Chẳng qua là một bát cơm
Một ngày nọ, có hai nhân viên đang bị nhiều áp lực ở chỗ làm việc nên quyết định cùng nhau tìm tới một vị sư thầy nhờ giúp đỡ.
Khi gặp được vị sư phụ họ liền hỏi: "Thưa đại sư, chúng con ở nơi làm việc hay bị ức hiếp, cầu xin ngài chỉ bảo, chúng con có nên xin nghỉ việc ở đó hay không?"
Vị sư phụ không trả lời, chỉ khẽ nhắm mắt, sau một hồi lâu, ông cuối cùng cũng mở lời, nhưng chỉ nói đúng 6 từ: "Chẳng qua là một bát cơm". Sau đó, ông phất phất tay, ra ý bảo hai người rời đi.
Sau khi hai người trở lại công ty, một người trong đó lập tức nộp đơn xin nghỉ việc, quyết định trở về quê hương làm ruộng, người còn lại tiếp tục ở lại công ty.
Thoáng một cái đã mười năm trôi qua, người trở về quê hương làm ruộng, luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người nông dân đi trước, lấy môi trường thân thiện làm phương thức kinh doanh, kết quả của sự cần cù cố gắng là đã trở thành một chuyên gia nông nghiệp.
Còn vị ở lại công ty cũng trải qua nhiều thay đổi, anh ta đã tự mình điều chỉnh bản thân cho phù hợp, cố gắng tận tâm trong công việc nên dần dần được coi trọng, được thăng chức lên làm quản lý.
Ảnh minh họa.
Đến một ngày kia, 2 thanh niên ngày nào lại có cơ hội gặp lại nhau.
Vị chuyên gia nông nghiệp nói: "Thật là kỳ lạ, lão sư phụ ngày trước nói chỉ một câu "Chẳng qua là một bát cơm ", năm chữ này tôi nghe xong liền hiểu ngay, chẳng qua cũng chỉ vì một bát cơm thôi, sao phải miễn cưỡng ở lại công ty mà không rời đi? Cho nên tôi đã xin nghỉ việc ngay".
Sau đó, anh ta hỏi người bạn của mình: "Tại sao khi đó anh lại không nghe theo lời nói của sư phụ vậy?".
Người quản lý vừa cười vừa nói: "Tôi nghe xong sư phụ nói ‘Chẳng qua là một bát cơm’, nên mỗi khi phải chịu nhiều sự khinh bỉ, chịu nhiều rắc rối, tôi chỉ cần nghĩ: ‘Cùng lắm cũng chỉ là để kiếm miếng cơm ăn’, cho nên dù ông chủ nói bất kể điều gì khó chịu, chỉ cần mình bớt hờn giận, bớt so đo, đừng cái gì cũng để ý chấp vặt thì ta sẽ vui vẻ, lão sư phụ không phải là có ý này sao?".
Một ngày khác, cả hai lại đến thăm vị sư phụ, lão sư phụ lúc này có chút già đi, ông vẫn nhắm mắt trầm tĩnh, sau một chốc rồi thốt ra câu: "Chẳng qua là một suy nghĩ". Sau đó nhẹ nhàng phất phất tay ra hiệu cả hai nên rời đi.
Gắng gượng sống và tận hưởng cuộc sống
Thời tiết oi bức khiến hoa trong thiền viện bị héo rũ hết cả.
"Trời ơi, mau đi tưới nước thôi". Tiểu hoà thượng hô lên, rồi chạy đi lấy thùng nước.
Lão hoà thượng ngăn lại: "Đừng gấp gáp. Giờ đang là thời điểm nắng gắt nhất, một nóng một lạnh gặp nhau sẽ càng khiến cây dễ chết, con đợi một lát nữa rồi hẵng đi tưới".
Đến chiều tối, chậu hoa kia đã gần như héo rũ như cải muối.
Tiểu hoà thượng lẩm bẩm: "Tại không tưới nước sớm đây mà. Giờ nó chắc chắn đã chết rồi, có tưới thế nào cũng không sống lại được nữa đâu".
Lão hoà thượng sai bảo: "Con đừng luyên thuyên nữa, mau đi tưới cây đi".
Tưới nước xong, không lâu sau, những bông hoa đã rũ xuống kia đột nhiên tươi tắn hẳn lên, trông tràn đầy sức sống.
Tiểu hoà thượng hô lên: "Trời ơi! Chúng giỏi thật đấy, vậy mà vẫn gắng gượng sống tiếp được".
"Sai rồi", lão hòa thượng sửa lại: "Không phải là gắng gượng sống mà là trải nghiệm cuộc sống".
Ảnh minh họa.
Tiểu hòa thượng cúi đầu nói: "Con thấy có gì khác nhau đâu ạ?"
Lão hòa thượng vỗ đầu tiểu hòa thượng giảng giải: "Tất nhiên là khác nhau rồi. Ta hỏi con, năm nay ta ngoài 80 tuổi rồi, ta đây là đang gắng gượng sống hay là đang trải nghiệm cuộc sống?"
Cho đến khi kết thúc giờ học tối, lão hòa thượng mới gọi tiểu hòa thượng đến trước mặt mình và hỏi: "Thế nào? Con đã nghĩ thông chưa?"
"Dạ chưa". Tiểu hòa thượng vẫn cúi đầu.
Lão hòa thượng gõ đầu tiểu hòa thượng rồi giải thích: "Đứa bé ngốc, một người cả ngày chỉ nơm nớp lo sợ cái chết thì chính là đang gắng gượng sống. Còn người mỗi ngày đều tích cực nhìn về phía trước mà sống chính là đang trải nghiệm cuộc sống.
Có được một ngày để sống thì phải sống ngày ấy cho thật tốt. Lúc đang sống mà ngày ngày còn phải lo sợ cái chết, lo đi thắp hương bái phật, mong cho sau khi chết đi có thể thành Phật thì chắc chắn không thể thành Phật được.
Đời này người đó có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, nhưng lại không sống cho có ích thì ông trời cớ gì phải để họ trải qua những ngày tháng tốt đẹp hơn sau khi chết chứ?"