Người dân tại Longa Mali, ngôi làng nhỏ nằm giữa khu vực khai thác, cho biết mâu thuẫn liên tục xảy ra giữa dân địa phương và người Trung Quốc về chuyện khai thác vàng. Hồi đầu tháng này, 4 công ty bị cấm đào vàng ở khu vực phía Đông Cameroon, theo tổ chức Foder chuyên vận động bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn.
Một trong số đó là Lu&Lang, công ty Trung Quốc khét tiếng trong khu vực, sau khi nhân viên của họ bị cáo buộc sát hại một người dân Cameroon tìm vàng tại khu đất mà công ty này khai thác. Bạo động đã xảy ra và dân làng Longa Mali sau đó ném đá giết chết nghi phạm Trung Quốc.
Sau một thời gian tạm ngưng, Lu&Lang nối lại hoạt động khai thác ở Longa Mali khiến cha của nạn nhân bức xúc việc chính quyền không có động thái ngăn chặn. Thiệt hại không chỉ dừng lại ở sinh mạng con người.
Trang Ghana Business News dẫn lời ông Yaya Moussa, trưởng làng Ngoe Ngoe, cho biết trong quá trình khai thác vàng, người Trung Quốc đã phá hủy các con sông và khiến nhiều động vật bị mắc kẹt trong các hố khai thác bỏ hoang tại địa phương có khoảng 2.600 người sinh sống này.
Quy trình xin giấy phép khai thác mỏ tại Cameroon khá phức tạp. Không ai được cấp quyền khai thác mỏ ở mức công nghiệp nên mọi hoạt động khai thác đều có quy mô nhỏ. Những cá nhân nhận được giấy phép khai thác phần lớn là người bản xứ và họ thường cho thuê hoặc bán lại cho công ty nước ngoài.
Truyền thông địa phương đưa tin những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Cameroon, như các tướng lĩnh, nhà lập pháp, bộ trưởng và một người cháu của Tổng thống Paul Biya, nắm giữ giấy phép khai thác. Tuy nhiên, không dễ kiểm chứng thông tin này. Một nhà hoạt động giấu tên cáo buộc quân đội Cameroon bảo vệ người Trung Quốc tại các khu mỏ đào vàng.
Trung tâm Giáo dục, Đào tạo và Hỗ trợ sáng kiến phát triển ở Cameroon (CEFAID), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại thị trấn Yokadouma, cũng tiết lộ một số người thuộc tầng lớp thượng lưu địa phương bí mật thỏa thuận với các nhà khai thác mỏ Trung Quốc.
"Ngành khai khoáng như một tổ chức mafia. Hành động tội phạm diễn ra trước mắt chúng tôi và không mang lại lợi ích cho đất nước, người dân Cameroon" - ông Victor Amougou, điều phối viên của CEFAID, chỉ trích.