Ngày 23-8, sau hai ngày xét xử sơ thẩm, TAND huyện An Dương (Hải Phòng) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Cường (51 tuổi, nguyên kế toán Trường THCS Hồng Phong, huyện An Dương) bảy năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng
Theo cáo trạng, từ năm 2013, bị cáo Nguyễn Văn Cường làm kế toán của Trường THCS Hồng Phong, được nhà trường giao nhiệm vụ thu, nộp tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các giáo viên trong trường.
Tuy nhiên, sau khi thu, bị cáo Cường chỉ nộp tiền BHXH giáo viên diện biên chế cho BHXH huyện An Dương, còn tiền BHXH của giáo viên hợp đồng bị ông này giữ lại tiêu xài cá nhân.
Từ tháng 1-2013 đến tháng 9-2013, ông Cường đã thu hơn 320 triệu đồng của các giáo viên thuộc diện hợp đồng của nhà trường nhưng không nộp vào tài khoản của BHXH.
Ông này còn mang bảy sổ BHXH của bảy cô giáo hợp đồng mang cầm để vay lãi ngoài số tiền 60 triệu đồng.
VKSND huyện An Dương cáo buộc ông Nguyễn Văn Cường phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điểm c, d khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt 6-13 năm.
Tại tòa, bị cáo Cường kêu oan cho rằng cáo trạng quy kết không đúng. Theo bị cáo, việc thu, nộp BHXH chỉ là thu hộ, các giáo viên nhờ bị cáo chứ bản thân không được trường giao công việc này.
Bị cáo thừa nhận có thu tiền BHXH của các cô giáo hợp đồng nhưng không tiêu xài cá nhân.
Theo bị cáo, một phần số tiền này đã được chi cho các hoạt động khác như chi 20 triệu khi có đoàn thanh tra, chi 15 triệu tổ chức cắm trại… theo chỉ đạo của hiệu trưởng. Số tiền còn lại bị cáo đưa cho hiệu trưởng cầm.
“Đây là sự thật 100% luôn. Hiệu trưởng chỉ đạo bị cáo bằng mồm” - bị cáo Cường nói khi tòa hỏi có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc này không.
Ông Vũ Văn Độ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Phong, khẳng định không có chuyện ông chỉ đạo lấy tiền BHXH của giáo viên chi cho việc khác.
“Cái này ông Cường ông ấy cứ nói linh tinh, bịa ra như thế. Khi phát hiện tôi đã yêu cầu ông Cường phải nộp nhưng ông ấy cứ ì ra, không chịu nộp nên tôi phải báo cáo cấp trên” - ông Độ nói.
Tố mất 300 triệu đồng khi khám xét nơi làm việc
Tại tòa, bị cáo Cường khai có để 300 triệu đồng trong tủ tại phòng làm việc ở trường.
Nhưng ngày 17-8-2017, Công an huyện An Dương thực hiện khám xét nơi làm việc của bị cáo Cường tại Trường THCS Hồng Phong, không có mặt bị cáo như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Số tiền 300 triệu đồng này đã bị mất khi khám xét.
Công an huyện An Dương cho rằng việc khám xét có mặt của đại diện nhà trường, Công an xã Hồng Phong, quá trình khám xét không thấy có số tiền nào ở phòng làm việc của bị cáo.
Công an huyện An Dương thừa nhận việc thực hiện khám xét nơi làm việc mà không có mặt bị cáo là vi phạm tố tụng. Công an huyện An Dương sẽ kiểm điểm, xử lý đối với điều tra viên theo quy định của ngành.
Tại tòa, điều tra viên Nguyễn Đức Tân, cán bộ Công an huyện An Dương, thừa nhận đã có sai sót khi không đưa bị cáo tới khi thực hiện khám xét nơi làm việc.
Điều tra viên Tân cho rằng sai sót này là do điều tra viên nhầm lẫn giữa việc khám xét nơi ở và nơi làm việc. “Tôi khẳng định khi khám xét không thấy bất cứ khoản tiền nào” - điều tra viên Tân nói.
Những người được mời tham dự buổi khám xét gồm ông hiệu trưởng, bà chủ tịch công đoàn Trường THCS Hồng Phong, ông công an viên xã Hồng Phong khẳng định có chứng kiến việc khám xét từ đầu đến cuối, các cán bộ điều tra chỉ thu giữ một số tài liệu liên quan tới vụ án, không thấy có tiền trong phòng làm việc của bị cáo Cường.
Đại diện VKS cũng thừa nhận việc khám xét không có mặt của bị cáo mà không đưa vào biên bản khám xét là sai với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, đại diện VKS cũng khẳng định quá trình khám xét không phát hiện số tiền 300 triệu đồng như bị cáo khai.
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng việc truy tố tội danh lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản là chưa chính xác. Theo luật sư, bị cáo là kế toán nhưng không có nhiệm vụ, quyền hạn thu nộp BHXH.
Đại diện VKS cho rằng bị cáo là kế toán, được trường giao nhiệm vụ thu, nộp tiền BHXH nên đã đảm bảo là người có chức vụ, quyền hạn.
“Nếu bị cáo không phải là kế toán, được giao thu, nộp tiền BHXH thì làm gì có việc các giáo viên nộp tiền BHXH cho bị cáo” - đại diện VKS lập luận.
Các giáo viên tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đồng tình với quan điểm này của đại diện VKS.
HĐXX nhận định quá trình điều tra, bị cáo khai sử dụng tiền chiếm đoạt vào chi tiêu cá nhân nhưng tại tòa thay đổi lời khai cho rằng số tiền đó chi cho hoạt động của trường, còn lại giao cho hiệu trưởng, bị cáo không chiếm đoạt.
Tuy nhiên, ngoài lời khai, bị cáo không có căn cứ gì chứng minh nên tòa không chấp nhận.
HĐXX không chấp nhận quan điểm của luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội lạm dụng chức vụ , quyền hạn.
Theo tòa, đã có đủ cơ sở để xác định bị cáo phạm vào tội danh này vì bị cáo là kế toán được trường giao nhiệm vụ thu, nộp tiền BHXH của giáo viên.
HĐXX cho rằng hành vi này đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, xâm hại quyền lợi công dân, cần xử nghiêm khắc, cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian dài.
Tòa tuyên phạt bị cáo mức án bảy năm tù, buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền nộp BHXH của các giáo viên trường.
HĐXX nhận định ông Vũ Văn Độ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Phong, đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc dẫn tới hậu quả bị cáo Cường chiếm đoạt số tiền BHXH của giáo viên trong thời gian dài.
Tòa kiến nghị Công an huyện An Dương tiếp tục điều tra, xử lý sau.