Việc Central Group phát đi thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng đã dấy lên làn sóng phẫn nộ không chỉ với các doanh nghiệp may mặc, mà cả người tiêu dùng trong nước.
Ghi nhận, ngay sau bức thư được gửi đi ngày 2/7, đã có hàng trăm người lao động cũng như chủ doanh nghiệp biểu tình, treo băng rôn tại văn phòng đại diện Central Group; kêu gọi tẩy chay BigC cũng được phát động rộng rãi trên mạng xã hội.
Trước sức ép dư luận, phía Central Group đã chính thức phản hồi đây chỉ là hành động tạm thời, và Tập đoàn cũng đang xem xét lại nguồn hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhìn lại sự vụ, bức xúc của đơn vị cung ứng là không sai khi quyết định bất ngờ của BigC khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với rủi ro "ứ đọng" hàng, kéo theo đó là thua lỗ với con số lên đến hàng chục tỷ đồng.
Kinh doanh đều hướng đến mục tiêu duy nhất là doanh thu và lợi nhuận
Song, ở một góc độ khác, việc Tập đoàn thay đổi nguồn hàng để có mức lời tốt hơn cũng dễ hiểu, vì suy cho cùng các doanh nghiệp kinh doanh đều hướng đến mục tiêu duy nhất là doanh thu và lợi nhuận, đại diện Tổng CTCP Phong Phú nói.
Chia sẻ với chúng tôi về nhận định trước hành động bất ngờ trên, vị này nói: "Vấn đề phải được phân tích nhiều góc độ. Thứ nhất về luật, cần xem xét đánh giá kỹ liệu BigC đã làm đúng chưa?
Với những doanh nghiệp ngoại đầu tư tại Việt Nam đều có những ràng buột nhất định, lấy ví dụ hoạt động tại khu chế xuất sẽ có nhiều yêu cầu việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm".
Thực tế, động thái "lật ngược ván cờ" của BigC có vi phạm Luật cạnh tranh hay không đã được nhiều chuyên gia đưa ý kiến trước đó, và đa số đều bỏ ngỏ yếu tố vi phạm.
Có thể, quy định của chúng ta vẫn còn nhiều kẽ hở cho đối tác ngoại tận dụng, trước đó BigC cũng "đánh tiếng" dỡ dần hàng hóa mang nhãn hiệu doanh nghiệp Việt xuống kệ hàng, một số bên cho hay.
Trên một mặt ngược lại, quy luật cạnh tranh thực tế lại ủng hộ hành động này, "họ có nguồn hàng rẻ hơn, nhanh hơn, hợp hơn thì họ tất yếu sẽ thay thế".
Đây là thay đổi làm sản xuất dệt may trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt, cơ động, đáp ứng nhanh nhu cầu thì may ra mới cạnh tranh được; và toàn thế giới cũng vậy, không riêng Việt Nam.
Hình ảnh người lao động cũng như chủ doanh nghiệp biểu tình, treo băng rôn tại văn phòng đại diện Central Group.
Kể về lần tham gia hội thảo tiến bộ khoa học máy móc thiết bị ngành dệt may ở Tây Ban Nha, đại diện Phong Phú chia sẻ mới thấy được người ta tiến đến tự động hóa đến mức độ khủng khiếp. Cách đây 3-4 năm khi thế giới nói về tự động hóa đi kèm cuộc cách mạng 4.0 thì ngành dệt may đã sớm ứng dụng công nghệ.
Đặc biệt cho đến hiện tại, nói về máy móc hiện đại thì châu Âu bắt đầu chiếm lại ngôi vương, khả năng công nghệ của họ lúc này đã vượt xa so với Trung Quốc do đó họ trở lại rất mạnh mẽ.
Với những xu thế như vậy, vấn đề của doanh nghiệp theo người trong cuộc là phải đáp ứng nhanh các đơn hàng, thông qua việc ứng dụng thay đổi kỹ thuật số, tăng tính linh hoạt công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất dệt may nhanh hơn, nhiều hơn.
Riêng Phong Phú, từ nay đến năm 2020 Tổng Công ty dự kiến tăng gấp gần gấp đôi sản lượng chỉ may song song tập trung tối đa ngành nghề cốt lõi nhằm tăng lợi thế cạnh tranh dựa trên thế mạnh đang có.
Ngược lại, những lĩnh vực mà khả năng cạnh tranh thấp dự kiến doanh nghiệp sẽ liên doanh liên kết, vừa tạo được lợi thế về lao động, vừa tạo được lợi thế về diện tích mặt bằng, giảm thiểu rác thải…
Ngành bán lẻ nội địa bị "thu hẹp" từ ngày đổ bộ của các tập đoàn lớn
Trở lại với bức tranh toàn ngành dệt may, trên quan điểm cá nhân của đại diện Phong Phú, những năm gần đây khi các tập đoàn lớn trên thế giới nhảy vào, ngành bán lẻ Việt Nam bắt đầu giảm xuống, bán lẻ ở đây là bán lẻ ở các shop, chợ truyền thống.
Trong khi đó, các tập đoàn ngoại lớn thì có lượng hàng của họ, lấy ví dụ mới đây sự việc liên quan đên BigC, hay các hãng khác như H&M… cũng có những lượng hàng rất lớn tại các nước có lợi thế về sản xuất.
Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp Việt chúng ta bị thu hẹp thị trường nội địa do hệ thống bán lẻ bị cạnh tranh. Tự nhìn nhận trên chính doanh nghiệp của mình, vị này nhấn mạnh xét về số lượng bán ra đã thể hiện rõ quy mô bị thu hẹp dần, và công tác bán lẻ theo phương thức trước đây cũng bị thu hẹp dần.
Giải pháp theo đó doanh nghiệp nội địa cần theo đuổi là nâng cao công nghệ thiết bị, áp dụng các giải pháp về quản trị - trong đó quản trị ngày nay phải khác ngày xưa là làm sao "link" được các công đoạn nhằm tối ưu hoá, đòi hỏi phải có sự tổng thể đặc biệt về mặt hệ thống.
Đơn cử ngay cả mặt hàng khăn bông hay sản phẩm quần áo ngày nay khi sản xuất đều được gắn chip vào sản phẩm để dễ dàng quản lý.
Cuối cùng, giải pháp thứ ba chính là nguồn lực. Đặc biệt, dệt may thực tế là ngành công nghệ cao, vị này khẳng định, thiết bị ngành toàn bộ robot, và chỉ còn 2-3 nhân sự điều hành máy móc. Người vận hành lúc này cũng phải hiểu được quy trình hoạt động của máy, để xử lý lúc có sự có.
"Đây là ngành tự động hóa và phát triển khủng khiếp về công nghệ, dây chuyền sản xuất coca - cola nhiều khi không thể so sánh với dây chuyền kỹ thuật ngành dệt may".
Năm 2019, nhận thấy các Hiệp định CPTPP, FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra sức ép về cạnh tranh khu vực và thế giới, Phong Phú định hướng thu hẹp lại một số mảng không phải thế mạnh nhằm phản ứng nhanh với thị trường.
Đồng thời, doanh nghiệp lên kế hoạch tập trung tạo giải pháp dệt may trong giai đoạn mới như máy móc, công nghệ… nhằm đáp ứng lượng hàng vừa cạnh tranh về giá, vừa đảm bảo chất lượng
Riêng 6 tháng đầu năm, Phong Phú ghi nhận doanh thu 1.934 tỷ đồng, lợi nhuận 105 tỷ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 24,4 triệu USD, trong đó khăn chiếm 67%, sợi 12,3%, may mặc 18% và vải 2%.