Những người thợ mỏ khai quật mộ. Hình ảnh: QQ
Tự cổ chí kim chưa từng có một nông dân, một người ở tầng lớp đáy của xã hội nào như Chu Nguyên Chương có thể lật đổ một triều đại, thậm chí còn là triều đại nhà Nguyên với binh lực hùng dũng cai trị gần như toàn bộ Châu Âu và Châu Á lúc bấy giờ.
Khi còn sống, Chu Nguyên Chương đã dốc hết sức mình cai trị và đi chinh phạt các bộ lạc ngoài Trung Nguyên với mong muốn xây nền móng vững chắc cho Minh triều.
Thế nên con cháu của Chu Nguyên Chương luôn mang tâm nguyện bảo toàn được công lao dựng nước của đời trước, tiêu biểu phải kể đến Chu Dĩ Hải – ông vua nhà Nam Minh dành 18 năm cuối đời kiên cường chống lại triều đình nhà Thanh với mục đích khôi phục Minh triều vĩ đại thời kì hoàng kim.
Ông vua lụi tàn kiên cường chống Thanh triều
Chu Dĩ Hải, cháu đời thứ 10 của Chu Nguyên Chương, là Giám Quốc Lỗ Vương tại tỉnh Thiệu Hưng. Với sức ép của nhà Thanh mới thành lập lúc bấy giờ và những cuộc nội chiến liên miên thời kỳ lụi tàn của nhà Minh, Lỗ Vương không chống trả được liền tháo chạy về Kim Môn nương nhờ Trịnh Thành Công.
Chân dung Giám quốc Lỗ Vương Chu Dĩ Hải. Hình ảnh: Wantubizhi
Trịnh Thành Công cũng là một danh tướng kiệt xuất thời kỳ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Ông được tôn là anh hùng dân tộc khi dùng 16 năm cuối đời mình để nỗ lực phản Thanh phục Minh nhưng không thành công trong các chiến dịch quân sự tại miền Đông Nam Trung Quốc.
"Thanh sử cảo" ghi lại "Chạy đến Kim Môn, Trịnh Thành Công lịch sự tử tế, không được lâu, Dĩ Hải bất bình, chạy xuống phía Nam. Trịnh Thành Công dìm Dĩ Hải xuống biển đến chết."
Danh tướng Trịnh Thành Công. Hình ảnh: Wikipedia
Theo ghi chép của nhà Thanh, không khó để thấy rằng Trịnh Thành Công và Chu Dĩ Hải đã xảy ra mâu thuẫn, sau đó Trịnh Thành Công dìm sống Chu Dĩ Hải xuống biển. Đây rõ ràng là mưu sát. Nhưng hậu thế sau này vẫn luôn thắc mắc rằng hai người cùng mục tiêu chống lại Thanh triều khôi phục nhà Minh, có lý do gì để vị tướng họ Trịnh mưu sát chủ tử?
Hơn nữa, Trịnh Thành Công luôn nổi tiếng là một tướng quân nhân nghĩa, có phẩm giá cao quý. Vậy tại sao Trịnh Thành Công lại ra tay với Chu Dĩ Hải như trong sử Thanh ghi lại?
Cuộc khai quật khiến sử Thanh phải viết lại
Vào năm 1959, một đội thợ mỏ trên đảo Kim Môn đang khai thác khoáng sản, họ cho nổ một tảng đá dưới chân núi và vô tình phát hiện ra một tấm văn bia. Ngay sau khi báo cho cục di tích văn hóa địa phương, các chuyên gia vội vã đến nơi và phát hiện ra đó chính là lăng mộ của Chu Dĩ Hải.
Điều khiến các chuyên gia bất ngờ là Chu Dĩ Hải không được chôn ở Sơn Đông – thái ấp của ông, mà là ở Kim Môn, tỉnh Phúc Kiến ngày nay.
Trên văn bia ghi rõ sáu chữ "Minh Giám quốc Lỗ Vương mộ". Nội dung trên bia đá đã lật ngược lại những ghi chép trong Thanh sử cảo: "Vương Sư bị bệnh suyễn, Nhâm Dần tháng 11 ngày 13, tắc nghẽn phổi mà chết."
Tấm văn bia được ở ngôi mộ của Lỗ Vương. Hình ảnh: Lbkws
Có thể thấy, Chu Dĩ Hải chết vì bệnh hen suyễn và qua đời ở tuổi 45. Quan trọng hơn, ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Dần chính là ngày 13 tháng 11 dương lịch năm 1662, trong khi Trịnh Thành Công mất vào ngày 23 tháng 6 dương lịch năm 1662.
Như vậy Chu Dĩ Hải chết sau Trịnh Thành Công nên tuyệt đối không thể có chuyện Trịnh Thành Công dìm người đồng hành cũng là chủ tử của mình xuống đáy biển sâu. Thậm chí còn có rất nhiều lời tương truyền rằng Trịnh Thành Công còn chính là người đã lo lắng hậu sự, tự tay chôn cất Chu Dĩ Hải.
Việc khai quật văn bia này cuối cùng đã xóa sạch những nỗi bất bình và oan ức mà Trịnh Thành Công đã phải gánh chịu trong suốt 300 năm cũng như chứng minh rằng sử Thanh đã ghi chép sai sự thật về cái chết của Lỗ Vương.
Thậm chí trong gia phả được ghi lại của con cháu Trịnh Thành Công có kể rằng trước khi lâm chung, Trịnh Thành Công vẫn còn hét lên: "Ta không còn mặt mũi nào để gặp tiên đế dưới suối vàng."