Bị đồng minh “tạt gáo nước lạnh ngay sân nhà”, Mỹ hứng quả đắng từ S-400?

Kiệt Linh |

Giữa nước Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố thẳng thừng sẽ không từ bỏ tên lửa S-400 như yêu cầu của Mỹ vì không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ với Nga. Với câu trả lời này, Mỹ có lẽ sẽ phải chấp nhận thất bại trước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau những nỗ lực không mệt mỏi nhằm phá bỏ hợp đồng S-400 giữa hai nước.

Tổng thống Erdogan đã khẳng định rằng ông sẽ không đầu hàng trước áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi ông phải ngừng hợp đồng mua các hệ thống phòng không tối tân S-400. Ông Erdogan khẳng định hợp đồng đó quá quan trọng đối với mối quan hệ hữu nghị giữa Ankara và Moscow.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt và dai dẳng của Washington, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO vẫn nhận lô hàng bàn giao S-400 đầu tiên từ Nga hồi tháng Bảy vừa rồi. Sau cuộc gặp với ông Erdogan ngày hôm 13/11, Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên rằng, việc Ankara “mua các tên lửa S-400 sẽ gây ra những thách thức rất nghiêm trọng đối với chúng tôi”. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận nào đạt được giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề giới hạn hay hủy bỏ hợp đồng S-400.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan hôm qua (14/11) đã lên tiếng cho biết, Tổng thống Trump đã nỗ lực tìm cách thuyết phục ông từ bỏ hợp đồng với Moscow nhưng ông này đã từ chối. “Chúng tôi hiện đang có mối quan hệ song phương với Nga. Chúng tôi không thể gạt sang một bên mối quan hệ chiến lược đó của chúng tôi”, ông Erdogan nói.

Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Tổng thống Erdogan chỉ trích, đề nghị của Tổng thống Trump về việc hủy bỏ hợp đồng S-400 là “một sự vi phạm các quyền chủ quyền của chúng tôi”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn cho biết, Washington đã không đúng khi đề nghị Ankara loại bỏ tên lửa S-400 mà nước này vừa mua được từ Nga, miêu tả đó là hành động vi phạm các quyền chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc gặp trực tiếp tại Nhà Trắng hôm 13/11, Tổng thống Trump đã kêu gọi người đồng cấp Erdogan từ bỏ các hệ thống tên lửa S-400 vừa được Nga bàn giao cho Ankara hồi tháng Bảy.

Sau cuộc họp, khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có kích hoạt các tên lửa S-400 hay không, Tổng thống Erdogan đã trả lời thẳng thắn rằng, Ankara không thể làm phương hại đến mối quan hệ với Nga. Ông này cũng đề cập đến việc mua tên lửa Patriot.

"Chúng tôi đã nói: ‘Chúng tôi xem đề nghị hủy bỏ hoàn toàn các hệ thống S-400 và mua các hệ thống Patriot là một hành động vi phạm đến các quyền chủ quyền và đó chắc chắn là điều không đúng đắn'", ông Erdogan nhấn mạnh.

"Đây là nhân tố có tính ràng buộc nhất: Chúng tôi có các nỗ lực chiến lược với Nga”, Tổng thống Erdogan cho hay, nói thêm rằng hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Turkstream từ Nga chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu cung cấp khi đốt cho Châu Âu.

"Tôi không thể từ bỏ các hệ thống S-400 vì Patriots. Nếu các bạn muốn cung cấp cho chúng tôi các hệ thống Patriot, vậy hãy cung cấp cho chúng tôi”, ông Erdogan cho hay.

Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400, Mỹ và các đồng minh phương Tây không giấu nổi sự lo lắng và đã tìm mọi cách để phá hợp đồng này. Giới chức NATO và Mỹ tin rằng, nếu hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara thành công thì đây sẽ là cơ hội mở đường cho Nga tiếp cận, tìm hiểu về các thiết bị chiến tranh của phương Tây, đặc biệt là các chiến đấu cơ F-35.

Việc Ankara theo đuổi S-400 của Nga đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra mối quan hệ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Giới chức Mỹ liên tục đe dọa và cảnh cáo Ankara về hậu quả nếu cứ nhất quyết mua S-400 của Nga. Mỹ đe dọa trừng phạt Ankara và không bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này có trong tay những hệ thống tên lửa S-400.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Mỹ đã phải thất vọng trước sự quyết tâm và cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc theo đuổi hợp đồng S-400 với Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại