiệp được thành lập tại Ấn Độ bởi các sinh viên tốt nghiệp IIT, trong đó có 593 người tốt nghiệp IIT Delhi và 529 công ty là cựu sinh viên IIT Bombay.

Theo công ty phần mềm kế toán Sage của Anh, IIT được xếp hạng thứ tư trên toàn cầu về khả năng giáo dục ra các sinh viên có thể tạo ra những “con kỳ lân” (các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD).

Ngày nay, các sinh viên sắp tốt nghiệp thường muốn bắt đầu việc kinh doanh của riêng họ, và họ có thể dễ dàng tìm thấy sự hỗ trợ thông qua những người đã tốt nghiệp IIT.

“Mạng lưới cựu sinh viên rất, rất mạnh. Họ đến và cố vấn cho sinh viên, vừa là đầu mối liên hệ vừa mang theo kiến thức”, Singh của Aarav Unmanned Systems nói. Một số sinh viên tốt nghiệp thành công đã trở thành các “nhà đầu tư thiên thần” trong các dự án do IITians khác khởi xướng.

“Làm việc với một người cũng đã theo học tại IIT có nghĩa là chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ”, một nhà đầu tư, một sinh viên tốt nghiệp IIT cho biết. Người này không muốn công khai danh tính, nhưng cho biết anh đã đầu tư vào sáu công ty khởi nghiệp có sự tham gia của các cựu sinh viên IIT.

Và nếu không trở thành doanh nhân, một số sinh viên tốt nghiệp ITT cũng sẽ trở thành các công chức hàng đầu của Ấn Độ. Nhiều IITians đã tốt nghiệp cũng thường quay trở lại và đóng góp rất nhiều cho trường cũ của họ.

“Chỉ trong ba tháng qua, chúng tôi [IIT Delhi] đã nhận được cam kết từ 12-13 triệu USD. Đó là kiểu kết nối mà mọi người có với nhau và với tổ chức này. Họ hoặc đóng góp trở lại trong việc cố vấn hoặc quyên góp quỹ”, ông Rao nói. “Tất cả những điều này tạo ra một bầu không khí cực kỳ sôi động.”

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại