Mâu thuẫn vợ chồng đến từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đó là lý do vì sao có rất nhiều cuộc hôn nhân ngỡ hạnh phúc bình yên nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu, đôi khi cảm giác muốn ly hôn thôi thúc không cần đến người thứ 3 xuất hiện.
Thu Phương (32 tuổi, đã kết hôn 5 năm) chia sẻ câu chuyện của mình, dù nghe qua có vẻ "không đáng" nhưng nó lại là mồi lửa khiến cô thêm cứng rắn.
Cô kể: “Chồng mình làm ra tiền nhưng tính rất gia trưởng. Lương mình chỉ bằng 1/5 lương chồng. Mỗi tháng anh ấy thu nhập khoảng 30 triệu nhưng nhất quyết chỉ đưa vợ 10 triệu. Anh ấy bảo 'con số đó ối người mơ ước', còn lại anh ấy để làm gì mình cũng không biết và không được quyền hỏi. Nếu nhà có công to việc lớn anh sẽ là người lo, song chồng mình cũng chỉ ném ra cục tiền chứ chẳng quan tâm, đoái hoài. Thậm chí anh còn nhắc: 'Tiền chứ không phải vỏ hến đâu, tiêu thì liệu liệu'. Mà toàn công việc của nhà chồng, bố mẹ chồng ốm đau, cưới hỏi, sửa nhà…”.
Ảnh minh họa
Mấy ngày nghỉ lễ vợ chồng Phương cho con về chơi với ông bà. Bình thường cô sẽ bày vẽ làm món nọ món kia nhưng nay ông bà báo đi ăn cỗ cưới, vợ chồng chú em thì đi du lịch. Phương rán gà cho bọn trẻ con ăn trước, còn làm 2, 3 món đơn giản để ăn cơm. Thế mà vừa nhìn mâm cơm, chồng Phương gắt: “Ăn uống kiểu gì thế này, ngày nghỉ mà có bữa cơm cũng không được ăn tử tế”.
“Mình ức lắm rồi nhưng vẫn cố nhịn. Mình nhẹ nhàng phân tích hôm nay mọi người đi hết, sáng thì mới đi ăn liên hoan bạn bè rồi chiều tối ăn nhẹ nhàng cũng được chứ sao. Mâm cơm vẫn có đủ tinh bột, đạm, chất xơ, không đến mức quá tệ, làm nhiều thừa ra lại để tủ lạnh ăn lay lắt. Nhưng chồng mình vẫn 1 mực ‘nhìn đã muốn đổ đi’. Anh ấy còn nói đưa tiền cho mình mỗi tháng không thiếu 1 đồng mà để anh ấy ăn uống thế này. Ức phát khóc lên”, Phương tâm sự.
Trước giờ cô luôn “1 phép” với chồng không bao giờ dám thái độ gì nhưng lần này bị dồn nén từ quá nhiều uất ức nên cô phản xạ như 1 giọt nước tràn ly.
Nhìn vợ hất cả thức ăn ra sân không một động tác thừa chồng Phương trợn mắt hỏi cô “định làm loạn à”. Phương vẫn nhẹ nhàng trả lời: “Thì anh bảo đổ đi nên em đổ. Em nghe anh mà sao anh quát em?”.
Nói rồi cô vào tủ lấy ra 7 triệu đưa chồng tuyên bố: “Anh cầm lấy đi, lương em tháng này đấy. Vì em đưa anh bằng 7/10 số tiền mọi tháng anh đưa em nên em sẽ làm 7 phần công việc của cái nhà này. Coi như hòa. Chứ bố mẹ em gả em đi lấy chồng là mong con gái được yêu thương, chăm sóc chứ không phải làm ô sin cho anh lên giọng đòi hỏi. Đừng thấy em không nói gì thì nghĩ em dại. Mà ai quy định là đàn bà phải ở nhà cơm nước dọn dẹp phục vụ chồng?
Không có ai là người làm loạn ở đây cả, khi giá trị con người và vị thế bị đảo lộn thì nên lập lại trật tự thôi. Anh cũng có con gái đấy, sau này con rể đối xử với con gái anh thế này chắc anh vui lắm”.
Dọn bát đũa xong cô lấy xe đi chơi, để lại cho chồng 1 câu: “Có kiếm ra bao nhiêu tiền, hô mưa gọi gió ngoài xã hội thế nào mà về nhà không làm cho vợ con hạnh phúc thì anh mãi là đàn ông thất bại mà thôi".
Ảnh minh họa
Quả thật màn “bật chồng” này thật khiến người ta hả hê. Cuộc sống hôn nhân có rất nhiều vấn đề nhỏ nhặt nhưng gộp lại sẽ thành chuyện lớn. Có rất nhiều cách để chúng ta giải quyết, khi không còn có thể cứu vãn nghĩ đến ly hôn cũng chưa muộn. Quan trọng vẫn là sự chia sẻ thẳng thắn với nhau để cùng tìm cách tháo gỡ. Hãy phân tích cho anh ta hiểu sự thoải mái và những nụ cười hạnh phúc trong 1 gia đình mới là quan trọng chứ không phải ai có vị thế hơn ai.
Điều tối kị là chịu nhịn quá lâu để xảy ra những phản ứng bộc phát có thể mang đến hậu quả đáng tiếc. Hơn nữa, sự cam chịu của bạn lại là lý do chính đáng nhất để đàn ông biến tật xấu thành thói quen cố hữu.