National Geographic đưa tin, một người đàn ông sống tại bang Texas (Mỹ) vừa phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị rắn độc cắn. Điều kỳ lạ là "thứ" đã tấn công ông này không phải là một con rắn nguyên vẹn, mà cái đầu đã lìa khỏi thân con rắn đã khiến tính mạng ông này bị đe dọa.
Chuyện là... khi đang làm vườn, ông này phát hiện một con rắn chuông dài 1,2m. Biết là rắn độc và để phòng vệ, người đàn ông liền lấy xẻng và chặt cụt đầu con rắn. Tưởng rằng làm như thế có thể kết thúc được mối nguy hiểm chết người. Nào ngờ! Đầu con rắn vẫn tung cú đớp cuối cùng vào ông này, khiến ông phải nhập viện trong đau đớn.
Theo báo chí địa phương, mặc dù đầu đã lìa khỏi thân nhưng sau cú đớp cuối cùng, con rắn vẫn kịp bơm một lượng nọc độc chết người vào đối tượng vừa tấn công mình. Người đàn ông sau đó đã được chuyển lên bệnh viện trung tâm của bang, được các bác sĩ tiêm một lượng lớn thuốc kháng siêu vi. Một tuần sau, tình trạng của bệnh nhân mới ổn định trở lại.
Rắn đuôi chuông kim cương miền Tây (nước Mỹ).
Con rắn đã tấn công người đàn ông vào phút cuối của cuộc đời nó chính là loài rắn đuôi chuông kim cương miền Tây (nước Mỹ).
Nọc độc của rắn đuôi chuông kim cương miền Tây có chứa các enzyme có khả năng phân giải protein, tiêu diệt các mô, phá hủy mạch máu, tế bào máu và xâm nhập vào tim.
Ban đầu, nạn nhân sẽ gặp các triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt, co giật. Sau đó, không chỉ gây xuất huyết nặng trong nội quan, độc tố của loài rắn này còn khiến nạn nhân bị hoại tử cơ, có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn nếu không được can thiệp y tế.
Theo các nhà khoa học, việc đầu rắn đã lìa khỏi thân vẫn có thể tấn công là câu chuyện không hề hiếm. Bởi, loài rắn, cũng giống như nhiều loài bò sát khác, vẫn giữ lại phản xạ nhiều giờ sau khi chết.
Riếng đối với loài rắn độc, phản xạ cắn diễn ra rất mạnh vì bản năng của chúng là tấn công (bằng cú đớp cực nhanh chứa nọc độc) về phía kẻ thù.
"Cơ chế đằng sau hành vi kỳ lạ này là một hệ thống thần kinh được lập trình sẵn để thực hiện một số chuyển động nhất định mà không cần não gửi tín hiệu." - Giáo sư sinh học Bruce Jayne thuộc Đại học Cincinnati (Mỹ) giải thích thêm.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic