Bị cáo sát hại bé gái người Việt sẽ ở tù vô thời hạn?

Hà Thu |

Ngày 18/6, ngày cuối cùng phiên sơ thẩm vụ xét xử bé gái Lê Thị Nhật Linh bị sát hại tại Nhật Bản, các công tố viên đã đề nghị mức án tử hình với bị cáo Yasumasa Shibuya. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức án đề nghị, còn mức án cuối cùng sẽ được đưa ra tại phiên tòa ngày 6/7 tới.

Tử hình hay ở tù vô thời hạn?

Trả lời TTXVN tại Nhật Bản, anh Lê Anh Hào, bố của bé Nhật Linh, cho biết sau khi nghe và xem các bằng chứng, nhân chứng xuất hiện tại tòa, anh tin rằng bị cáo chính là thủ phạm.

Anh Hào mong muốn bị cáo sẽ bị tuyên mức án cao nhất, án tử hình, để loại bỏ một mối nguy hiểm cho xã hội.

Liên quan đến vấn đề bị cáo liệu có bị kết án tử hình trong phán quyết dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/7, luật sư Akio Sagawa, luật sư của bên bị hại cho biết: “Tôi và cơ quan công tố đều nghĩ bị cáo chính là thủ phạm.

Từ giờ đến ngày ra phán quyết là thời gian tiến hành cuộc thảo luận giữa tòa án với bồi thẩm đoàn để đưa ra phán quyết đối với bị cáo. Tòa án, căn cứ vào kết quả của cuộc thảo luận đó để đưa ra phán quyết.”

Theo nhận định của ông Akio, các bằng chứng và nhân chứng do cơ quan công tố công bố có giá trị, bị cáo chắc chắn sẽ bị phán quyết có tội. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mức án mà bị cáo phải đối mặt là án tử hình hay ở tù vô thời hạn.

Đề cập đến án tù vô thời hạn, luật sư cho biết nếu như bị cáo được đánh giá là cải tạo tốt, thì sau 15 năm, bị cáo sẽ được trả tự do.

Đây là vấn đề mà gia đình anh Hào cùng với luật sư Akio đang quan ngại vì cho rằng việc trả tự do bị cáo Shibuya Yasumasa sẽ là một mối nguy hiểm vô cùng lớn đối với xã hội.

Luật sư khẳng định vì bé Nhật Linh là nạn nhân người nước ngoài, thu hút sự chú ý của công luận nên các cơ quan chức năng của Nhật Bản làm việc rất cẩn thận để bảo đảm việc xử đúng người đúng tội.

Khoảng 100 điều tra viên của Nhật Bản đã làm việc vô cùng tích cực để lấy được các bằng chứng ADN có giá trị, trở thành cơ sở quan trọng hàng đầu để kết tội bị cáo.

Luật sư Akio khẳng định, chắc chắn vụ án này sẽ lên tới phúc thẩm vì bị cáo sẽ kháng cáo nếu bị phán quyết có tội. Tiến trình này sẽ mất thêm tối thiểu một năm.

Trong trường hợp bị tuyên án tử hình, bị cáo sẽ tiếp tục kháng cáo và khả năng cao vụ án này sẽ kéo dài lên tòa án tối cao, như vậy tiến trình xét xử có thể sẽ kéo dài tối thiểu thêm một năm.

Thông thường, cơ quan công tố thường đề nghị án tử hình đối với những vụ án có số nạn nhân từ hai người trở lên.

Trong vụ án lần này, nạn nhân là một bé gái chín tuổi và cơ quan công tố đã đề nghị mức án tử hình căn cứ vào mức độ tàn ác của hành vi phạm tội.

Trong vòng vài năm trở lại đây, Nhật Bản có hai vụ án giết người có một nạn nhân mà cơ quan công tố đã đề nghị án tử hình.

Đó là vụ án năm 2015, một bé gái lớp 5 bị sát hại tại thành phố Buzen, tỉnh Fukuoka và vụ án năm 2011, một phụ nữ 27 tuổi bị sát hại tỉnh thành phố Okayama.

Tòa án đã ra phán quyết tử hình đối với thủ phạm vụ sát hại người phụ nữ 27 tuổi tại thành phố Okayama, trong khi lại phán quyết mức án tù vô thời hạn đối với thủ phạm vụ án sát hại bé gái lớp 5 tại thành phố Buzen.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại