Đối đầu với máy bay do thám Mỹ, chiến đấu cơ Trung Quốc bị xé đôi
Vụ việc trên diễn ra vào ngày 1/4/2001, khi một máy bay do thám EP-3E của Hải quân Mỹ hoạt động gần đảo Hải Nam, chiếc EP-3E hoạt động gần 6 giờ trong khu vực chuẩn bị kết thúc nhiệm vụ thì bất ngờ bị hai máy bay chiến đấu J-8II của Không quân Trung Quốc đánh chặn.
Việc một trong hai máy bay chiến đấu Trung Quốc liên tiếp 3 lần ép máy bay do thám Mỹ phải chuyển hướng đã dẫn tới hậu quả thảm khốc, khi phần đầu chiếc EP-3E đâm vào đuôi chiếc J-8II.
Máy bay do thám EP-3E của Hải quân Mỹ. Ảnh: Airliners.net.
Vụ va chạm khiến mũi máy bay Mỹ bị thủng, một cánh quạt rơi ra và 2 trong số 4 động cơ hỏng nặng. Chiếc EP-3E sau đó buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ không quân Linh Thuỷ, trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Trong khi đó, vụ va chạm khiến chiếc J-8II của Trung Quốc gãy phần cánh đuôi và thân máy bay hư hại nặng. Phi công Vương Vĩ điều khiển chiếc J-8ll không thể thoát ly khỏi máy bay và tử nạn ngay sau đó.
Máy bay chiến đấu J-8II của Trung Quốc trong một lần chạm mặt với máy bay do thám Hải quân Mỹ vào đầu năm 2001. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Phi hành đoàn trên chiếc EP-3E sau khi hạ cánh xuống đảo Hải Nam, bị Quân đội Trung Quốc bắt giữ ngay lập tức. Phải đến khi Washington và Bắc Kinh giải quyết được vụ việc thông qua con đường ngoại giao họ mới được trả tự do vào ngày 12/4/2001.
Vụ việc trên được xem là một trong những cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất giữa máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi có tổn thất về nhân mạng.
Dù mất một máy bay chiến đấu và một phi công, nhưng việc Trung Quốc có thể tiếp cận và "mổ xẻ" một trong những máy bay do thám hiện đại nhất của Hải quân Mỹ khi đó đối với Bắc Kinh mà nói gần như là một món quà từ trên trời rơi xuống.
Dùng cà phê để phá hủy máy tính do thám
Lockheed EP-3 ARIES II (Airborne Reconnaissance Integrated Electronic System) là một trong những dòng máy bay do thám chính của Hải quân Mỹ, được chế tạo dựa trên nền tảng máy bay săn ngầm P-3C Orion. Điểm phân biệt EP-3 ARIES II với P-3C Orion là máy bay không có phần đuôi dài mang theo từ kế và có thêm một khối radar tròn phía dưới bụng.
Với hệ thống trinh sát điện tử được trang bị, EP-3 có thể xác định và phân loại chính xác các tín hiệu điện tử từ bất kỳ thiết bị quân sự nào của đối phương.
Có trong tay một trong những máy bay do thám hiện đại nhất của Hải quân Mỹ đối với Trung Quốc là "món quà" còn quý hơn cả vàng. Ảnh: bên trong buồng lái của một máy bay săn ngầm P-3 của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Đối với Quân đội Trung Quốc, họ không thể chấp nhận việc các máy bay do thám của Mỹ (chủ yếu là EP-3 và RC-135) cứ lượn lờ gần không phận mà không có động thái đáp trả nào. Bởi chỉ cần một chút lơ là người Mỹ có thể sẽ phát hiện ra điểm yếu trong hệ thống phòng không của Trung Quốc.
Do đó việc có trong tay một chiếc EP-3E sẽ giúp Trung Quốc có cách đối phó triệt để với các hoạt động do thám của Mỹ trong tương lai.
Những thiết bị do thám, dữ liệu tình báo hay nhiệm vụ mà chiếc EP-3E phải thực hiện gần đảo Hải Nam đối với Hải quân Mỹ đều thuộc hàng thông tin tuyệt mật, việc chúng rơi vào tay Trung Quốc mà nói sẽ là một thảm họa tình báo.
Sau vụ va chạm với chiếc J-8ll, dù mất hai động cơ phi công EP-3E vẫn cố gắng giữa máy bay ở độ cao an toàn, đồng thời kéo dài thời gian cho phép phi hành đoàn kịp tiêu hủy các thiết bị do thám và tài liệu nhạy cảm liên quan đến nhiệm vụ mà họ đang thực hiện gần đảo Hải Nam.
Điều đáng nói là, không có bất cứ sĩ quan nào trên chiếc EP-3E được đào tạo hay hướng dẫn cách xử lý tình huống mà nó đang gặp phải. Bởi theo thông lệ, họ chỉ được phép hạ cánh xuống biển và đợi lực lượng cứu hộ đến giải cứu.
Chiếc EP-3E "thân tàn ma dại" sau khi trở về Mỹ. Ảnh: AP.
Trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", phi hành đoàn EP-3E quyết định đổ toàn bộ số cà phê mà họ có vào các thiết bị điện tử đồng thời ném mọi tài liệu về nhiệm vụ thông qua một cửa mở trên máy bay với hy vọng các thông tin mật mà họ đang nắm giữ sẽ an toàn trước Quân đội Trung Quốc.
Sau khi hạ cánh xuống căn cứ Linh Thuỷ, phi hành đoàn EP-3E bị Quân đội Trung Quốc thẩm vấn trong suốt 10 ngày liên tục trước khi được trả tự do. Còn chiếc EP-3E bị Trung Quốc tháo tung và được gửi trả về Mỹ trong tình trạng không thể tệ hơn thông qua sự trung gian của người Nga.
Đến nay vẫn chưa rõ Quân đội Trung Quốc đã thu thập được những thông tin hay công nghệ nào từ chiếc EP-3E, bởi đến cả Hải quân Mỹ khi đó cũng không biết có những tài liệu hay dữ liệu tình báo nào trên máy bay. Nhưng có một thực tế rõ ràng là Bắc Kinh được nhiều hơn là mất sau vụ việc này.
Vụ va chạm trên không giữa máy bay do thám EP-3E của Mỹ và chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc gần đảo Hải Nam năm 2001.