Bị đồng minh "làm ngơ", hé lộ quốc gia mới Mỹ đặt căn cứ làm bàn đạp tấn công Iran?

Minh Đức |

Mặc dù quân đội Mỹ được triển khai ở nhiều khu vực tại Trung Đông nhưng các đồng minh lại có vẻ không mặn mà với leo thang xung đột giữa Washington và Tehran.

Sputnik đưa tin, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran không ngừng leo thang, hôm thứ Ba (7/1), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc thảo luận trên nhiều chủ đề với Tổng thống Mỹ- Donald Trump.

"Washington chắc chắn đề cập tới vấn đề hiệp định LEMOA và yêu cầu Ấn Độ giúp đỡ theo các điều khoản của thỏa thuận", ông Kabir Taneja, một học giả tại Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát tại Delhi nhận định.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Thủ tướng Modi đã đã bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Mỹ trong nhiều lĩnh vực mang lại lợi ích chung, trong khi đó, phía Mỹ nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo đã nói về các cách nhằm "củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn trong năm 2020, đồng thời xem xét các vấn đề an ninh khu vực".

Được ký kết vào tháng 8/2016, Biên bản ghi nhớ trao đổi hậu cần (LEMOA) là một trong bốn hiệp định mang tính nền tảng mà Mỹ ký với các đồng minh và đối tác thân cận, với mục đích tạo thuận lợi cho hợp tác giữa quân đội các bên và mua bán công nghệ cao.

Về cơ bản, nó mở đường cho những hỗ trợ hậu cần và dịch vụ giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Mỹ.

Bị đồng minh làm ngơ, hé lộ quốc gia mới Mỹ đặt căn cứ làm bàn đạp tấn công Iran? - Ảnh 2.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (ảnh: Sputnik)

Câu hỏi nhận được nhiều quan tâm nhất là liệu ông Trump có đề nghị được sử dụng hạ tầng cơ sở của Ấn Độ (theo hiệp định LEMOA) trong trường hợp leo thang căng thẳng với Iran tiếp tục gia tăng, đặc biệt là sau khi Pakistan và Afghanistan đã tuyên bố rằng, lãnh thổ của họ không thể được sử dụng để chống lại bất kỳ ai.

"Họ hoàn toàn có thể nêu vấn đề LEMOA, nhưng nếu điều đó xảy ra, đó sẽ chỉ là một kiểm nghiệm cho cam kết của Ấn Độ đối với mối quan hệ hợp tác với Washington", ông Taneja phân tích.

Hiệp định nêu rõ ngoài việc hỗ trợ hậu cần, "mọi nỗ lực hợp tác sẽ chỉ được cung cấp trên nền tảng xem xét từng trường hợp thông qua thống nhất chung của các bên tham gia".

Ước tính có khoảng hơn 65.000 quân nhân Mỹ đang được triển khai tại Tây Á và Afghanistan. Jordan, Kuwait, Bahrain, Oman, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE là những quốc gia mà từ đó Mỹ có thể tiến hành các hoạt động tấn công đáp trả trong trường hợp Iran trả đũa cho cái chết của Tướng Soleimani bị Mỹ ám sát hôm 3/1 tại Baghdad, Iraq.

"Tôi không nghĩ Mỹ cần Ấn Độ trở thành một sân khấu lớn cho bất kỳ xung đột nào của họ với Iran, nhất là khi các căn cứ của họ luôn sẵn sàng trong khu vực và châu Âu", ông Taneja dự đoán.

Tuy nhiên phản ứng của các đồng minh Mỹ cho thấy họ không ủng hộ leo thang căng thẳng trong khu vực. Truyền thông địa phương đưa tin, Washington không "tham vấn" Arab Saudi trước khi hạ lệnh không kích tướng Iran. Bahrain – nơi đang đặt Bộ Tư lệnh Trung ương Hải quân Mỹ, được cho là cũng muốn tránh gia tăng bạo lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại