Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 19-12 đến 22-12-2014 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Khánh Hòa kiểm tra, phát hiện nhiều xác rùa biển – một trong những loại động vật nguy cấp, quý hiếm cấn phải ưu tiên bảo vệ đang được cất giấu tại khu chăn nuôi của bà Vũ Thị Hải Thanh ở thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng.
Xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên Cơ quan CSĐT Công an Khánh Hòa vào cuộc khám xét khẩn cấp, thu giữ 4.383 xác cá thể rùa biển và 3.855 vỏ sò.
Văn bản giám định ngày 15-1-2015 của Viện Hải dương học Nha Trang kết luận, trong số 4.379 cá thể xác rùa biển có 5 cá thể thuộc loài Quảng Đồng - thường gọi là Đú, có tên khoa học là Caretta caretta, nằm trong nhóm danh mục các loại có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn; 6 cá thể thuộc loại rùa xanh - thường gọi là đồi mồi dứa, có tên khoa học là Chelonia mydas, nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.
Cả hai loại rùa biển Quảng Đông và rùa xanh đều được ghi danh trong phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 4.368 cá thể xác rùa biển còn lại thuộc loại đồi mồi, có tên khoa học là Eretmochelysimbricata, nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN- Endangered).
3.855 vỏ sò thuộc loại trai tai tượng khổng lồ, có tên khoa học là Tridacnagigas, nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), đây là vụ tàng trữ xác rùa biển có số lượng lớn nhất thế giới từ trước đến nay, nhưng do vấp phải khó khăn khi đánh giá chứng cứ và xác định tội danh, nên hoạt động điều tra, truy tố kéo dài hơn 3 năm.
Xác rùa biển do Hoàng Tuấn Hải tàng trữ bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ.
Trong quá trình điều tra và truy tố, Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng ở Khánh Hòa khẳng định vụ tàng trữ hơn 7.000 cá thể rùa biển nêu trên có số lượng lớn nhất thế giới từ trước đến nay, đồng thời kiến nghị truy tố, xét xử Hoàng Tuấn Hải theo khoản 2 điều 190 BLHS.
Thế nhưng ngày 1-3-2017, bị can Hoàng Tuấn Hải chỉ bị Viện KSND TP Nha Trang truy tố theo khoản 1 điều 190 BLHS.
Vụ án này đã 3 lần được TAND TP Nha Trang đưa ra xét xử sơ thẩm, nhưng hai phiên tòa ngày 29-11-2017 và 18-12-2017 đều phải tạm hoãn do vắng mặt nhân chứng, người có quyền nghĩa vụ liên quan, hội thẩm nhân dân bận việc đột xuất.
Trong phiên xử lần thứ ba ngày 11-1-2018, sau phần thẩm vấn bị cáo, Hội đồng xét xử TAND TP Nha Trang đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Trong quyết định này, tòa án cho rằng mặc dù thời điểm Hoàng Tuấn Hải phạm tội chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn, đây là loài động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm, không thể định giá được, nhưng với số lượng tang vật thu giữ đặc biệt lớn, nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và hình ảnh Việt Nam trong hoạt động bảo tồn động vật nguy cấp, quý hiếm, nên cần vận dụng các quy định để xem xét trách nhiệm hình sự của Hoàng Tuấn Hải theo điểm d, khoản 2, điều 190 BLHS 1999.
Tại phiên xử lần này, Hội đồng xét xử TAND TP Nha Trang nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo gián tiếp đe dọa nghiêm trọng đến nguồn động vật quý hiếm ở vùng biển Việt Nam, gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế bởi số lượng rùa biển bị sát hại lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới, gây ảnh hưởng xấu hình ảnh Việt Nam trong việc bảo vệ động vật quý hiếm theo công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trong, nhưng Hoàng Tuấn Hải cố tình chối tội, khai báo không đúng sự thật nên phải xử phạt bị cáo theo điều luật nêu trên để đảm bảo tính nghiêm minh, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.