Bí ẩn về thế giới đại dương “tàng hình” bên trong mặt trăng của sao Thổ

Kiều Anh |

Theo một nghiên cứu mới, mặt trăng của sao Thổ có thể là một thế giới đại dương "tàng hình".

Mimas, mặt trăng nhỏ nhất và gần sao Thổ nhất trong số 92 mặt trăng của hành tinh này, có thể ẩn chứa một đại dương bên trong.

"Nếu Mimas có đại dương, nó có thể đại diện cho một loại thế giới đại dương "tàng hình" mới, với bề mặt không để lộ sự tồn tại của đại dương”, tác giả nghiên cứu Alyssa Rhoden - một nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Southwest ở Boulder, Colorado cho hay.

Nghiên cứu trên được công bố hồi tuần trước trên tạp chí Icarus.

Mimas được nhà thiên văn học người Anh William Herschel phát hiện lần đầu tiên năm 1789 khi là một chấm nhỏ gần sao Thổ. Tàu thăm dò Voyager đã ghi lại hình ảnh của mặt trăng nhỏ bé này năm 1980 và tàu vũ trụ Cassini của NASA đã bay qua nó trong khi nghiên cứu về sao Thổ từ năm 2004 - 2017.

Mặt trăng này chỉ cách sao Thổ 186.000 km và chỉ mất 22 tiếng để hoàn thành 1 vòng quay quanh hành tinh này. Mimas được bao phủ bởi những miệng hố với miệng hố lớn nhất trải rộng tới 130 km.

Các nhà khoa học từ lâu đã muốn tìm hiểu về Mimas khi cho rằng có thể nó được tạo thành hoàn toàn từ băng. Các miệng hố trải khắp mặt trăng này cho thấy bề mặt của nó vẫn đóng băng trong thời gian dài. Tuy nhiên, trước khi tàu vũ trụ Cassini kết thúc sứ mệnh của mình vào năm 2017, nó đã phát hiện ra sự dao động trong vòng quay của mặt trăng này, điều cho thấy Mimas có lẽ đang chứa một đại dương bên dưới bề mặt.

Hệ Mặt trời của chúng ta là nơi có nhiều thế giới đại dương, hoặc các vệ tinh có những đại dương tồn tại bên dưới những lớp vỏ băng dày, trong đó có mặt trăng Europa của sao Mộc, cùng với Titan và Enceladus của sao Thổ. Chúng rất khác so với Trái Đất - hành tinh nằm ở khoảng cách vừa đủ so với Mặt trời để nước tồn tại ở thể lỏng trên bề mặt.

Những thế giới tồn tại đại dương bên trong (IWOW) ở vị trí xa hơn nhiều so với Mặt trời nhưng vẫn có thể hỗ trợ sự sống trong các đại dương của mình.

"Bởi vì bề mặt của Mimas có nhiều miệng hố nên chúng tôi từng nghĩ rằng nó chỉ là một khối băng", nhà nghiên cứu Rhoden cho hay,

"IWOW, chẳng hạn như Enceladus và Europa có xu hướng bị phân mảnh và cho thấy những dấu hiệu khác của hoạt động địa chất. Hóa ra, bề mặt của Mimas đang đánh lừa chúng ta và những hiểu biết mới đã mở rộng đáng kể định nghĩa về một thế giới có tiềm năng sự sống trong và ngoài Hệ Mặt trời".

Mimas bị khóa thủy triều trong quỹ đạo quanh sao Thổ, tức là một mặt của nó luôn đối diện với hành tinh này, tương tự như mặt trăng của chúng ta khi quay quanh Trái Đất. Các nhà khoa học tin rằng hiện tượng gọi là sấy nóng do thủy triều (tidal heating) có lẽ đã giúp các đại dương tồn tại bên dưới bề mặt của Mimas.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại