Bị "đánh hội đồng", liệu TT Donald Trump có chống đỡ được các cú đòn hiểm của các đối thủ?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tổng thống Trump đang đứng trước sức ép to lớn của báo chí và đảng Dân chủ tố cáo ông câu kết với Nga chống lại lợi ích của nước Mỹ.

"Búa rìu" hướng vào TT Trump

Ngày 11/1/2019, tờ New York Times tiết lộ rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã mở một cuộc điều tra xung quanh việc nghi ông Trump thông đồng với người Nga trong chiến dịch tranh cử giúp ông trở thành Tổng thống năm 2016 và nghi ngờ ông làm gián điệp cho Nga, chống lại lợi ích quốc gia.

Ông Trump coi đây là một việc làm của các quan chức thất bại, tham nhũng trong một phản ứng thể hiện sự bất mãn ngày càng tăng đối với những quyết sách của ông, đặc biệt là sau khi chính phủ đóng cửa bước vào ngày thứ hai mươi sáu, dài nhất trong lịch sử nước Mỹ và đến nay vẫn không giải quyết được bất đồng xung quanh việc xây dựng bức tường Mexico.

Ngay ngày hôm sau, báo Washington Post cũng phanh phui việc Tổng thống Trump đã không cho phép các thành viên cao cấp của chính phủ tham gia vào cuộc gặp nhạy cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki ngày16/7/2018.

Trong các diễn biến khác, Quốc hội Mỹ đã mời Marina Gross, thông dịch viên của Bộ Ngoại giao và là người Mỹ duy nhất có mặt trong cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ giữa Trump và Putin ở Helsinki để chia sẻ những gì cô biết về nội dung cuộc họp.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần, một chiến dịch mới chống lại ông D. Trump càng trở nên rõ ràng hơn. Các thành viên của đảng Dân chủ hiện kiểm soát Hạ viện đang xoáy vào nội dung các cuộc gặp gỡ giữa ông với Tổng thống Nga Putin tại Helsinki.

Họ nói rằng ông đã che giấu các chi tiết về cuộc gặp Helsinki với Tổng thống Putin. Washington Post trích dẫn các tuyên bố của đảng Dân chủ tố cáo Trump ngay sau cuộc họp đã lấy lại tất cả các băng ghi âm từ người phiên dịch và yêu cầu người phiên dịch không được thông báo cho chính quyền về các chi tiết của cuộc gặp gỡ.

Bị đánh hội đồng, liệu TT Donald Trump có chống đỡ được các cú đòn hiểm của các đối thủ? - Ảnh 1.

FBI đã mở một cuộc điều tra xung quanh việc nghi ông Trump bắt tay với Nga và chống lại lợi ích quốc gia. Ảnh: EPA

Cựu Đại sứ Mỹ tại Moskva, Michael Anthnony McFaul nói "việc ông Trump không cho chính quyền biết nội dung cuộc gặp Putin là không hợp lý, ngay cả khi hai nhà lãnh đạo nói chuyện trực tiếp, các cố vấn nên được thông báo về nội dung cuộc gặp này."

Đảng Dân chủ bắt đầu chiến dịch chống ông Trump ngay sau khi ông đắc cử Tổng thống cuối năm 2016 và sẽ còn tiếp tục tố cáo nhằm phế truất hoặc ít ra cũng hạ uy tín của ông trong cuộc tranh cử sắp tới.

Để đạt được mục đích này, những người dân chủ sẽ tìm mọi lý do, trong đó tập trung tố cáo sự thông đồng giữa Tổng thống Trump với Moskva. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, chắc chắn cuộc đấu đá trong nội bộ nước Mỹ sẽ còn hết sức gay gắt.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ một Tổng thống bị tố cáo làm gián điệp cho nước ngoài. Bất kể có bằng chứng hay không thì ông Trump vẫn đang phải chịu một sức ép chưa từng có và dù muốn hay không thì cũng phải đợi kết quả điều tra cuối cùng.

Cựu trợ lý Thứ trưởng Tư pháp Bruce Fain nói, những điều New York Times tiết lộ về cuộc điều tra của FBI là rất quan trọng, bởi vì nó gây áp lực lên Trump và Ủy ban điều tra khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 có thể sử dụng để quyết định sự cần thiết phải bãi nhiệm Tổng thống.

Đảng Dân chủ cũng đòi thẩm vấn các quan chức giám sát cuộc điều tra và yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan.

Ông nói thêm rằng những bằng chứng này có thể được công khai hoá cho người dân Mỹ biết, đặc biệt trong tình hình có sự hợp tác chặt chẽ giữa Đảng Dân chủ và FBI để điều tra những nghi ngờ về mối quan hệ của Trump với Nga.

Ông không cáo buộc Trump phản bội lợi ích quốc gia, nhưng có thể nó gần giống như một vụ làm gián điệp và nếu có bằng chứng thuyết phục thì có thể chấm dứt sớm nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Ông Fain nói rằng, thường thì FBI chỉ đưa ra các bằng chứng sau khi kết thúc cuộc điều tra và công bố kết quả để tránh việc các nghi phạm có thể làm giả các bằng chứng.

Việc FBI mới đây để lọt thông tin cho New York Times là không bình thường, mặc dù có nhiều bằng chứng đáng để xem xét như việc ông Trump nói rằng ông tin Tổng thống Nga Putin và cơ quan tình báo Nga hơn tình báo Mỹ liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Chưa có bằng chứng cụ thể

Trong tình hình mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ chính quyền Mỹ, những người chống Tổng thống Trump, đứng đầu là phe dân chủ đang tìm mọi cớ để hạ bệ ông.

Không thể nói ông Trump làm gián điệp cho Nga và cũng không thể khẳng định ông Trump câu kết với Moskva để chống lại lợi ích của nước Mỹ. Người phát ngôn văn phòng Tổng thống Nga Dimitri Peskov tuyên bố "việc nói có sự câu kết giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ là hoang tưởng không bao giờ tồn tại trên trái đất này."

Thực tế, kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống quan hệ giữa Mỹ và Nga đã trở nên căng thẳng hơn rất nhiều so với thời ông Barack Obama. Chính Tổng thống Trump đã quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa Lãnh sự quán của Nga tại Saeatle.

Bị đánh hội đồng, liệu TT Donald Trump có chống đỡ được các cú đòn hiểm của các đối thủ? - Ảnh 2.

Chính ông Trump đã tăng cường các biện pháp cấm vận Nga, rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) và nhiều chính sách khác chống Nga. Quan hệ Washington và Moskva rơi vào tình trạng căng thẳng hơn cả thời kỳ chiến tranh lạnh.

Stephen Rogers, thành viên của Hội đồng cố vấn trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng Toingr thống Trump không nên quá lo lắng về cuộc điều tra của FBI.

Ông nói chính tờ New York Times đã khẳng định những gì họ công bố là mang tính chất thiên vị và họ đã sử dụng tin tức giả không được kiểm chứng bởi vì không có bất cứ bằng chứng nào về sự câu kết giữa Trump và Nga, nhưng tờ báo muốn tạo ra những tình tiết để cản trở công việc của Trump.

Stephen Rogerscho rằng riêng việc nói tổng thống Mỹ làm việc cho người Nga là hết sức kỳ quặc, bởi vì hoàn toàn không có bằng chứng nào cả, ngay cả khi mở cuộc điều tra, hầu hết các rò rỉ và các báo cáo đều từ các nhân viên cũ bất mãn với Trump.

Ông Trump tin sẽ tái đắc cử Tổng thống vào năm 2020

Nói gì thì nói, nhưng phải thừa nhận trong nửa nhiệm kỳ qua ông Trump đã thực hiện hầu hết các cam kết của mình đưa ra trong chiến dịch tranh cử, phục vụ cho mục tiêu "nước Mỹ trên hết" của ông.

Sau khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump đã bắt tay ngay vào cải thiện tình hình kinh tế của Mỹ thông qua các hoạt động tranh thủ được hàng trăm tỷ USD đầu tư từ các nước Ả Rập vùng Vịnh giàu có.

Các chính sách của ông đã đem lại hiệu quả thiết thực. Việc cắt giảm thuế và đưa các ngành chế tạo về trong nước đã tạo ra 4,5 triệu việc làm cho người lao động, hạ tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ 10% thời ông Obama xuống còn 3,7%, mức thấp nhất kể từ 50 năm nay.

Năm 2018, kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng ngoạn mục hơn 3% và trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới kể từ năm 2008 đến nay. Tội phạm giảm đáng kể, dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ được ngăn chặn, an ninh biên giới được đàm bảo.

Ông Trump nói "không một tổng thống Mỹ nào có thể so sánh được những thành tựu của tôi". Dù còn có nhiều vấn đề, nhưng đại bộ phận người dân Mỹ thấy rằng kinh tế Mỹ đang phát triển, vị thế của đất nước cả về kinh tế, an ninh lẫn quân sự được củng cố là nhờ chính sách của Tổng thống Trump.

Cùng với những thành công về kinh tế trong nước, ông Trump đang cố gắng tìm cách giảm các cam kết đối với bên ngoài.

Việc cắt giảm đóng góp tài chính cho Liên minh NATO, quyết định rút quân khỏi Syria, ngừng ủng hộ Liên minh Ả Rập trong cuộc chiến Yemen, giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên... cũng là nhằm phục vụ lợi ích của nước Mỹ.

Năm 2019 sẽ là một năm đầy thách thức đối với Tổng thống D. Trump. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, với sự ủng hộ của đa số dân Mỹ ông sẽ vượt qua tất cả những thách thức này và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại